img

Tôi từng hỏi một người bạn du học sinh của mình: “Điều gì đáng sợ nhất mà bạn cảm thấy khi rời xa Việt Nam?”, câu trả lời không phải nỗi nhớ nhà, cũng chẳng phải áp lực cuộc sống, mà lại đến từ những nhu cầu cơ bản của con người - nỗi sợ không hợp đồ ăn, nhưng cũng chẳng thể tìm được nơi bán thứ mình cần.

Đặc biệt khó tìm, đó là những món ăn truyền thống của Việt Nam như giò, chả, bánh chưng, bởi mỗi nước đều có những quy định khắt khe khác nhau về nhập khẩu/ nhập cảnh các sản phẩm có thành phần từ động vật chăn nuôi.

img

Bởi vậy, xây dựng dây chuyền sản xuất sản phẩm Việt Nam ngay tại đất khách, đang là sự lựa chọn của nhiều doanh nghiệp, nhằm đáp ứng đúng điều thị trường còn thiếu. Câu chuyện của Food Force tại Nhật Bản đã bắt đầu như vậy.

img

Tháng 2/2022, Food Force đã vượt qua mọi cản trở của dịch bệnh, trở thành doanh nghiệp xếp hạng 1 tại Nhật Bản ở mảng sản xuất thực phẩm trên bảng xếp hạng “Các công ty có mức tăng trưởng cao nhất Châu Á-Thái Bình Dương 2022” (tính trong giai đoạn 2017 - 2020).

Chia sẻ cùng Người Đưa Tin về hành trình đưa sản phẩm Việt phát triển tại thị trường Nhật Bản, ông Mori Kazuki, Giám đốc Food Force cho biết, xuất phát điểm của công ty là tư vấn ngành F&B, có văn phòng ở trung tâm Nagoya, tỉnh Aichi, Nhật Bản.

img

Với lợi thế nằm ở trung tâm thành phố, xung quanh có nhiều trường đào tạo tiếng Nhật cho sinh viên nước ngoài và là nơi tập trung nhiều công ty, nên ông đã dễ dàng nhận thấy số lượng sinh viên, người lao động Việt Nam tăng lên nhanh chóng tại đất nước này.

Nắm bắt cơ hội đó, công ty đã mở một cửa hàng bán thực phẩm Việt Nam, với mặt hàng chủ đạo là giò, chả. Tuy nhiên, vào thời điểm đó, hầu như không thể tìm được nguồn cung cấp giò, chả đạt chất lượng và có giấy phép sản xuất của Nhật Bản.

Vậy nên, Food Force quyết tâm tham gia vào cả mảng sản xuất, cụ thể là sản xuất giò, chả để phân phối cho các nhà hàng, cửa hàng thực phẩm, siêu thị bán đồ Châu Á trên toàn nước Nhật.

img

Nhìn lại chặng đường 7 năm kể từ khi chuyển hướng sang sản xuất, ông Mori cho rằng: “Yếu tố lớn nhất trong sự tăng trưởng của chúng tôi là nhờ sự gia tăng đáng kể của du học sinh, người lao động Việt Nam tại Nhật”.

Ông cho biết thêm, đối với bất kì doanh nghiệp nào, điều quan trọng nhất khi bắt đầu là phải xác định rõ đối tượng khách hàng và phải nghiên cứu kĩ sự cạnh tranh trong sản xuất và bán sản phẩm đó.

Đã có rất nhiều startup trẻ thường tập trung vào thứ bản thân thích hơn là nhu cầu của thị trường, bên cạnh đó, họ chưa thực sự xác định được đối thủ của mình sẽ như thế nào. Đây chính là rào cản khiến doanh nghiệp không tiến xa được.

img

Về tiềm năng của thị trường Nhật Bản, mặc dù, hiện tại thị trường bị chững lại do chính sách cấm nhập cảnh trong giai đoạn dịch bệnh, nhưng khi các chính sách nới lỏng được thực hiện, thị trường sẽ sôi động trở lại.

Mặt khác, thị trường kinh doanh thực phẩm Nhật Bản đã trải qua một sự thay đổi lớn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 bắt đầu vào năm 2019. Cụ thể là người dân có nhu cầu ăn tại nhà thay vì ăn uống bên ngoài như trước kia.

