Hợp tác, liên kết giữa trường đại học với doanh nghiệp trong đào tạo đại học là xu hướng chung của thế giới trong điều kiện kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế. Hiểu một cách đơn giản, đó là quá trình phối hợp không chỉ mang lại lợi ích cho cả hai bên mà còn đóng góp tích cực vào sự phát triển của xã hội. Trong quan hệ này, trường đại học giữ vai trò nòng cốt trong việc tổ chức và quản lý các hoạt động đào tạo.
Hợp tác giữa trường đại học và doanh nghiệp bao gồm nhiều hoạt động đa dạng như tham quan thực tế, nhận sinh viên thực tập, phối hợp xây dựng chương trình đào tạo, trao đổi chuyên môn, và liên kết trong nghiên cứu khoa học. Ngoài ra, sự hợp tác còn mở rộng đến việc đào tạo theo địa chỉ, hợp đồng cụ thể giữa nhà trường và doanh nghiệp, cũng như bồi dưỡng kỹ năng nghề cho người lao động.
Hợp tác, liên kết giữa trường đại học với doanh nghiệp trong đào tạo đại học là xu hướng chung đang được khuyến khích hiện nay.
Về phía trường đại học, sự hợp tác này giúp Nhà trường cải thiện chất lượng đào tạo thông qua góp ý, tư vấn và tham gia trực tiếp hoạt động hỗ trợ đào tạo thực hành, thực nghiệp từ phía doanh nghiệp. Trường đại học cũng có cơ hội tham gia sâu hơn trong các hoạt động nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ phù hợp với thực tiễn sản xuất nhằm đưa ứng dụng vào hoạt động đào tạo. Ngoài ra, sự hợp tác còn giúp sản phẩm đào tạo đầu ra là sinh viên tốt nghiệp của Nhà trường được doanh nghiệp đón nhận qua đó nâng cao uy tín và vị thế của Nhà trường trong xã hội.
Đối với doanh nghiệp, việc này giúp doanh nghiệp chủ động hơn trong việc xây dựng nguồn nhân lực phù hợp với chiến lược phát triển của mình. Các doanh nghiệp cũng nhận thấy lợi ích khi đầu tư vào đào tạo nghề, bởi điều này giúp doanh nghiệp tiết kiệm thời gian và chi phí trong việc tuyển dụng và đào tạo lại nguồn nhân lực.
Đối với sinh viên, hợp tác giữa trường đại học với doanh nghiệp giúp sinh viên có thể lựa chọn nghề học phù hợp với khả năng và sở thích của mình, có cơ hội chọn lựa địa điểm thực tập nắm bắt được môi trường thực tế, phát triển được kỹ năng, có cơ hội được nhận hỗ trợ học phí, học bổng và được tuyển dụng ngay sau khi tốt nghiệp ra trường.
Chính vì vậy, hợp tác giữa nhà trường và doanh nghiệp là nhu cầu khách quan xuất phát từ lợi ích của nhiều phía, mối liên kết, hợp tác này mang tính tất yếu, vừa mang tính khả thi cao trong việc đáp ứng nguồn nhân lực chất lượng cao cho doanh nghiệp với sự cạnh tranh của thị trường lao động. Bên cạnh đó, sự hợp tác còn khắc phục tình trạng bất cập, lãng phí trong hoạt động trọng lĩnh vực đào tạo của nước ta hiện nay, đồng thời đó là cũng cách duy trì sự tồn tại và phát triển, tham mưu các chính sách trong công tác quản lý đào tạo cho các nhà quản lý giáo dục để hội nhập nền kinh tế thị trường, kinh tế tri thức và hội nhập sâu rộng trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Trường Đại học Công nghệ GTVT là trường đại học công lập trực thuộc Bộ GTVT có sứ mệnh đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao theo hướng ứng dụng nghề nghiệp phục vụ chiến lược phát triển ngành GTVT và đất nước.
