Trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng khốc liệt và nhu cầu thực phẩm tăng cao do dân số gia tăng, ngành nông nghiệp toàn cầu phải đối mặt với những áp lực chưa từng có. Từ việc phải thích nghi với điều kiện thời tiết cực đoan cho đến nhu cầu cấp thiết về an toàn lương thực, ngành nông nghiệp buộc phải chuyển mình mạnh mẽ để đáp ứng các thách thức mới.

Trên thế giới đã có nhiều quốc gia đi đầu trong đổi mới trong sản xuất nông nghiệp – từ công nghệ canh tác hiện đại đến quản lý tài nguyên hiệu quả. Các sáng kiến này không chỉ nhằm gia tăng sản lượng mà còn để bảo vệ hệ sinh thái và giảm thiểu tác động tiêu cực lên môi trường.

Khi nông nghiệp được định hình lại để hướng tới sự bền vững, các quốc gia không chỉ đảm bảo an ninh lương thực mà còn xây dựng nền kinh tế nông nghiệp vững chắc, làm nền tảng cho một tương lai phát triển lâu dài.

Hà Lan, Nhật Bản và Thái Lan là những quốc gia điển hình trong quá trình chuyển đổi tư duy sản xuất nông nghiệp. Mỗi nước đã tạo nên những hướng đi độc đáo, nhưng điểm chung nổi bật là sự hỗ trợ mạnh mẽ từ chính phủ, giúp nông dân tối ưu hóa sản xuất và phát triển theo hướng bền vững, thân thiện với môi trường.

Với diện tích đất hạn chế, Hà Lan đã trở thành quốc gia xuất khẩu nông sản hàng đầu nhờ việc tiên phong áp dụng công nghệ cao trong nông nghiệp. Đất nước này đã phát triển các hệ thống nông nghiệp hiện đại, đặc biệt là mô hình nhà kính công nghệ cao, không chỉ giúp tiết kiệm tài nguyên mà còn nâng cao năng suất.

Hệ thống chăm sóc cây trồng hiện đại tại Hà Lan

Tương tự, Nhật Bản cũng nổi tiếng với nông nghiệp thông minh, nhưng tập trung vào ứng dụng robot và trí tuệ nhân tạo để đối phó với thách thức già hóa dân số và thiếu hụt lao động. Các robot được phát triển để thực hiện những công việc như thu hoạch và chăm sóc cây trồng, không chỉ giúp tăng năng suất mà còn giảm sự phụ thuộc vào lao động tay chân.

Đáng chú ý, chính phủ Nhật Bản đã khởi xướng nhiều chính sách tài trợ khuyến khích nông dân sử dụng công nghệ, bao gồm các khoản vay lãi suất thấp và chương trình "Nông nghiệp Thông minh". Chương trình này không chỉ giúp nông dân làm quen với công nghệ mà còn cung cấp hỗ trợ tài chính để họ có thể trang bị các thiết bị hiện đại. Những chính sách này đảm bảo rằng người nông dân Nhật Bản có thể cạnh tranh hiệu quả trên thị trường quốc tế, đồng thời xây dựng nền nông nghiệp vững chắc, giảm thiểu rủi ro trước thách thức tương lai.

Trong khi đó, là một quốc gia nông nghiệp lớn tại Đông Nam Á, Thái Lan đã lựa chọn con đường phát triển nông nghiệp hữu cơ và bền vững. Để giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường và nâng cao chất lượng nông sản, chính phủ Thái Lan đã đưa ra các chính sách khuyến khích sản xuất hữu cơ. Những chương trình này bao gồm miễn thuế cho sản phẩm hữu cơ, hỗ trợ kiểm định chất lượng, phát triển thị trường nội địa và hỗ trợ kỹ thuật cho nông dân.

Nông nghiệp Thái Lan đang ngày càng phát triển

Song song với đó, chính phủ Thái Lan còn tổ chức các hội chợ và sự kiện quảng bá sản phẩm hữu cơ, tạo điều kiện để nông dân ổn định đầu ra và nâng cao thu nhập. Thông qua các chính sách này, Thái Lan không chỉ thúc đẩy sản xuất bền vững mà còn góp phần tạo dựng thị trường nông sản thân thiện với môi trường.

