img
Bài: Cẩm Mịch; Ảnh: NVCC

Hành trình rời khỏi vùng an toàn và thích nghi ở trời Tây của nam sinh đỗ 21 trường đại học

Hành trình rời khỏi vùng an toàn và thích nghi ở trời Tây của nam sinh đỗ 21 trường đại học

Nhìn chàng trai cao 1m82 với bảng thành tích học tập đáng ngưỡng mộ và danh sách hoạt động ngoại khóa dày đặc, vừa được 21 trường đại học từ Mỹ, Anh, Canada, Singapore lần lượt “gọi tên”, ít ai biết đây từng là một cậu học trò hướng nội. Đó là “bật mí” của anh chàng Nguyễn Lê Đông Hải (SN 2002), hiện đang là du học sinh năm cuối tại học viện CATS Boston (Massachusetts, Mỹ).

Tốt nghiệp THCS, Đông Hải thi đỗ vào trường THPT chuyên Lê Khiết (Quảng Ngãi), rồi xuất sắc vượt qua nhiều thí sinh đến từ 30 quốc gia, giành học bổng toàn phần du học lớp 11 và 12 tại học viện CATS Boston, trường trung học uy tín ở Mỹ với 100% học sinh tốt nghiệp lên thẳng đại học, 89% được nhận vào đại học hàng đầu.


Hành trình rời khỏi vùng an toàn và thích nghi ở trời Tây của nam sinh đỗ 21 trường đại học

Lạ một điều, những năm học tiểu học và THCS, cậu học trò có sở trường đặc biệt với môn Toán, nhưng sau đó lại chuyển hướng sang đam mê với các môn xã hội. Tuy nhiên, khi được hỏi về lĩnh vực muốn khám phá và gắn bó, Đông Hải lại khẳng định chắc nịch, đó là Kinh tế học.

Lý giải về điều này, nam sinh tiết lộ: “Hồi bắt đầu học tiếng Anh, để luyện kỹ năng đọc hiểu, em đã dành thời gian đọc rất nhiều tạp chí tiếng Anh về kinh tế.

Từ đó, em nhận thấy, kinh tế thực ra cũng không hẳn thiên về các môn tự nhiên, mà còn khai thác các khía cạnh liên quan đến con người. Vì vậy, em chọn Kinh tế học, vừa vận dụng được sở trường về Toán, vừa thỏa mãn sở thích tìm hiểu về các môn xã hội”.


img

Chập chững làm quen với niềm đam mê mới, năm 2019, Đông Hải đã đạt giải “Khen thưởng cao” (top 2%) tại cuộc thi Nhà kinh tế trẻ do hội đồng Kinh tế Hoàng gia Anh và Financial Times tổ chức.

Không chỉ phấn đấu về mặt học thuật, duy trì điểm trung bình môn (GPA) và đạt điểm SAT (bài kiểm tra đánh giá năng lực - PV) cao, chàng trai Quảng Ngãi còn tích cực tham gia vào cộng đồng sinh viên và giữ nhiều chức vụ lãnh đạo tại trường như Chủ tịch và sáng lập câu lạc bộ Kinh tế, biên tập viên tờ báo của trường, Đại sứ sinh viên, Thư ký câu lạc bộ Mô phỏng Liên Hợp Quốc và được bầu giữ chức Giám đốc tài chính của hội học sinh.


Hành trình rời khỏi vùng an toàn và thích nghi ở trời Tây của nam sinh đỗ 21 trường đại học

Ít ai biết, một du học sinh năng động như vậy, lại từng là một cậu học trò hướng nội, phải vượt qua rất nhiều băn khoăn để tự thay đổi bản thân. Chàng trai 18 tuổi không ngần ngại giãi bày: “Em nhớ, bản thân mình từng là một đứa trẻ khá nhút nhát và hướng nội.

Khi ấy, có lẽ em còn chưa định hình được tương lai mình sẽ làm những gì, theo đuổi những gì… Thậm chí, học trên lớp, khi thầy cô hỏi đến vấn đề nào đó, mặc dù biết, nhưng em rất ngại đứng lên phát biểu. Đến khoảng những năm học lớp 7, lớp 8, trong em có những dòng suy nghĩ chợt lướt qua: “Mình phải thay đổi!”.


