Những ngày cuối tháng 7/2023, trao đổi với Người Đưa Tin về tình hình kinh doanh sản xuất nửa đầu năm, nhiều doanh nghiệp lo lắng vì hàng hóa sụt giảm, thiếu việc làm nên công suất hoạt động chỉ còn chưa đến 50% so với cùng kỳ năm trước.
Ông Nguyễn Ngọc Thanh, Giám đốc Công ty vận tải Kim Phát cho biết: “Tôi chứng kiến có nhiều doanh nghiệp cùng ngành chỉ còn sản lượng hàng hóa để chuyên chở chỉ khoảng 30% so cùng kỳ năm trước. Giai đoạn hiện nay khó khăn hơn cả những năm 2008 - 2009 khi kinh tế suy thoái”.
Doanh thu giảm, tương ứng công ty Kim Phát cũng lỗ sau 6 tháng hoạt động. Chính vì vậy, doanh nghiệp không có cách để tiếp cận vốn vay từ ngân hàng.
Nhiều doanh nghiệp tại Tp.HCM đang bị giảm đơn hàng, thu hẹp sản xuất.
“Các ngân hàng đều cho hay phải dựa vào điều kiện chung là có tài sản đảm bảo, kinh doanh có lãi. Trong khi đó, một số hợp đồng vay trước đây công ty cũng vẫn trả lãi từ 10 - 10,5%/năm. Mức lãi suất này chỉ giảm nhỏ giọt so với đầu năm nay”, ông Thanh phân tích.
Do đó, chủ doanh nghiệp này cho rằng, mỗi ngành nghề hiện có cái khó riêng, cũng như có doanh nghiệp lớn, nhỏ hay tình hình tốt, xấu khác nhau. Nếu các ngân hàng vẫn đánh đồng, áp dụng chung điều kiện để xét duyệt cho vay như phải có tài sản đảm bảo, kinh doanh có lãi thì có rất nhiều doanh nghiệp không thể đáp ứng được điều kiện đó nên sẽ không thể nào vay được.
Tương tự, giám đốc một doanh nghiệp hoạt động về lưu trú, dịch vụ du lịch tại Tp.HCM băn khoăn vì không thể vay được vốn ngân hàng với yêu cầu ngoài tài sản đảm bảo là phải kinh doanh 2 năm trước đó có lãi.
Ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Tp.HCM
“Hầu hết doanh nghiệp đang kinh doanh không thuận lợi, do đó, khả năng số lượng doanh nghiệp rút khỏi thị trường sẽ còn gia tăng, ảnh hưởng đến nguồn cung hàng hóa, dịch vụ và thu ngân sách".
“Thế nhưng đã hơn 3 năm qua kể từ khi đại dịch Covid-19 diễn ra, làm sao các khách sạn, dịch vụ du lịch có lãi được? Ngoài thời gian dài khách sạn phải đóng cửa thì cho đến nay khách nước ngoài cũng chưa trở lại nhiều, chỉ hoạt động cầm chừng. Muốn khôi phục thì vẫn phải cần vốn lưu động, duy tu sửa chữa hay trả lương cho người lao động. Nhưng với tình trạng này nên nhiều đơn vị phải rao bán tài sản, ngừng hoạt động vì "thiếu máu" để duy trì”, giám đốc này nói.
Báo cáo 6 tháng đầu năm của Hiệp hội Doanh nghiệp Tp.HCM (HUBA) chỉ ra có 51% doanh nghiệp thuộc Hiệp hội này có doanh thu giảm, 62% doanh nghiệp có lợi nhuận giảm trong khi sản phẩm, hàng hóa tồn kho tăng lên 41%.
Ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Tp.HCM nhận định: “Điều này cho thấy tình hình là hầu hết doanh nghiệp đang kinh doanh không thuận lợi, khả năng phát triển trong các quý tiếp theo là khá khó khăn, thậm chí có tới 30% doanh nghiệp (thuộc HUBA) đánh giá tình hình kinh doanh quý tiếp theo sẽ tiếp tục giảm. Do đó, khả năng số lượng doanh nghiệp tiếp tục rút khỏi thị trường sẽ còn gia tăng, ảnh hưởng đến nguồn cung hàng hóa, dịch vụ và thu ngân sách".
Những trăn trở này của nhiều doanh nghiệp là có cơ sở khi Ngân hàng Nhà nước - Chi nhánh Tp.HCM công bố, dư nợ tín dụng trên địa bàn Tp.HCM trong 6 tháng đầu năm 2023 ước đạt trên 3,3 triệu tỷ đồng, tăng 3,5% so với cuối năm 2022 và tăng 7,1% so với cùng kỳ. Hiểu nôm na là các nhà băng đang dồi dào thanh khoản.
Ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước - Chi nhánh Tp.HCM
Ngành Ngân hàng Tp.HCM sẽ tiếp tục thực hiện các giải pháp và hành động quyết liệt hơn nữa đưa cơ chế chính sách của Chính phủ, của Ngân hàng trung ương đi vào thực tế, nhanh chóng, kịp thời, hỗ trợ cho doanh nghiệp vượt khó khăn, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Phát biểu tại Hội nghị đối thoại và kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp do Ngân hàng Nhà nước - Chi nhánh Tp.HCM, UBND quận Tân Bình và quận Tân Phú tổ chức vào ngày 11/7, ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước - Chi nhánh Tp.HCM khẳng định, ngành Ngân hàng Tp.HCM sẽ tiếp tục thực hiện các giải pháp và hành động quyết liệt hơn nữa đưa cơ chế chính sách của Chính phủ, của Ngân hàng trung ương đi vào thực tế, nhanh chóng, kịp thời, hỗ trợ cho doanh nghiệp vượt khó khăn, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Cũng theo ông Lệnh, các tổ chức tín dụng cần tổ chức triển khai thực hiện nghiêm các quy định về lãi suất của Ngân hàng trung ương, các chương trình tín dụng của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước; đồng thời chủ động giảm lãi suất cho vay đối với khách hàng, phù hợp khả năng tài chính của mỗi tổ chức tín dụng để hỗ trợ nhanh chóng và kịp thời cho doanh nghiệp.
TS. Châu Đình Linh, Trường Đại học Ngân hàng Tp.HCM
Chính sách tài khoá cần giải quyết được thủ tục hành chính hỗ trợ những chủ thể kinh doanh trong nền kinh tế. Chính sách tài khoá phải gắn liền với hiệu quả giải ngân đầu tư công. Hai chính sách này cần song hành, đồng nhất để tăng trưởng tín dụng và kinh tế.
Theo các chuyên gia kinh tế, các chính sách hỗ trợ về tín dụng chỉ là điều kiện cần chứ chưa đủ với tình hình hiện nay. Cụ thể, TS. Châu Đình Linh, Trường Đại học Ngân hàng Tp.HCM nhìn nhận, một số quốc gia lớn, lạm phát đang ở mức cao, sức mua giảm. Điều này đã khiến nền kinh tế nội tại nước ta bị ảnh hưởng trầm trọng. Nhu cầu sử dụng vốn của những doanh nghiệp sản xuất, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trong nền kinh tế sụt giảm. Đặc biệt doanh nghiệp có sức hấp thụ vốn lớn như bất động sản, chứng khoán gặp khó khăn, vướng mắc.
Đồng thời chính sách tiền tệ và chính sách tài khoá chưa có sự phối hợp nhịp nhàng. Trước đây, chính sách tiền tệ và chính sách tài khoá khá độc lập. Khi ngành kinh tế vĩ mô gặp khó khăn, hai chính sách này có sự tác động, ảnh hưởng qua lại.
“Chính sách tiền tệ đưa ra nhiều Thông tư, Nghị quyết, trong đó ngành ngân hàng giảm lãi suất. Chính sách tài khóa đưa ra nhiều chính sách liên quan đến thúc đẩy đầu tư công, giảm VAT và những chính sách thuế khác. Tuy nhiên, chính sách tiền tệ đang “nhỉnh” hơn so với chính sách tài khoá”, ông Linh phân tích.
Do đó, TS. Châu Đình Linh chỉ ra, chính sách tài khoá cần giải quyết được thủ tục hành chính hỗ trợ những chủ thể kinh doanh trong nền kinh tế. Chính sách tài khoá phải gắn liền với hiệu quả giải ngân đầu tư công. Hai chính sách này cần song hành, đồng nhất để tăng trưởng tín dụng và kinh tế.
“Muốn tăng trưởng tín dụng ngân hàng cần “may đo” sản phẩm tài chính phù hợp với từng đối tượng, ngành nghề. Doanh nghiệp phải hoàn thiện, đáp ứng đầy đủ những yêu cầu vay vốn của ngân hàng. Để tự cứu lấy mình, doanh nghiệp phải cải thiện năng lực, chuẩn bị hồ sơ, chứng minh năng lực tài chính, đảm bảo uy tín người đứng đầu… đáp ứng đầy đủ những yêu cầu ngân hàng. Nếu có sự hợp tác đồng bộ, nhuần nhuyễn sẽ tăng trưởng tín dụng”, ông Linh nói.
Góp ý kiến, TS. Nguyễn Trí Hiếu có quan điểm, để tăng khả năng tiếp cận tín dụng cho doanh nghiệp thì việc giảm lãi suất không phải là giải pháp duy nhất. Trước hết, nền kinh tế nước ta đang trong giai đoạn trì trệ. Do đó, nhiều doanh nghiệp không có đơn đặt hàng hoặc là đơn đặt hàng bị giảm, kinh doanh thua lỗ nên doanh nghiệp không có nhu cầu vay vốn.
Việc tiếp cận vốn tín dụng của doanh nghiệp tại ngân hàng còn trở ngại.
