img Hóa giải “nút thắt” hoàn thuế VAT của doanh nghiệp

Trao đổi với Người Đưa Tin (NĐT) nhân dịp Ngày Doanh nhân Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc nói nhiều về chính sách hỗ trợ doanh nghiệp.

Bộ trưởng cho biết, thời gian tới sẽ không phát sinh thêm thủ tục hành chính, đảm bảo thực hiện thống nhất toàn ngành, tạo thuận lợi cho người nộp thuế trong việc đảm bảo thời hạn kiểm tra, xác minh điều kiện hoàn thuế.

Đặc biệt, Tư lệnh ngành Tài chính đã gửi lời chúc đến các “thuyền trưởng” sức khoẻ và cống hiến nhiều hơn nữa vào công cuộc xây dựng nền kinh tế của nước nhà.

Hóa giải “nút thắt” hoàn thuế VAT của doanh nghiệp
Hóa giải “nút thắt” hoàn thuế VAT của doanh nghiệp

NĐT: Trong bối cảnh khó khăn của nền kinh tế nói chung và doanh nghiệp nói riêng, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 52 nhằm hướng dẫn sử dụng kinh phí ngân sách Nhà nước thường xuyên hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Điều này đã thể hiện sự quan tâm của Bộ Tài chính đối với doanh nghiệp. Bộ trưởng có thể chia sẻ rõ hơn về chính sách này?

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc: Trong bối cảnh tình hình hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) nói riêng đang gặp rất nhiều khó khăn do những biến động mạnh trên thế giới về kinh tế, khoa học - công nghệ, địa chính trị như hiện nay, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 52 hướng dẫn cơ chế sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước chi thường xuyên hỗ trợ SME.

Mục tiêu của Thông tư nhằm hỗ trợ đa dạng ở nhiều lĩnh vực như tư vấn, thông tin, công nghệ, phát triển nguồn nhân lực... Điều này giúp doanh nghiệp có điều kiện nâng cao năng lực, ổn định, tạo đà phát triển và tăng sức cạnh tranh.

Hóa giải “nút thắt” hoàn thuế VAT của doanh nghiệp

Ngoài chính sách hỗ trợ dành cho đối tượng doanh nghiệp trên, trong 3 năm 2020 - 2022, trước ảnh hưởng của dịch Covid-19 và tác động của tình hình chính trị, kinh tế thế giới đến sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, người dân, Bộ Tài chính đã chủ động nghiên cứu, đề xuất, trình cấp có thẩm quyền và ban hành theo thẩm quyền nhiều giải pháp trong lĩnh vực tài chính.

Đó là các giải pháp về gia hạn, miễn, giảm các khoản thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất; miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân, thuế VAT, thuế nhập khẩu, thuế bảo vệ môi trường… cùng nhiều khoản phí, lệ phí và tiền thuê đất để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân và nền kinh tế.

Bộ Tài chính đã trình cấp có thẩm quyền và ban hành theo thẩm quyền 56 văn bản quy phạm pháp luật. Tổng quy mô các giải pháp hỗ trợ năm 2020 khoảng 129.000 tỷ đồng, năm 2021 khoảng 145.000 tỷ đồng, năm 2022 khoảng 233.000 tỷ đồng.

Thời gian tới, cùng với việc triển khai quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp hỗ trợ đã được ban hành, chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi sát tình hình thực tế để nghiên cứu, đề xuất các giải pháp phù hợp.

img

NĐT: Chính sách gia hạn thời hạn nộp thuế đã trở thành một trong những công cụ quan trọng giúp doanh nghiệp hưởng lợi và có thêm thời gian nhằm giảm áp lực tài chính trong môi trường kinh doanh khó khăn hiện nay. Xin Bộ trưởng cho biết kết quả đạt được trong thời gian qua và giải pháp trọng tâm để giải quyết tình trạng chậm trễ hoàn thuế?

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc: Thời gian qua, Bộ Tài chính và Tổng cục Thuế đã phối hợp chỉ đạo các cơ quan thuế khẩn trương, quyết liệt trong công tác hoàn thuế, đồng thời đẩy nhanh tiến độ giải quyết hoàn thuế cho người nộp thuế, đảm bảo giải quyết hồ sơ hoàn thuế cho doanh nghiệp theo đúng quy định nhằm hoá giải “nút thắt” của doanh nghiệp.

