img

Trương Mạnh Kiên

Trong khi các công ty khởi nghiệp bằng xe điện thất bại hàng loạt vì thiếu nguồn lực tài chính và công nghệ, các hãng sản xuất ô tô lớn lại tỏ ra chậm chạp trong việc bắt kịp những công nghệ mới của Tesla.

img

Thường được ví như Steve Jobs của Trung Quốc, doanh nhân Jia Yueting đã đệ đơn xin phá sản vào năm 2019 với khoản nợ khổng lồ lên đến 3,6 tỷ USD. Câu chuyện thất bại của Faraday Future (FF) – thương hiệu ô tô điện mà Jia làm chủ - cho thấy phát triển xe điện không phải con đường dễ dàng.

Công ty khởi nghiệp có trụ sở tại Los Angeles (Mỹ) được Jia thành lập vào năm 2014 với tham vọng thách thức Tesla của tỷ phú Elon Musk. FF hướng đến mục tiêu ra mắt mẫu xe FF91 vào năm 2019, dự kiến sẽ được bán ở mức 200.000 USD, nhưng kế hoạch sản xuất đã bị trì hoãn nhiều lần vì một loạt vấn đề tài chính.

img

Đến tháng 1/2021, hàng loạt công ty nhà nước Trung Quốc và các nhà đầu tư nước ngoài đã chung tay giải cứu Faraday Future, đưa công ty này trở thành công ty đại chúng, với mức định giá 3,4 tỷ USD, theo SCMP.

Tỷ phú Jia có thể cảm thấy nguôi ngoai phần nào khi ông không phải người duy nhất thất bại trong lĩnh vực phương tiện năng lượng mới. Kể từ đầu thập kỷ, danh sách này có thể kể đến những cái tên như Bright Automotive, AMP, Aptera, Coda, Detroit Electric, Fisker Automotive và LeEco.

“Hầu như không có công ty khởi nghiệp xe điện nào có đủ động lực để cất cánh”, Anton Wahlman, nhà phân tích và tư vấn về xe điện nói với CNBC.

Trong khi một số cái tên trong danh sách thiếu hụt vốn nghiêm trọng, có những cái tên lại huy động được tài chính đáng kể. Fisker là một trong những ví dụ nổi tiếng nhất, khi huy động được hơn 2 tỷ USD. Fisker cũng tiến bộ hơn các công ty khởi nghiệp khác khi đã đưa vào sản xuất mẫu xe hybrid có tên Karma.

Đối với Dyson, trong năm 2019, hãng này đã ngừng chương trình xe điện trước khi cho ra đời sản phẩm đầu tiên. Người sáng lập James Dyson nói với các nhân viên trong một e-mail rằng ông "không tìm thấy cách nào khả thi về mặt thương mại”.

img

Nhà sáng lập James Dyson

Dyson, nổi tiếng với máy hút bụi chân không, quạt không cánh và máy sấy tốc độ cao, đã lên kế hoạch đầu tư 2,7 tỷ USD để tiến hành chương trình xe điện của riêng mình. Thời điểm người sáng lập tuyên bố chấm dứt dự án là lúc công ty có 600 nhân viên và đang chuẩn bị thành lập một nhà máy ở Singapore để chế tạo chiếc xe đầu tiên.

Mỗi công ty khởi nghiệp đều gặp phải một số khó khăn riêng. Sau khi Fisker tuyên bố phá sản vào tháng 11/2013, các nhà phân tích đã chỉ ra nhiều yếu tố, bao gồm các vấn đề chất lượng khiến quá trình sản xuất mẫu Karma bị trì hoãn, cũng như một loạt sai lầm quản lý đã đốt cháy nguồn tiền của công ty.

Nhìn chung, các công ty khởi nghiệp "nhận ra rằng việc chế tạo một chiếc xe phức tạp hơn họ tưởng rất nhiều, ngay cả khi hệ thống điện đơn giản hơn hệ thống động cơ đốt trong", nhà phân tích cấp cao Sam Abuelsamid của Navigant Research, cho biết.

Ngay cả Tesla, công ty khởi nghiệp xe điện duy nhất đã thành công tại thị trường Mỹ, cũng phải liên tục huy động vốn mới để duy trì công ty và chỉ vài quý hiếm hoi là làm ăn có lãi.