Trong quá trình đạo tạo, Nhà trường luôn quán triệt phương châm “Học đi đôi với hành”, “Nhà trường gắn liền với xã hội”, với triết lý đào tạo “Ứng dụng- Thực học- Thực nghiệp”. Với tỉ lệ thực hành, thực tập chiếm tới 40% trong toàn bộ chương trình đào tạo tại các phòng thí nghiệm, xưởng thực hành, tại các nhà máy xí nghiệp và công trường xây dựng, nhà trường luôn được các doanh nghiệp trong và ngoài nước tin tưởng đến hợp tác đào tạo và tuyển dụng sinh viên.
Sự tin tưởng từ cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước vào mô hình đào tạo của Nhà trường được hiện thực hóa thông qua nhiều văn bản ký kết. Hiện nay, Nhà trường đã ký hợp tác với 50 doanh nghiệp trong và ngoài nước với các hoạt động chủ yếu như doanh nghiệp tài trợ máy móc, thiết bị, tài liệu phục vụ đào tạo thực hành; cung cấp địa bàn thực hành, thực tập cho sinh viên; cấp học bổng tài trợ doanh nghiệp và tuyển dụng sinh viên; tham gia vào quá trình đổi mới nội dung chương trình đào tạo cho phù hợp với thực tiễn của doanh nghiệp và tham gia vào quá trình hướng dẫn thực hành, thực tập và khóa luận tốt nghiệp.
Đặc biệt trong những năm qua, trường Đại học Công nghệ GTVT đã tổ chức các lớp đào tạo theo đơn đặt hàng của nhiều doanh nghiệp trong nước như: LICOGI 16, FECON, VITRAC... Đây là mô hình đào tạo “Một không - Hai có”, tức là sinh viên không phải đóng học phí, có học bổng và có việc làm ngay sau khi ra trường. Sinh viên sau khi tốt nghiệp, ngoài được học các kiến thức chuyên ngành được thiết kế theo yêu cẩu của doanh nghiệp, còn được học ngoại ngữ, đảm bảo chuẩn đầu ra tối thiểu, được đào tạo kỹ năng mềm, kỹ năng hội nhập với nước bản địa.
PGS.TS. Nguyễn Hoàng Long - Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ GTVT
Trong quá trình này, Nhà trường đã chủ động tìm đến doanh nghiệp và thảo luận cùng doanh nghiệp về những lợi ích đạt được mỗi bên, thống nhất lộ trình, khung chương trình và chất lượng đào tạo. Trên cơ sở những kết quả ban đầu, hiện Nhà trường cũng đang hợp tác và đào tạo theo đặt hàng và cung ứng nhân lực khối ngành xây dựng, cơ khí, vận tải giao nhận hàng hóa cho rất nhiều các doanh nghiệp nước ngoài đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức,… Trong đó, đặc biệt có một số ngành số lượng đào tạo không đáp ứng kịp nhu cầu nhân lực của doanh nghiệp như Logistics,...
Có thể đánh giá, nhờ xác định được đúng và trúng phương châm, triết lý đào tạo, mở rộng hợp tác với các doanh nghiệp, trong những năm qua, trường Đại học Công nghệ GTVT đã kiến tạo được “bản sắc riêng có” và xây dựng “thương hiệu” cho mình bằng lĩnh vực ngành nghề, bằng chất lượng đào tạo, bằng tỉ lệ sinh viên tốt nghiệp ra trường có việc làm, thu nhập cao, ổn định… để tạo ra ưu thế cạnh tranh, thu hút tuyển sinh và phát triển bền vững.
Hiện nay, các chủ trương của Đảng, Nhà nước, Bộ GD&ĐT đang mở ra nhiều cơ hội lớn, tạo điều kiện rất thuận lợi để các trường đại học và doanh nghiệp hợp tác chặt chẽ với nhau. Để từ chủ trương trở thành thực tiễn sinh động, rất cần vai trò của Nhà nước trong việc thể chế hóa hợp tác này thành cơ chế, chính sách, hướng dẫn cụ thể, rõ ràng nhằm tạo hành lang pháp lý để các trường đại học và doanh nghiệp thực hiện, tránh tình trạng “mạnh ai nấy làm”.
