Thống kê của Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO) cho thấy, lượng du khách tham gia các hình thức du lịch nông thôn, sinh thái chiếm khoảng 10%, với doanh thu khoảng 30 tỷ USD/năm. Trung bình mỗi năm, tỉ lệ khách du lịch nông thôn tăng từ 10 đến 30%.

Đối với Việt Nam, đây là cơ hội để phát huy tiềm năng sẵn có, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường và bảo tồn văn hóa. Nếu có những bước đi bài bản, Việt Nam hoàn toàn có thể trở thành một điểm sáng trên bản đồ du lịch nông nghiệp toàn cầu.

Theo Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, du lịch nông thôn ở Việt Nam có thể xếp vào 3 loại hình cơ bản: Du lịch cộng đồng, du lịch canh nông, và du lịch sinh thái. Điểm chung của loại hình này là các hoạt động du lịch được tổ chức tại khu vực nông thôn, đồng thời khai thác giá trị văn hóa, lối sống, và truyền thống làng quê gắn với sản xuất nông nghiệp.

Những năm gần đây, Đồng Tháp đã chứng kiến sự bùng nổ của các mô hình du lịch nông nghiệp, đặc biệt từ các hội quán. Điển hình, Thuận Tân hội quán đã sáng tạo mô hình nhà vườn, mang đến cho du khách trải nghiệm thư giãn trong không gian nông thôn yên bình.

Ông Lê Phước Tánh - Chủ nhiệm Thuận Tân hội quán, chia sẻ: “Chặng đường phát triển đó không hề dễ dàng khi các thành viên hội quán, phần lớn là nông dân, ban đầu còn lúng túng trong việc định hình mô hình, liên kết với các đối tác và cung cấp các dịch vụ du lịch”.

Ông Tánh cho biết, nếu trước đây du khách đến với hội quán chỉ để xem người dân thực hiện dỡ chà, kéo lưới bắt cá, thì nay du khách có thể trải nghiệm trực tiếp dưới sự hướng dẫn của các nông dân.

Ví dụ, du khách đến thăm vườn xoài sẽ được quét mã QR để tìm hiểu về sản phẩm xoài hữu cơ, đạt chuẩn VietGAP. Khi đi du thuyền, họ sẽ được nghe giới thiệu về sông Tiền, nghề dỡ chà và thưởng thức các món ăn đặc sắc.

Nhờ đó mà bên cạnh nguồn thu từ nông nghiệp, du lịch dần trở thành nguồn thu nhập lớn giúp bà con nông dân cải thiện cuộc sống.

Không chỉ ở miền Tây Nam Bộ, miền núi phía Bắc cũng đang chứng kiến những bước chuyển mình mạnh mẽ của du lịch nông nghiệp. Điển hình là vùng chè La Bằng, nơi những đồi chè xanh mướt gắn liền với trải nghiệm hái chè và thưởng trà.

Chia sẻ với Người Đưa Tin, ông Hứa Văn Thịnh - Phó Giám đốc HTX chè La Bằng cho biết: “Mặc dù là một trong những vùng chè đặc sản của Thái Nguyên nhưng khoảng một thập kỷ về trước cái tên chè La Bằng rất còn xa lại với người tiêu dùng. Đó là những ngày đầu khó khăn của HTX”.

Nhận thấy cơ hội trong lĩnh vực du lịch, trải nghiệm nông nghiệp; trong đó có du lịch tại các vùng sản xuất chè gắn với văn hoá, ẩm thực địa phương đang có xu hướng tăng, những năm gần đây HTX chè La Bằng đã chủ động đón nhận “luồng sinh khí" mới này.

Ông Thịnh chia sẻ: “Trên đường đi thăm quan La Bằng, du khách có thể dừng xe lên đồi chè chụp ảnh và cùng bà con nơi đây hái chè, hoặc vào thăm các cơ sở sản xuất chè, được thưởng trà và nghe giới thiệu về quy trình sản xuất cũng như những sản phẩm trà ngon nổi tiếng.

HTX đã chuẩn bị cơ sở vật chất để đón các đoàn khách đến tham quan, trải nghiệm hái chè, chế biến chè theo phương pháp thủ công truyền thống kết hợp du lịch tại địa phương”.

Còn đối với gia đình ông Và A Chứ - xã Sin Suối Hồ, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu, nhờ làm du lịch mà không chỉ gia đình ông mà bản làng đã có thêm nhiều sản phẩm đặc trưng như thổ cẩm, rau, thực phẩm, hoa lan để bán cho khách, giúp tăng thu nhập đáng kể.