Có thể thấy, câu chuyện từ Hà Lan, Nhật Bản và Thái Lan chỉ là những điển hình cho thấy chuyển đổi tư duy trong nông nghiệp là xu thế tất yếu. Sự thành công của 3 quốc gia trên cũng chứng minh hướng đi đúng đắn và đem lại hiệu quả thiết thực cho ngành nông nghiệp.

Đồng thời, bên cạnh nỗ lực của ngành nông nghiệp nói chung, vai trò của hỗ trợ từ Chính phủ đóng vai trò quyết định trong quá trình chuyển đổi. Những chính sách đúng đắn và kịp thời đã tạo động lực cho nông dân ở cả ba quốc gia này áp dụng công nghệ hiện đại, tăng cường hiệu quả sản xuất và phát triển nông nghiệp bền vững. Đây chính là những mô hình tiêu biểu, cung cấp bài học quý báu cho các quốc gia khác trong nỗ lực đảm bảo an ninh lương thực và bảo vệ môi trường trong thời đại mới.

Tại Việt Nam, nông nghiệp, nông dân và nông thôn luôn là ưu tiên hàng đầu của Đảng, Nhà nước và Chính phủ, trải qua gần 80 năm phát triển song hành với lịch sử dựng nước và giữ nước – từ thời kỳ kháng chiến và kiến quốc đến thời kỳ thống nhất và đổi mới ngày nay.

Nhìn lại trước năm 1986, nông nghiệp Việt Nam chủ yếu mang tính manh mún, sản xuất nhỏ lẻ và mức tích lũy rất thấp. Kỹ thuật sản xuất lạc hậu, phụ thuộc nhiều vào tự nhiên, trong khi cơ chế quản lý lại tập trung và mang tính mệnh lệnh, gần như loại bỏ hoàn toàn vai trò của thị trường.

Trong giai đoạn này, nông nghiệp chủ yếu đáp ứng nhu cầu lương thực tối thiểu, tập trung giải quyết tình trạng thiếu ăn. Với nông sản, cầu ít biến động theo giá nên khó áp dụng các biện pháp giảm giá để kích cầu. Khi giá nông sản giảm sâu, thiệt hại kinh tế gia tăng và rủi ro đối với ngành nông nghiệp cũng theo đó mà cao hơn.

Tuy nhiên, sau Đổi mới năm 1986, đặc biệt từ khi chính sách khoán được triển khai, nông nghiệp Việt Nam đã có những chuyển biến mạnh mẽ, với sản lượng nông sản tăng trưởng đáng kể.

Từ khi thực hiện chính sách khoán đến năm 2021, ngành nông nghiệp phát triển vượt bậc, không chỉ đáp ứng đủ nhu cầu trong nước mà còn vươn tầm ra thị trường quốc tế. Việt Nam nhiều năm liền nằm trong top 3 quốc gia xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới, và các mặt hàng khác như cà phê, hồ tiêu, thủy sản cũng giữ vị thế quan trọng trên thị trường toàn cầu.

Sau gần 40 năm đổi mới, nông nghiệp Việt Nam đã dịch chuyển từ tư duy “lấy công làm lãi” chỉ chú trọng sản lượng sang kinh tế nông nghiệp, tập trung vào phát triển hệ sinh thái bền vững với giá trị gia tăng cao.

Xây dựng nền công nghiệp quốc gia hiện đại, vững mạnh, gồm những ngành công nghiệp nền tảng và công nghiệp mũi nhọn gắn với công nghệ thông minh. Khuyến khích các doanh nghiệp Việt Nam tham gia phát triển những ngành công nghiệp mới, hiện đại…

Đây là định hướng chiến lược theo Nghị quyết số 19-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, hướng tới xây dựng chuỗi giá trị nông sản toàn cầu, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, và phát huy tiềm năng của nông nghiệp, nông dân và nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn 2045.

Trong giai đoạn 1995 - 2023, giá trị xuất khẩu hàng nông sản của Việt Nam đã tăng từ hơn 1,7 tỷ USD vào năm 1995 lên khoảng 28,15 tỷ USD vào năm 2023. Những thành tựu trên là minh chứng cho bước tiến lớn của sản xuất nông nghiệp Việt Nam.

Tuy vậy, tình trạng “được mùa mất giá” và sự phụ thuộc vào xuất nhập khẩu khiến nông sản Việt Nam vẫn phải đối mặt với nguy cơ dư thừa và cần “giải cứu” thường xuyên.

