Khoảng 3 phút một lần, một chiếc xe Mercedes mới toanh, bóng loáng lăn bánh khỏi dây chuyền sản xuất tại nhà máy Rastatt ở Tây Nam nước Đức.
Tổng cộng khoảng 185.000 chiếc xe hạng sang A-Class, B-Class và chiếc EQA chạy hoàn toàn bằng điện được lắp ráp tại nhà máy ở bang Baden-Württemberg, gần biên giới với Pháp.
Sau đó, những chiếc xe hơi được vận chuyển bằng đường bộ, đường sắt và đường biển đến tay những người chủ mới, có thể là ở các thủ đô của châu Âu, các thành phố của Trung Quốc hoặc dọc theo các con đường ven biển ở California, Mỹ.
Một chiếc Mercedes A-Class đang được lắp ráp tại nhà máy Rastatt, Tây Nam nước Đức. Ảnh: The Guardian
Với 8 nhà máy trên toàn quốc, Tập đoàn Mercedes-Benz sản xuất hàng trăm nghìn chiếc xe như vậy mỗi năm.
Nhưng Mercedes và nền kinh tế Đức nói chung hiện đang đứng trước ngã ba đường: Xung đột Nga-Ukraine đã thúc đẩy một cuộc chạy đua tìm nguồn cung năng lượng mới trong bối cảnh các lệnh trừng phạt mà phương Tây áp đặt lên Moscow và dòng khí đốt từ Nga sang châu Âu bị cắt giảm và gián đoạn.
Ô tô và công-ten-nơ tại trung tâm hậu cần ở sông Rhine ở Duisburg, Đức, ngày 28.10.2022. Ảnh: AP
Cuộc khủng hoảng đã buộc Đức phải tái khởi động các nhà máy điện than, đầu tư cơ sở hạ tầng nhập khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG), cũng như kéo dài tuổi thọ của 3 nhà máy điện hạt nhân còn lại.
Mùa đông khắc nghiệt và nhu cầu về năng lượng tăng lên khiến Mercedes và các đối thủ cùng ngành cũng như toàn ngành công nghiệp Đức phải thích nghi để đảm bảo có thể duy trì hoạt động của các cơ sở sản xuất như Rastatt.
Các tua-bin gió và các nhà máy điện chạy bằng than nâu của công ty điện lực RWE, một trong những công ty điện lực lớn nhất châu Âu, ở Neurath, gần Cologne, Đức, ngày 18.3.2022. Ảnh: Inquirer
Đức là nước tiêu thụ năng lượng lớn thứ 7 trên thế giới, chiếm 2% mức tiêu thụ năng lượng toàn cầu, sau Trung Quốc, Mỹ, Ấn Độ, Nga, Nhật Bản và Canada.
Quốc gia Tây Âu có nhiều năng lượng tái tạo nhất trong cơ cấu năng lượng của mình, với 19%. Tuy nhiên, nhiên liệu hóa thạch - than đá, dầu mỏ và khí đốt - vẫn chiếm ưu thế, cung cấp hơn 3/4 nhu cầu năng lượng của đất nước. Khí đốt (26%) là nguồn đóng góp lớn thứ hai sau dầu mỏ (33%).
Một chiếc xe tải chở dầu khởi hành từ nhà ga Oiltanking Deutschland GmbH _ Co. KG ở cảng Hamburg ở Hamburg, Đức, ngày 24.8.2022. Ảnh: Bloomberg
Trước khi xung đột Nga-Ukraine bùng phát vào cuối tháng 2/2022, Đức chiếm 25% tổng lượng khí đốt nhập khẩu vào EU và 1/3 tổng lượng nhập khẩu vào EU từ Nga.
Khí đốt sản xuất trong nước chỉ chiếm 5% tổng lượng tiêu thụ, phần còn lại trước đây được nhập khẩu từ Nga (55%), Na Uy (31%) và Hà Lan. Đức hiện đang tìm nguồn cung khí đốt nhiều hơn từ các quốc gia Benelux (bao gồm Bỉ, Hà Lan, Luxembourg) và Pháp trong các giao dịch mua tự do (OTC), mua song phương và các thỏa thuận LNG.
