Nhân ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10, Người Đưa Tin đã có cuộc trao đổi với ông Lê Hồng Hà, Tổng Giám đốc Hãng hàng không Vietnam Airlines về cơ hội và thách thức sau dịch Covid-19.
Người Đưa Tin (NĐT): Lời đầu tiên, Người Đưa Tin xin chúc mừng Vietnam Airlines vừa qua đã bổ sung gần 8.000 tỷ đồng vốn thành công. Trong bối cảnh ngành hàng không bị tác động nặng nề bởi Covid-19, nguồn vốn này có ý nghĩa như thế nào với doanh nghiệp?
Ông Lê Hồng Hà: Xin cảm ơn Người Đưa Tin. Đúng là vừa qua, chúng tôi đã triển khai thành công đợt phát hành thêm cổ phiếu chào bán cho cổ đông hiện hữu để tăng vốn điều lệ. Đợt phát hành kết thúc với gần 800 triệu cổ phiếu được phân phối, tương ứng 99,5% số cổ phiếu chào bán và thu về số tiền gần 8.000 tỷ đồng cho Vietnam Airlines.
Sau đợt phát hành này, vốn điều lệ của Vietnam Airlines đã tăng lên hơn 22.100 tỷ đồng. Nhờ được bổ sung đáng kể nguồn vốn và dòng tiền, Tổng Công ty đã phần nào giải tỏa được áp lực dòng tiền, cải thiện khả năng thanh toán trong ngắn hạn, đồng thời có thêm cơ hội để vượt qua khó khăn và tạo đà phát triển trong tương lai.
Nguồn tiền có được từ phát hành cổ phiếu tăng vốn sẽ được chúng tôi dùng cho việc bổ sung vốn lưu động, hỗ trợ thanh khoản để thanh toán các khoản vay đến hạn trả, các khoản nợ quá hạn và dự phòng trong trường hợp dịch bệnh tiếp tục có diễn biến phức tạp, kéo dài.
NĐT: Đối với riêng Vietnam Airlines, đại dịch Covid-19 đã tác động như thế nào đến hoạt động của doanh nghiệp?
Ông Lê Hồng Hà: Đại dịch Covid-19 là thách thức lớn nhất mà Vietnam Airlines từng phải đối mặt kể từ khi thành lập đến nay. Đặc biệt, diễn biến của dịch bệnh ngày càng phức tạp, kéo theo tác động ngày càng nghiêm trọng, sâu rộng và lâu dài đến toàn bộ hoạt động sản xuất kinh doanh của Vietnam Airlines.
Năm 2020 đã là giai đoạn rất khó khăn với Vietnam Airlines và ngành hàng không, nhưng năm 2021 tình hình còn xấu hơn. Do mất trắng hai kỳ cao điểm Tết Âm lịch và cao điểm hè, đặc biệt đợt bùng phát dịch từ cuối tháng 4 đã kéo dài gần nửa năm qua, các hãng hàng không Việt tiếp tục khó khăn chồng chất khó khăn. Riêng với Vietnam Airlines, doanh thu vận tải hàng không 9 tháng đầu năm dự kiến thấp hơn 52% so với cùng kỳ 2020 và thấp hơn 80% so với cùng kỳ 2019.
Do năng lực sản xuất chỉ sử dụng ở mức thấp, thị trường chưa có dấu hiệu phục hồi, hoạt động vận tải sụt giảm nên dòng tiền thu của Vietnam Airlines chỉ xấp xỉ khoảng 10% so với cùng kỳ năm 2019 và giảm một nửa so với năm 2020. Trong khi đó, do tính chất đặc thù của ngành hàng không, Vietnam Airlines cũng như các hãng bay vẫn phải trả chi phí cố định rất lớn như phí thuê tàu bay, phí bảo dưỡng, phí bãi đỗ và các chi phí duy trì hoạt động khác.
NĐT: Đại dịch Covid-19 được xem là một thử thách mới, chưa từng có đối với nền kinh tế và cộng đồng doanh nghiệp trong đó đòi hỏi sự thích ứng, thích nghi rất lớn. Đối với Vietnam Airlines, xin ông chia sẻ những nỗ lực để vượt qua đại dịch?
Ông Lê Hồng Hà: Nỗ lực để đưa Vietnam Airlines vượt qua khủng hoảng là sự cố gắng rất lớn và tổng thể đến từ nhiều phía, bao gồm nội lực Vietnam Airlines và cả sự tham gia của các cơ quan nhà nước, nhà đầu tư, đối tác, khách hàng.
