Đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam là một dự án chưa từng có trong lịch sử của ngành giao thông nếu xét theo quy mô tổng mức đầu tư, cùng tính chất đồng bộ với những đòi hỏi kỹ thuật tiên tiến nhất đặt ra.
Với một cơ cấu đầu tư đồng bộ chưa từng thấy như vậy, hiệu quả đầu tư và những giá trị mà dự án mang lại trong quá trình triển khai và sau khi hoàn thành sẽ là lời giải thích thuyết phục nhất cho quyết định đầu tư. Ở thời điểm hiện tại, trong các tính toán ban đầu, dự án đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam đang được kỳ vọng sẽ tạo ra nhiều sự thay đổi và giá trị về kinh tế, phát triển.
Với sự xuất hiện của đường sắt tốc độ cao, trên hành lang kinh tế Bắc – Nam sẽ được bổ sung thêm một trục vận tải, kết nối và không gian phát triển mới. Giá trị của nhiều này rất đáng kể bởi hành lang kinh tế Bắc – Nam đóng vai trò quan trọng nhất của cả nước, kết nối 3/6 vùng kinh tế - xã hội, 20 tỉnh/thành phố, 2 đô thị đặc biệt, 17 đô thị loại I quy mô dân số 500.000 dân, khoảng 54% dân số đô thị cả nước, 67% khu kinh tế ven biển, khoảng 63% khu kinh tế,72% cảng biển lớn loại I-II, đóng góp trên 51% GDP cả nước.
Quy hoạch tổng thể quốc gia đã xác định phát triển hành lang kinh tế Bắc – Nam thành trục động lực để kết nối các hành lang kinh tế Đông – Tây, các cực tăng trưởng tạo thành động lực lan tỏa thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội cả nước nhanh, hiệu quả và bền vững.
Với ưu thế vận tải khối lượng lớn, nhanh, thuận tiện, đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam sẽ rút ngắn khoảng cách giữa các địa phương, vùng miền, góp phần giảm áp lực tập trung dân số, quá tải hạ tầng ở các đô thị đang gây ra nhiều hệ lụy, đặc biệt là Hà Nội và Tp.HCM.
Bên cạnh đó, dự án góp phần tái cấu trúc, phân bố lại đô thị, dân cư, mở ra không gian phát triển kinh tế cho các địa phương trên hành lang, tạo thêm nguồn lực từ quỹ đất, thúc đẩy phát triển dịch vụ, du lịch và các ngành kinh tế khác.
Theo tính toán của Bộ GTVT, việc đầu tư đường sắt tốc độ cao sẽ là “cú hích” cho phát triển kinh tế thể hiện trên nhiều khía cạnh, trong đó có việc mở ra không gian phát triển kinh tế mới, nguồn lực mới thông qua khai thác hiệu quả quỹ đất, tăng sức cạnh tranh của nền kinh tế. Ước tính, trong thời gian xây dựng ước tính góp phần tăng GDP bình quân của cả nước tăng khoảng 0,97 điểm phần trăm/năm.
Theo phân tích của TS. Majo George - Giảng viên cấp cao ngành Quản lý chuỗi cung ứng và logistics, Khoa Kinh doanh, Đại học RMIT Việt Nam, dự án đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam hứa hẹn sẽ định hình lại bức tranh kinh tế của Việt Nam, đồng thời nâng tầm vị thế quốc gia thành trung tâm logistics chiến lược trên bản đồ khu vực.
Đường sắt tốc độ cao từ lâu đã đóng vai trò là huyết mạch của ngành logistics và vận tải ở nhiều quốc gia phát triển. Năng lực di chuyển người và hàng hóa nhanh chóng trên mạng lưới đường sắt cao tốc có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với Việt Nam. Sự đổi mới này không chỉ đơn thuần mang tính chất tiện lợi, mà còn là một nhu cầu kinh tế cấp thiết.