Dự án LNG tại địa điểm Wilhelmshaven, Đức. Ảnh: Uniper Energy
Đức đã nhập khẩu 37,6% khí đốt từ Na Uy trong tháng 9/2022 so với 19,2% trong cùng kỳ năm 2021, trong khi lượng giao hàng của Hà Lan tăng từ 13,7% lên 29,6% lượng nhập khẩu, theo dữ liệu từ Hiệp hội công nghiệp tiện ích BDEW.
Việc nguồn cung khí đốt Nga bị siết chặt cho thấy kỷ nguyên năng lượng giá rẻ đã qua ở Đức.
Cơ sở vật chất của đường ống dẫn khí Nord Stream 2 ở Lubmin, Đức, chưa bao giờ được đưa vào sử dụng. Ảnh: Shutterstock
Kể từ mùa hè vừa qua, các công ty trên khắp đất nước đã hứng chịu gánh nặng chi phí năng lượng ngắn hạn quá cao và buộc phải vật lộn để thích nghi với việc dòng chảy khí đốt Nga gần như biến mất.
Họ đã giảm bớt năng lượng dùng cho chiếu sáng, chuyển sang sử dụng các nguồn nhiên liệu thay thế, chẳng hạn như dầu mỏ, nếu có thể, và viện đến biện pháp cuối cùng là cắt giảm sản lượng. Một số doanh nghiệp thậm chí còn nghĩ đến việc chuyển hoạt động sản xuất sang các quốc gia có giá năng lượng rẻ hơn.
Nhân viên của công ty Uniper tại cơ sở lưu trữ khí đốt Etzel, Đức. Ảnh: Clean Energy Wire
KPM – một trong những nhà sản xuất đồ sứ lâu đời nhất ở châu Âu, được thành lập bởi Vua Frederick Đại đế của Vương quốc Phổ vào năm 1763 – cần nhiều khí đốt để nung bình hoa, cốc và đĩa sứ trong lò nung ở nhiệt độ 1.600 độ C. Trong trường hợp của họ, không có nguồn nhiên liệu nào khác có thể thay thế khí đốt.
“Đây là cuộc khủng hoảng lớn nhất của công ty kể từ sau Thế chiến II”, giám đốc điều hành KPM Jörg Woltmann cho biết. “Chúng tôi đang trong tình trạng khá chật vật”.
KPM đã cắt giảm mức sử dụng năng lượng từ 10-15% bằng cách tắt đèn và hệ thống sưởi vào cuối tuần, đồng thời giữ cho các lò nung kín hơn để tránh thất thoát nhiệt.
KPM, một trong những nhà sản xuất sứ lâu đời nhất châu Âu, đã cắt giảm 10-15_ mức sử dụng năng lượng nhưng chi phí cho tất cả các nguyên liệu đầu vào của họ đã tăng vọt. Ảnh: EPA-EFE
Công ty chưa cắt giảm sản xuất, nhưng hiện đang phải đương đầu với tình trạng chi phí leo thang, không chỉ đối với năng lượng mà còn đối với tất cả các nguyên liệu thô và đầu vào như bao bì. Ông Woltmann cho biết, KPM sẽ phải bắt đầu tăng giá các sản phẩm của mình từ giữa năm nay.
Việc năng lượng và nguyên liệu thô đua nhau tăng giá chóng mặt đã đẩy những tên tuổi lâu đời ở nước Đức vào cảnh khốn cùng. Hãng giấy vệ sinh Hakle, một thương hiệu gia dụng nổi tiếng của Đức được thành lập cách đây gần 100 năm, đã đệ đơn xin phá sản hồi đầu tháng 9/2022.