Về phía Vietnam Airlines, chúng tôi đã và đang thực hiện nhiều giải pháp tự thân để vượt qua khó khăn, trong đó phương án tái cơ cấu doanh nghiệp là giải pháp trọng tâm từ nay đến năm 2025. Việc tái cơ cấu không chỉ để ứng phó với giai đoạn Covid-19 mà quan trọng hơn còn giúp Vietnam Airlines thay đổi, thích nghi với những biến động của môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh và nhanh chóng phục hồi, phát triển sau khi dịch bệnh được kiểm soát.
Trong đó, tái cơ cấu tài chính là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu mà chúng tôi đề ra. Trước hết, Vietnam Airlines tập trung vào các giải pháp cải thiện kết quả sản xuất kinh doanh, tận dụng mọi cơ hội để tăng thu, giảm chi nhằm giảm tối đa mức lỗ và thâm hụt dòng tiền. Các giải pháp nổi bật là đẩy mạnh vận tải hàng hóa, bay hồi hương để tăng thu; đồng thời cắt giảm, tiết kiệm chi phí trong ngắn hạn và tối ưu hóa cấu trúc chi phí với mục tiêu tiếp tục giảm chi trong giai đoạn sau đại dịch. Chúng tôi đang đặt mục tiêu năm 2021 cắt giảm được khoảng 10.900 tỷ đồng, trong đó các giải pháp tự thân và đàm phán với đối tác là trên 6.800 tỷ đồng, chủ yếu trong lĩnh vực thuê tàu bay, sửa chữa và bảo dưỡng tàu bay, động cơ.
Bên cạnh đó, Vietnam Airlines cũng rà soát, sắp xếp, tinh giản bộ máy tổ chức, giảm bớt đầu mối xử lý công việc, phân công tổ chức lao động khoa học để vừa nâng cao năng suất, tối ưu hóa nguồn lực, vừa giảm chi phí và cải thiện thu nhập cho người lao động.
Tái cơ cấu nguồn vốn và duy trì trạng thái tài chính phù hợp thông qua tăng vốn chủ sở hữu và tái cơ cấu nợ vay cũng là nội dung nằm trong phương án tái cơ cấu tổng thể. Các giải pháp cụ thể chính là phát hành thêm cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu để tăng vốn điều lệ và đàm phán với các tổ chức tín dụng hỗ trợ cho vay.
Cuối cùng là tái cơ cấu tài sản để gia tăng thu nhập, dòng tiền. Nội dung này bao gồm thanh lý, bán và thuê lại đội tàu bay, đồng thời tái cơ cấu danh mục đầu tư ra ngoài doanh nghiệp. Việc giảm quy mô đội bay phù hợp với quy mô sản xuất kinh doanh giúp giảm rất nhiều chi phí liên quan. Khoản chi phí này chiếm đến 78% trong 6.800 tỷ đồng mà Vietnam Airlines đặt mục tiêu tự thân cắt giảm. Hoạt động tái cơ cấu danh mục đầu tư vốn ra ngoài doanh nghiệp cũng sẽ được triển khai để mang lại nguồn thu nhập giúp bù đắp lỗ lũy kế, bổ sung vốn chủ sở hữu và dòng tiền, chỉ duy trì nguồn lực tập trung vào lĩnh vực kinh doanh chính là vận tải hàng không và các dịch vụ đồng bộ cho ngành hàng không.
Song song với nỗ lực của Vietnam Airlines, từ năm 2020 Chính phủ cũng đã có những giải pháp cụ thể để hỗ trợ các hãng hàng không vượt qua đại dịch. Chúng tôi cũng nhận được sự đồng hành của nhiều đối tác, doanh nghiệp, tổ chức dưới nhiều hình thức như cho vay ưu đãi, giãn hoặc hoãn tiến độ thanh toán các khoản đến hạn phải trả và khoản nợ, góp phần cân đối tài chính và duy trì hoạt động liên tục của Vietnam Airlines trong thời gian qua.
NĐT: Thời gian vừa qua, Chính phủ, các Bộ, ban, ngành đã triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp. Đối với ngành hàng không, sự hỗ trợ đó được triển khai như thế nào và có tác động ra sao? Trong thời gian tới, Vietnam Airlines cần sự đồng hành từ Nhà nước như thế nào để hồi phục hiệu quả sau những cú sốc mà dịch bệnh gây ra?