Theo báo cáo của Cục Thống kê Tp.HCM, tính từ đầu năm 2023 đến ngày 20/6, Tp.HCM đã cấp phép 23.035 doanh nghiệp với vốn đăng ký hơn 212.626 tỷ đồng, tăng 7,6% về giấy phép và giảm 18,3% về vốn so với cùng kỳ.
Trong đó, 9 ngành dịch vụ chủ yếu (gồm thương mại; vận tải kho bãi; du lịch; bưu chính, viễn thông và thông tin truyền thông; tài chính, tín dụng, ngân hàng, bảo hiểm; kinh doanh bất động sản; dịch vụ thông tin tư vấn - khoa học công nghệ; giáo dục - đào tạo; y tế) có 17.085 doanh nghiệp thành lập, tăng 9% so với cùng kỳ; vốn đăng ký đạt 137.557 tỷ đồng, giảm 29,6%.
Nếu phân theo loại hình doanh nghiệp thì có 20.621 công ty TNHH, tăng 10,3% so với cùng kỳ; tổng vốn đăng ký đạt 162.513 tỷ đồng, tăng 20,2% so với cùng kỳ. Công ty cổ phần có 2.063 đơn vị, giảm 18,3%; vốn đăng ký 49.876 tỷ đồng, giảm 60,1%. Còn doanh nghiệp tư nhân 347 đơn vị, tăng 77,9%; vốn đăng ký 182 tỷ đồng, tăng 107,1%.
Tp.HCM đang triển khai kích cầu để tăng sức mua, giúp doanh nghiệp tái sản xuất.
Thứ hai, cũng chính bởi nền kinh tế đang ở trong giai đoạn trì trệ nên rủi ro kinh doanh tăng lên. Rủi ro ở đây là rủi ro về tài chính, thanh khoản của các doanh nghiệp bị suy yếu. Chính vì thế, các ngân hàng rất dè dặt trong vấn đề cho vay. Ngân hàng muốn cho vay những khách hàng mà họ tin tưởng và những khách hàng có thanh khoản tốt. Còn với những khách hàng, nhất là những doanh nghiệp nhỏ và vừa, ngân hàng rất sợ vấn đề nợ xấu. Như vậy, rủi ro của nền kinh tế, rủi ro kinh doanh mà các ngân hàng rất thận trọng trong vấn đề cho vay.
Điểm thứ ba nữa là liên quan đến lãi suất, lãi suất cho vay trong nửa đầu năm nay không giảm nhiều như lãi suất huy động. Lãi suất cao khiến chi phí tài chính trở thành gánh nặng cho các doanh nghiệp.
TS. Nguyễn Trí Hiếu
TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, nếu chỉ nhìn vào lãi suất và thanh khoản của các ngân hàng, việc "đói vốn” của các doanh nghiệp thì rất khó giải quyết triệt để vấn đề ngân hàng thừa tiền nhưng doanh nghiệp vẫn khó vay.
Ông Hiếu chỉ ra, Quỹ Bảo lãnh tín dụng tại các địa phương có quy mô còn rất nhỏ và hoạt động chưa hiệu quả. Nếu có Quỹ Bảo lãnh tín dụng mang tầm cỡ quốc gia thì ngân hàng có thể “mạnh tay” cho doanh nghiệp vay vốn.
Ngoài giải pháp là Quỹ Bảo lãnh tín dụng, ông Hiếu nhìn nhận, Ngân hàng Nhà nước nên thúc đẩy các ngân hàng tiến tới một hình thức cho vay tín chấp bên cạnh hình thức cho vay thế chấp. Các ngân hàng cần ngồi lại với Ngân hàng Nhà nước để đưa ra những quy định, những mô hình cho vay tín chấp phù hợp. Nhưng điều này không có nghĩa là hạ chuẩn tín dụng, bởi việc hạ chuẩn cho vay dễ dẫn đến nợ xấu và tình trạng mất vốn của các ngân hàng.
Ông Phạm Bình An, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Tp.HCM
Nửa cuối năm nay, thị trường vẫn rất khó đoán định, nhưng có thể thấy tín hiệu lạc quan rất ít ỏi, khiến doanh nghiệp ngần ngại trong việc vay thêm vốn để nhập nguyên liệu hay sản xuất hàng hóa dự trữ.
“Thành phố này cần triển khai hỗ trợ cho những ngành hàng gặp khó khăn, kích cầu tiêu dùng nội địa, tăng tiêu thụ trong nước bằng các biện pháp như mở rộng tín dụng tiêu dùng, thiết lập không gian thương mại mới như kinh tế sông, kinh tế đêm…”, ông An đề xuất.
Đặc biệt, trong các dịp lễ Tết, Tp.HCM cần chỉ đạo những biện pháp đồng bộ giúp phục hồi du lịch, kích cầu mua sắm từ các du khách trong và ngoài nước như triển khai các chính sách hỗ trợ tín dụng, thuế, lãi suất...
Đồng thời, ông An cho rằng cần đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, giúp doanh nghiệp rút bớt thủ tục rườm rà, qua đó cắt giảm được những chi phí không cần thiết.
NGUOIDUATIN.VN |