Hành trình rời khỏi vùng an toàn và thích nghi ở trời Tây của nam sinh đỗ 21 trường đại học

Em bắt đầu từ những hoạt động ngoại khóa của trường, rồi thử sức với các hoạt động của Đoàn Thanh niên như vai trò phiên dịch viên dịch đuổi, đứng trước hàng trăm cặp mắt dõi theo, hồi lớp 8.

Ấy vậy mà, đến khi tham dự một hội nghị Mô phỏng Liên Hợp Quốc tại Mỹ, em lại tiếp tục bị một phen “đóng băng”. Là học sinh tỉnh lẻ, em chưa từng nghe đến khái niệm này, nhưng vẫn mạnh dạn đăng ký làm đại biểu, thay vì tư cách quan sát viên như bạn bè khuyên. Suốt nửa buổi, em vừa bỡ ngỡ, vừa hồi hộp, không dám đứng lên tranh luận gì, cảm giác lại như có một chiếc “vỏ kén” xuất hiện.


Hành trình rời khỏi vùng an toàn và thích nghi ở trời Tây của nam sinh đỗ 21 trường đại học

Đến giờ giải lao, bất ngờ, bạn nữ ngồi bên cạnh nói với em, đây là lần đầu tiên bạn ấy tham dự hội nghị như thế này nên khá lo lắng… Trong khi, chỉ cách đó ít phút, chính bạn nữ đó vừa đứng lên phát biểu rất tự tin.

Điều đó đã truyền cho em động lực để thực sự bước ra khỏi vùng an toàn, em đứng lên tranh luận. Kể từ hôm ấy, em thực sự đã bị “nghiện” hoạt động này sau khi giành giải Đại biểu xuất sắc...”.

img

Hành trình rời khỏi vùng an toàn và thích nghi ở trời Tây của nam sinh đỗ 21 trường đại học

Như biết bao du học sinh khác, Đông Hải cũng va phải hàng loạt sự bỡ ngỡ ở trời Tây. Đặt chân đến Mỹ, nam sinh gặp nhiều khó khăn từ sự khác biệt về văn hóa đến những sinh hoạt nhỏ hàng ngày: “Vốn quen với thời tiết nắng nóng của miền Trung, ngay khi vừa xuống máy bay tại Boston, em đã bị “sốc nhiệt”, bởi mùa thu cũng đã lạnh đến 5 độ C.

Rồi đến mùa đông, có những ngày nhiệt độ xuống thấp hơn âm 20 độ C, khiến em liên tục ốm… Tiếp đến là đồ ăn. Khi còn ở Việt Nam, em vốn rất thích các món Tây, nhưng khi thực sự trải nghiệm thì em đã “vỡ mộng”, phải “cầu cứu” đến những món đồ khô của bạn bè.

Nhưng rồi, tất cả cũng được điều chỉnh, em phải tập thích nghi với những điều lạ lẫm ở nơi em sẽ gắn bó một thời gian dài sau này”.


Hành trình rời khỏi vùng an toàn và thích nghi ở trời Tây của nam sinh đỗ 21 trường đại học

Chàng trai Quảng Ngãi từng giữ thói quen đi ngủ trước 23h khi còn ở Việt Nam, bước sang môi trường du học, thường xuyên phải thức khuya hơn để đảm bảo vừa học, vừa tham gia các dự án cộng đồng.

Hải tâm sự, mùa thu năm 2019 là giai đoạn căng thẳng nhất. “Dịp đó, em vừa phải ôn thi, vừa phải học chương trình nâng cao ở trường, tương đương với bậc đại học, đồng thời, phải đảm bảo các hoạt động ngoại khóa… nên có thể đánh giá đó là thời điểm cực nhất!

Có lúc, em phải thức xuyên mấy đêm không ngủ suốt, uống cà phê liên tục để giữ mình tỉnh táo. Đến bây giờ, nghĩ lại giai đoạn ấy, em vẫn thấy rùng mình!. Mà nhớ nhất, là cũng trong dịp ấy, do quá mải mê với bài tập, với công việc của các dự án, hoạt động ngoại khóa, mà em quên luôn cả sinh nhật mình. Em tạm xóa ứng dụng Facebook trên điện thoại, nên cũng không nhận được lời chúc từ người thân. Đến khi giật mình nhớ ra, thì đã qua sinh nhật từ lúc nào…”, Hải bật cười khi nhắc đến kỷ niệm hi hữu của mình.


