Nghị quyết số 19-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về nông nghiệp, nông dân, và nông thôn đã nhấn mạnh mối liên kết mật thiết của ba yếu tố này để xây dựng một nền nông nghiệp phát triển bền vững và hiện đại. Theo đó, nông dân là trung tâm, nền nông nghiệp là nền tảng, và sự phát triển nông thôn là động lực.
Để đạt được mục tiêu này, cần tiếp tục đẩy mạnh các giải pháp chuyển đổi từ tăng trưởng một giá trị sang đa giá trị và thay đổi từ tư duy sản xuất nông nghiệp truyền thống sang tư duy kinh tế nông nghiệp.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cho rằng, chuyển đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp đơn thuần sang kinh tế nông nghiệp là hướng đi chủ đạo. Việc phát triển kinh tế nông thôn hiện nay đòi hỏi phải có cách tiếp cận bài bản hơn và cần nâng cao tri thức, năng lực cho người dân nông thôn để họ thích ứng với sự thay đổi. Bộ NN&PTNT cũng khuyến khích các địa phương phát huy sáng tạo trong triển khai các chương trình phát triển.
Việc nâng cao tư duy kinh tế nông nghiệp hiện đại cho nông dân được xem là yếu tố then chốt để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường, đồng thời tạo nền tảng vững chắc cho phát triển bền vững.
Nếu như tư duy sản xuất nông nghiệp truyền thống chỉ tập trung vào việc gia tăng sản lượng mà bỏ qua các yếu tố thị trường, chất lượng và thương hiệu sản phẩm, thì tư duy kinh tế nông nghiệp hiện đại lại giúp nông dân nhận thức sâu sắc rằng cần tạo ra giá trị gia tăng, chuyển từ "bán thứ mình có" sang "bán thứ thị trường cần". Cách tiếp cận này không chỉ nâng cao giá trị sản phẩm trên mỗi đơn vị diện tích canh tác mà còn mở rộng khả năng phát triển dài hạn cho ngành nông nghiệp.
Trong bối cảnh đó, người nông dân ngày nay cũng đang dần thay đổi tư duy, đặc biệt là khi ứng dụng các nền tảng số và tận dụng xu hướng tiêu dùng mới. Điển hình như anh Bùi Văn Toản ở xã Cò Nòi, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La. Chia sẻ với Người Đưa Tin, anh Toản cho biết: “Càng bước chân vào nông nghiệp, tôi càng thấu hiểu nỗi khổ của người nông dân trong cảnh được mùa lại mất giá".
Trước đây, gia đình anh Toản chỉ bán mận tại các chợ truyền thống, nhưng giữa vụ mùa năm 2023, bị thương lái ép giá nên đã thử nghiệm bán hàng qua sàn thương mại điện tử. Nhờ đó, giá bán sản phẩm tăng lên đến 20.000 đồng/kg, trong khi thương lái chỉ mua với giá 8.000 đồng/kg. Kết quả khả quan này đã giúp anh Toản quyết định gắn bó với thương mại điện tử, không chỉ để bán sản phẩm từ vườn nhà mà còn hỗ trợ quảng bá nhiều loại nông sản khác của Tây Bắc như na, dâu tây,…
Tuy nhiên, trong hành trình chuyển đổi, anh Bùi Văn Toản cũng như nhiều người nông dân khác còn gặp trở ngại lớn do cơ sở hạ tầng mạng còn yếu kém. Nhiều khu vực chưa có kết nối internet ổn định khiến việc truyền tải hình ảnh, cập nhật thông tin gặp khó khăn, ảnh hưởng đến khả năng giao tiếp với khách hàng trực tuyến.
Tuy nhiên, vượt khó khăn, anh Toản còn bắt đầu xây dựng thương hiệu “Nông sản Tây Bắc 26” trên nền tảng số với mong muốn đưa sản phẩm nông sản Tây Bắc đến với mọi miền đất nước. Nhờ những video chân thực ghi lại quá trình trồng trọt và chăm sóc, cũng như cung cấp đầy đủ thông tin về nguồn gốc, chất lượng của trái mận hậu tại vườn, anh đã dần chinh phục được lòng tin của khách hàng.
Đổi mới trong lĩnh vực nông nghiệp và tìm kiếm chỗ đứng vững chắc cho sản phẩm Việt Nam cũng là điều mà ông Huỳnh Văn Thòn - Chủ tịch HĐQT Lộc Trời, luôn trăn trở.