"Riêng gia đình tôi cũng thay đổi rất nhiều. Trước đây, mọi người phải đi làm nương vất vả, nhưng bây giờ, chúng tôi tập trung vào đón khách du lịch, sản xuất và bán các sản phẩm du lịch. Nhờ đó, gia đình không chỉ có của ăn, của để mà còn có cuộc sống ổn định hơn", ông Và A Chứ chia sẻ thêm.

Không chỉ ở Việt Nam, nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó với điển hình là Nhật Bản, Italia và Mỹ đã thành công trong việc khai thác tiềm năng của du lịch nông nghiệp, biến nó thành một phần không thể thiếu của ngành kinh tế du lịch. Nhật Bản, với nền nông nghiệp hiện đại nhưng vẫn đậm chất truyền thống, là một trong những quốc gia đi đầu trong phát triển du lịch nông nghiệp. Tại các vùng nông thôn như Hokkaido, Nagano hay Kyoto, du khách được chào đón đến các "farmstay" – những trang trại cung cấp dịch vụ lưu trú và trải nghiệm nông nghiệp.

Ở đây, du khách không chỉ tham gia các hoạt động trồng lúa, hái trái cây, hoặc chế biến thực phẩm, mà còn được khám phá văn hóa bản địa thông qua các lễ hội mùa màng và ẩm thực địa phương.

Bên cạnh đó, Nhật Bản còn tích cực ứng dụng công nghệ vào nông nghiệp để nâng cao trải nghiệm du lịch. Các cánh đồng lúa thông minh hay trang trại dâu tây áp dụng kỹ thuật thủy canh không chỉ thu hút khách tham quan mà còn truyền tải thông điệp về phát triển bền vững.

Mô hình này thành công nhờ sự kết hợp hài hòa giữa truyền thống, công nghệ và sự chuyên nghiệp trong dịch vụ. Với cách làm bài bản, Nhật Bản đã biến du lịch nông nghiệp thành một sản phẩm đặc trưng, giúp thúc đẩy kinh tế vùng nông thôn.

Còn tại Italia, quốc gia từ lâu đã nổi tiếng với những nông trại rượu vang nằm giữa các vùng đồi xanh mướt của Tuscany, Piedmont hay Veneto. Tại đây, du khách không chỉ đơn thuần tham quan mà còn tham gia vào các hoạt động như thu hoạch nho, chế biến rượu vang, và học cách nếm thử các dòng rượu đặc sản.

Hành trình khám phá những trang trại rượu vang còn được kết hợp với trải nghiệm thưởng thức ẩm thực Italia. Các món ăn được chế biến từ nguyên liệu tươi sạch tại chỗ, mang lại cảm giác chân thực và gần gũi với thiên nhiên.

Điểm đặc biệt trong cách làm của Italia là khả năng gắn kết du lịch với giá trị văn hóa. Những trang trại ở đây không chỉ là nơi sản xuất mà còn là không gian để du khách tìm hiểu về lịch sử, nghệ thuật và phong cách sống đặc trưng của vùng đất này.

Ở Mỹ, du lịch nông nghiệp không chỉ đơn thuần là trải nghiệm mà còn mang tính giáo dục cao. Tại các bang như California, Vermont hay Oregon, các nông trại tổ chức nhiều chương trình hướng đến trẻ em và gia đình, giúp họ tìm hiểu về quy trình trồng trọt, chăn nuôi và sản xuất thực phẩm sạch.

Những hoạt động như hái trái cây, cưỡi ngựa hay dựng lều trại giữa cánh đồng trở thành điểm nhấn thu hút du khách. Các trang trại hữu cơ còn mở rộng dịch vụ với những tour hướng dẫn về nông nghiệp bền vững, tạo sự kết nối mạnh mẽ giữa con người và thiên nhiên.

Chính phủ Mỹ cũng hỗ trợ mạnh mẽ bằng các chính sách khuyến khích phát triển du lịch nông nghiệp như một phần của chiến lược kinh tế nông thôn. Điều này giúp các nông trại vừa thu hút khách du lịch vừa nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp.

Có thể thấy, từng quốc gia khác nhau lại có những cách làm du lịch nông nghiệp khác nhau nhưng đều có điểm chung là gắn kết được du lịch với những giá trị về văn hóa. Từ đó tạo ra đòn bẩy nhằm tạo đầu ra ổn định cho các sản phẩm nông nghiệp đồng thời cũng góp phần làm vững chắc thêm mục tiêu phát triển bền vững.

