Những ngày tháng 7, trời nắng như đổ lửa nhưng dòng người khắp nơi vẫn xôn xao, lũ lượt kéo về những ngọn núi ở xã Liễu Đô với hi vọng được đổi đời.
Cảnh tượng này không phải bây giờ mới xảy ra nơi miền “đất ngọc” mà cách đây hơn 30 năm, một số người đã thực sự đổi đời nhờ đá quý. Chỉ tiếc là “cuộc đời mới” cũng không tồn tại bao lâu mà nhanh chóng vụt mất ngay trước mặt bà con.
Anh Tuân (SN 1972, trú thị trấn Yên Thế, huyện Lục Yên - tên Tuân được thay đổi theo yêu cầu nhân vật) bắt đầu kể lại: “Cũng hệt như những gì vừa xảy ra, cách đây 30 năm hàng nghìn người cũng lũ lượt kéo nhau lên núi đào vàng, đá quý với giấc mơ đổi đời…nhưng thời đó là giấc mơ có thật.
Còn nhớ, vào cuối những năm 80 của thế kỷ trước, Lục Yên nổi lên là thủ phủ đá quý, người người nhà nhà lên núi đào vàng, đá quý. Đến nỗi mà một câu nói đã từ đó ra đời và còn truyền đến ngày nay: “Không lên núi đào đá không phải người Lục Yên”.
Đàn ông trai tráng thì lên núi cắm trại trong cảnh “ăn hang ở lỗ” ngày đêm đào đá tìm vàng, vợ con thì tranh thủ rảnh lúc làm đồng xong cũng lên núi đào.
Nhớ lại thời hoàng kim, anh Tuân kể: “Vàng, đá quý đã từng thay đổi cuộc sống của rất nhiều người. Nhờ đá quý mà tôi là một trong những người đầu tiên mua được chiếc xe máy Dream Thái và mua đất xây nhà 2 tầng ngay tại trung tâm huyện”.
Hệ quả tiếp theo là từ vùng quê nơi những người nông dân chỉ biết làm ruộng, sau vài năm đất Lục Yên đã xuất hiện những đại gia đá quý thực thụ.
Nhớ lại thời gian đó, anh Nguyễn Minh Tiến (SN 1977, trú xã Minh Xuân) nói: “Khoảng những năm 1987 đến 1990 người dân lên núi chỉ để đào vàng, lúc đó theo mỗi mẻ vàng đi ra từ mỏ là hàng loạt nhưng viên đá màu đỏ óng ánh cùng theo ra. Lúc này không ai quan tâm vì chỉ bán được vàng, có những viên đá cỡ lớn đẹp quá thì người dân nhặt về cho trẻ con chơi rồi cũng vứt bỏ”.
“Lúc đó tôi nhớ có người đàn ông trung tuổi tên Phà tay cầm theo một chiếc cốc nhỏ, mỗi lần người dân đãi vàng ông ấy lại ra xin những viên đá đỏ. Đến khoảng năm 1990, tiểu thương đến thu mua đá đỏ thì người dân mới biết mà bán nhưng lúc này mỏ cũng gần cạn kiệt.
Về sau tôi mới biết ông Phà là người chuyên buôn đá quý, ông cũng là người Yên Bái nhưng sau khi làm ăn phát đạt ông này đã xuống miền xuôi sinh sống”.
Việc có quá nhiều tiền “từ đất chui lên” cũng khiến cho người ta dễ đánh mất nó, đặc biệt là những người nông dân chân chất vốn hay lạc quan “trời sinh voi ắt sinh cỏ”. Và người dân Lục Yên cũng không ngoại lệ.
Anh Tiến thở dài kể lại: “Thời đó, người dân vừa có tiền đã lại sinh ra thói ăn chơi. Đặc biệt, nạn đánh đề rộ lên cao trào nhất vào năm 1994, đã cuốn bay khối tài sản “dưới núi chui lên” mà họ đào bới mấy năm liền”.
“Của thiên lại trả địa”, hầu như không nhà nào giữ được do bị cuốn vào trò đỏ đen. Tài nguyên khai thác cũng cạn kiệt rồi bị các chủ thầu bao trọn nên người nông dân lại trở về với đồng ruộng ban đầu.