Trong một lần chia sẻ với chúng tôi, ông Thòn nhận định: “Chỗ đứng của gạo Việt Nam vẫn chưa vững, lợi ích mang lại chưa lớn”. Việc cần làm là tiếp tục cải cách, từ tổ chức lại sản xuất, đầu tư vào khoa học và công nghệ, đến xây dựng cơ cấu giống, quy trình canh tác, kiểm soát nguồn gốc, cấp mã số vườn trồng. Những cải cách này sẽ giúp giảm giá thành và tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm.
Mục tiêu mà Lộc Trời quyết tâm theo đuổi là xây dựng được lòng tin bền vững từ phía khách hàng, giúp họ không chỉ tin dùng mà còn yêu mến sản phẩm, trân trọng những nỗ lực “một nắng hai sương” của người nông dân làm ra từng hạt gạo, để từ đó thêm yêu đất nước Việt Nam.
Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, trong 10 tháng đầu năm 2024, nhiều nhóm sản phẩm xuất khẩu ghi nhận giá trị tăng cao: thủy sản tăng 12%, lâm sản tăng gần 20%, nông sản tăng gần 26%. Xuất khẩu gạo trong 10 tháng đạt gần 7,8 triệu tấn, tương đương 4,86 tỷ USD, tăng 10,2% về khối lượng và 23,4% về giá trị so với cùng kỳ năm 2023.
Ngoài ra, giá trị xuất khẩu rau quả tháng 10/2024 ước đạt 700 triệu USD, nâng tổng giá trị xuất khẩu rau quả trong 10 tháng đầu năm lên 6,34 tỷ USD, tăng 31,5% so với cùng kỳ năm trước.
Những con số này tiếp tục là dấu ấn ấn tượng, minh chứng cho những thành quả ban đầu trong hành trình hướng đến giá trị bền vững của ngành nông nghiệp Việt Nam.
Không dừng lại ở đó, việc chuyển đổi tư duy trong sản xuất nông nghiệp còn tạo ra nhiều không gian cho người nông dân thỏa sức sáng tạo, tìm tòi ra những mô hình hay, hấp dẫn. Ngoài ứng dụng nền tảng số, nhiều nông dân đã chủ động chuyển hướng sang mô hình du lịch nông nghiệp như một hình thức buôn bán mới - không còn phụ thuộc hoàn toàn vào thương lái như trước.
Kết quả là, từ những vùng trung du miền núi Bắc Bộ, tới miền Tây sông nước hay tại các vùng đồng bằng, không ít nhà vườn đã bắt đầu mở các tour du lịch nông nghiệp, tạo điều kiện để du khách có thể tham quan, trải nghiệm tại vườn, từ đó quảng bá sản phẩm và bán hàng trực tiếp.
Ông Nguyễn Hữu Kỳ, chủ vườn nho Tiểu Tôm tại huyện Đan Phượng (Hà Nội), chia sẻ: “Mô hình này không chỉ giúp tiêu thụ sản phẩm nhanh hơn mà còn mở rộng đáng kể kênh tiếp cận khách hàng". Ông cũng nhấn mạnh rằng đây là một hướng đi mới mẻ, khi có thể kết hợp nông nghiệp với du lịch, mang lại nguồn thu nhập bền vững, ổn định cho người nông dân địa phương.
Dù việc thường xuyên đón khách tham quan có thể gây ảnh hưởng nhất định đến canh tác, nhưng theo ông Kỳ, lợi ích mà mô hình này mang lại là rất lớn. "Khi khách hàng tận mắt chứng kiến các quy trình sản xuất tại vườn, họ sẽ thấy yên tâm hơn về chất lượng nông sản. Việc trực tiếp trải nghiệm quy trình từ khâu trồng trọt đến thu hoạch giúp khách hàng thêm tin tưởng, dễ dàng mua sản phẩm về sử dụng", ông Kỳ chia sẻ.
Trong bối cảnh diện tích đất nông nghiệp ngày càng thu hẹp do sự phát triển công nghiệp và quá trình đô thị hóa, việc tập trung ruộng đất quy mô lớn, kết hợp áp dụng công nghệ hiện đại và các phương thức sản xuất mới là một hướng đi tất yếu.
Để duy trì và phát triển nông nghiệp bền vững, nhiều địa phương đã chú trọng khai thác mô hình phát triển nông nghiệp kết hợp với du lịch sinh thái. Đây được coi là một giải pháp quan trọng, không chỉ giúp ổn định đời sống sản xuất cho người nông dân mà còn nâng cao thu nhập cho khu vực nông thôn, tạo đà phát triển bền vững cho nền nông nghiệp địa phương.