Kết quả hoàn thuế VAT đã có những chuyển biến khá tích cực. Cụ thể, bình quân 5 tháng đầu năm 2023 mỗi tháng cơ quan thuế đã hoàn 9.506 tỷ đồng; tháng 6/2023 đã hoàn 13.584 tỷ đồng; tháng 7/2023 đã hoàn 10.071 tỷ đồng; tháng 8/2023 đã hoàn 17.809 tỷ đồng. Cập nhật lũy kế 8 tháng đầu năm 2023 đã giải quyết hoàn 89.634 tỷ đồng, bằng 92% so với cùng kỳ năm 2022.

Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục thực hiện một số giải pháp trọng tâm như chủ động rà soát, tổng kết các văn bản chỉ đạo về công tác thanh tra, kiểm tra hoàn thuế trong giai đoạn vừa qua để nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các chỉ đạo về công tác thanh tra, kiểm tra hoàn thuế phù hợp với tình hình thực tiễn hiện tại.

Hóa giải “nút thắt” hoàn thuế VAT của doanh nghiệp

Đặc biệt, không phát sinh thêm thủ tục hành chính nhằm đảm bảo thực hiện thống nhất toàn ngành, tạo thuận lợi cho người nộp thuế trong việc đảm bảo thời hạn kiểm tra, xác minh điều kiện hoàn thuế nhưng đồng thời phải kiểm soát chặt chẽ, chống gian lận hoàn thuế VAT theo nguyên tắc quản lý rủi ro.

Phía Bộ Tài chính đã yêu cầu Tổng cục Thuế khẩn trương tổng hợp các vướng mắc về mặt chính sách đối với hoàn thuế VAT từ phía cơ quan thuế các cấp, từ các hiệp hội, doanh nghiệp để đề xuất sửa đổi, bổ sung chính sách kịp thời, phù hợp với quy định pháp luật và các điều kiện thực tiễn.

Chúng tôi cũng đang tập trung đẩy nhanh và mạnh mẽ hơn nữa ứng dụng công nghệ thông tin, hỗ trợ tối đa công tác quản lý hoàn thuế VAT, ứng dụng trí tuệ nhân tạo cùng dữ liệu lớn trong phân tích rủi ro phân loại hoàn thuế VAT, phân tích rủi ro dữ liệu hóa đơn điện tử phục vụ công tác quản lý hoàn thuế VAT.

Nghiêm túc chấn chỉnh công chức thuế, cơ quan thuế trong việc chậm trễ giải quyết hoàn thuế; chấn chỉnh công tác xác minh, kiểm tra hoàn thuế chưa đúng quy định, gây khó khăn cho người nộp thuế. Kỷ luật nghiêm những công chức thuế có hành vi vi phạm.

Hóa giải “nút thắt” hoàn thuế VAT của doanh nghiệp

NĐT: Đó là về phía Bộ Tài chính và Tổng cục Thuế, xin Bộ trưởng cho biết về phía doanh nghiệp cần làm gì để đồng hành với ngành thuế nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiếp nhận hồ sơ, kiểm tra của các cơ quan?

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc: Về phía người nộp thuế, chúng tôi mong muốn các Hiệp hội, doanh nghiệp tiếp tục đồng hành với ngành thuế trong việc tiếp tục phản ánh các vướng mắc, bất cập trong chính sách thuế cũng như chính sách quản lý thuế.

Qua đó, giúp Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính tổng hợp, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét sửa đổi, bổ sung các chính sách pháp luật, cũng như có giải pháp chỉ đạo cơ quan thuế các cấp phù hợp với đặc thù, thực tiễn từng ngành nghề trong việc hoàn thuế VAT.

Các doanh nghiệp cần nâng cao ý thức chấp hành nghiêm chỉnh các chính sách pháp luật về thuế, hóa đơn, thực hiện đầy đủ nghĩa vụ với ngân sách nhà nước, nói không với các hành vi sử dụng không hợp pháp hóa đơn hoặc sử dụng hóa đơn không hợp pháp trong trong việc đề nghị hoàn thuế VAT.