Những ví dụ trên cho thấy, xu hướng kết hợp giữa du lịch và nông nghiệp không phải là câu chuyện mới mẻ mà là câu chuyện đã xuất hiện từ lâu, ở nhiều quốc gia trên thế giới.

Du lịch nông nghiệp hướng đến việc khai thác tiềm năng từ cảnh quan thiên nhiên, các làng nghề truyền thống và nét văn hóa đặc trưng của vùng nông thôn. Những cánh đồng lúa bạt ngàn, các đồi chè xanh ngút ngàn hay khu vườn cây ăn trái trĩu quả đều trở thành điểm nhấn thu hút du khách.

Các mô hình như trải nghiệm thu hoạch chè ở Thái Nguyên, ghé thăm làng gốm Bát Tràng hay du ngoạn miệt vườn ở miền Tây Nam Bộ không chỉ giúp khách tham quan hòa mình vào cuộc sống thường nhật của người dân mà còn thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển.

Tuy nhiên, hành trình làm du lịch nông nghiệp ở Việt Nam không phải là câu chuyện đơn giản. Đặc biệt đối với những người nông dân vốn quen với ruộng đồng, nương rẫy, với những công việc “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”.

Bắt đầu làm du lịch, từ việc lạ lẫm, lúng túng trong việc giới thiệu dịch vụ thì con vô vàn khó khăn. Theo ông Và A Chứ, khó khăn lớn nhất khi bắt đầu làm du lịch là thiếu vốn. Thêm vào đó, hạ tầng giao thông chưa hoàn thiện cũng là trở ngại lớn, nhưng hiện nay các con đường đã dần được địa phương cải thiện, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho việc phát triển du lịch.

"Chính quyền ở đây rất quan tâm và hỗ trợ bà con làm du lịch. Trước kia, dân bản chủ yếu đi làm nương nhưng đời sống vẫn khó khăn. Giờ đây, nhiều người đã chuyển sang làm nhà nghỉ, trồng rau, dệt thổ cẩm... để phục vụ khách du lịch, nhờ đó mà cuộc sống trở nên khá giả hơn", ông nói.

Thực tế, nhiều đơn vị dù có ý tưởng hay và tiềm năng lớn vẫn phải đối mặt với hàng loạt thách thức về vốn, chính sách, và cơ sở hạ tầng. Hợp tác xã Nông nghiệp Tuấn Ngọc tại thành phố Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh, là một ví dụ điển hình.

Ông Lâm Ngọc Tuấn - Giám đốc Hợp tác xã Tuấn Ngọc chia sẻ, khó khăn lớn nhất là thiếu vốn để đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất và mở rộng các dịch vụ du lịch.

“Du lịch nông nghiệp đòi hỏi nguồn lực đầu tư dài hạn, từ xây dựng cơ sở hạ tầng, mua sắm trang thiết bị, đến duy trì và bảo dưỡng. Chưa kể đến chi phí đào tạo nguồn nhân lực cho các hoạt động trải nghiệm. Nếu không có đủ vốn, việc triển khai và phát triển mô hình này sẽ gặp rất nhiều khó khăn”, ông Tuấn cho biết.

Thực tế trên cho thấy, dù tiềm năng phát triển du lịch nông nghiệp tại Việt Nam là rất lớn, nhưng để mô hình này thực sự bền vững và mang lại hiệu quả cao, cần sự hỗ trợ mạnh mẽ hơn nữa về vốn, chính sách và cơ sở hạ tầng từ các cấp chính quyền cũng như sự phối hợp chặt chẽ giữa các bên liên quan.

Bà Phan Yến Ly - Giám đốc Công ty Tư vấn Truyền thông và Sự kiện Cánh Cam, nhận định: “Dưới góc nhìn lữ hành, du lịch nông nghiệp và nông thôn Việt Nam vẫn chưa thật sự đột phá, dù chúng ta đã nhắc nhiều đến tiềm năng và thế mạnh của loại hình du lịch này”.

Hiện nay, dù đang phát triển, du lịch nông nghiệp và nông thôn tại Việt Nam vẫn thiếu sự định hướng rõ ràng và bền vững. Tình trạng phổ biến là sự sao chép sản phẩm, dẫn đến các mô hình na ná nhau ở nhiều địa phương, gây cạnh tranh không lành mạnh. Thêm vào đó, những vướng mắc pháp lý trong việc làm du lịch trên đất nông nghiệp cũng là rào cản lớn.