Biến gỗ thành giấy là một quy trình cực kỳ thâm dụng năng lượng. Hakle cần 60.000 MWh khí đốt và 40.000 MWh điện hàng năm chỉ để vận hành dây chuyền tại một nhà máy của họ ở Düsseldorf, miền Tây nước Đức.
Nhà máy lọc dầu PCK Schwedt tại thị trấn Schwedt, bang Brandenburg, Đức. Ảnh: NYT
Số liệu thống kê của chính phủ Đức công bố tháng trước cho thấy, sản xuất trong các ngành sử dụng nhiều năng lượng – chiếm 23% tổng số việc làm công nghiệp ở Đức – đã giảm 10% kể từ đầu năm. Các lĩnh vực như luyện kim, thủy tinh, gốm sứ, giấy và dệt may bị ảnh hưởng nặng nề nhất.
“Điều đó có nghĩa là 1,5 triệu công nhân ở Đức làm trong các ngành công nghiệp hiện đang chịu áp lực”, ông Clemens Fuest, người đứng đầu Viện nghiên cứu kinh tế Ifo cho biết.
Tất cả đang gây ra mối lo ngại sâu sắc về tương lai của ngành công nghiệp Đức và tính bền vững của mô hình kinh doanh của nền kinh tế đầu tàu châu Âu, vốn từ lâu đã được khẳng định dựa trên năng lượng giá rẻ được đảm bảo bởi nguồn cung khí đốt dồi dào của Nga.
Ngôi làng Wattenbacherau của Đức, dưới chân nhà máy điện hạt nhân Isar 2 ở Bavaria. Ảnh: NY Times
Bà Constanze Stelzenmüller, giám đốc Trung tâm về Mỹ và châu Âu tại Viện Brookings, nhận xét: Đức là một trường hợp điển hình về một quốc gia phương Tây đã thực hiện một “sự đánh cược chiến lược” vào toàn cầu hóa và sự phụ thuộc lẫn nhau – và hiện đang phải gánh chịu hậu quả.
Phụ thuộc vào bên ngoài từ việc đảm bảo an ninh, tới định hướng tăng trưởng dựa trên xuất khẩu và nhu cầu năng lượng, “giờ đây Đức đang thấy mình cực kỳ dễ bị tổn thương trong giai đoạn đầu thế kỷ 21 được đặc trưng bởi cạnh tranh nước lớn và cuộc chạy đua ngày càng gia tăng về vũ khí hóa sự phụ thuộc lẫn nhau bởi cả các đồng minh cũng như đối thủ”, bà Stelzenmüller cho biết.
Heinz-Glas – nhà sản xuất thủy tinh 400 năm tuổi có trụ sở tại bang Bavaria ở miền Nam, chuyên sản xuất chai lọ cho ngành công nghiệp nước hoa và mỹ phẩm – cũng đang gặp khó khăn.
Trong năm qua, công ty đã phải chi 32 triệu Euro cho năng lượng, tức nhiều gấp gần 3 lần so với con số của năm 2019 (11 triệu Euro), bà Carletta Heinz, giám đốc điều hành Heinz-Glas, cho biết.
Không giống như KPM, Heinz-Glas đã phải vật lộn để hạn chế mức tiêu thụ khí đốt của mình. “Có rất ít phạm vi cho các biện pháp hiệu quả năng lượng”, bà Heinz nói. “Chúng tôi luôn rất cẩn thận về việc sử dụng năng lượng của mình và vì vậy chúng tôi không thể làm gì nhiều hơn để giảm thiểu nó”.
Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck (trái) và Thủ tướng Đức Olaf Scholz. Ảnh: Politico.eu
Với tuổi đời hàng thế kỷ, đây không phải lần đầu tiên Heinz-Glas trải qua khủng hoảng. Bà Heinz lấy ví dụ về cuộc khủng hoảng vào thế kỷ 19 khi giá gỗ, nguồn năng lượng chính mà công ty sử dụng, đã tăng vọt.