Thách thức trên lại tiếp tục đặt ra bài toán cho ngành nông nghiệp Việt Nam trên hành trình đổi mới. Đó là phải làm sao để tổ chức lại chuỗi giá trị toàn ngành, đảm bảo phân bổ nguồn lực hợp lý và hỗ trợ chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Đổi mới tư duy trong nông nghiệp Việt Nam không chỉ là một yêu cầu cấp bách, mà còn là một hành trình dài, đòi hỏi tầm nhìn chiến lược và sự kiên trì.

Suốt hàng chục năm qua, ngành nông nghiệp đã không ngừng cải cách, thay đổi, phát triển để đạt được những thành tựu như hôm nay. Tuy nhiên, khi đặt trong bối cảnh hiện tại – với sự cạnh tranh ngày càng gay gắt và nhu cầu thị trường ngày càng cao – chúng ta không thể chỉ dựa vào những thành công cũ. Đổi mới liên tục là động lực đưa nông nghiệp lên một tầm cao mới, nơi không chỉ có sản lượng mà còn là giá trị và chất lượng vượt trội.

Với mục tiêu của một "kỷ nguyên vươn mình", nông nghiệp phải thực hiện một cuộc chuyển mình toàn diện từ gốc rễ – từ tư duy, phương pháp đến công nghệ. Đây là quá trình thay đổi nhận thức sâu sắc về vai trò của nông nghiệp, không chỉ là cung cấp lương thực, mà còn là lĩnh vực có thể đóng góp mạnh mẽ vào kinh tế quốc gia, tạo việc làm, và nâng cao chất lượng sống cho người nông dân.

Chính những suy nghĩ mới này sẽ là nền tảng để ngành nông nghiệp không ngừng tiến bước, đồng hành và góp phần phát triển bền vững cho nền kinh tế Việt Nam.

Việc chuyển sang tư duy kinh tế nông nghiệp mở ra cơ hội cho một nền nông nghiệp hiện đại với sản phẩm chất lượng cao, quy mô lớn, đủ sức đáp ứng cả thị trường trong nước và quốc tế. Các mô hình hợp tác xã kiểu mới, trang trại, doanh nghiệp lớn và tập đoàn kinh doanh ngày càng khẳng định vai trò của mình, minh chứng cho chiến lược phát triển nông nghiệp đúng đắn.

Chính vì vậy mà câu chuyện đổi mới cũng chính là trăn trở của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan khi nghĩ về diện mạo của nền nông nghiệp quốc gia. Ông nhấn mạnh rằng phát triển nông nghiệp, nông thôn là chìa khóa của quá trình phát triển kinh tế - xã hội, góp phần thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Những năm qua, nông nghiệp Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu vượt bậc, đưa Việt Nam vào nhóm 5 quốc gia xuất khẩu nông sản lớn nhất thế giới. “Có được những thành tựu trong những năm qua là nhờ ngành nông nghiệp đã nhất quán chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp, từ tăng trưởng đơn giá trị sang tăng trưởng đa tầng giá trị, theo quan điểm lãnh đạo, định hướng xuyên suốt của Đảng, Quốc hội, sự điều hành sát sao của Chính phủ” Bộ trưởng Hoan nói.

Tuy nhiên, Bộ trưởng chỉ ra rằng, nếu không đẩy mạnh đổi mới công nghệ, đặc biệt là ứng dụng công nghệ số, ngành nông nghiệp sẽ đối mặt với nhiều thách thức như tụt hậu công nghệ, cạn kiệt tài nguyên và suy giảm năng lực cạnh tranh.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan khẳng định: “Mọi sự thay đổi đều khó khăn, nhưng nếu không thay đổi sẽ khó khăn hơn”.

Thế giới đang thay đổi không ngừng, người tiêu dùng hiện nay mua sản phẩm không chỉ vì giá trị vật chất mà còn vì cách thức và câu chuyện phía sau quy trình sản xuất. Chính vì vậy, sự khác biệt sẽ là yếu tố làm nên thương hiệu cho nông sản Việt, thay vì chạy theo tiêu chí “nhất” hay “đứng đầu”.

Thực hiện: Phương Anh

Thiết kế: Hoàng Yến

NGUOIDUATIN.VN |