Nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, khu vực tam giác kinh tế Tp.HCM - Bình Dương - Đồng Nai, tỉnh Bình Dương đang có lợi thế quan trọng. Hiện, tỉnh Bình Dương có chủ trương tập trung phát triển xanh hóa nền kinh tế, định hướng chuyển các khu công nghiệp sang mô hình thông minh - sinh thái.
Theo báo cáo của Văn phòng UBND tỉnh Bình Dương, hoạt động sản xuất công nghiệp 6 tháng đầu năm 2024 khởi sắc, khi các ngành hàng xuất khẩu chủ lực của tỉnh này dần phục hồi. Chỉ số sản xuất công nghiệp ước tăng 5,63% so với cùng kỳ năm 2023 (cùng kỳ tăng 2,65%). Các khu công nghiệp đã cho thuê 79,22ha đất, thu hút đầu tư nước ngoài 944 triệu USD (chiếm 88,64% cả tỉnh).
Đầu tư trong nước thu hút được 47.500 tỷ đồng vốn đăng ký kinh doanh. Đến nay, toàn tỉnh Bình Dương có hơn 70.000 doanh nghiệp, tổng vốn 774 nghìn tỷ đồng. Đầu tư nước ngoài đã thu hút được 1 tỷ USD, toàn tỉnh Bình Dương có 4.342 dự án đầu tư nước ngoài, tổng vốn đầu tư 40,9 tỷ USD.
Trao đổi với PV Người Đưa Tin, ông Võ Anh Tuấn, Chánh Văn phòng UBND tỉnh Bình Dương cho biết: “Bình Dương hiện vẫn tập trung ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; tích cực cải thiện môi trường đầu tư, khơi thông điểm nghẽn; tiếp tục quan tâm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, tìm kiếm thị trường xuất khẩu, phát huy thị trường nội địa để tiêu thụ sản phẩm; đẩy mạnh phát triển công nghiệp xây dựng, thương mại, dịch vụ, đô thị”.
Theo ông Anh Tuấn, từ đầu năm tỉnh Bình Dương đã tổ chức động thổ xây dựng cụm công nghiệp An Lập (75ha); đang nghiên cứu đầu tư khu công nghiệp cơ khí, khu công nghệ thông tin tập trung..., phục vụ thu hút các ngành cơ khí ô tô và phát triển công nghiệp công nghệ cao.
“Trong báo cáo Quy hoạch tỉnh Bình Dương thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 790/QĐ-TTg ngày 3/8/2024, UBND tỉnh Bình Dương cũng công bố dự án Khu công nghiệp Cây Trường tại thị trấn Lai Uyên và xã Cây Trường II, huyện Bàu Bàng có diện tích lập quy hoạch rộng khoảng 700ha, quy mô lao động khoảng 35.000 người”, ông Anh Tuấn thông tin.
Theo tìm hiểu của Người Đưa Tin, với tầm nhìn dài hạn và phát huy điểm mạnh về công nghiệp dịch vụ, nhiều năm nay, tỉnh Bình Dương tập trung phát triển hạ tầng quy hoạch đô thị bài bản và tập trung cho việc phát triển công nghiệp dịch vụ.
Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp đang diễn ra mạnh mẽ trên toàn thế giới, nguồn nhân lực lao động, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao đóng vai trò quyết định đối với sự phát triển kinh tế - xã hội.
Phát triển thu hút được lực lượng lao động và nguồn nhân lực chất lượng cao là vấn đề mà tỉnh Bình Dương nói riêng và Việt Nam nói chung đang hướng tới. Với định hướng phát triển công nghiệp dịch vụ, các tỉnh sẽ cần lượng lớn lao động phổ thông, lao động chất lượng cao để đáp ứng được nhu cầu công việc.