“Lúc đó chính phủ đã tài trợ cho việc xây dựng một tuyến đường sắt để than có thể được vận chuyển thẳng đến nhà máy của chúng tôi và chúng tôi có thể chuyển đổi”, bà cho biết.
Do đó, lần này, hy vọng của bà là chính phủ cũng sẽ can thiệp để giúp đỡ. Thực ra chính phủ Đức đã hành động. Hồi tháng 9/2022, Thủ tướng Olaf Scholz đã công bố việc tạo ra một “lá chắn bảo vệ” trị giá 200 tỷ Euro để giảm bớt tác động của chi phí năng lượng cao hơn đối với các công ty và hộ gia đình, bao gồm cả việc “hãm phanh” giá khí đốt.
Nhân viên QC (kiểm soát chất lượng sản phẩm) bên dây chuyền sản xuất của Heinz-Glas ở Kleintettau, miền Nam nước Đức, ngày 3.8.2022. Ảnh: Forbes
“Hy vọng chính phủ sẽ làm tất cả những gì cần thiết để giữ cho ngành công nghiệp Đức tồn tại”, bà Heinz nói. “Bởi vì không có công nghiệp, đất nước của chúng tôi chẳng có giá trị gì”.
Các nhà sản xuất thủy tinh và gốm sứ của Đức có thể đang gặp khó khăn – nhưng quy mô những khó khăn này còn tương đối nhỏ. Ngành công nghiệp hóa chất, nơi sử dụng hơn 450.000 lao động ở Đức, không như vậy. “Nếu ngành này phải giảm một nửa quy mô, nó sẽ có tác động trực tiếp đến sự thịnh vượng của đất nước”, ông Henrik Ahlers, giám đốc quốc gia Ernst & Young Đức, cho biết.
Cho đến nay, Đức có ngành công nghiệp hóa chất lớn nhất châu Âu, nhưng nó gần như phụ thuộc hoàn toàn vào năng lượng và nguyên liệu thô nhập khẩu.
Tập đoàn hóa chất khổng lồ BASF của Đức có hoạt động sản xuất cực kỳ thâm dụng khí đốt. Trong nhiều thập kỷ, công ty lấy phần lớn lượng khí đốt giá rẻ cần dùng từ đường ống Nga.
Trụ sở Tập đoàn hóa chất khổng lồ BASF SE ở Ludwigshafen, Tây Nam nước Đức. Ảnh: Rubber News
Bây giờ chi phí của sự phụ thuộc đó đang trở nên rõ ràng. Công ty cho biết, họ đã phải trả thêm 2,2 tỷ Euro cho khí đốt trong 9 tháng đầu năm 2022 so với cùng kỳ năm 2021, và cuối cùng đã lỗ 130 triệu Euro trong hoạt động kinh doanh tại Đức trong quý III/2022.
Công ty hiện có kế hoạch cắt giảm 1 tỷ Euro chi phí trong năm nay và năm tới, một phần để đối phó với sự gia tăng giá năng lượng, đồng thời cũng dự định giảm quy mô vĩnh viễn ở châu Âu.
“Các điều kiện khung đầy thách thức ở châu Âu gây nguy hiểm cho khả năng cạnh tranh quốc tế của các nhà sản xuất ở lục địa này, và buộc chúng tôi phải điều chỉnh cơ cấu chi phí của mình càng nhanh càng tốt và cho lâu dài”, giám đốc điều hành BASF Martin Brudermüller cho biết. “Chúng tôi không thể như đà điểu vùi đầu vào cát và hy vọng rằng tình huống khó khăn này sẽ tự được giải quyết”.
BASF đã cắt giảm các hoạt động ở châu Âu do giá khí đốt cao và cho biết họ sẽ giảm quy mô hơn nữa trong tương lai. Ảnh: Financial Times
Hầu hết việc cắt giảm dự kiến sẽ được thực hiện tại địa điểm Ludwigshafen. Với quy mô của một thị trấn nhỏ, đây là khu phức hợp hóa chất tích hợp lớn nhất thế giới, với một trong những nhà máy xử lý nước thải lớn nhất châu Âu, bệnh viện riêng và đội cứu hỏa.
