Hút người xem vì đánh vào tâm lý lười nhác, ham tiền của một bộ phận giới trẻ
PV: Thưa ông, là một chuyên gia nghiên cứu về truyền thông, ông đánh giá sao về sự thay đổi trong không gian mạng ở nước ta cũng như thế giới trong thời gian vừa qua?
Có thể nói rằng trong thời gian gần đây không gian truyền thông và sinh quyển truyền thông đang thay đổi. Từ chỗ chúng ta hạn hẹp hơn về phương tiện truyền thông thì nay sự tiến bộ của khoa học công nghệ, sự phát triển của mạng xã hội là công cụ truyền thông đến tận tay người dùng.
Nếu như ngày xưa chúng ta chỉ có 1 vài phương tiện truyền thông chính như TV, báo in, thì nay là báo điện tử và mạng xã hội. Mặt lợi của người dùng là thông tin được đón nhận đa chiều hơn, nhanh hơn. Cùng với sự nở rộ của các công cụ truyền thông đó, các cá nhân được trao quyền nhiều hơn để nói lên tiếng nói của mình.
Tất nhiên, sự phát triển nào cũng để lại 2 mặt của nó. Không chỉ Việt Nam, mà cả thế giới cũng đang đau đầu để giải quyết những hệ quả mà mạng xã hội mang lại.
PV: Thời gian gần đây chúng ta xuất hiện một vấn đề mang tên “giang hồ mạng”. Ở trên thế giới những hiện tượng giang hồ trên mạng như Khá Bảnh có không thưa ông?
Có, thậm chí là rất nhiều, dưới nhiều hình thức khác nhau. Các nhóm mình có thể gọi là giang hồ, hay các nhóm trên thế giới như khủng bố. Họ tận dụng mạng xã hội để làm truyền thông, biết tạo ra những câu chuyện hơn để thu hút đám đông.
Trước những vụ việc này đã có những nhóm nhà nghiên cứu tiến hành “giải mã” về việc các nhóm khủng bố đã dùng You Tube, Twiter hay Facebook để làm gì? Các cấp thấp hơn là nhóm giang hồ trong xã hội, dùng các công cụ mạng xã hội để thu hút người của họ như thế nào, để lan tỏa ảnh hưởng ra sao, đây là diễn đàn khá phổ biến trên thế giới, tình trạng này đang xuất hiện phổ biến ở Việt Nam hiện nay.
Ở Việt Nam, khoảng 2 năm nay, các “giang hồ mạng” như Dương Minh Tuyền hay gần đây là Khá Bảnh là 2 trong số những nhân vật ở Việt Nam sử dụng mạng xã hội đắc lực để quảng bá hình ảnh của mình.
PV: Theo ông, vì sao mà những clip của những người này có nội dung rất tiêu cực mà lại thu hút được nhiều bạn trẻ xem đến vậy?
Tôi được biết, Khá Bảnh khai là cậu ta kiếm được khoảng 20 nghìn USD/ tháng. Video cậu ta đi lĩnh tiền ở ngân hàng thu hút rất nhiều sự quan tâm của giới trẻ, đây chính là sức hút. Và, điều đó chứng minh cho những phân tích của tôi rằng cuộc sống bị chi phối quá nhiều về tiền.
Các “giang hồ mạng” thường nhấn mạnh việc kiếm tiền dễ dàng, thậm chí không làm gì cả mà chỉ chơi, quay video mà người ta nhận tiền về.
Có những câu chuyện về mồ hôi nước mắt, dùng trí não thì mọi người lại không xem. Điều nhấn mạnh ở các clip này là kiếm tiền 1 cách dễ dàng.Việc này đã đánh vào tính lười nhác của một bộ phận giới trẻ thích “ngồi mát ăn bát vàng”.
Rõ ràng các “giang hồ mạng” này biết được những điểm yếu đó, những đặc tính của đám đông cung cấp những video dạng như thế. Sau đó là đàn anh, đàn em quây quần nhậu nhẹt, ai cũng đeo đầy vàng. Hình tượng đeo đầy vàng, khoe tiền để thể hiện mình giàu có, kiếm tiền 1 cách dễ dàng rất thu hút người xem.
Có hay không “bàn tay đen” giật dây?
PV: Vậy theo ông có phải nguyên do chỉ là tiền và sự lười biếng?
