Chào NTK Đặng Trọng Minh Châu! Trở lại trạng thái “bình thường mới” sau nhiều tháng liền “ai ở đâu ở yên đấy” vì dịch Covid-19, anh cảm thấy thế nào?
Đã hơn một tuần Sài Gòn trở lại cuộc sống “bình thường mới” sau nhiều tháng liền bị “ốm” vì dịch Covid-19. Thật sự, có quá nhiều cảm xúc lẫn lộn, bởi sự hòa nhập lại những thứ vốn đã từng rất quen thuộc phải xa cách suốt thời gian dài. Giống như khi ta chợt bừng tỉnh sau giấc ngủ dài, cảm giác như mọi thứ thật lạ lẫm.
Giờ đây, nhịp sống bình yên, sôi động của thành phố đang dần quay trở lại. Điều dễ dàng nhận thấy là nhiều hàng quán, dịch vụ đã sáng đèn, đường sá mỗi ngày thêm đông đúc, nhộn nhịp hơn. Ai nấy đều thở phào, hân hoan, như trút được gánh nặng tâm lý sau những ngày dài bị kiềm chân không được ra khỏi nhà.
Nói theo cách hóm hỉnh thì tôi hay những người được sống giai đoạn này - đã có những cột mốc đáng nhớ trong cuộc đời để kể lại cho con cháu sau này!
Những ngày tháng giãn cách đặt chúng ta trước nhiều sự thay đổi đột ngột về cuộc sống lẫn công việc. Bản thân anh có bị “ngợp”?
Vốn là người luôn hướng đến lối sống tích cực, thế nên, suốt những ngày ở nhà chống dịch, tôi luôn tìm cách cho mình bận rộn hơn để những điều tiêu cực không thể len lỏi vào suy nghĩ.
Thức dậy chào ngày mới, tôi lại tất bật với đủ thứ việc thú vị “không tên”. Nào là tập thể dục, dọn dẹp nhà cửa, rồi nấu nướng, vui chơi cùng hai đứa cháu nhỏ, rồi “bày trò” buôn bán trái cây – đồ ăn vặt các thứ trên Facebook… Nhà bao việc như thế này thì thời gian đâu mà buồn rầu, ủ rũ (Cười).
Nhiều hôm sắp xếp xong xuôi việc cá nhân, tôi lại tham gia vào đội tình nguyện viên hỗ trợ người dân ở những “điểm nóng” đi mua hàng thiết yếu tại siêu thị. Hàng trăm đơn hàng với ti tỉ món đồ mà mọi người cần mua, nếu không để ý cẩn thận là rất dễ mua nhầm, mua thiếu,… Phải nói rất cực vì suy nghĩ, tìm kiếm các món đồ khi đi chợ hộ, nhưng cũng rất vui. Bởi, việc làm này không chỉ giúp được bà con lúc khó khăn, mà còn cho mình rất nhiều bài học kinh nghiệm quý báu khi đi mua sắm.
Cảm giác lo lắng, bất an luôn thường trực, thậm chí bị rơi vào bế tắc, khủng hoảng là tâm lý chung của nhiều người vì… ở nhà quá lâu. Anh đã làm gì để vượt qua?
Thật sự, có quá nhiều cảm xúc, tâm trạng dồn nén “bủa vây” tôi và người dân Sài Gòn suốt thời gian dài giãn cách. Không khí xung quanh nơi tôi ở chùng xuống khi có nhiều người qua đời vì Covid-19. Cơn đại dịch này cũng cướp đi của tôi những người bạn thân thiết. Còn gì đau đớn, xót xa hơn khi phải chia ly… Nước mắt đã rơi, lòng trĩu nặng…, nhưng rồi vẫn phải gắng gượng nhìn về phía trước, tự nhủ sẽ sống tiếp quãng đời còn lại ý nghĩa hơn.
Nhưng, cũng chính trong “cơn bĩ cực” vì dịch bệnh, tình người càng được nhân lên. Mọi người xung quanh mở lòng với nhau hơn, quan tâm, hỏi han, giúp đỡ nhau nhiều hơn. Xóm nhỏ nơi tôi sống, mọi người hay nấu đồ ăn, hoặc mua được rau củ gì đều chia sẻ để động viên nhau vượt qua mùa dịch. Việc làm tuy nhỏ thôi mà ấm áp lắm. Những nụ cười, cái gật đầu khi thấy nhau càng gắn kết tình làng nghĩa xóm. Đó là điều đáng ghi nhận và trân trọng giữa mùa dịch!
Giống như nhiều ngành nghề khác, hoạt động kinh doanh thời trang trong nước rơi vào tình cảnh “đóng băng” vì giãn cách xã hội. Bản thân NTK Minh Châu trải qua tình cảnh này ra sao?