Ông Lê Hồng Hà: Thời gian vừa qua, các giải pháp hỗ trợ ngành hàng không nói chung và các hãng hàng không nói riêng đã được Chính phủ triển khai với quy mô lớn, đồng bộ và có sự tham gia của các cấp, các ngành như giảm 30% thuế bảo vệ môi trường, giảm 50% chi phí cất hạ cánh nội địa. Sự hỗ trợ này có ý nghĩa rất lớn với các hãng hàng không trong bối cảnh khó khăn hiện nay, góp phần giúp các hãng cắt giảm chi phí, cải thiện hiệu quả sản xuất kinh doanh.
Bên cạnh đó, việc hỗ trợ từ cổ đông Nhà nước trong vai trò chủ sở hữu cho Vietnam Airlines thông qua gói giải pháp hỗ trợ về tài chính đã góp phần bù đắp thanh khoản và bổ sung thêm vốn cho hoạt động kinh doanh của Vietnam Airlines.
Tuy nhiên, Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA) dự báo hoạt động hàng không thế giới tiếp tục bị khủng hoảng trong năm 2021 và kéo dài đến năm 2023. Do đó, kể cả khi thực hiện tất cả giải pháp nội lực và các giải pháp hỗ trợ của Chính phủ, với tình hình dịch bệnh tiếp tục kéo dài như bây giờ, ngành hàng không và Vietnam Airlines chắc chắn sẽ còn đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt là khả năng thanh toán và duy trì hoạt động liên tục.
Vì vậy, để tạo điều kiện cho ngành hàng không phát huy vai trò trong nền kinh tế, song song với các định hướng của Chính phủ thì Chính phủ cũng cần có vai trò như một đối tác giúp ngành hàng không hồi phục và phát triển bền vững.
Hiện nay, chúng tôi đang tiếp tục làm việc với các cơ quan Nhà nước, cơ quan quản lý ngành để nghiên cứu, đề xuất lên Chính phủ phương án kéo dài các giải pháp hỗ trợ đã có cho các hãng hàng không. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng phối hợp với cơ quan chủ sở hữu nghiên cứu, xây dựng giải pháp tiếp theo cho Vietnam Airlines để báo cáo, đề xuất với Chính phủ trong thời gian tới đây.
Cùng với sự hỗ trợ về nguồn lực tài chính, các cơ chế chính sách về lộ trình mở cửa, nới lỏng biện pháp giãn cách, điều tiết thị trường và tiếp tục triển khai một số chính sách giảm thuế, phí ưu đãi cho các hãng hàng không cũng rất quan trọng để đảm bảo môi trường kinh doanh lành mạnh, bảo vệ các hãng hàng không trong nước trước các hãng nước ngoài và giúp ngành hàng không phát triển bền vững sau đại dịch.
Cuối cùng, việc kiểm soát thành công dịch bệnh chính là chìa khóa cho sự phục hồi của ngành hàng không. Vì vậy, chúng tôi hy vọng rằng Việt Nam sẽ đẩy lùi dịch bệnh trong thời gian sớm nhất, đồng thời Chính phủ sẽ có lộ trình phục hồi phù hợp để vừa đảm bảo phòng chống dịch, vừa phát triển kinh tế đất nước.
NĐT: Theo tôi được biết, trong suốt thời gian vừa qua, Vietnam Airlines bằng nhiều cách thức đã và đang đồng hành cùng Chính phủ, nhà nước trong việc phòng chống dịch. Theo ông, về phía các doanh nhân Việt, gắn với vai trò của các sếu đầu đàn - các tập đoàn lớn dẫn dắt thị trường, họ cần có trách nhiệm với cộng đồng, xã hội như thế nào, đặc biệt trong bối cảnh nền kinh tế khó khăn như hiện nay?
Ông Lê Hồng Hà: Mặc dù đối mặt với những khó khăn rất lớn nhưng chúng tôi hiểu rằng đây là khó khăn chung mà bất cứ ai, tổ chức nào cũng đều trải qua trong giai đoạn Covid-19. Do vậy, việc đồng hành, chia sẻ với đất nước là trách nhiệm không chỉ của riêng ai, không những các tập đoàn lớn mà tất cả doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tại Việt Nam cũng nên tham gia vào công cuộc phòng chống dịch của đất nước.
