Tình hình đã thay đổi theo chiều hướng có thể được coi là tích cực, theo hai học giả Yang Zi và Li Mingjiang từ trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam, thuộc đại học Công nghệ Nanyang, Singapore.
Trong một bối cảnh quốc tế với đầy những bất ổn gia tăng và không thể đoán trước, nhu cầu hợp tác và hình thành trật tự khu vực hiện đang tăng lên, đặc biệt là ở Đông Nam Á - khu vực đã phát triển hòa bình sau nhiều thập kỷ giữ sự trung lập giữa cuộc đối đầu tranh giành ảnh hưởng giữa các cường quốc.
Quan hệ giữa Trung Quốc và các quốc gia ASEAN đã được cải thiện trong thời gian gần đây, đặc biệt là sau khi Trung Quốc trở thành nhà đầu tư nhạy bén, rót hàng tỷ đô la vào các dự án cơ sở hạ tầng để kết nối khu vực như một phần của sáng kiến Vành đai và Con đường mà Bắc Kinh đưa ra vào cuối năm 2013.
Trung Quốc hiểu rằng, căng thẳng gia tăng ở Biển Đông sẽ chỉ làm suy yếu sáng kiến của nước này ở Đông Nam Á và quan hệ căng thẳng với các nước ASEAN sẽ góp phần làm tăng ảnh hưởng chiến lược của các cường quốc khác trong khu vực.
Về phần mình, dường như hầu hết các quốc gia ASEAN không quan tâm đến việc theo đuổi cách tiếp cận đối đầu với Trung Quốc và sẵn sàng đưa ra lời kêu gọi ổn định và cải thiện quan hệ song phương với Bắc Kinh, các nhà phân tích Yang Zi và Li Mingjiang nhận định.
Những tuyên bố thân mật giữa các nhà lãnh đạo chính trị đôi bên cũng đã được lặp lại gần đây trong các cuộc đối thoại của quan chức quân đội. Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN kết thúc cách đây không lâu được coi là một thành công, đặc biệt trong đó là những đồng nhất về một cuộc tập trận hàng hải ASEAN-Trung Quốc đã đánh dấu một bước ngoặt trong quan hệ quân sự và quan hệ an ninh song phương.
Lần đầu tiên, hải quân từ các quốc gia ASEAN và Trung Quốc đã tham gia một cuộc tập trận chung với mục đích tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau và giảm thiểu những nguy cơ tính toán sai lầm.
Singapore – quốc gia đang là điều phối viên ASEAN-Trung Quốc và là chủ tịch Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng - đang đóng vai trò kết nối cuộc tập trận hải quân chung với các nội dung bao gồm phối hợp các hoạt động y tế trên biển, thông tin liên lạc và tìm kiếm cứu nạn.
Các hoạt động này sẽ được thực hiện dựa trên khuôn khổ quy tắc “Tránh đụng độ không mong muốn trên biển” - một thỏa thuận được thông qua bốn năm trước tại Hội nghị chuyên đề Hải quân Tây Thái Bình Dương với mục đích giảm các sự cố hàng hải vô tình giữa hải quân của các quốc gia ký kết.
Cho đến nay, phản hồi từ những quốc gia tham gia tập trận hàng hải ASEAN-Trung Quốc được cho là rất tích cực, với một cuộc khảo sát trên truyền thông giữa các quốc gia ASEAN đều cho thấy những đánh giá có lợi.
Trong đó, một đại tá hải quân ASEAN tham gia cuộc tập trận cho biết, mặc dù có rào cản ngôn ngữ, sự khác biệt trong quản lý lực lượng, văn hóa quân sự và một số thách thức, nhưng cuộc tập trận vẫn đạt được mục tiêu.