Ngoài ra, du lịch nông nghiệp Việt Nam đang đối mặt với nhiều thách thức, từ thiếu quy hoạch tổng thể đến hạn chế về hạ tầng. Phần lớn các khu vực nông thôn vẫn chưa có đủ nhân lực và điều kiện để đón tiếp lượng lớn du khách, trong khi những sản phẩm du lịch đặc trưng chưa được xây dựng bài bản. Điều này khiến loại hình du lịch này dù được quan tâm nhưng chưa thực sự tạo được sức hút mạnh mẽ trên thị trường quốc tế.

Ông Đoàn Văn Khanh - Giám đốc doanh nghiệp tư nhân Long Thuận (Tiền Giang) cho rằng: “Làm cái gì phải độc, lạ và có tính bền vững mới thu hút được khách du lịch. Mình không chỉ giải quyết đầu ra cho các sản phẩm nông nghiệp mà còn tạo không gian cho những ai mỗi khi đến tham quan, thưởng ngoạn và được sống với không gian yên tĩnh của chốn quê”.

Ông Khanh chia sẻ mô hình vườn du lịch của mình, trong đó thiết kế những cây cầu bằng thép cao chót vót trên ngọn dừa, thành một hệ thống giao thông trên cao, có bậc thang đi lên để dạo vòng quanh khu vườn. Nhờ cách làm độc đáo này, vườn của ông đã thu hút được đông đảo du khách đến tham quan trải nghiệm.

Một hướng đi tiềm năng khác là gắn kết du lịch nông nghiệp với chương trình OCOP (Mỗi xã một sản phẩm). Các sản phẩm đặc trưng như chè Tân Cương, mật ong rừng U Minh hay các mặt hàng làng nghề truyền thống không chỉ giúp định vị thương hiệu địa phương mà còn mang lại giá trị kinh tế cao. Những trải nghiệm gắn liền với các sản phẩm OCOP này sẽ góp phần thu hút du khách và tạo ra dấu ấn riêng biệt.

Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, sau 5 năm triển khai Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" (Chương trình OCOP), đến nay cả nước có 10.322 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên của 5.361 chủ thể (51 sản phẩm 5 sao).

Ông Nguyễn Hoàng Anh - Phó Chủ tịch Hiệp hội Nông nghiệp số Việt Nam cho rằng, với 65% dân số nông thôn, có liên quan hoặc sống phụ thuộc vào nông nghiệp, Chương trình OCOP đang được xã hội đón nhận tích cực, việc phát huy thương hiệu OCOP cũng thể hiện sự đồng thuận xã hội để tạo ra các sản phẩm giá trị.

Ở giai đoạn mới, thương hiệu OCOP được khẳng định với những sản phẩm chất lượng. Tuy nhiên, Chương trình cần phát huy giá trị kết nối, giá trị thị trường để thông qua thương hiệu OCOP có thể giúp kết nối giao thương, kết nối giá trị dịch vụ, văn hóa, du lịch.

Ngoài ra, cần quy hoạch vùng miền, các địa điểm, trung tâm trưng bày, giới thiệu sản phẩm, kết nối giao thương để thúc đẩy mua bán các sản phẩm OCOP vùng, góp phần đưa sản phẩm OCOP ra thị trường mạnh mẽ hơn.

“Việc đưa Chương trình OCOP thành thương hiệu mang tầm quốc gia có giá trị to lớn đối với ngành nông nghiệp Việt Nam. Trong giai đoạn tới Ban chỉ đạo OCOP cần xác lập thêm tiêu chuẩn, tiêu chí để bảo đảm giá trị sản phẩm, tránh cho sản phẩm OCOP bị lạm dụng, mai một, không thể phát huy giá trị tối đa”, ông Hoàng Anh kiến nghị.

Theo bà Ly, để phát triển du lịch nông nghiệp, cần thay đổi tư duy của các chủ thể tham gia, bao gồm nông dân, hợp tác xã và trang trại. “Cần tạo động lực để họ muốn làm du lịch ngay cả khi nông sản được tiêu thụ tốt và kinh tế nông nghiệp phát triển”, bà nói. Đồng thời, các doanh nghiệp lữ hành cũng cần chung tay phối hợp với các điểm đến nông thôn để phát triển bền vững.

Trước những khó khăn và thách thức, bà Ly đề xuất một cách tiếp cận mới, lấy cảm hứng từ thành công của Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Theo đó, Việt Nam có thể phát động phong trào “Mỗi tỉnh thành một sản phẩm du lịch nông nghiệp, nông thôn đặc trưng” và sau đó phát triển sâu rộng hơn với quy mô “Mỗi huyện, mỗi xã một sản phẩm đặc trưng”.