Tư duy sản xuất nông nghiệp truyền thống đang dần nhường chỗ cho tư duy kinh tế nông nghiệp, khi nông dân được khuyến khích tạo ra những sản phẩm phù hợp với nhu cầu của thị trường, ứng dụng khoa học công nghệ để đáp ứng các yêu cầu ngày càng cao về chất lượng, đồng thời tiết giảm chi phí nhưng lại đạt được lợi nhuận tối ưu.
Theo GS.TS Nguyễn Thị Nguyên Hồng - nguyên Trưởng khoa Khách sạn - Du lịch, Trường Đại học Thương Mại, nét văn hóa đặc trưng của từng vùng vẫn chưa được khai thác một cách sâu sắc. Bà cho rằng cần thúc đẩy sự liên kết không chỉ giữa các nhà sản xuất mà còn với các doanh nghiệp lữ hành, các homestay trong khu vực để tạo thành một mạng lưới du lịch đa dạng, đồng thời góp phần bảo vệ môi trường.
Bà Hồng cũng nhấn mạnh: “Ngoài các sản phẩm du lịch hấp dẫn, cần đầu tư vào cơ sở hạ tầng, giao thông và các dịch vụ tiện ích để phục vụ du khách tốt hơn".
Đồng quan điểm, ông Vũ Văn Tuyên - Giám đốc Công ty lữ hành Travelogy, bổ sung rằng du lịch hiện đại đòi hỏi một mức độ chuyên nghiệp cao hơn trong việc thiết kế và thực hiện các hoạt động trải nghiệm.
“Trải nghiệm du lịch không chỉ là việc tham gia vào một loạt hoạt động, mà cần được thiết kế để du khách thực sự đắm mình trong văn hóa và có những kỷ niệm sâu sắc”, ông chia sẻ.
Ông cũng chỉ ra rằng một số vùng chè nổi tiếng với sản phẩm thơm ngon, nhưng điểm yếu là chưa tạo ra được sự khác biệt rõ rệt so với các vùng chè khác. Theo ông, để đưa nông nghiệp vào du lịch một cách bền vững và độc đáo, cần chú trọng hơn nữa vào chất lượng trải nghiệm, đòi hỏi sự tỉ mỉ và chi tiết trong từng hoạt động được xây dựng.
Chia sẻ với Người Đưa Tin, ông Bobby Nguyễn - Giám đốc Đổi mới sáng tạo và Phát triển sản phẩm của Dự án Du lịch Thụy Sĩ vì sự Phát triển Bền vững, nhận định: “Sau đại dịch Covid-19, nông nghiệp đã khẳng định được vai trò nền tảng của kinh tế. Lấy kinh nghiệm từ các nước phát triển, nông nghiệp hiện đại phải gắn liền với quá trình chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo”.
Ông cho rằng, phát triển du lịch cộng đồng từ mô hình nông nghiệp sẽ trở thành kênh "xuất khẩu" nông sản ngay tại chỗ, giúp giảm áp lực đầu ra và mang đến sinh kế ổn định cho người nông dân. Đồng thời, mô hình này còn phát huy vai trò quảng bá văn hóa bản địa, lan tỏa bản sắc vùng miền đến khách du lịch, giúp phát triển kinh tế địa phương một cách bền vững.
Với Việt Nam - một quốc gia có nền tảng vững chắc về nông nghiệp, nếu không tận dụng được thế mạnh này để phát triển sản phẩm du lịch thì sẽ rất khó để tạo nên sự khác biệt và thúc đẩy ngành du lịch phát triển.
Du lịch nông nghiệp đúng nghĩa sẽ là một "mũi tên trúng nhiều đích" khi không chỉ giúp nông dân tăng thêm thu nhập, ổn định thị trường mà còn góp phần xây dựng thương hiệu nông sản Việt. Những giá trị bền vững mà du lịch nông nghiệp mang lại sẽ là động lực để ngành nông nghiệp và du lịch cùng vươn xa hơn trên bản đồ kinh tế quốc gia.
Mời quý độc giả theo dõi tuyến bài Đột phá tư duy trong nông nghiệp chuẩn bị cho kỷ nguyên vươn mình của đất nước trên tạp chí điện tử Người Đưa Tin
(Bài 1): Đổi mới là hành trình không ngừng nghỉ