Tuy nhiên, trường đại học và doanh nghiệp với vai trò là chủ thể cần chủ động vào cuộc bằng hành động quyết liệt, cụ thể. Trước hết, cần nâng cao nhận thức, quyết tâm của cả 2 phía, cả trường đại học lẫn doanh nghiệp trong việc gắn kết và hợp tác với nhau trong đào tạo đại học vì lợi ích của cả 2 bên, lợi ích của người học và lợi ích chung của xã hội. Đặc biệt, các trường đại học cần thực hiện tốt phương châm đào tạo những gì xã hội, doanh nghiệp cần chứ không đào tạo những gì nhà trường có; đào tạo phải lấy người học làm trung tâm và coi chất lượng kết quả đầu ra là quyết định. Đây là một trong những khâu quan trọng và có tính đột phá về đổi mới đào tạo đại học trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. Điều đó có nghĩa là phải bắt đầu từ đổi mới tư duy đào tạo đại học và hành động quyết liệt mới đem lại kết quả.
Bên cạnh đó, các trường đại học cần xây dựng chiến lược hành động cụ thể để định hướng và điều chỉnh hoạt động gắn kết giữa nhà trường và doanh nghiệp không trái với chính sách chung của Nhà nước, tạo hành lang, khung thể chế quản trị nhà trường gắn kết trên thực tế. Các chiến lược cần tập trung vào vấn đề bảo đảm chia sẻ lợi ích hài hòa giữa các bên, thu hút đầu tư cơ sở vật chất, cơ chế động lực đối với giảng viên, với sinh viên...
PGS.TS. Nguyễn Hoàng Long - Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ GTVT
Trong xu thế chuyển đổi trường đại học thành đơn vị cung cấp dịch vụ đào tạo, việc đổi mới cơ chế hoạt động là cần thiết. Các trường đại học cần tiếp tục đổi mới cơ chế hoạt động theo hướng tự chủ, có quyền quyết định và tự chịu trách nhiệm về đào tạo, nghiên cứu và triển khai, bao gồm cả gắn kết với doanh nghiệp trong đào tạo đại học. Trong đó, việc chia sẻ, hài hòa lợi ích giữa các bên phù hợp với cơ chế thị trường là yếu tố then chốt. Kinh nghiệm cho thấy, để Nhà trường thu hút được doanh nghiệp tham gia hợp tác hiệu quả nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, yếu tố quan trọng có vai trò quyết định chính là phải “thật”, tức là phải nói thật, làm thật và có sản phẩm thật. Qua đó tạo uy tín trong cộng đồng doanh nghiệp. Đây sẽ là nền tảng vững chắc cho sự phát triển bền vững của giáo dục đại học gắn kết với nhu cầu của thị trường lao động.
Như vậy, hợp tác giữa trường đại học và doanh nghiệp không chỉ mở ra 'cánh cửa' mới cho các trường đại học trong việc nâng cao chất lượng đào tạo và đáp ứng nhu cầu thực tiễn của xã hội, mà còn tạo điều kiện cho doanh nghiệp tham gia chủ động vào quá trình phát triển nguồn nhân lực, từ đó đóng góp vào sự phát triển kinh tế và xã hội bền vững. Sự hợp tác này đòi hỏi sự đổi mới, chủ động của cả trường đại học và doanh nghiệp - được coi là một bước tiến quan trọng hướng tới một hệ thống giáo dục đại học hiện đại và hội nhập.
Trường Đại học Công nghệ GTVT đã ký hợp tác với 50 doanh nghiệp trong và ngoài nước với nhiều hoạt động khác nhau.
NGUOIDUATIN.VN |