Trở lại với câu chuyện của Mercedes. Một cách ngẫu nhiên, Mercedes cho biết quyết định của họ vào năm 2021 về việc sản xuất không phát thải các-bon từ năm 2022 đã khiến hãng có đủ khả năng để thích ứng tốt với tình hình khó khăn chung.
Ông Jörg Burzer, thành viên hội đồng quản trị Tập đoàn Mercedes-Benz chịu trách nhiệm về chuỗi sản xuất và cung ứng, cho biết: “Chúng tôi đã có một lợi thế lớn khi đã kịp hoàn tất một hợp đồng năng lượng xanh lớn cho tất cả các nhà máy của mình vào năm ngoái. Đây là một hợp đồng tập trung vào phong điện, quang điện và thủy điện”.
Các doanh nghiệp và hộ gia đình Đức đã quen với nguồn khí đốt và dầu mỏ dồi dào của Nga trong nhiều năm. Dù Mercedes ít phụ thuộc vào những nguồn cung cấp này hơn, nhưng khí đốt cho một số quy trình sản xuất nhất định, đặc biệt là trong các xưởng đúc, là không thể thay thế.
Tua-bin gió chạy trên đỉnh bãi thải bên cạnh nhà máy lọc dầu BP ở Gelsenkirchen, Đức, ngày 22.10.2022. Ảnh: AP
Ông Burzer cho biết, Mercedes đã có thể giảm một nửa lượng khí đốt sử dụng một cách hiệu quả bằng cách tắt các nhà máy điện chạy bằng khí đốt tại các địa điểm của mình, và bằng cách tăng cường năng lượng tái tạo.
“Chúng tôi rất tập trung vào năng lượng xanh. Cho dù mùa đông khắc nghiệt, chúng tôi vẫn có thể vượt qua được”, ông cho biết thêm.
Trong một chuyến thị sát nhà máy tại Sindelfingen, cách Rastatt khoảng 40 dặm (65 km) về phía Đông, ông Burzer chỉ ra khỏi cửa sổ phòng họp tại nhà máy rộng lớn – nơi có khoảng 35.000 người đang làm việc – và nói: “Các vị không thể nhìn thấy nó từ đây, nhưng đằng sau ống khói là bãi đỗ xe nhiều tầng, bãi đỗ xe đầu tiên ở đây có mái che hoàn toàn bằng các tấm pin mặt trời”.
Đây là một phần trong chương trình “nghìn mái nhà” của Mercedes, được triển khai trong năm qua. Chương trình sẽ sử dụng các tấm pin mặt trời trên mái của các nhà máy trên khắp nước Đức và hơn thế nữa.
Gần đây, công ty đã công bố kế hoạch xây dựng một trang trại gió 100 MW đang trong quá trình thử nghiệm tại Papenburg, miền Bắc nước Đức, sẽ đáp ứng hơn 15% nhu cầu điện hàng năm của công ty ở Đức. Thông tin chi tiết về kế hoạch phát triển điện gió ngoài khơi quy mô lớn sẽ sớm được công bố, ông Burzer cho biết thêm.
Cú sốc năng lượng đối với cường quốc công nghiệp của châu Âu không nghiêm trọng như lo ngại ban đầu. Mặc dù các công ty nhỏ hơn ở Đức phải gánh chịu chi phí tăng vọt, nhưng các cơ sở lưu trữ khí đốt đã được lấp đầy thành công trước khi mùa đông bắt đầu.
Bộ trưởng Kinh tế và Khí hậu Đức Robert Habeck, tại một hội nghị hồi tháng 11/2022, cho rằng một số người có “thú vui” dự đoán sự suy tàn của nước Đức.