Điều này khiến nhu cầu về thực phẩm chế biến sẵn tăng nhanh, như một lẽ đương nhiên, rất nhiều công ty đã và đang phát triển hoạt động kinh doanh nhắm vào nhu cầu đó.

Bên cạnh đó, Nhật Bản cũng đang bắt đầu mở cửa lại cho các sinh viên, người lao động nước ngoài tới sống, học tập và làm việc nên nhà sáng lập Food Force dự đoán sự cạnh tranh giữa các nhà sản xuất thực phẩm, đặc biệt là thực phẩm nước ngoài sẽ nóng lên tại xứ sở hoa anh đào.

img

“Trên cương vị là một người Nhật thì tôi thấy đó cũng là một điều tích cực bởi đây là cơ hội để người Nhật có thể tiếp xúc với văn hoá ẩm thực của nhiều quốc gia hơn nữa", ông Mori chia sẻ thêm.

Thị trường mới và mở, đồng nghĩa với việc đòi hỏi doanh nghiệp sẽ ngày càng phải ý thức nhiều tới việc làm sao để gia tăng năng lực cạnh tranh, chiếm ưu thế tại một thị trường đặc biệt khó tính như Nhật Bản.

img

Nghĩ về những ngày đầu phát triển sản phẩm, CEO Food Force cho biết ông đã gặp không ít khó khăn, bởi sản xuất một sản phẩm “ngoại" tại thị trường Nhật có khá nhiều rào cản.

Trong đó, khó khăn lớn nhất phải kể đến chính là bao bì sản phẩm. Các loại giò Việt Nam bán trên thị trường thời điểm đó đều được gói trong lá chuối đúng theo truyền thống Việt, để tạo cho giò có hương vị đặc biệt thơm ngon.

Tuy nhiên, với cách đóng gói này sẽ không đạt đủ tiêu chuẩn vệ sinh thực phẩm của Nhật bởi lá chuối nếu không được làm sạch, tiệt trùng kĩ sẽ khiến giò nhanh bị thiu, hỏng.

Hơn nữa, Nhật Bản không có lá chuối, phải nhập khẩu, cộng thêm chi phí để giải quyết vấn đề vệ sinh sẽ làm giá bán bị tăng cao. Do đó, công ty buộc phải đổi sang sang sản xuất giò trên dây chuyền tự động, đóng gói bằng nilon thực phẩm và có kẹp chì 2 đầu nhằm đáp ứng những yêu cầu về tiêu chuẩn.

Ngoài ra, làm sao để làm ra hương vị chuẩn Việt, đồng thời đảm bảo tiêu chuẩn Nhật Bản cũng là một bài toán khó cho công ty.

img

Ông cho biết, tất cả các sản phẩm của Food Force đều dựa trên câu chủ đề “Vietnamese taste. Japanese quality" (Tạm dịch: Hương vị Việt Nam. Chất lượng Nhật Bản). Nghĩa là đội ngũ nghiên cứu sẽ luôn bám sát nhất có thể hương vị truyền thống, để bất cứ người Việt nào khi thưởng thức cũng cảm nhận được: “À, đây đúng là giò, chả của Việt Nam rồi”.

Song song đó, tất cả phụ gia, gia vị sử dụng, cũng như quy trình sản xuất, làm chín, làm lạnh, đóng gói, bảo quản sẽ được thực hiện theo “Tiêu chuẩn về sản xuất thực phẩm” của Nhật Bản để sản phẩm được tối ưu hoá nhất có thể.

“Cũng phải mất một thời gian dài chúng tôi mới thuyết phục được khách hàng chọn mua. Và thật may mắn là ở thời điểm hiện tại, các sản phẩm giò, chả của chúng tôi đã được thị trường đón nhận”, ông Mori vui mừng chia sẻ thành quả.

Ông cho biết thêm, từ tháng 6/2020, tất cả các doanh nghiệp sản xuất thực phẩm tại Nhật phải có nghĩa vụ quản lý vệ sinh, chất lượng theo tiêu chuẩn HACCP, những tiêu chuẩn mới được đặt ra nghiêm ngặt hơn bao giờ hết.

Bởi vậy, đây là thách thức rất lớn cho các doanh nghiệp nhỏ muốn bắt đầu tại thị trường này, cả về nguồn lực tài chính lẫn nhân lực. Song, đó cũng sẽ là cơ hội đối với những doanh nghiệp muốn theo đuổi mảng sản xuất một cách nghiêm túc.

img

Nhưng, ta lại tự hỏi rằng: Như thế nào là theo đuổi nghiêm túc?

