Trong nhiều năm qua, Việt Nam đã có những bước đột phá đáng kể trong nông nghiệp, liên tục cải tiến để đảm bảo nguồn cung lương thực và góp phần phát triển kinh tế. Tuy nhiên, bước sang giai đoạn mới, để nông nghiệp tiếp tục đóng vai trò là "trụ đỡ" của nền kinh tế, Việt Nam cần chuyển hướng từ việc sản xuất quy mô lớn sang sản xuất nông nghiệp bền vững, ứng dụng công nghệ và đặc biệt là tăng cường giá trị gia tăng.

Trong 10 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu ngành nông nghiệp Việt Nam ước đạt 51,74 tỷ USD, tăng hơn 20% so với cùng kỳ năm ngoái. Đáng chú ý, nông nghiệp xuất siêu khoảng 15,2 tỷ USD, tăng mạnh 62% so với cùng kỳ 2023.

Những con số này thể hiện thành tựu đáng khích lệ của ngành nông nghiệp Việt Nam trong bối cảnh quốc tế đang có nhiều biến động. Tuy nhiên, để phát triển bền vững, ngành nông nghiệp không thể chỉ dừng lại ở sản lượng hay kim ngạch xuất khẩu mà cần một cuộc cách mạng về tư duy sản xuất, tập trung vào chất lượng, giá trị gia tăng và bảo vệ môi trường.

Người nông dân hiện vẫn đối mặt với nhiều khó khăn, từ thiếu vốn, thiếu kiến thức đến sự hạn chế trong khả năng tiếp cận công nghệ. Việc chuyển đổi từ canh tác truyền thống sang phương pháp bền vững đòi hỏi nông dân có kiến thức về kỹ thuật mới và hiểu biết sâu sắc về xu hướng thị trường. Song, phần lớn nông dân gặp khó khăn trong việc tham gia các khóa đào tạo do thiếu hỗ trợ tài chính và cơ hội tiếp cận. Không ít người vẫn lo ngại về rủi ro khi áp dụng các mô hình sản xuất mới đòi hỏi đầu tư lớn mà chưa thấy hiệu quả ngay.

Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến: “Kết quả xuất khẩu nông lâm thủy sản có được là do sản lượng và giá trị của các sản phẩm đều tăng. Các sản phẩm nông sản đang ngày càng tạo nên giá trị kinh tế cao khi đáp ứng được tiêu chí, yêu cầu của thị trường xuất khẩu”.

Tuy nhiên, chúng ta vẫn phải lưu ý là chế biến sâu vẫn chưa đạt được yêu cầu. Đây cũng là bài toán rất nhức nhối của ngành nông nghiệp. Nếu gắn chế biến sâu, hạ tầng nông nghiệp, kho bãi, logistics với xúc tiến thương mại thì ngành nông nghiệp sẽ hoàn thiện hệ thống xuất khẩu.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến

“Nông nghiệp Việt Nam là lợi thế quốc gia. Nếu chúng ta giải quyết được những tồn tại, khó khăn và thách thức thì tiềm lực, lợi thế của ngành nông nghiệp sẽ được phát huy, không phải chỉ với thị trường trong nước 100 triệu dân mà còn có sức lan tỏa sâu rộng đối với thị trường thế giới”, ông Tiến nói.

Nói về các rào cản trong thay đổi tư duy sản xuất, TS. Ngô Kiều Oanh - chuyên gia nông nghiệp, chia sẻ rằng những thói quen canh tác truyền thống lâu dài đã tạo ra tâm lý ngại thay đổi.

"Việc không tiếp cận thường xuyên với thông tin thị trường càng khiến nông dân thiếu định hướng, không rõ nhu cầu của người tiêu dùng cũng như tiêu chuẩn xuất khẩu", bà Oanh chia sẻ. Đây là nguyên nhân dẫn đến tình trạng sản xuất dư thừa, mất giá trị hoặc không đáp ứng được yêu cầu chất lượng quốc tế.