Theo anh Tuân, dân buôn cũng không thoát cảnh làm ăn khó khăn. Khi nguồn đá quý địa phương cạn kiệt thì trong Nghệ An, mỏ đá Quỳ Châu lại được phát hiện khiến người ta “có mới nới cũ”.
Anh Tuân - với nét u sầu - kể tiếp: “Người ta chuộng đá Quỳ Châu hơn nên đá Lục Yên thời điểm đó không còn được săn lùng. Bán hàng bắt đầu khó khăn, tôi tiên phong xuống Hà Nội để tìm mối bán nhưng lúc này dân buôn chủ yếu là người Thái Lan và họ cũng không còn mặn mà.
Đến bán hàng, họ chỉ hỏi đá mỏ cũ (Lục Yên) hay mỏ mới (Quỳ Châu), khi mình trả lời mỏ cũ thì họ lập tức bỏ đi, dù đá hảo hạng cũng không đoái hoài.
Hà Nội không bán được, tôi tiếp tục cùng anh em vào Sài Gòn, mất rất nhiều công sức cũng chỉ bán được số ít cho người Campuchia, thấy không có hiệu quả lại quay về quê nhà.
Mỏ đá cạn kiệt, nghề buôn cũng gặp nhiều khó khăn, nhiều người cũng dần bỏ nghề. Còn chút vốn nên tôi mở kinh doanh nhỏ và gửi tiết kiệm đến giờ”.
Người ta vẫn bảo nhau “buôn gian bán lận”, nghề buôn đá quý cũng nhiều thủ đoạn tinh vi để lừa gạt nhau. Ông Hùng (SN 1962, trú Lục Yên) cho biết, những năm đá quý nở rộ, người ta cũng dùng đủ cách lừa nhau. Ban đầu người ta đập lấy mảnh vỡ của các chai thuỷ tinh màu xanh rồi vùi vào đất, khi bán thì trộn vào đá xanh thật đánh lừa.
Hay một cách hay dùng là khi phát hiện mua phải đá rởm nhiều người lại lên núi vùi lại rồi gọi người đến bán, coi như mới đào được. Như trường hợp mà suốt đời ông Hùng không quên đó là người con trai lại vô tình lừa bán phải chính bố đẻ.
“Đó là vào khoảng năm 1991, lúc này khi phát hiện đã mua phải viên đá rởm, anh Đ (trú tại thị trấn Yên Thế) vùi lại đá vào đất rồi gọi người đến bán. Tuy nhiên, người mua của anh chỉ là người môi giới, về sau họ dẫn theo chính bố đẻ của cậu Đ., đến mua. Bố con nhận ra nhau nhưng buộc phải bán vì sợ mang tiếng lừa gạt”, ông Hùng kể.
“Cũng không biết là vô tình hay do người môi giới cao tay, nhưng rõ ràng đây là câu chuyện mà bố con cậu Đ. đều không thể nào quên”, ông khẽ cười và nói.
Theo tâm sự của chị Thuỷ, một dân buôn tại chợ đá quý Lục Yên, nghề buôn đá quý đúng nghĩa là một canh bạc, thắng có thể lãi cả trăm triệu mà thua còn mất nhiều hơn. Đây là chuyện hầu như dân buôn nào cũng từng gặp.
Chị Thuỷ ngao ngán kể: “Gần nhất là hôm 2/7/2019, vợ chồng tôi mua một viên Hồng Ngọc (ruby) giá 600 triệu, sau khi về xẻ ra thì bên trong lại nhiều tạp chất, màu sắc hoàn toàn không đỏ rực như lớp vỏ mỏng bên ngoài. Chiều 4/7, vợ chồng tôi đành bán lại giá 90 triệu.
Nghề nào cũng có cái khó của nó, những viên 1 vài carat (1carat = 0.2 gram - PV) có thể dùng thiết bị quan sát bên trong được còn những viên lớn thì đành chấp nhận may rủi chứ hoàn toàn không có phương pháp, kinh nghiệm gì thẩm định giá trị nếu không đập ra”.
Chị bộc bạch: “Nhiều vụ mua bán lớn gia đình phải gom toàn bộ tiền để đầu tư. Mua được hàng về với nhiều nghề là vui nhưng với nghề buôn đá lại là lo. Nhiều đêm nằm lo nghĩ không ngủ được lại dậy lấy đèn ra soi, quan sát, nhưng những viên cỡ lớn thì không thể thấy được gì bên trong, thế là lại mất ngủ”.