Xây dựng mạng lưới đường sắt cao tốc sẽ giúp cải thiện đáng kể khả năng kết nối của Việt Nam với các nước láng giềng. Điều này giúp mối liên kết thương mại và vận tải với Campuchia, Lào và Trung Quốc trở nên hiệu quả hơn, từ đó định vị Việt Nam là một trung tâm logistics và marketing của khu vực.
Khả năng phát triển bất động sản gần ga đường sắt là một tác động kinh tế khác, giúp gia tăng giá trị tài sản và cơ hội đầu tư. Việc người dân ngày càng ưa chuộng di chuyển bằng tàu cao tốc cũng góp phần giảm ùn tắc giao thông, giảm chi phí bảo trì đường cao tốc và tăng cường an toàn đường bộ. Thời gian di chuyển được rút ngắn còn khiến các điểm đến du lịch trở nên dễ tiếp cận và hấp dẫn hơn.
Trao đổi với Người Đưa Tin, TS. Phan Lê Bình, Trưởng đại diện văn phòng tư vấn OCG, Nhật Bản cho biết một trong những giá trị lớn nhất của dự án đường sắt Bắc – Nam là tái cơ cấu thị phần vận tải trên hành lang Bắc – Nam.
Trên thực tế, nhu cầu vận chuyển hành khách trên trục Bắc Nam là rất lớn nhưng Việt Nam đang rất thiếu phương tiện song hành với đường bộ trong vận chuyển hành khách trên trục Bắc Nam.
Hàng không chỉ có thể đáp ứng cho nhu cầu của khách trên những chặng bay dài, kết nối những thành phố lớn, và số lượng khách có thể vận chuyển không thể cao bằng đường sắt.
Vì vậy việc xây dựng đường sắt tốc độ cao là rất cần thiết để phục vụ nhu cầu đi lại của người dân, giảm tải cho đường bộ đồng thời giảm số vụ tai nạn giao thông và số người thương vong vì tai nạn trên đường bộ.
“Chúng ta vẫn hay so sánh việc di chuyển giữa Hà Nội và Tp.HCM bằng đường sắt tốc độ cao với di chuyển bằng máy bay. Với tốc độ thiết kế tối đa 350km/h, nếu tính cả thời gian tăng tốc, giảm tốc và dừng đỗ tại các ga, thì thời gian đi lại giữa Hà Nội và Tp.HCM gần như cân bằng giữa đường sắt tốc độ cao với máy bay, đều ở mức khoảng 5,5 giờ. Trong khi đó, thời gian di chuyển bằng máy bay phải tính đến thời gian di chuyển đến/đi khỏi các sân bay và thời gian chờ đợi cho đến khi lên được máy bay nữa.
Chưa kể, với việc kết nối các đô thị dọc tuyến, ví dụ như từ Ninh Bình đi Nghệ An, hoặc từ Huế đi Nha Trang, hoặc những trường hợp từ đô thị nhỏ như Phan Thiết đi Hà Nội và ngược lại là Thanh Hóa đi Tp.HCM chẳng hạn, thì đường sắt tốc độ cao sẽ tiện lợi hơn và có ưu thế hơn hẳn so với đi máy bay”, ông Bình phân tích.
Cũng về góc độ này, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Danh Huy cũng cho biết sự xuất hiện của đường sắt tốc độ cao sẽ góp phần giải bài toán “méo mó” trong thị trường vận tải hiện nay.
Theo đó, theo nghiên cứu và kinh nghiệm của thế giới, trong cự ly di chuyển từ 300 - 800km, đường sắt phải là phương thức vận tải chủ đạo. Cự ly dưới 150km là đường bộ, dưới 300km là vận tải chia sẻ, trên 800km là hàng không. Tuy nhiên, thực tế, hiện nay, thị phần vận tải đang “lấy dao mổ trâu đi mổ ruồi" khi hàng không phải bay trong các cự ly ngắn dưới 500 km và "lấy dao mổ ruồi đi mổ trâu" khi các xe giường nằm phải "kẽo kẹt" chạy xuyên suốt trên các chặng xa dọc trên tuyến Bắc - Nam.