Cùng với đó, doanh nghiệp cần chủ động trong việc chuẩn bị hồ sơ đề nghị hoàn thuế, rà soát, tập hợp các hóa đơn đầu vào, chứng từ thanh toán, các tờ khai hải quan, hợp đồng xuất khẩu trước khi nộp hồ sơ đề nghị hoàn thuế đến cơ quan thuế, tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiếp nhận hồ sơ, kiểm tra của cơ quan thuế; tránh hồ sơ chưa đáp ứng thủ tục gây ảnh hưởng đến tiến độ tiếp nhận, giải quyết của cơ quan thuế.

Hóa giải “nút thắt” hoàn thuế VAT của doanh nghiệp

NĐT: Dự báo tình hình thế giới và trong nước những tháng cuối năm 2023 còn rất nhiều khó khăn, thách thức ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, Bộ Tài chính dự kiến có những chính sách về thuế, phí như thế nào để hỗ trợ doanh nghiệp, thưa Bộ trưởng?

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc: Để kịp thời, chủ động trong thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và tài chính - ngân sách của năm 2023, đồng thời để hỗ trợ cho doanh nghiệp, người dân, Bộ Tài chính đã khẩn trương nghiên cứu, đề xuất với các cấp có thẩm quyền cũng như ban hành theo thẩm quyền các giải pháp về thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất áp dụng cho năm 2023.

Cụ thể, Bộ Tài chính đã ban hành một số chính sách hỗ trợ tài chính tiêu biểu như gia hạn thời hạn nộp thuế VAT, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất trong năm 2023 đối với doanh nghiệp, tổ chức và hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh. Dự kiến số tiền thuế, tiền thuê đất được gia hạn là hơn 110.000 tỷ đồng.

Ngoài ra, Bộ cũng ban hành các chính sách giảm 2% thuế suất thuế VAT đối với hầu hết các mặt hàng đang áp dụng mức thuế suất thuế VAT 10%; giảm lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước; giảm mức thu 36 khoản phí, lệ phí nhằm hỗ trợ, tiết giảm chi phí của doanh nghiệp, người dân; giảm tiền thuê đất phải nộp của năm 2023; mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn.

Dự kiến thực hiện các giải pháp nêu trên sẽ hỗ trợ cho doanh nghiệp, người dân với giá trị tiền thuế, tiền thuê đất là khoảng 196.000 tỷ đồng. Trong đó, số tiền được gia hạn khoảng 121.000 tỷ đồng; số tiền thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất được miễn, giảm khoảng 75.000 tỷ đồng.

Cùng với các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, người dân nêu trên, Bộ Tài chính cũng sẽ tiếp tục cải cách trên mọi mặt công tác hoàn thiện thể chế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của bộ máy, cải cách thủ tục hành chính theo hướng toàn diện và hiệu quả hơn, tiếp tục đẩy mạnh hiện đại hoá các lĩnh vực của ngành Tài chính.

Đặc biệt là trong các lĩnh vực thuế, hải quan, vốn được xem là các lĩnh vực có liên quan nhiều và trực tiếp tới doanh nghiệp, người dân nhằm tạo thuận lợi, tiết giảm chi phí cho người dân và doanh nghiệp để cải thiện môi trường kinh doanh, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Về lâu dài, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục nghiên cứu, tham mưu với các cấp có thẩm quyền nhằm hoàn thiện đồng bộ hệ thống chính sách thuế phù hợp với các tiêu chuẩn của hệ thống thuế tốt theo thông lệ quốc tế, đáp ứng yêu cầu về nguồn lực để thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030, hướng tới một hệ thống thuế đồng bộ, có cơ cấu bền vững, bảo đảm huy động hợp lý các nguồn lực cho ngân sách Nhà nước.

Đồng thời, góp phần tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, công bằng, đảm bảo tính bền vững của nền kinh tế.

Hóa giải “nút thắt” hoàn thuế VAT của doanh nghiệp

NĐT: Các chuyên gia kinh tế đều nhận định, từ nay đến cuối năm, Việt Nam còn nhiều dư địa kiểm soát lạm phát. Thưa Bộ trưởng, trong những tháng nước rút của năm 2023, chúng ta cần những chính sách “dĩ bất biến, ứng vạn biến” gì để ứng phó với bối cảnh nhiều biến động, nhất là khi nền kinh tế Việt Nam có độ mở lớn?