Các công ty khởi nghiệp xe điện phần lớn đã hiểu sai về thị trường. “Thị trường xe điện đã không phát triển theo tốc độ mà nhiều người nghĩ trong năm 2009 và 2010. Phải mất nhiều thời gian hơn nữa để quá trình phổ biến xe điện bắt đầu. Điều đó đồng nghĩa với việc thị trường quá nhỏ để các công ty khai thác”, Abeulsamid nói thêm.

Tin tốt cho những công ty xe điện đã tồn tại được như Tesla là doanh số bán hàng đã tăng mạnh vào năm 2020, cũng như các chính sách hỗ trợ tại nhiều quốc gia đang trở thành động lực thúc đẩy ngành này phát triển.

img

Và, bất chấp vô số thất bại trong thập kỷ qua, vẫn có rất nhiều công ty khởi nghiệp muốn thử sức. Một trong những cái tên nổi bật là Rivian, một liên doanh ở Mỹ đã giới thiệu các mẫu xe bán tải và SUV điện tại triển lãm Ô tô Los Angeles vào tháng 11/2018.

TNhà phân tích Wahlman cho biết, Rivian được coi là một trong những ví dụ thành công và có khả năng còn tiến xa hơn nữa nhờ nguồn tiền khổng lồ huy động được, bên cạnh việc bắt tay với Ford và Amazon.

Nhà bán lẻ trực tuyến gần đây đã cam kết mua 100.000 xe tải điện mà Rivian dự định lắp ráp tại một nhà máy ô tô cũ của Mitsubishi ở Normal, Illinois.

“Điều này sẽ giúp họ có đủ tiền để tồn tại ít nhất là đến năm 2030”, Wahlman dự báo.

img

Không chỉ các công ty khởi nghiệp non trẻ, thiếu nguồn lực lẫn kinh nghiệm, ngay cả những ông lớn trong ngành sản xuất ô tô truyền thống cũng gặp khó khăn trong việc sản xuất và tiếp thị xe điện trong lúc Tesla bán “sòn sòn” hàng trăm nghìn mẫu xe sang, theo New York Times.

Năm ngoái, một số hãng như Audi, Jaguar và Porsche, đã bổ sung các mẫu xe điện mới với kỳ vọng giảm bớt sự thống trị của Tesla. Nhưng tất cả gần như không tạo ra được sức ép đáng kể nào, ít nhất là ở Mỹ.

Doanh số của Jaguar I-Pace, mẫu xe thể thao đa dụng chạy điện tương tự như Tesla Model Y, chỉ bán hơn 1.000 chiếc. Porsche cũng không khá khẩm hơn với doanh số tương tự cho chiếc sedan điện Taycan.

Audi, hãng sản xuất chứng kiến sự phát triển ổn định ở Mỹ trong thập kỷ qua, đã giới thiệu một chiếc SUV điện có tên E-tron vào năm ngoái với doanh số bán hàng gia tăng. Nhưng tính đến đầu năm nay, Audi chỉ bán được dưới 2.900 chiếc. Ở nhiều bang, xe được quảng cáo với giá thấp hơn giá niêm yết từ 13% trở lên - điều bất thường đối với một chiếc Audi.

img

Xe điện Audi

General Motors có màn thể hiện tốt hơn với mẫu Chevrolet Bolt được giới thiệu vào năm 2016. Công ty đã bán được hơn 8.000 Bolt trong năm 2020.

Còn về Tesla, công ty này rõ ràng đang đứng ở một đẳng cấp khác. Dữ liệu tiểu bang được phân tích bởi Cross-Sell cho thấy 56.000 Teslas mới đã được đăng ký trong năm 2020 tại 23 tiểu bang, bao gồm California, Florida, New York và Texas. Các nhà phân tích cho biết tổng doanh số 50 bang của Tesla có lẽ đã vượt quá 70.000 xe. Trên toàn cầu, công ty đã giao khoảng 180.000 xe trong sáu tháng đầu năm ngoái.