Có lúc tôi tự hỏi, mình còn bao nhiêu tiền để dành và sẽ duy trì bao lâu để chi trả tiền mặt bằng, tiền lương hỗ trợ cho nhân viên. Từng ngày tháng trôi qua, có lúc tôi rất căng thẳng, mệt mỏi vì… sợ.
Cũng may, giữa lúc khó khăn, bế tắc nhất tôi lại nhận tin vui khi được chủ nhà giảm 40% tiền thuê mặt bằng. Cảm giác nhẹ nhõm chút xíu sau thời gian dài “căng mình” gồng gánh.
Còn việc trả lương cho nhân viên tôi cũng đỡ áp lực hơn chút vì đều là người nhà. Biết tình cảnh của tôi nên mọi người cũng thông cảm và chia sẻ. Nhưng, dù khó khăn cỡ nào, tôi cũng cố san sẻ, hỗ trợ thu nhập cho mọi người. Thời gian qua, tôi lấy tiền mình để dành để chi trả. Tôi cũng đã dự tính số tiền ấy sẽ duy trì được bao nhiêu lâu rồi.
Nhưng khoản để dành đó cũng chỉ có thời hạn, vậy anh đã xoay xở ra sao để giải quyết “bài toán” kinh tế trong thời điểm căng thẳng này?
Thực ra, dịch bệnh ập đến ai cũng khó khăn, nhưng cứ ngồi than ngắn thở dài, suy nghĩ tiêu cực mà không tìm hướng thay đổi thì lấy đâu ra thu nhập. Tôi tự nhủ, không làm việc này thì làm việc khác, không có gì mà mình không làm được. Thời gian đầu giãn cách, tôi cũng mày mò làm đủ việc lặt vặt để kiếm thêm. Cho đến một ngày nọ, tôi lóe lên ý định bán hàng online, và thấy rằng, công việc này rất hợp lý giữa thời điểm “ai ở đâu ở yên đấy”. Vốn rất thích trái cây và đồ ăn vặt nên tôi quyết định triển luôn 2 món này. Từng ngày tích góp giúp tôi có đồng ra đồng vào để duy trì mặt bằng và trang trải những chi phí khác.
Nghĩ tích cực, cố gắng sống tốt mỗi ngày, thường xuyên gọi điện, nhắn tin hỏi thăm sức khỏe bạn bè, người quen, cùng động viên nhau “rồi mọi chuyện sẽ qua, cuộc sống tươi đẹp sẽ sớm trở lại”. Tôi vẫn nói với mọi người, giờ ráng đừng nghĩ quá nhiều đến khó khăn kinh tế, quan trọng trước mắt là còn sức khỏe thì còn tất cả.
Chưa kể, “nghề tay trái” này đã cho tôi sự bận rộn, thấy mình có giá trị cuộc sống, đáp ứng được niềm vui làm việc, và giúp vơi đi những suy nghĩ nặng nề. May mắn, tôi cũng khá có duyên với công việc này. Nhiều hôm, đơn hàng dồn dập, đi ship mệt bở hơi tai, chạy riết ngoài đường nắng nóng da đen thui, gặp người quen ai cũng bất ngờ… vì nhìn mãi mới ra (Cười)! Với tôi, đó là sự đánh đổi rất ý nghĩa.
Để trụ được với “nghề tay trái” này, anh trải qua những khó khăn, trở ngại gì? Có gặp tình huống nào tréo ngoe không?
Có chứ! Việc buôn bán là làm dâu trăm họ, không phải ai cũng sẽ như mình nghĩ. Sẽ có những khách hàng rất khó tính, có những người này nọ. Lúc mới đầu gặp những chuyện như vậy, tôi khá buồn và tủi thân… nhưng rồi cũng vượt qua hết. Càng làm, tôi được va chạm nhiều hơn, nên phần nào hiểu cho tâm trạng người bán nhiều lắm.
Tôi cũng dặn lòng sau này bản thân sẽ dễ tính hơn với người bán hàng cho mình để đôi bên cảm thấy thoải mái và cuộc đời thêm nhiều niềm vui. Có những hôm tôi đi ship đồ, bị khách hoạnh hoẹ dữ lắm, nên mới hiểu được công việc của người đi ship hàng cực lắm, và bản thân càng trân trọng họ!
Ai cũng cần có tiền để trang trải, nhưng sức khỏe, niềm vui mới là điều đáng giá hơn rất nhiều. Đại dịch này cho chúng ta được nhìn lại - hiểu những cái đã đánh mất giữa những xô bồ, để thấm thía và sống có ích hơn. Tôi nghĩ, đó là điều quý giá mình nhận được sau mùa dịch!
Nhưng đâu đó vẫn có những ánh mắt không mấy thiện cảm, lời lẽ khó nghe… đối với nghệ sĩ bán hàng online. Bản thân đang là người “trong nghề”, quan điểm của anh thế nào?