Trong các video, những bạn trẻ xem và thấy rằng, à bây giờ có những thế giới khác. Thế giới đó ngày xưa người ta chỉ tìm thấy trong các tiểu thuyết kiếm hiệp thôi. Nó có sự phóng khoáng, có sự hào hiệp, có trên dưới rõ ràng, có sự che chở của đàn anh với đàn em. Những câu chuyện chỉ thấy trong tiểu thuyết, trong thơ văn.
Những câu chuyện đó ít có trong thực tế thì trên mạng giới trẻ được thấy trong clip của Khá Bảnh cứu giúp mọi người, anh ta kiếm được tiền, anh ta đối xử với đàn em khá tốt. Hay như Dương Minh Tuyền đi bảo vệ cô nữ sinh bị bạn đánh hội đồng… nó tạo những hiệu ứng đám đông nhất định.
Chúng ta thấy, các yếu tố khan hiếm trong xã hội được khai thác như nào. Không phải ngẫu nhiên mà các video trên mạng xã hội như của Dương Minh Tuyền, Khá Bảnh hay Dũng trọc được làm 1 cách rất sơ sài bằng việc dùng điện thoại. Họ quay rồi cắt ghép các đoạn clip lại với nhau hay từ đầu đến cuối buổi các video quay cảnh ăn uống bằng điện thoại bình thường, thực ra nó là cái cố tình của các bạn muốn tạo ra những hiệu ứng gần thực tế nhất để sự thu hút. Để mọi người thấy rằng đây là những câu chuyện có thật, câu chuyện này không được cắt ghép, để thuyết phục người trẻ rằng, câu chuyện của chúng tôi là câu chuyện có thật chứ không “làm màu” để người ta tin.
PV: Như ông nói, những video tưởng như đơn giản, nhưng lại có tính toán đánh vào tâm lý người xem. Liệu chăng có những người đứng sau để hỗ trợ dựng lên những “giang hồ mạng” này?
Bản thân tôi nghĩ rằng những tên giang hồ này không thể nghĩ ra những viral, content để làm video, sau đó trục lợi. Tôi nghĩ chắc có nhóm người làm truyền thông chuyên nghiệp đứng sau.
Họ đang nhắm đến truyền thông bài bản. Ví dụ, trong các clip của Khá Bảnh chúng ta thấy sự hiện diện của hãng game. Khá Bảnh làm luôn 1 cái clip đi vào quán game, đánh nhau trên game và quảng cáo cho game.
Tôi nghĩ các công ty game, những người đứng sau những tên “giang hồ mạng” này phải xem lại đạo đức kinh doanh của mình. Lý do là nó nhuốm màu tiền, cổ vũ cho các hành động sai trái.
Sự thiếu hụt chuẩn mực đạo đức xã hội
PV: Cả hai người trong số ông vừa nhắc tên đều đã bị vướng vào vòng lao lý. Phải chăng đây là lời cảnh tỉnh cho giới trẻ?
Các rường cột đạo đức đang chênh vênh. Chúng ta biết, xã hội sẽ tồn tại hệ chuẩn tắc và phi chuẩn tắc. Khi chúng ta ở trạng thái chênh vênh, các dòng phi chuẩn tắc xuất hiện, các giang hồ mạng nổi lên là hiện tượng như vậy.
Hiện tượng của Khá Bảnh và Dương Minh Tuyền nó là 1 chỉ dấu nói lên một điều gì đó trong xã hội. 126 năm trước, cha đẻ của ngành Xã hội học Emile Durkheim (người Đức – PV) có giải thích thứ mà chúng ta đang gặp phải là xã hội xuất hiện sự khan hiếm, các tiêu chuẩn đạo đức được cung cấp trong xã hội bởi cá nhân. Các tiêu chuẩn đạo đức trong xã hội không còn được thịnh hành nữa, nó khan hiếm để cung cấp cho các cá nhân thực hiện các hành vi có chuẩn. Từ câu chuyện của Khá Bảnh hay Dương Minh Tuyền, có lẽ, chúng ta đang thiếu điều đó…
Xét về mặt gia đình, trong bữa cơm chúng ta có nói về giấc mơ cao cả, về những đứa con không. 20 năm trước, chúng tôi sinh ra ở 1 làng quê, chúng tôi vẫn nói về chuyện sau này ai làm kĩ sư, ai làm bác sĩ, chứ không nói đến chuyện kiếm được bao nhiêu tiền. Giấc mơ bác sĩ là mong cứu được người. Có những bạn có giấc mơ cao sang hơn là tôi phải đi học nước ngoài, tôi phải bay bay vào vũ trụ để khám phá về tri thức.