Việc chia sẻ ấy có thể được thực hiện dưới nhiều hình thức, phụ thuộc vào khả năng, tiềm lực của mỗi người, mỗi tổ chức và doanh nghiệp. Vietnam Airlines là hãng hàng không quốc gia hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực vận tải hàng không, do đó chúng tôi đã tận dụng nguồn lực của mình để tham gia vào công tác vận chuyển nhân lực, vật tư y tế cũng như duy trì giao thương và chuỗi cung ứng hàng hóa.
Tính từ khi dịch bùng phát đến nay, chúng tôi đã chở 12.000 lượt y bác sĩ, cán bộ là lực lượng tuyến đầu chống dịch và vận chuyển miễn cước hơn 250 tấn hàng hóa là trang thiết bị, vật tư y tế, vaccine. Mặc dù hoạt động vận tải hành khách gần như “đóng băng” nhưng hoạt động chở hàng hóa vẫn diễn ra và được đẩy mạnh để vừa đảm bảo thông thương, đặc biệt trong giai đoạn giãn cách xã hội, vừa góp phần tăng doanh thu cho Vietnam Airlines trong bối cảnh khó khăn. Nhờ giải pháp hoán cải tàu bay chở khách thành tàu bay chở hàng thông qua tháo ghế hoặc bọc ghế trên khoang khách, năng lực vận tải hàng đã tăng lên gấp 1,8 lần và doanh thu vận tải hàng từ chiếm 9% tổng doanh thu của Vietnam Airlines trước Covid-19 đến nay đã chiếm đến 30%.
Ngoài Vietnam Airlines, thực tế có rất nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước đang hoạt động tại Việt Nam cũng nỗ lực thực hiện trách nhiệm xã hội, đóng góp vào công cuộc hiện thực hóa mục tiêu kép của Chính phủ. Sự chung tay của nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là các “sếu đầu đàn”, đã tạo ra sức mạnh tập thể, đoàn kết, giúp Việt Nam có thêm nhiều nguồn lực để vượt qua đại dịch.
NĐT: Hiện nay Chính phủ đã chuyển trạng thái từ mục tiêu “không có Covid” sang thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid-19 để thực hiện vừa phòng chống dịch có hiệu quả, vừa khôi phục và thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội. Bên cạnh đó, nhiều địa phương đã cơ bản kiểm soát được dịch bệnh và các đường bay nội địa cũng đang từng bước được khởi động lại. Xin ông cho biết, đánh giá về khả năng hồi phục của ngành hàng không Việt Nam trong những tháng cuối năm và năm 2022?
Ông Lê Hồng Hà: Theo dự báo gần đây nhất của IATA, thị trường hàng không thế giới sẽ phục hồi đạt mức 88% so với năm 2019 vào năm 2022 và phục hồi hoàn toàn so với trước đại dịch vào năm 2023, tuy nhiên mức độ hồi phục là khác nhau giữa các thị trường, phụ thuộc vào tốc độ tiêm vaccine và chính sách mở cửa biên giới của mỗi quốc gia.
Đối với Việt Nam, trên cơ sở tiến độ tiêm vaccine đang được đẩy mạnh, đặc biệt là tại hai thành phố lớn Hà Nội và TP.HCM, chúng tôi đánh giá thị trường hàng không nội địa và quốc tế có thể bắt đầu phục hồi ngay trong quý 4 năm nay.
Để chuẩn bị cho năm 2022, chúng tôi đã xây dựng dự báo mức độ phục hồi thị trường theo ba kịch bản cao, trung bình, thấp nhằm chủ động các phương án điều hành sản xuất kinh doanh. Trong đó, kịch bản lạc quan là dịch bệnh được kiểm soát tốt, không có đợt bùng phát dịch diện rộng và kịch bản xấu là có biến chủng mới, tình hình dịch phức tạp như đợt bùng phát dịch từ tháng 4 vừa qua.
Tuy nhiên, với tốc độ phủ rộng tiêm vaccine, các biện pháp phòng chống dịch hiệu quả của Chính phủ và các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh, chúng tôi tin tưởng cầu hàng không nội địa sẽ sớm khôi phục và ngành hàng không sẽ sớm phục hồi, tăng trưởng trở lại.