Theo các nhà phân tích Yang Zi và Li Mingjiang, tầm quan trọng của cuộc tập trận nên được hiểu trong bối cảnh rộng lớn hơn của mối quan hệ ASEAN-Trung Quốc. Trong hơn ba thập kỷ qua, quan hệ Đông Nam Á - Trung Quốc đang ngày càng trở nên sâu sắc, đặc biệt là về hợp tác kinh tế. Tuy nhiên, hợp tác quốc phòng đôi bên lại bị cản trở do sự thiếu tin tưởng chiến lược và các tranh chấp ở Biển Đông - mắt xích yếu trong quan hệ.
Nhiều năm bất đồng giữa các nước Đông Nam Á và Trung Quốc đã tạo ra một bầu không khí u ám và mối quan hệ giữa các bên cũng bị tổn hại nặng nề. Do đó, một cơ hội để thúc đẩy niềm tin và sự tự tin khi được đưa ra đều được tất cả các nước hoan nghênh.
Nhìn chung, cuộc tập trận hải quân chung đã đạt được thành công trong mục tiêu cải thiện tính minh bạch giữa quân đội ASEAN và Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc; phát triển quan hệ hợp tác giữa ASEAN và quân đội Trung Quốc ở tất cả các cấp và giảm căng thẳng bằng cách mở rộng hợp tác giữa các chỉ huy.
Ngoài ra, hai nhà phân tích từ trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam cũng tin rằng, cuộc tập trận này cũng có thể đóng một vai trò tích cực cho mối quan hệ ASEAN-Trung Quốc trong dài hạn.
Khi quan hệ quốc phòng tiếp tục được cải thiện, sẽ có thêm nhiều khả năng mở rộng hợp tác giữa các nước Đông Nam Á và Trung Quốc trong các lĩnh vực từng khó khăn để kết hợp trước đây. Hiện tại, đôi bên có thể cảm thấy dễ dàng hơn khi đồng ý tham gia hợp tác hàng hải ở những hoạt động cơ bản, ví dụ như trong các nhiệm vụ tìm kiếm và cứu hộ ở Biển Đông.
Cùng với những tiến bộ đã có được trong các cuộc đàm phán ASEAN-Trung Quốc về một bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông, hợp tác quốc phòng thực chất có thể giúp đóng góp cho sự ổn định chung ở Biển Đông.
Quân đội Trung Quốc cũng có thể gặt hái những lợi ích tích cực hơn khi tham gia vào các hoạt động cứu trợ nhân đạo và cứu trợ thảm họa khác nhau ở Đông Nam Á, một khu vực thường xuyên bị ảnh hưởng bởi thiên tai.
Tuy nhiên, các nhà phân tích Yang Zi và Li Mingjiang cũng lưu ý, cuộc tập trận chung lần này không phải là một động thái cho thấy các nước ASEAN đang hoàn toàn “ngả” theo Trung Quốc.
Một cuộc tập trận có thể là cơ hội mang lại những điều tích cực nhưng khó có thể thay đổi các nguyên tắc cơ bản chiến lược trong quan hệ song phương. Trong đó, Trung Quốc và các quốc gia ASEAN sẽ vẫn có những mục tiêu và lợi ích cốt lõi để bảo vệ bằng mọi giá. Ngoài ra, vẫn còn một loạt các bất đồng khác đang chờ được giải quyết.
Trong một thế giới đầy bất ổn, các quốc gia Đông Nam Á không muốn bị lôi kéo vào bất kỳ cuộc xung đột nào giữa các cường quốc, nhưng họ hy vọng sẽ hợp tác với tất cả các đối tác một cách bình đẳng nhằm tối đa hóa lợi ích của mình thông qua các trao đổi đôi bên cùng có lợi.
Mời quý độc giả đón đọc bài 5 của loạt bài Giải pháp cho Biển Đông, cuộc chuyển mình từ nhiều hướng vào lúc 6h30 ngày 9/3/2019. Bài phân tích có tựa đề Hội Luật gia Việt Nam với nhiệm vụ tham gia bảo vệ chủ quyền biển đảo
Bài 1: Vì sao Đàm phán bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) diễn biến chậm chạp?
Bài 2: Tham vọng của Trung Quốc
Bài 3: Lập trường của Việt Nam ở Biển Đông