Những câu chuyện cao cả như vậy không còn xuất hiện trong những bữa ăn, thay vào đó có vẻ người ta nói nhiều hơn đến chuyện cơm áo gạo tiền như: Con học ngành gì? Sau này kiếm được bao nhiêu tiền? Hay bạn bè sau vài chục năm gặp lại, những câu chuyện cao cả đó cũng không còn nữa mà là bây giờ bạn sở hữu xe gì? Bạn sở hữu bao nhiêu căn hộ rồi? Những câu chuyện trong xã hội bây giờ thiếu vắng sự cao cả như vậy, giới trẻ bây giờ sẽ nghĩ như thế nào?
Góc độ thứ 2 là góc độ chính quyền. Tham nhũng để lại hậu quả rất lớn, có những người nói chuyện đạo đức, làm công bộc của dân lại là những “con sâu lớn”, do đó ít nhiều dẫn đến mất đi niềm tin vào những chuẩn đạo đức đó.
Rõ ràng, đang có những tổn thương ở những trụ cột này.
Khi những trụ cột bị tổn thương, liệu để làm lành nó liệu có khó?
Theo tôi việc lấp lỗ hổng đấy chúng ta phải hướng đến việc tổn thương ở đâu để làm lành ở đấy. Tôi nghĩ, về lâu về dài chúng ta phải cung cấp các chuẩn mực cho các cá nhân cách hiệu quả nhất. Trong tất cả điều đấy thì gia đình là yếu tố quan trọng nhất, khi chúng ta củng cố được nó, các giá trị của gia đình phần nào đó sẽ làm tốt những việc này. Chẳng hạn thay vì chúng ta chạy theo guồng quay của XH là ở đâu cũng nhắc đến tiền, chúng ta hay bố mẹ có thể tìm 1 cách diễn đạt khác, giấu đi những điều đó để nói cho họ những giấc mơ cao cả hơn. Về lâu về dài, nếu chỉ nhìn ở góc độ tiền bạc để nói chuyện với con cái sẽ làm tổn hại đến đứa trẻ nhiều hơn trong sự phát triển của nó. Vì suy cho cùng tiền cũng chỉ là phương tiện để sống, không phải là tất cả. Nếu chỉ dạy cho 1 người trẻ để kiếm tiền, thì khi có tiền chưa chắc đã hạnh phúc.
Nếu không chặn đứng, sẽ còn nhiều Khá Bảnh!
PV: Theo ông làm thế nào để ngăn chặn, phòng ngừa hiện tượng “giang hồ mạng” như thời gian qua?
Tuy nhiên thế giới trên mạng muôn màu. Để mà phủ được tất cả vấn đề trên mạng xã hội thì bản thân các nhà mạng phải tìm được lí do để gỡ bỏ Video. Nhà nước cũng không thể can thiệp sâu vào những video vì nó còn liên quan đến sự phát triển của nhà mạng. Tôi nghĩ ở đâu cũng thể, luật sẽ tiếp tục được điều chỉnh theo sự thay đổi của xã hội cho phù hợp với thực tiễn và xử lý được đầy đủ, toàn diện các vi phạm.
Có 1 thứ chúng ta nên tập trung ngay là ngăn chặn trẻ con đi tham gia các trò bạo lực, cần phải có các nghị định hoặc các văn bản giới luật để điều chỉnh hành vi tránh để trẻ bị tác động bởi các video xấu.
Nhưng quan trọng hơn là cần phải hàn lành các vết thương xã hội của mình. Câu chuyện trên là sự phản chiếu của vết thương xã hội. Giang hồ mạng chúng không xuất hiện tượng này sẽ xuất hiện hiện hiện tượng khác. Trị nó phải trị từ căn chứ không phải chứng.
Nếu không có Khá Bảnh này sẽ có Khá Bảnh khác. Nó phản ánh vết thương xã hội. Câu chuyện này nếu không bắt tay vào giải quyết ngay sẽ rất nguy. Mọi vấn đề đang đi xuống cần phải phục hưng ngay.
PV: Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!