Nói cách khác, hàng không và đường bộ đang phải đảm nhận vận tải hành khách trên các cự ly không có ưu thế. Do đó, việc đầu tư xây dựng đường sắt tốc độ cao sẽ góp phần quan trọng trong cơ cấu lại thị phần vận tải hành khách giữa các phương thức theo hướng bền vững.
Về vận tải hàng hóa, Thứ trưởng Bộ GTVT cho biết đường sắt tốc độ cao vận chuyển hành khách là chính, bên cạnh đó đáp ứng yêu cầu lưỡng dụng phục vụ quốc phòng, an ninh và có thể vận tải hàng hóa khi cần thiết. Trong đó, các loại hàng hóa chủ yếu là hàng nhẹ, hàng chuyển phát nhanh. Còn đối với hàng hóa khối lượng lớn sẽ được chuyên chở trên đường sắt Bắc - Nam khổ 1m hiện hành, sau khi được nâng cấp, cải tạo.
Theo tính toán của Bộ GTVT, đến năm 2050, nhu cầu vận tải hàng hóa khoảng 1,4-1,7 tỷ tấn hàng, khoảng 1,1-1,3 tỷ lượt khách, trong đó vận tải đường sắt đảm nhận khoảng 18,2 triệu tấn hàng và khoảng 122,7 triệu lượt khách.
Đặc biệt, tuyến đường sắt tốc độ cao sử dụng năng lượng điện là một trong các giải pháp tối ưu chuyển đổi phương thức vận tải trong bối cảnh Việt Nam đang ưu tiên phát triển nền kinh tế cacbon thấp, đạt phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 như cam kết tại Hội nghị COP26.
Cụ thể, phát thải CO2 của đường sắt cao tốc thấp hơn máy bay 8,5 lần, thấp hơn ô tô 3,7 lần, chi phí giảm lượng phát thải CO2 sau khi dự án hoàn thành sẽ tiết kiệm khoảng 67 triệu USD vào năm 2040, khoảng 172 triệu USD vào năm 2050.
Ngoài ra, sau khi cơ cấu lại thị phần vận tải, đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam cũng sẽ góp phần kéo giảm tai nạn giao thông. Tính toán của Ngân hàng phát triển châu Á cho thấy dự án sẽ tiết kiệm chi phí thiệt hại do giảm tai nạn giao thông khoảng 849 triệu USD vào năm 2040, khoảng 1.906 triệu USD vào năm 2050.
Bên cạnh giá trị trực tiếp, việc đầu tư xây dựng đường sắt tốc độ cao sẽ là một khoản đầu tư công lớn, tạo ra nhu cầu lớn về sản xuất, khai thác nguyên vật liệu phục vụ cho công tác xây dựng, đồng thời tạo ra việc làm cho nhiều ngàn lao động trong nước trong một thời gian dài, có thể đến 10 năm hoặc dài hơn. Đây có thể trở thành một cú hích để phát triển kinh tế trong những năm tới.
Theo phân tích của Bộ GTVT, việc đầu tư tuyến đường sắt tốc độ cao tạo ra thị trường xây dựng với giá trị khoảng 33,5 tỷ USD, tính cả hệ thống đường sắt quốc gia, đường sắt đô thị sẽ tạo ra thị trường về xây dựng khoảng 756 tỷ USD, phương tiện, thiết bị khoảng 34,1 tỷ USD (đầu máy, toa xe khoảng 9,8 tỷ USD, hệ thống thông tin tín hiệu và thiết bị khác khoảng 24,3 tỷ USD) và hàng hiệu việc làm.
Tuy nhiên, TS. Phan Lê Bình, cơ hội này chỉ có thể tận dụng nếu các doanh nghiệp trong nước có đủ năng lực công nghệ, kỹ thuật để đảm nhận những công việc này.
“Hiện nay, năng lực xây lắp của các doanh nghiệp xây dựng trong nước đã có thể đảm nhận phần lớn khối lượng xây lắp hạ tầng cho đường. Tuy nhiên năng lực sản xuất đầu máy toa xe còn cần cải thiện rất nhiều để có thể đảm nhận được các hạng mục phục vụ cho đường sắt tốc độ cao.