Phong trào này không chỉ giúp các sản phẩm du lịch nông nghiệp tránh trùng lặp và tạo dấu ấn riêng, mà còn mang lại cơ hội để các địa phương nhìn lại và cải thiện chính sách quản lý, phát triển.

Mỗi sản phẩm đặc trưng sẽ kể một câu chuyện riêng, truyền tải thông điệp độc đáo để thu hút du khách, đồng thời góp phần quảng bá hình ảnh nông thôn Việt Nam.

Bên cạnh đó, để xây dựng và phát triển du lịch nông nghiệp bền vững, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền, các sở ban ngành, doanh nghiệp lữ hành và chính những người nông dân, chủ trang trại. Các bên cần chủ động nghiên cứu thị trường, xác định khách hàng mục tiêu, cùng quảng bá, đào tạo nhân lực, và đưa ra giải pháp phát triển sản phẩm một cách chuyên nghiệp.

“Chúng ta có quyền hy vọng rằng, các sản phẩm du lịch nông nghiệp độc đáo sẽ mang lại những trải nghiệm thú vị, hấp dẫn cho du khách trong và ngoài nước. Không chỉ tăng doanh thu cho ngành du lịch, loại hình này còn góp phần xây dựng nông thôn mới, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc”, bà Ly nhấn mạnh.

Chia sẻ với Người Đưa Tin, ông Phạm Văn Sỹ - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Thái Nguyên cho biết: “Những năm gần đây, du lịch xanh, du lịch sinh thái gắn liền với nông thôn đã bắt đầu nổi lên giữa các loại hình du lịch khác. Việc đánh thức tiềm năng bỏ ngỏ của du lịch nông thôn đang là hướng đi sắp tới của Thái Nguyên, phù hợp với định hướng xây dựng nông thôn mới của tỉnh”.

Bên cạnh những dư địa để phát triển, ông Sỹ cũng chỉ ra một số khó khăn hiện nay bởi du khách mới chỉ coi Thái Nguyên như một “điểm đến” chứ chưa phải là “điểm dừng chân” lý tưởng.

Trước thực tế này, ông Sỹ cho rằng, hướng đi phù hợp là phát triển du lịch nông nghiệp gắn với Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) và mô hình xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu. Điều này không chỉ tạo ra các giá trị vật chất và tinh thần mà còn góp phần phát triển kinh tế - xã hội, quảng bá giá trị tự nhiên và văn hóa đặc sắc của địa phương.

Ngoài ra, cần xây dựng cơ chế, chính sách đủ sức hấp dẫn để thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực du lịch nông nghiệp, đồng thời hỗ trợ người dân tham gia vào các hoạt động phát triển du lịch gắn với Chương trình OCOP và nông thôn mới.

Ông Sỹ nhấn mạnh, việc nâng cao nhận thức về tài nguyên văn hóa và thiên nhiên bản địa sẽ giúp người dân gìn giữ, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa của địa phương một cách bền vững. Nhờ đó, có thể góp thêm nguồn lực và tạo động lực mạnh mẽ để phát triển cơ sở hạ tầng nông thôn mới.

Cũng trong xu thế phát triển này, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan nhận định, sự thay đổi trong ngành nông nghiệp đã tạo ra những làn sóng mới, khi nhiều bạn trẻ bỏ lại thành phố để về nông thôn khởi nghiệp. Sự chuyển mình này không chỉ giúp phát triển kinh tế nông thôn mà còn làm thay đổi diện mạo của ngành nông nghiệp hiện đại.

“Ngành nông nghiệp hiện nay đang ở một thời điểm đầy cơ hội để phát triển, nhờ vào những thay đổi trong thị trường và các mô hình sáng tạo. Những mô hình kết hợp như trồng lúa với nuôi tôm, trồng cây kết hợp du lịch... đang mở ra nhiều hướng đi mới”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan chia sẻ.

Người nông dân không còn chỉ là những người làm việc nặng nhọc ngoài đồng, mà đã bắt đầu xuất hiện hình ảnh mới, họ biết ăn mặc lịch sự, tự tin giới thiệu các mô hình sản xuất của mình cho khách tham quan. Điều này không chỉ tạo ra thêm giá trị kinh tế, mà còn khuyến khích sự sáng tạo và tư duy đổi mới trong ngành nông nghiệp, mở ra tương lai bền vững cho những vùng đất nông thôn.

Thực hiện: Phương Anh

Thiết kế: Hoàng Yến

NGUOIDUATIN.VN |