Tỉnh Bình Dương đã ban hành nhiều văn bản, chương trình nhằm thu hút người lao động và đào tạo nguồn lao động chất lượng cao. Đơn cử như Nghị quyết số 05/2019/NQ-HĐND về “Ban hành quy định chính sách thu hút, chế độ hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tỉnh Bình Dương”.
Quyết định 1745/QĐ-UBND về “Ban hành kế hoạch triển khai chương trình số 19-CTr/TU ngày 31/5/2021 của Tỉnh ủy Bình Dương về Phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu xây dựng Bình Dương phát triển bền vững theo hướng đô thị thông minh, văn minh, hiện đại giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045. Ngoài ra, Tỉnh ủy Bình Dương đã ban hành Chương trình số 57-CTr/TU về "Tiếp tục nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho công nhân lao động".
Tại buổi họp báo công bố quy hoạch tỉnh Bình Dương thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, ông Phạm Trọng Nhân, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Dương cho biết: “Hiện nay, Bình Dương đang tập trung phát triển các khu công nghiệp xanh, theo hướng sinh thái nhằm thu hút những nhà đầu tư trong nước và doanh nghiệp ngoài nước. Với phương châm công nghiệp, dịch vụ và đô thị nhà ở. Dự kiến đến năm 2050 Bình Dương sẽ phát triển nhiều khu công nghiệp, tạo ra nhiều cơ hội việc làm, cải thiện môi trường đầu tư, cuộc sống cho người dân, người lao động”.
Cũng theo ông Phạm Trọng Nhân, ngoài việc phát triển bất động sản công nghiệp hướng tới lĩnh vực công nghệ cao, công nghiệp xanh thì Bình Dương cũng tập trung vào thu hút nguồn nhân lực, giữ chân người lao động.
“Hiện nay không chỉ riêng Bình Dương có những khu công nghiệp lớn, thu hút nhà đầu tư, người lao động, mà các tỉnh thành khác trên cả nước cũng có. Chính vì vậy, ngoài việc xây dựng khu công nghiệp thì Bình Dương luôn chú trọng tới nhu cầu của người dân, người lao động như phát triển nhà ở, an sinh xã hội, tăng thu nhập bình quân đầu người, nhằm thu hút thêm nguồn lực chất lượng”, ông Phạm Trọng Nhân chia sẻ.
Ông Mai Hùng Dũng, Phó Chủ tịch thường trực tỉnh Bình Dương cho biết, tỉnh Bình Dương đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng phát triển thông minh, phát triển xanh, dựa trên phát triển khoa học công nghệ và nguồn nhân lực chất lượng cao, ưu tiên phát triển các ngành công nghệ cao, các ngành dịch vụ chất lượng cao.
Chính vì vậy Bình Dương rất chú trọng phát triển văn hoá, lấy con người làm trung tâm, là chủ thể, nguồn lực, mục tiêu dài hạn để phát triển bền vững, tạo môi trường sống tốt để thu hút nhân tài, chuyên gia, nhà khoa học, nguồn nhân lực chất lượng cao đến sống và làm việc tại Bình Dương.
Rất nhiều chính sách được tỉnh Bình Dương đưa ra như mời trực tiếp các chuyên gia, người có trình độ chuyên môn cao, thu hút theo hình thức cán bộ công chức… Phát triển nguồn lao động có tay nghề đủ về số lượng, đảm bảo về chất lượng, có cơ cấu hợp lý, gắn đào tạo với giải quyết việc làm, tăng thu nhập và cải thiện đời sống của người dân.
Tuy nhiên, với tốc độ phát triển rất nhanh về các khu công nghiệp, đặc biệt là khu công nghiệp xanh, sinh thái thì lực lượng lao động cũng đang là vấn đề mà Bình Dương chú trọng.
Chia sẻ về một số khó khăn hiện nay, ông Phạm Trọng Nhân, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Dương cho rằng, việc phát triển khu công nghiệp sinh thái xanh luôn phải chọn lựa kỹ càng các nhà đầu tư, doanh nghiệp có tiềm lực nên cũng phải trải qua nhiều quy trình, thời gian có thể kéo dài.