Việc học tập công nghệ này không thể thiếu sự hỗ trợ từ nước ngoài. Trung Quốc khi xây dựng đường sắt tốc độ cao của mình trong giai đoạn đầu cũng đã nhập khẩu công nghệ từ các hãng sản xuất đầu máy toa xe của Nhật Bản và Đức. Việc làm chủ công nghệ sản xuất đóng vai trò vô cùng quan trọng trong công tác kích thích phát triển nền kinh tế khi thực hiện siêu dự án này”, chuyên gia giao thông này phân tích.
Còn theo đánh giá của các chuyên gia thuộc Hiệp hội doanh nghiệp cơ khí Việt Nam, nếu được chuyển giao công nghệ thích hợp, với quy mô thị trường mà dự án đường sắt tốc độ cao mở ra, Việt Nam có khả năng phát công nghiệp đường sắt, trong đó làm chủ công nghiệp xây dựng, từng bước làm chủ và nội địa hóa về chế tạo toa xe, hệ thống cấp điện động lực, hệ thống thông tin – tín hiệu, tự chủ toàn bộ công tác vận hành, duy tum bảo trì và sản xuất một số linh kiện thay thế cho đường sắt tốc độ cao.
Do đó, việc đầu tư phát triển đường sắt tốc độ cao là tiền đề để phát triển công nghiệp đường sắt, công nghiệp hỗ trợ, góp phần thực hiện mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Dù nhiều kỳ vọng, song các chuyên gia cũng nhấn mạnh, đường sắt tốc độ cao không phải là chiếc đũa thần giúp phát triển đô thị và phát triển kinh tế.
Cùng với việc xây dựng đường sắt đô thị, Việt Nam cần định ra kế hoạch phát triển đô thị, ưu tiên thu hút dân cư và hoạt động dịch vụ với mật độ cao xung quanh các nhà ga đường sắt, một cách có mục tiêu và lộ trình rõ ràng, thì mới có thể khai thác tối đa giá trị của dự án này.
Trao đổi với Người Đưa Tin, TS. Trương Thị Mỹ Thanh - Trưởng Bộ môn Quy hoạch đô thị và giao thông, Trường Đại học Công nghệ GTVT đồng tình về những giá trị mà dự án đường sắt tốc độ cao có thể mang lại, tuy nhiên, chuyên gia này lưu ý cần có một cái nhìn toàn cục và khách quan thay vì chỉ ước lượng giá trị bằng việc nhìn vào quy mô dự án.
“Xét cho cùng, đường sắt tốc độ cao cũng chỉ là một phương thức vận tải bên cạnh những phương thức vận tải khác (đường bộ, hàng không, thuỷ nội địa, hàng hải). Do đó, không nên kỳ vọng quá lớn vào việc đầu tư vào một dự án đường sắt mà có thể định hình được cả cục diện phát triển của đất nước”, bà Thanh chia sẻ.
Để phát triển dài hạn, ngành GTVT phải đầu tư đồng bộ vào các phương thức vận tải khác theo hướng phát huy tối đa lợi thế của từng phương thức.
Phân tích trên, rất có ý nghĩa, bởi sau hơn 40 năm bị lãng quên, đường sắt đã không tồn tại theo đúng nghĩa của nó và thời điểm này là lúc cần “trả nợ” để đặt đường sắt vào đúng vị trí của nó. Song, vẫn nên nhớ rằng, bên cạnh siêu dự án này, chúng ta vẫn còn rất nhiều việc phải làm.
Mời quý độc giả theo dõi tuyến bài Đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam và khát vọng trăm năm trên tạp chí điện tử Người Đưa Tin
(Bài 1): Gần 2 thập kỷ chờ đợi
(Bài 2): Giá trị của một siêu dự án
(Bài 3): Quyết tâm và nỗ lực cho một dự án chưa từng có tiền lệ