Hành trình rời khỏi vùng an toàn và thích nghi ở trời Tây của nam sinh đỗ 21 trường đại học

Về Quảng Ngãi nghỉ xuân từ tháng Ba, hiện tại vẫn chưa thể quay lại Mỹ do dịch Covid-19, Đông Hải vẫn duy trì việc học trực tuyến và trao đổi các dự án ngoại khóa như thường lệ.

Những tin vui liên tiếp “cập bến”, nam sinh chia sẻ: “Em cảm thấy thực sự rất vui mừng khi được 21 trường đại học tại Mỹ, Anh, Canada và Singapore chấp nhận hồ sơ nhập học. Mỗi khi nhận được email, em chỉ muốn hét lên thật to nhưng lại không dám, vì các trường thường gửi kết quả vào nửa đêm giờ Việt Nam, và khi đó, bố mẹ em đang ngủ”.

Ngay khi về Việt Nam, Hải đã trăn trở, phải làm gì đó để đóng góp cho quê hương, tùy theo sức của mình. Vì vậy, nam sinh đã kêu gọi ủng hộ cho dự án ATM gạo tình thương tại Quảng Ngãi.


Hành trình rời khỏi vùng an toàn và thích nghi ở trời Tây của nam sinh đỗ 21 trường đại học

“Những ngày đầu, do ATM chưa hoạt động, chúng em phải đứng phát gạo trực tiếp đến tay người nghèo, mặc dù vẫn tuân thủ quy định giãn cách. Nhìn những gương mặt lấm tấm mồ hôi bỗng hồ hởi khi nhận được món quà thiết thực này, trong lòng em chợt vui sướng lạ thường!”, Đông Hải mỉm cười.

Ngừng lại một lát, nam sinh tiết lộ: “Thời gian tới, sau khi lựa chọn đại học để gắn bó bốn năm tiếp theo, em sẽ tiếp tục theo đuổi lĩnh vực kinh tế. Với tổ chức phi lợi nhuận về giáo dục kinh tế là GAEE (Global Association of Economics Education), em mong có thể mở rộng quy mô của tổ chức tại khu vực Châu Á - Thái Bình Dương và tìm kiếm thế hệ nối tiếp để thay em tiếp tục phát triển dự án. Đồng thời, em cũng muốn nối lại đam mê với piano để thư giãn mỗi khi căng thẳng. Nghĩ về hành trình dài, nhiều cơ hội và thách thức phía trước, em cảm thấy hào hứng và rất mong đợi”.


Hành trình rời khỏi vùng an toàn và thích nghi ở trời Tây của nam sinh đỗ 21 trường đại học

“Sự nhiệt tình và nghiêm túc mà Hải dành cho việc học là điều chưa từng có trong suốt thời gian tôi dạy môn này. Bằng sự thông thái, tự tin và trí tưởng tượng ấn tượng, cậu ấy đã khám phá mối liên hệ giữa văn học và đời sống. Tôi đã bị ấn tượng bởi sự nhiệt tình và ham học, bởi chất lượng công việc, và bởi sự trưởng thành và phạm vi suy nghĩ của cậu ấy. Hải đã đóng vai trò là người cố vấn cho một số bạn cùng lớp. Những lời giải thích rõ ràng của cậu ấy, được đưa ra thường xuyên và hào phóng, khả năng hợp tác bền vững của Hải trong công việc nhóm, đã giúp các bạn cùng lớp thành công trong lớp học của tôi và giúp cả lớp có thể tiếp tục làm việc ở cấp độ cao hơn. Tôi tin rằng, Hải sẽ là một học giả, nhà lãnh đạo sinh viên xuất sắc...”.

(Tiến sĩ Văn học Mazen El Makkouk, thầy giáo môn Văn học Anh tại học viện CATS Boston viết nhận xét về Đông Hải)

C.M

img