Sự thống trị của Tesla có thể được giải thích một phần bởi định hướng khởi đầu. Công ty đã bán được lượng xe điện đáng kể từ năm 2012. Bản thân công ty và giám đốc điều hành Elon Musk đã xây dựng được một lượng người hâm mộ nhiệt thành mà rất ít nhà sản xuất ô tô khác – thậm chí là những thương hiệu xe thể thao cao cấp như Porsche hay Ferrari - có thể làm được.

Tesla từ lâu đã đưa ra những đổi mới mang tính cách mạng mà các công ty khác hiện nay vẫn chưa thể theo kịp, chẳng hạn như cập nhật phần mềm từ xa, có thể bổ sung các tính năng hoặc khắc phục sự cố mà không cần đưa xe đến đại lý.

Một trong những hạn chế lớn nhất mà các hãng xe khác chưa làm được là phạm vi hoạt động. Những mẫu như E-tron and Taycan chỉ đi được khoảng 320km. I-Pace và Bolt đi khoảng 380-420 km. Trong khi mẫu rẻ nhất Tesla Model 3 đã đi được 400km và hầu hết những mẫu xe của công ty này đều đi được quãng đường 500km trở lên sau một lần sạc.

img

Xe điện Tesla

Sam Abuelsamid, nhà phân tích tại Guidehouse Insights, nói rằng xe Audi, Jaguar và Porsche vượt trội hơn Teslas về một số mặt, chẳng hạn như ngoại hình, cảm nhận và độ hoàn thiện, nhưng phạm vi hạn chế của chúng khiến nhiều người ngần ngại.

Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng khoảng cách giữa Tesla và các hãng xe lớn sẽ sớm bị đuổi kịp, sự cạnh tranh sẽ gay gắt hơn bao giờ hết trong một vài năm tới.

Vào cuối năm nay, Ford Motor dự kiến sẽ bắt đầu bán chiếc SUV chạy điện Mustang Mach-E có kiểu dáng giống mẫu xe thể thao nổi tiếng của hãng. Cỗ xe này được hứa hẹn sẽ đi được quãng đường từ 500km trở lên.

Trong khi đó, General Motors cho biết họ sẽ cung cấp một chiếc Bolt mới với phạm vi hoạt động xa hơn vào cuối năm nay, đi cùng với đó là hơn 20 mẫu xe điện khác trong vòng ba năm tới.

Volkswagen vào năm tới sẽ bắt đầu bán chiếc SUV chạy điện ID4 cũng sẽ có phạm vi hoạt động hơn 500 km. Trung Quốc cũng không nằm ngoài cuộc chơi với chiếc Polestar 2 đến từ Volvo và công ty mẹ Zhejiang Geely Holding.

img

Xe điện Mustang Mach-E (Ford Motor)

Điều quan trọng nhất đối với sản xuất xe điện là pin. Các nhà sản xuất hiện nay chưa thể bứt phá là bởi còn thiếu các đơn vị cung ứng. Tesla đã sản xuất pin trong nước thông qua hợp tác với Panasonic từ năm 2017. Trong khi General Motors chỉ mới công bố ý định gần đây, còn Ford thích ý tưởng này nhưng chưa công bố bất kỳ kế hoạch thực tế nào.

Ngành xe điện đang lo lắng trước tình trạng thiếu hụt nguồn sản xuất pin có thể sẽ cản trở kế hoạch phát triển của các nhà sản xuất ô tô Mỹ. Sản xuất pin trong nước hoặc hợp tác sản xuất như Tesla được kỳ vọng sẽ giúp các ông lớn chốt lợi nhuận và làm chủ sản xuất.

Mặc dù Tesla đã tăng trưởng sản lượng đáng kể trong những năm gần đây, bao gồm cả thiết lập một nhà máy mới ở Trung Quốc, nhưng công ty này đã vấp phải nhiều vấn đề về sản xuất.

Hồi tháng 2, Tesla đã đồng ý thu hồi 134.951 xe Model S và Model X tại Mỹ do lỗi màn hình cảm ứng có thể dẫn đến mất một số tính năng liên quan đến an toàn khi lái xe, theo CNBC

Có thể Tesla đang là cầu thủ thành công trong cuộc chơi xe điện, nhưng xét về tuổi đời và kinh nghiệm, công ty này không thể so sánh với General Motors hay Ford.

Trương Mạnh Kiên

img