NĐT: Vietnam Airlines đã có sự chuẩn bị như thế nào để bắt nhịp với trạng thái mới đồng thời đẩy mạnh việc hồi phục doanh nghiệp sau cú sốc Covid-19?
Ông Lê Hồng Hà: Chúng tôi đã chuẩn bị nhiều kịch bản, phương án điều hành sản xuất kinh doanh tương ứng với diễn biến thị trường và tình hình dịch bệnh, trong đó có lộ trình khôi phục mạng bay, nâng cao chất lượng dịch vụ và các chương trình kích cầu trên cơ sở đảm bảo an toàn phòng chống dịch.
Về cơ bản, giai đoạn đầu Vietnam Airlines sẽ khôi phục dịch vụ vận tải hành khách theo sự chỉ đạo, cho phép của các cơ quan chức năng, từng bước tiến tới ổn định và làm chủ hoạt động kinh doanh trong trạng thái bình thường mới. Chúng tôi cũng sẽ tìm kiếm cơ hội để mở thêm các đường bay mới và sẵn sàng tăng tần suất vào các dịp cao điểm như Tết Nguyên đán nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân.
An toàn vẫn là yếu tố quan trọng nhất cả trong khai thác lẫn phòng, chống dịch. Do đó, Vietnam Airlines đã xây dựng quy trình đảm bảo an toàn dịch tễ nghiêm ngặt tại sân bay và trên chuyến bay. Hiện nay chúng tôi đã hoàn thành tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 cho 100% người lao động tuyến đầu trực tiếp phục vụ hành khách và hàng hóa như phi công, tiếp viên, kỹ sư máy bay, nhân viên mặt đất.
Ngoài ra, các chính sách về hoàn, đổi vé linh hoạt cũng được chú trọng để bảo vệ tối đa quyền lợi của hành khách trong bối cảnh kế hoạch di chuyển của hành khách có khả năng bị ảnh hưởng do dịch Covid-19.
Bên cạnh mảng bay nội địa, Vietnam Airlines cũng tích cực chuẩn bị cho việc mở cửa đường bay quốc tế bằng việc phối hợp với các cơ quan, đối tác triển khai chương trình thí điểm của Chính phủ về hộ chiếu sức khỏe điện tử. Thời gian vừa qua, chúng tôi đã phối hợp với Bộ Y tế, Bộ Ngoại giao và một số tỉnh, thành thực hiện thành công các chuyến bay đầu tiên áp dụng hộ chiếu sức khỏe điện tử IATA Travel Pass cho hành khách từ Việt Nam đi quốc tế và ngược lại.
Ngoài các giải pháp về khôi phục mạng bay và đảm bảo an toàn phòng chống dịch, Vietnam Airlines sẽ tiếp tục thực hiện các giải pháp tái cấu trúc cơ cấu tổ chức, nâng cao năng lực quản trị điều hành và tiết kiệm chi phí và cải thiện kết quả kinh doanh và bắt đầu triển khai các giải pháp tái cấu trúc tài sản để bổ sung dòng tiền và thu nhập trong thời gian tới.
NĐT: Vừa qua, Vietnam Airlines vừa chính thức hoàn thành thủ tục và công tác chuẩn bị để xin cấp phép cho hãng khai thác các chuyến bay thẳng thường lệ giữa Việt Nam và Hoa Kỳ. Nếu được thông qua, Vietnam Airlines sẽ trở thành hãng hàng không Việt Nam đầu tiên được cấp phép bay thẳng thường lệ đến Hoa Kỳ. Cảm xúc của ông thế nào? Xin ông chia sẻ thêm về định hướng sắp tới của hãng để tiếp tục phát huy vai trò tiên phong của mình?
Ông Lê Hồng Hà: Các bước tiến mới đây liên quan đến việc mở đường bay thường lệ đến Hoa Kỳ là kết quả của quá trình chuẩn bị dài 20 năm qua của Vietnam Airlines. Do đó, bên cạnh niềm vui và tự hào thì tôi cũng như các đồng nghiệp còn thấy đây là trọng trách rất lớn. Việc mở được đường bay đến Hoa Kỳ là thành quả của rất nhiều thế hệ người làm hàng không, và là giấc mơ của không chỉ Vietnam Airlines mà còn cả ngành hàng không Việt.