Dưới góc nhìn chiến lược của Food Force trong bối cảnh rộng lớn của thị trường toàn cầu, ông Mori tin rằng điều cốt lõi những doanh nghiệp sản xuất thực phẩm nên làm dù là ở bất cứ thị trường nào, đó là đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và minh bạch trong sản xuất.

Thực tế sau đại dịch cho thấy, giá cả nguyên liệu thô, chi phí nhân công tăng cao, trong khi thị trường luôn xảy ra tình trạng thiếu lương thực khiến gian lận thực phẩm thực sự trở thành một vấn nạn, không chỉ ở Nhật Bản, Việt Nam mà còn trên toàn cầu.

img

Nên đã có rất nhiều doanh nghiệp đã nhắm mắt sử dụng nguồn nguyên liệu giá rẻ không rõ nguồn gốc, sử dụng phụ gia không được phép hay lao động bất hợp pháp để giảm giá thành sản phẩm. Nhưng đó lại không phải hướng đi bền vững cho doanh nghiệp.

Từ đó, Food Force chia sẻ định hướng như kim chỉ nam trong con đường kinh doanh của mình: “Chúng ta có thể đổi mới để phù hợp với thị trường nhưng vẫn phải đảm bảo an toàn vệ sinh và tiếp tục nỗ lực để loại bỏ gian lận thực phẩm. Tôi nghĩ đó là cách để các doanh nghiệp tăng giá trị thương hiệu, đồng thời duy trì lợi thế cạnh tranh”.

img

Ở tầm nhìn dài hạn, đại diện Food Force bày tỏ, hằng năm công ty luôn chú trọng đầu tư vào nguồn nhân lực và thiết bị sản xuất.

Đặc biệt, là yếu tố con người, chủ thể của con đường phát triển. Triết lý kinh doanh của Food Force là “Thông qua thực phẩm để tạo ra niềm hạnh phúc và giá trị cuộc sống cho toàn bộ nhân viên và các đối tác, bạn đồng hành của công ty”.

img

Food Force coi nhân viên như những thành viên trong gia đình, còn khách hàng là những người bạn đồng hành, chỉ khi nào những thành viên gia đình và những người bạn đó hạnh phúc, hài lòng thì công ty mới có thể phát triển bền vững.

Trên thực tế, đội ngũ nhân lực của Food Force là đa quốc tịch, đa văn hoá, nên không thể tránh khỏi những khó khăn, rào cản về ngôn ngữ. Bản thân là một nhà quản lý, ông Mori luôn cố gắng lắng nghe mọi ý kiến của nhân viên và dung hoà chúng, để tất cả mọi người đều chung một hướng đi, một mục tiêu: cùng nhau đưa công ty phát triển lên.

Mặt khác, năm 2022, Food Force sẽ có bước chuyển mình mạnh mẽ hơn cả. Theo đó, sẽ không chỉ người có Việt Nam tại Nhật Bản đón nhận sản phẩm, mà sẽ tiếp cận được sâu, rộng hơn đến đối tượng khách hàng người Nhật Bản.

img

“Tôi mong muốn các món ăn Việt sẽ được xuất hiện nhiều hơn trên bàn ăn của các gia đình Nhật, khiến người Nhật cảm nhận được các món ngon và văn hoá Việt”, đại diện Food Force chia sẻ mục tiêu trên chặng đường sắp tới.

Để làm được điều đó, công ty sẽ mở rộng thành bốn nhà máy sản xuất trên tổng diện tích khoảng hơn 1ha, tập trung nghiên cứu và đưa ra thị trường các sản phẩm mới như bánh mì, thực phẩm chế biến sẵn.

Không chỉ vậy, Food Force cũng đang kết hợp với một số đối tác Nhật Bản để phát triển chuỗi nhà hàng Vietnamdeli theo hình thức nhượng quyền.

Đồng thời, công ty cũng đưa ra chiến lược mở mở rộng đội ngũ chuyên gia. Trong đó, bao gồm những chuyên gia có kinh nghiệm trong lĩnh vực sản xuất, chuyên giám sát, đảm bảo vệ sinh thực phẩm theo tiêu chuẩn HACCP….

img

NGUOIDUATIN.VN |