Chia sẻ với Người Đưa Tin, ông Hoàng Xuân Trường, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Hệ thống Nông nghiệp, cho biết: “Một trong những rào cản lớn trong việc thay đổi tư duy sản xuất ngành nông nghiệp đến từ những hạn chế trong thể chế chính sách. Nếu tư duy đã thay đổi nhưng thể chế chính sách chưa theo kịp, thì cũng không thể hỗ trợ toàn ngành trong quá trình chuyển mình”.

Ông Trường cũng chỉ ra rằng độ tuổi của đối tượng tham gia sản xuất nông nghiệp là một rào cản khác cần được xem xét.

Còn theo chuyên gia nông nghiệp Nguyễn Đăng Nghĩa đã chỉ ra 3 yếu điểm lớn của ngành là tổ chức sản xuất, chế biến sâu và logistics

Theo đó, dù Việt Nam có sự đa dạng về sản phẩm nông sản, khâu tổ chức sản xuất vẫn còn lạc hậu, phân mảnh và thiếu tính liên kết. Các hợp tác xã nông nghiệp tuy được khuyến khích phát triển nhưng số lượng và hiệu quả vẫn còn thấp. Không ít hợp tác xã chưa thể phát huy vai trò kết nối giữa nông dân và doanh nghiệp, dẫn đến tình trạng sản xuất manh mún, không ổn định về sản lượng và chất lượng.

Bên cạnh đó, dù hoàn toàn có thể nhập khẩu công nghệ để nâng cao năng lực chế biến, nhưng nếu thiếu một chiến lược dài hạn và đầu tư đồng bộ thì nông sản Việt Nam vẫn chưa thể gia tăng giá trị như mong muốn. Chưa kể, thiếu các chuỗi liên kết trong sản xuất khiến nông dân khó ứng dụng công nghệ cao, giảm chi phí trung gian và nâng cao lợi nhuận.

Theo bà Ngô Kiều Oanh, trong bối cảnh thế giới thay đổi nhanh chóng, khó đoán định và phức tạp, tư duy như ngọn đèn dẫn đường, giúp người nông dân đi đúng hướng. Tuy nhiên, tư duy đúng đắn là cần thiết, nhưng quan trọng hơn, cần có một kế hoạch triển khai bài bản và căn cơ. Nếu không, nông nghiệp sẽ khó bắt kịp cơ hội và xu thế phát triển toàn cầu.

Bà Oanh cũng nhấn mạnh rằng thay đổi tư duy không chỉ là nhiệm vụ của các nhà lãnh đạo mà còn phải thấm sâu đến từng người nông dân, liên kết với toàn bộ các bên liên quan trong xã hội. Điều này giúp hình thành một hệ thống bền vững từ nền móng cho đến quy mô lớn.

Vì thế, để thúc đẩy sản xuất nông nghiệp bền vững, Việt Nam cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp: từ áp dụng công nghệ, cải tiến mô hình tổ chức đến các chính sách hỗ trợ phù hợp, tạo điều kiện để người nông dân dễ dàng chuyển đổi theo xu hướng mới. Vị chuyên gia này cũng nhấn mạnh đến 4 nhóm vấn đề lớn cần phải chú trọng.

Thứ nhất, cần cải cách trong tổ chức sản xuất và liên kết chuỗi giá trị. Việc khuyến khích nông dân tham gia vào các hợp tác xã và mô hình liên kết sẽ giúp tối ưu hóa lợi ích kinh tế, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho ứng dụng công nghệ hiện đại. Thúc đẩy xây dựng chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ giúp đảm bảo người nông dân được hưởng lợi từ toàn bộ chuỗi giá trị, thay vì chỉ dừng lại ở khâu sản xuất.

Thứ hai, đầu tư mạnh vào công nghệ và cơ giới hóa nông nghiệp. Bà Oanh cho rằng, cơ giới hóa không chỉ tăng năng suất mà còn giúp giảm chi phí sản xuất, phù hợp với mục tiêu phát triển bền vững. Chính phủ và các tổ chức cần tạo điều kiện thuận lợi để nông dân tiếp cận công nghệ cao qua các chính sách ưu đãi và hỗ trợ tài chính.