Đến nay, có thể nói Vietnam Airlines đã hoàn thiện những bước cuối cùng để nhà chức trách Hoa Kỳ xem xét cấp phép bay thẳng thường lệ. Chúng tôi đang theo dõi quá trình đánh giá, phê chuẩn của Cục An ninh Vận tải Hoa Kỳ (TSA) đối với năng lực bảo đảm an ninh của Vietnam Airlines và của sân bay xuất phát từ Việt Nam. Giấy phép của cơ quan này sẽ là cơ sở để Cục Hàng không Liên bang Hoa Kỳ (FAA) cấp phép cho Vietnam Airlines khai thác các chuyến bay thẳng thường lệ giữa hai nước.
Ngay sau khi có giấy phép chính thức của Hoa Kỳ, Vietnam Airlines sẽ sớm công bố chuyến bay thương mại thẳng thường lệ đầu tiên giữa Việt Nam và Hoa Kỳ. Hiện chúng tôi đang phối hợp cùng các cơ quan chức năng của hai nước thúc đẩy việc hoàn tất thủ tục cấp phép bay thường lệ cho Vietnam Airlines. Nếu tiến độ như kỳ vọng, dự kiến chuyến bay thẳng thường lệ đầu tiên của Vietnam Airlines đến Hoa Kỳ sẽ cất cánh vào tháng 11 năm nay. Như vậy, Vietnam Airlines sẽ trở thành hãng hàng không đầu tiên của Việt Nam có phép bay thương mại thường lệ đến Hoa Kỳ sau gần hai năm bay theo hình thức thuê chuyến.
NĐT: Người ta vẫn nói đến sự khác nhau giữa người đứng đầu một doanh nghiệp Nhà nước và doanh nghiệp tư nhân. Là người đứng đầu một doanh nghiệp Nhà nước, ông có gặp nhiều khó khăn không?
Ông Lê Hồng Hà: Bất cứ một công việc, vị trí, lĩnh vực nào cũng có những khó khăn riêng. Do đó, doanh nghiệp nhà nước hay doanh nghiệp tư nhân cũng đều có những bài toán của mỗi bên.
Để nói về Vietnam Airlines, là một doanh nghiệp nhà nước và đặc biệt là Hãng hàng không Quốc gia thì hoạt động, sứ mệnh, tầm nhìn chúng tôi đặt ra không chỉ phục vụ cho lợi ích của riêng doanh nghiệp mà còn phải gắn bó mật thiết với các nhiệm vụ, mục tiêu phát triển và hình ảnh của đất nước. Đây vừa là niềm tự hào nhưng cũng là trách nhiệm vô cùng lớn. Vì vậy, tôi cho rằng “bài toán” chung mà các thế hệ lãnh đạo cũng như người lao động Vietnam Airlines luôn phải canh cánh là làm sao để vừa đạt được các mục tiêu sản xuất kinh doanh hiệu quả, vừa hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ chính trị, kinh tế, an ninh - quốc phòng, văn hóa, xã hội trong vai trò Hãng hàng không Quốc gia, kể cả nhiều trường hợp việc thực hiện các nhiệm vụ đó không mang lại lợi nhuận cho doanh nghiệp.
NĐT: Nhân ngày doanh nhân Việt Nam 13/10, ông có điều gì muốn chia sẻ với cộng đồng doanh nhân nước nhà?
Ông Lê Hồng Hà: Thời gian vừa qua có thể nói là giai đoạn chưa từng có với nền kinh tế cũng như hầu hết các doanh nghiệp. Covid-19 đã để lại những bài học lịch sử cho các công ty, tập đoàn không kể quy mô hay thâm niên và cả những người làm kinh doanh nói chung. Tôi tin rằng, tất cả chúng ta đều đã nỗ lực hết sức để vượt qua cơn khủng hoảng này cũng như cùng đất nước đẩy lùi đại dịch. Hy vọng rằng, thời gian tới cộng đồng doanh nghiệp và doanh nhân Việt Nam sẽ tiếp tục sát cánh, hiệp lực cùng nhau bằng các chương trình, hoạt động thiết thực để tạo ra sức mạnh đoàn kết, liên ngành, giúp thúc đẩy sự phục hồi và phát triển của mỗi doanh nghiệp cũng như cả nền kinh tế.
NĐT: Xin cảm ơn ông đã dành thời gian cho Người Đưa Tin.
* Tiêu đề do Toà soạn đặt.
C.L - M.Q
NGUOIDUATIN. |