Bên cạnh đó, khu công nghiệp luôn cần lượng lao động lớn, để đảm bảo được công việc, dân số sinh sống làm việc tại các khu công nghiệp cũng phải tăng lên theo mọi thời gian để đáp ứng từ công nghiệp, dịch vụ, xã hội.
Câu chuyện tỉ lệ làm trẻ hóa dân số cũng là vấn đề khó khăn, phải cần có chính sách hấp dẫn thu hút giữ chân người lao động. Đồng thời, động viên khuyến khích người dân kết hôn và sinh con theo quy luật tự nhiên.
Trao đổi với PV, chị Nguyễn Thị Hoa (quê Bình Thuận) cho biết: “Tôi từng có thời gian 2 năm làm việc cho doanh nghiệp nước ngoài ở khu công nghiệp VSIP II, Bình Dương, dưới vai trò trợ lý và phiên dịch. Tuy nhiên, tôi Tp.HCM mà đi làm ở Bình Dương, tính chất công việc liên tục di chuyển nên tôi cảm thấy khá mệt mỏi”.
Theo chị Hoa, mặc dù, môi trường công việc ở Bình Dương rất tốt, đặc biệt là khu công nghiệp luôn xanh, sạch, nhưng những tiện ích dịch vụ phục vụ vui chơi giải trí, đời sống vẫn chưa phát triển kịp. Chính vì vậy, chị vẫn lựa chọn sinh sống ở Tp.HCM, thay vì ở Bình Dương để thuận tiện cho công việc và cuộc sống.
Cũng theo tìm hiểu của PV, hiện nay tốc độ đô thị hóa tại các khu vực của Bình Dương rất nhanh và phát triển. Các khu công nghiệp mới được xây dựng liên tục và đăng tải nhiều thông tin tìm kiếm lực lượng lao động phổ thông và lao động chất lượng cao.
Tuy nhiên, người lao động vẫn mang tâm lý "ngại thay đổi", cộng với việc những chế độ, lương thưởng trong công việc chưa thực sự hấp dẫn. Nên khi có những khu công nghiệp ở xa trung tâm, người lao động không mặn mà di dời.
Đây không chỉ là khó khăn của tỉnh Bình Dương, mà là khó khăn chung của nhiều tỉnh thành trên cả nước khi định hướng phát triển khu công nghiệp sinh thái.
Theo báo cáo tổng kết 30 năm phát triển khu công nghiệp (KCN), khu kinh tế ( KKT) của Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã được Chính phủ đồng ý, đến năm 2030 sẽ có từ 40%-50% địa phương có kế hoạch chuyển đổi các KCN hiện hữu sang KCN sinh thái và 8%-10% địa phương có định hướng xây dựng KCN sinh thái mới.
Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia, các KCN, KKT của Việt Nam cũng như toàn bộ nền kinh tế đang phải đối diện với nhiều khó khăn, thách thức. Việc phát triển các KCN, KKT theo chiều rộng đang gặp khó khăn về nguồn lao động, đất đai, tài nguyên, năng suất lao động,…
Trao đổi với Người Đưa Tin, ông Giang Quốc Dũng, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản tỉnh Bình Dương nhận định: “Nền kinh tế công nghiệp dịch vụ được Bình Dương cũng như nhiều tỉnh tập trung phát triển trong nhiều năm qua. Nhờ đẩy mạnh xây dựng hạ tầng và ưu đãi thu hút đầu tư, rất nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước đã đến phát triển các khu công nghiệp lớn, từ đó kéo theo các lĩnh vực khác trong đó có bất động sản dân dụng”.
