Tiếp giáp với vùng cửa ngõ phía Bắc của Hà Nội, Thái Nguyên những năm gần đây nổi lên với sự phát triển vượt bậc của công nghiệp. Tuy nhiên, trong quy hoạch chung của toàn tỉnh, nông nghiệp vẫn giữ một vai trò quan trọng không thể thiếu.
Nghị quyết số 10 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên về phát triển nông nghiệp đã nêu rõ mục tiêu xây dựng nông nghiệp theo hướng sản xuất an toàn, hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao.
Trao đổi với Người Đưa Tin, ông Phạm Văn Sỹ - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Thái Nguyên chia sẻ, sau 3 năm thực hiện nghị quyết, nền nông nghiệp của tỉnh đã có bước chuyển mình mạnh mẽ, chuyển từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp.
Từ định hướng nghị quyết của tỉnh, thời gian qua địa phương đã đẩy mạnh tái cơ cấu sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản. Trong đó, một số cây trồng, vật nuôi thế mạnh chủ lực của địa phương đã được tập trung phát triển để hình thành các vùng sản xuất tập tập trung gắn với xây dựng thương hiệu.
Diện tích sản xuất an toàn hữu cơ của tỉnh đã tăng lên đáng kể, trong đó đặc biệt một số hợp tác xã (HTX) đã nâng diện tích chè đáp ứng được tiêu chuẩn VietGAP tăng lên khoảng 200% so với trước khi xây dựng nghị quyết. Bên cạnh đó, diện tích rau, lúa đạt được cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn cũng tăng lên đáng kể.
Trong lĩnh vực sản xuất công nghệ cao, tỉnh cũng có rất nhiều doanh nghiệp, HTX ứng dụng khoa học hướng tới nông nghiệp công nghệ cao. Ngoài ra, tỉnh cũng áp dụng tiến bộ của khoa học công nghệ trong lĩnh vực chăn nuôi, thể hiện cụ thể trong quá trình nuôi trồng vật nuôi, chọn con giống, thú y. Điều này vừa giúp tiết kiệm thời gian, công sức cho người nông dân nhưng vẫn tạo ra năng suất sản phẩm cao.
Nhận định về sự hỗ trợ của chính sách, ông Sỹ cho biết: “Để thúc đẩy và kích cầu tiêu thụ nông sản trên địa bàn, tỉnh đã có những chính sách đồng bộ, trước mắt là về cơ chế chính sách hỗ trợ sản xuất theo hướng an toàn hữu cơ để tạo ra các sản phẩm đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng. Song song với đó là chính sách hỗ trợ phát triển sản phẩm, hỗ trợ mẫu mã, bao bì”.
Đặc biệt, tỉnh rất chú trọng đến những chính sách hỗ trợ thông tin trong quá trình sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Trong đó phải kể đến việc địa phương đã trực tiếp hỗ trợ các HTX, doanh nghiệp thiết lập các website để quảng bá sản phẩm trên không gian số.
Ngoài ra, để thu hút các nhà đầu tư đến với vùng đệ nhất danh trà, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Thái Nguyên chia sẻ: “Tỉnh đã rất tích cực hỗ trợ các doanh nghiệp, HTX tham dự các hội chợ triển lãm không chỉ ở Việt Nam mà còn ở nước ngoài để đưa hình ảnh nông sản, nông nghiệp Thái Nguyên đến gần hơn với thị trường tiêu thụ".
Nhìn tổng thể câu chuyện làm nông nghiệp ở Thái Nguyên, ông Sỹ chia sẻ, những năm trở lại đây từ chính quyền địa phương đến bà con nông dân đã và đang liên tục đổi mới. Thay thế tư duy từ sản xuất sản lượng sang chất lượng, dần thoát khỏi câu chuyện manh mún, nhỏ lẻ.