Thứ hai, đầu tư mạnh vào công nghệ và cơ giới hóa nông nghiệp. Bà Oanh cho rằng, cơ giới hóa không chỉ tăng năng suất mà còn giúp giảm chi phí sản xuất, phù hợp với mục tiêu phát triển bền vững. Chính phủ và các tổ chức cần tạo điều kiện thuận lợi để nông dân tiếp cận công nghệ cao qua các chính sách ưu đãi và hỗ trợ tài chính.

Thứ ba, đầu tư mạnh vào công nghệ và cơ giới hóa nông nghiệp. Bà Oanh cho rằng, cơ giới hóa không chỉ tăng năng suất mà còn giúp giảm chi phí sản xuất, phù hợp với mục tiêu phát triển bền vững. Chính phủ và các tổ chức cần tạo điều kiện thuận lợi để nông dân tiếp cận công nghệ cao qua các chính sách ưu đãi và hỗ trợ tài chính.

Thứ tư, nâng cao nhận thức và kỹ năng cho người nông dân. Các chương trình đào tạo, hội thảo giúp trang bị kiến thức về sản xuất bền vững và nhu cầu thị trường quốc tế sẽ hỗ trợ người nông dân thích ứng với thay đổi. Khi hiểu rõ lợi ích dài hạn của việc đầu tư vào chất lượng, nông dân sẽ dần thay đổi thói quen sản xuất cũ, giảm bớt sự phụ thuộc vào biến động thị trường.

Về giải pháp tổng thể, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Hệ thống Nông nghiệp Hoàng Xuân Trường cho rằng cần phải thay đổi tư duy từ các cấp quản lý Nhà nước đến các nhà nghiên cứu, để toàn bộ chuỗi giá trị nông nghiệp có thể đồng bộ chuyển đổi.

Về lâu dài, ông Trường nhấn mạnh sự cần thiết chú trọng đến thế hệ kế cận, bao gồm các bạn học sinh, sinh viên, với định hướng chuyển đổi tư duy trong lĩnh vực nông nghiệp. Cần coi nông nghiệp là một mảnh đất màu mỡ, tiềm năng tạo ra thu nhập và giá trị gia tăng, nơi mà mọi người có thể trở thành tỷ phú hay triệu phú từ chính nghề nghiệp này.

Khi tư duy của lớp trẻ được thay đổi, họ sẽ yêu mến nông nghiệp và sẽ góp phần đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cho ngành.

Bên cạnh đó, ông Trường cũng nhấn mạnh rằng chuyển đổi tư duy sản xuất nông nghiệp cần hướng tới sự cân bằng và phát triển bền vững. Không thể vì cố gắng tăng năng suất mà chà đạp lên những giá trị về môi trường, văn hóa, và quy hoạch. Phát triển nông nghiệp phải bền vững và hài hòa với các điều kiện xung quanh.

PGS.TS Đào Thế Anh - Phó Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam nhận định, chuyển đổi tư duy trong nông nghiệp không chỉ là cải tiến kỹ thuật mà còn là thay đổi cách nhìn nhận về giá trị sản phẩm và tầm quan trọng của liên kết chuỗi giá trị. Phát triển mô hình nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp tuần hoàn hướng đến chuỗi giá trị hàng hóa là một chiến lược hiệu quả mà nhiều quốc gia đã thành công áp dụng.

“Người nông dân cần tham gia vào nhiều nhóm, nhiều chuỗi liên kết để tận dụng sức mạnh tập thể, tăng khả năng liên kết và phát triển bền vững,” ông Thế Anh chia sẻ.

Với định hướng phát triển nông nghiệp xanh, bền vững, Việt Nam có cơ hội nâng tầm vị thế nông sản trên trường quốc tế, giúp nông dân phát triển kinh tế bền vững, bảo vệ môi trường và ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu.

Thực hiện: Phương Anh

Hình ảnh: Hữu Thắng - Internet

Thiết kế: Hoàng Yến

NGUOIDUATIN.VN |