“Bất cứ ai nghĩ rằng chúng tôi sẽ để Đức với tư cách là một cường quốc công nghiệp phá sản thì nghĩa là người đó chưa tính đến… sự khéo léo và sáng tạo của ngành công nghiệp Đức, và cũng chưa tính đến quyết tâm của chính phủ Đức và của Bộ Kinh tế”, ông Habeck nói. “Điều đó sẽ không xảy ra đâu”.
Một số nhà kinh tế chia sẻ sự lạc quan của Bộ trưởng Habeck. Ông Jens Südekum, giáo sư kinh tế quốc tế tại Đại học Heinrich Heine ở Düsseldorf, chỉ ra các biện pháp của chính phủ như “hãm phanh” giá khí đốt. “Cùng với đó, nguy cơ phi công nghiệp hóa ít nhiều đã được loại bỏ”, giáo sư Südekum cho biết.
Ông cũng nhấn mạnh những thế mạnh lâu dài của ngành công nghiệp Đức: Chuỗi giá trị sâu, năng suất và chất lượng sản phẩm cao, và các công ty vừa và nhỏ (SME) của Đức (Mittelstand) – với tư cách là động lực đổi mới và công nghệ mạnh nhất của đất nước và dẫn đầu toàn cầu trong lĩnh vực của họ.
Các tua-bin gió ở Reussenköge, Đức. Ảnh: Haika Magazine
“Thành công công nghiệp của Đức là kết quả của các khoản đầu tư dài hạn, bí quyết chuyên sâu và mức độ tự động hóa cao”, giáo sư Südekum nói. “Đây là những lợi thế đã được tích lũy qua nhiều thập kỷ và sẽ không đột ngột biến mất”.
Tuy nhiên, các Bộ trưởng Đức, các chủ doanh nghiệp và các nhà kinh tế đều đồng ý rằng tương lai của ngành công nghiệp Đức có thể phụ thuộc vào việc nước này có thể nhanh chóng tìm ra những cách mới để tự cung tự cấp năng lượng như thế nào.
Đức đã có những nỗ lực dũng cảm để tìm giải pháp thay thế cho việc nhập khẩu năng lượng từ Nga, như đưa các nhà máy nhiệt điện chạy bằng than trở lại hoạt động, kéo dài tuổi thọ của các lò phản ứng hạt nhân còn lại, xây dựng các bến cảng nhập khẩu LNG.
Đức là một trong những quốc gia đầu tiên trên thế giới triển khai năng lượng mặt trời quy mô điện lưới, đạt 1 GW công suất lắp đặt tích lũy vào năm 2004. Ảnh: Euractiv
Quốc gia Tây Âu cũng đang đẩy nhanh việc triển khai năng lượng gió và mặt trời, một phần quan trọng trong kế hoạch lấy 80% điện năng từ năng lượng tái tạo vào năm 2030 – tăng từ 50% hiện nay – và trung hòa carbon vào năm 2045.
Xung đột Nga-Ukraine là một yếu tố thay đổi cuộc chơi chưa từng có đối với nền kinh tế lớn nhất “lục địa già”.
Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), việc giá cả năng lượng trở nên đắt đỏ hơn sẽ thực sự gây đau đớn cho nền kinh tế Đức, vốn được dự báo sẽ bị thu hẹp nhất trong số các nền kinh tế G7 trong năm 2023.
Bên cạnh suy thoái do giá năng lượng tăng cao, nền kinh tế đầu tàu châu Âu sẽ tiếp tục đối mặt với một danh sách dài các thách thức về cơ cấu trong những năm tới, bao gồm chuyển đổi năng lượng, những thay đổi đối với toàn cầu hóa, xung đột chuỗi cung ứng, số hóa, xã hội già hóa và hiện đại hóa cơ sở hạ tầng.
Những điều này sẽ làm giảm khả năng cạnh tranh quốc tế nhưng cũng là cơ hội cho các khoản đầu tư quy mô lớn.
Trang trại điện gió Trianel ngoài khơi đảo Borkum, Đức. Ảnh: Wind Power Monthly
NGUOIDUATIN.VN |