“Khi bất động sản công nghiệp phát triển sẽ thu hút được lượng lớn người dân ở nhiều tỉnh thành và lượng chuyên gia từ nước ngoài đến làm việc… Khi đó nhu cầu sinh sống an cư lập nghiệp, sở hữu nhà ở tăng cao. Chính vì vậy, nguồn cung nhà ở cũng tăng theo. Ngoài khu công nghiệp tạo tiền đề thu hút nhà đầu tư thì các tỉnh còn cần tập trung xây dựng các khu nhà ở công nhân, nhà ở xã hội…”, ông Dũng chia sẻ.
Ông Hà Văn Thiện, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn Trần Anh nhận định “Hiện nay, Bình Dương là tỉnh đi đầu trong việc chuyển đổi từ khu công nghiệp thông thường sang mô hình khu công nghiệp sinh thái khu công nghiệp sinh thái. Đồng thời, các địa phương xác định mục tiêu và phương châm phát triển thời gian tới là công nghiệp công nghệ cao, dịch vụ, hướng tới những khu công nghiệp chuẩn xanh thể hiện cam kết mạnh mẽ của địa phương trong việc phát triển kinh tế cân bằng với đảm bảo yếu tố môi trường và xã hội”.
“Trong giai đoạn 2025 – 2030, tầm nhìn 2040, mô hình KCN sinh thái là xu hướng tất yếu cho công cuộc phát triển bền vững, nâng cao lợi thế cạnh tranh. Mô hình này phát triển sẽ là giải pháp “bệ phóng” để Bình Dương nói riêng và Việt Nam tiếp gần hơn với nhiều doanh nghiệp nước ngoài, thu hút vốn FDI.
Có thể thấy chiến lược phát triển công nghiệp xanh sẽ là xu thế tất yếu trong tương lai. Chính vì vậy, không chỉ Bình Dương mà nhiều tỉnh thành khác trên cả nước cũng cần nghiên cứu, chuyển hướng mô hình KCN sinh thái, dịch vụ để đáp ứng và hoà nhịp với xu thế thời đại”, ông Thiện chia sẻ.
Trao đổi với PV, ông Lê Đình Lăng, Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư xây dựng và Phát triển địa ốc Song Long nhận định, các khu công nghiệp ở Bình Dương hiện nay được xây dựng khá bài bản. Đặc biệt, có nhiều khu công nghiệp chuẩn xanh, thân thiện môi trường, tạo việc làm cho người dân trong và khu vực, tăng thu nhập.
Tuy nhiên, hiện nay tỉnh Bình Dương tổ chức quy hoạch các khu công nghiệp lên phía Bắc của tỉnh xa các khu trung tâm hành chính tập trung, xa khu vực Tp.HCM…Chính vì vậy, cơ quan chức năng cần phải tăng cường hơn trong việc hoàn thành xây dựng hạ tầng, tạo lập các khu nhà ở xã hội, nhà ở công nhân… .
Ông Lăng cho rằng, vấn đề ổn định cuộc sống và đời sống của người lao động tại các KCN còn nhiều điều phải bàn. Cần có cơ chế riêng cho người mua nhà để họ an cư, giữ được người dân ở lại làm việc trong các KCN. Ngoài ra, hệ thống hạ tầng xã hội như các cơ sở y tế, giáo dục, văn hóa - thể thao,..hiện chưa đáp ứng được nhu cầu của người lao động trong KCN.
Tuy nhiên, theo nhận định của nhiều chuyên gia, hiện nay việc đầu tư xây dựng nhà ở, bệnh viện, các cơ sở giáo dục - đào tạo đòi hỏi vốn đầu tư lớn nhưng thu hồi vốn chậm, hiệu quả đầu tư không cao, nên rất ít doanh nghiệp tham gia. Đây cũng là vấn đề các tỉnh có định hướng phát triển công nghiệp sinh thái cần quan tâm và có giải pháp tháo gỡ trong thời gian tới. Chỉ khi giải được những bài toán này, mới có thể thu hút và giữ chân người lao động ở lại lâu dài tại các KCN.