Tôi nghĩ, bán hàng online cũng như bao công việc chân chính khác, đều đổ mồ hôi công sức nên cần được trân trọng. Thay vì suy nghĩ tiêu cực, thì hãy cố gắng làm việc thật hiệu quả, miễn sao công việc mình làm có ích, không làm hại ai, kiếm được tiền trang trải cuộc sống giữa mùa dịch là quá tốt rồi. Cuộc sống có thăng trầm thì cuộc đời mình sẽ có nhiều cái đẹp.
Bản thân tôi luôn giữ vững lập trường – làm cái gì cũng phải ra trò. Khi quyết định buôn bán, tôi luôn đặt bản thân là khách hàng để làm sao đưa đến cho “thượng đế” của mình những sản phẩm tốt và đáng dùng. Tuyệt đối không lừa dối khách hàng, dù trong mùa dịch mọi thứ đều rất khó khăn. Bởi, càng khó khăn thì mình càng phải trân trọng, để khách tin tưởng, yêu mến mà ủng hộ mình lâu dài.
Niềm vui tôi nhận được sau thời gian kinh doanh online là việc buôn bán khá thuận lợi, được mọi người tin tưởng và an tâm đồ mình bán. Có nhiều người sau khi mua hàng rồi hỏi tôi là “sao bán cái gì cũng chất lượng”, tôi chỉ biết nói là “Châu thích ăn ngon, và cái gì ngon – tốt nhất sẽ muốn đưa đến khách hàng”.
Suốt quãng thời gian dài sống chậm, anh thấy mình thay đổi ra sao?
Điều tôi học được sau mùa giãn cách đó là sự tự giác. Dù hiện tại, thành phố đã trở về trạng thái “bình thường mới”, nhịp sống thường ngày đã trở lại, nhưng bản thân tôi cứ sau 18h tối vẫn có thói quen ở nhà, như hồi còn giãn cách. Không chỉ tôi mà nhiều người dân Sài Gòn vẫn giữ ý thức này. Đó là một điều rất hay.
Bên cạnh đó, giờ giấc sinh hoạt trong ngày của tôi cũng chuẩn chỉnh hơn trước là đi ngủ sớm và dậy sớm. Mỗi ngày trôi qua, tôi thấy bản thân mình sống có ích và làm được nhiều việc ý nghĩa hơn!
Thi thoảng, trên trang cá nhân, NTK Minh Châu “lật giở” trang ký ức về tháng ngày “thăng hoa” với những bộ sưu tập áo dài tuyệt đẹp. Anh đã làm gì để vơi đi nỗi nhớ nghề, nhớ sân khấu?
Dù bận rộn với đủ thứ việc “không tên”, nhưng thật sự, điều đó vẫn không đủ để khỏa lấp được khoảng trống rất lớn trong lòng tôi – là đam mê “cháy bỏng” với những chiếc áo dài. Nỗi nhớ ấy hằng đêm vẫn trỗi dậy trong những giấc mơ của tôi.
Nhiều lúc nhớ quá, tôi lại mở điện thoại ngắm nghía những bộ sưu tập áo dài mình đã từng thực hiện, những khoảnh khắc tỏa sáng cùng các anh chị em nghệ sĩ trên sân khấu. Rồi lên mạng tìm kiếm thông tin về mình và các show diễn đã từng thực hiện.
Khi có thời gian, tôi lại chạy qua cửa hàng, chăm chút, là ủi cho từng chiếc áo dài thật phẳng phiu, rồi sắp xếp lại, lau dọn mọi thứ, tạo niềm vui be bé cho mình. Mất gần nửa năm không làm nghề, mọi người đã quen vì chấp nhận và chờ đợi để được bắt đầu trở lại với đam mê.
Nếu được làm việc lại, tôi sẽ càng trân trọng nghề hơn - chỉ như thế chứ chưa dám mơ tới điều xa vời!
Vượt qua những nỗi sợ về Covid-19, vượt qua những áp lực cơm áo gạo tiền, vượt qua những nguồn năng lượng tiêu cực, NTK Minh Châu chiêm nghiệm thế nào về cuộc sống?
Tôi thấy cuộc sống này rất ngắn - đời vô thường lắm! Có thể mới gặp nhau đây, nhưng không chắc một chút nữa mình còn thấy nhau… Thế nên, khi còn có thể, hãy sống tốt, trân trọng, yêu thương nhau nhiều hơn, để không phải hối hận, luyến tiếc.
Hy vọng rằng, khi trở về cuộc sống bình thường mới, mỗi người đều hạnh phúc, mãn nguyện về những gì mình đang có là quá đủ rồi!
Cảm ơn NTK Minh Châu về cuộc trò chuyện thú vị!
H.L