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc: Năm 2023, Quốc hội và Chính phủ đã đề ra mục tiêu kiểm soát lạm phát ở mức 4,5%. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, đến cuối tháng 8/2023, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân tăng 3,1%. Như vậy, lạm phát được kiểm soát theo đúng kịch bản của Ban Chỉ đạo điều hành giá của Thủ tướng Chính phủ.

Trong 8 tháng đầu năm 2023 nhìn chung giá cả thị trường trong nước cơ bản ổn định, bên cạnh đó vẫn có mặt hàng xăng dầu và khí hóa lỏng (LPG) có diễn biến giá phức tạp và chịu tác động của thị trường thế giới. Hoạt động sản xuất nông nghiệp thuận lợi nên nguồn cung lương thực, thực phẩm dồi dào; các hàng hóa, dịch vụ trong nước cung đáp ứng cầu.

Những thuận lợi về cung cầu thị trường, giá cả hàng hóa, dịch vụ hiện nay được xem như là yếu tố quan trọng góp phần kiểm soát lạm phát mục tiêu.

Hóa giải “nút thắt” hoàn thuế VAT của doanh nghiệp

Song hành với đó là công tác quản lý, điều hành giá luôn được thực hiện chủ động, linh hoạt, quyết liệt chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tổ chức triển khai thực hiện đồng bộ các biện pháp về quản lý, điều hành để bình ổn giá, hạn chế những biến động của mặt bằng giá gây tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế xã hội, hoạt động sản xuất kinh doanh và đời sống nhân dân.

Tuy nhiên, chúng ta cũng biết rằng nền kinh tế Việt Nam có độ mở với nhiều hoạt động, cam kết hội nhập kinh tế quốc tế, do đó thị trường trong nước sẽ chịu tác động lan tỏa của thị trường thế giới.

Trong khi đó, những tháng cuối năm 2023 bức tranh kinh tế thế giới chưa có nhiều tín hiệu tích cực do xung đột chính trị, các ngân hàng Trung ương cũng đang tiếp tục chống lạm phát kiên trì chính sách nâng lãi suất, các chính sách đối đầu kinh tế của một số nước và xu hướng bảo hộ sản xuất trong nước, thu mua lương thực, hàng hóa để tăng dự trữ quốc gia, hạn chế xuất khẩu một số vật tư, nguyên liệu sẽ là những yếu tố tiềm ẩn tác động làm cung cầu, giá cả hàng hóa của thế giới cũng như của Việt Nam biến động khó lường.

Hóa giải “nút thắt” hoàn thuế VAT của doanh nghiệp

Với kinh nghiệm ứng phó trong những năm qua, chúng ta cần tiếp tục phát huy, thực hiện tốt cơ chế phối hợp, làm cơ sở công tác tham mưu cho những chủ trương, định hướng lớn về quản lý điều hành giá trong từng thời kỳ.

Dự báo và xây dựng kịch bản điều hành giá trong ngắn, trung và dài hạn được xác định là các nội dung ưu tiên trọng tâm để trình xử lý kịp thời các chính sách về giá, các biện pháp bình ổn giá.

Công tác phối hợp chặt chẽ giữa Bộ Tài chính và các bộ, ngành thông qua cơ chế hoạt động của Ban Chỉ đạo điều hành giá trong thời gian qua là yếu tố rất quan trọng trong thành công của công tác quản lý, điều hành giá nói riêng và tổng thể công tác điều hành kinh tế vĩ mô nói chung.

Đồng bộ với đó là phải tiếp tục đẩy mạnh thực hiện một số biện pháp cụ thể như theo dõi sát diễn biến kinh tế và lạm phát thế giới tác động đến Việt Nam; kịp thời cảnh báo các nguy cơ ảnh hưởng đến giá cả, lạm phát của Việt Nam để có các biện pháp ứng phó phù hợp nhằm đảm bảo nguồn cung, bình ổn giá trong nước.

Theo dõi sát diễn biến giá cả, cung cầu các mặt hàng thiết yếu, xây dựng các báo cáo tổng hợp, phân tích, dự báo giá thị trường theo quy định. Bên cạnh đó, cần điều hành chính sách tài khóa theo mục tiêu phối hợp chặt chẽ với chính sách tiền tệ và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra.

NĐT: Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!

img

NGUOIDUATIN.VN |