Đó là con đường duy nhất để giúp các sản phẩm của địa phương đáp ứng yêu cầu về hàng hoá. Từ đó, chuyển mạnh từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, lấy hiệu quả kinh tế gắn với bảo vệ môi trường, làm thước đo trong nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới.
“Thời gian qua, phía Sở NN&PTNT đã liên tiếp tổ chức đối thoại giữa địa phương và nông dân, doanh nghiệp, HTX. Bên cạnh mục đích đảm bảo công tác tuyên truyền, cung cấp thông tin thì đây cũng là dịp để chúng tôi lắng nghe, chia sẻ của người dân, từ đó có thể kịp thời hỗ trợ, tháo gỡ những khó khăn. Từ đó, sự gắn kết giữa người nông dân, doanh nghiệp, HTX với chính quyền càng khăn khít, gần gũi", ông Sỹ nói.
Một vấn đề cũng được Sở NN&PTNT tỉnh Thái Nguyên quan tâm trong thời gian hiện nay là du lịch nông thôn. Chia sẻ thêm về vấn đề này, ông Phạm Văn Sỹ cho biết: “Những năm gần đây du lịch xanh, du lịch sinh thái gắn liền với nông thôn bắt đầu nổi lên giữa các loại hình du lịch khác. Việc đánh thức tiềm năng bỏ ngỏ của du lịch nông thôn đang là hướng đi sắp tới của Thái Nguyên, đúng trong định hướng xây dựng nông thôn mới”.
Bên cạnh nhưng dư địa để phát triển, ông Sỹ cũng chỉ ra một số khó khăn hiện nay bởi du khách mới chỉ coi Thái Nguyên như “điểm đến”, chưa trở thành “điểm dừng”. Thứ nhất, sự phối hợp, liên kết du lịch giữa các địa phương còn hạn chế, chưa hiệu quả; doanh thu từ du lịch còn thấp so với sự tăng trưởng kinh tế chung của tỉnh.
Thứ hai, công tác quy hoạch, bảo tồn các làng nghề truyền thống nông nghiệp chưa gắn với du lịch nông nghiệp, chưa được đề cập trực tiếp trong các kế hoạch phát triển kinh tế hàng hóa và cộng đồng cư dân nông nghiệp.
Thứ ba, chưa xây dựng bộ tiêu chuẩn về sản phẩm du lịch nông nghiệp, du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái và nội dung hoạt động chuẩn xác để từ đó không lúng túng trong quản lý, quảng bá và phát triển sản phẩm du lịch nông nghiệp.
Trước thực tế trên, ông Sỹ cho rằng, hướng đi phù hợp là phát triển du lịch nông nghiệp gắn với Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) và xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu tạo ra những giá trị vật chất và tinh thần góp phần phát triển kinh tế - xã hội, quảng bá được các giá trị tự nhiên cũng như giá trị văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc.
Xây dựng cơ chế, chính sách đủ sức hấp dẫn thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực du lịch nông nghiệp và hỗ trợ người dân tham gia các hoạt động phát triển du lịch nông nghiệp gắn với Chương trình OCOP và Chương trình xây dựng nông thôn mới.
Đồng thời, nâng cao nhận thức về tài nguyên văn hóa cũng như tài nguyên thiên nhiên bản địa, giúp người dân gìn giữ, bảo tồn và phát huy được các giá trị văn hóa của địa phương mình một cách bền vững, góp thêm nguồn lực và tạo động lực mạnh mẽ để xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn mới.
Nhắc đến hiệu quả của Chương trình OCOP, Giám đốc Phạm Văn Sỹ vui mừng chia sẻ: “Tính đến đầu năm 2023, toàn tỉnh Thái Nguyên có 173 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP, đặc biệt có 2 sản phẩm chất lượng 5 sao".
Trên thực tế, địa phương đưa ra mục tiêu chất lượng sản phẩm OCOP ngày càng nâng cao. Một mặt tập trung đẩy mạnh tuyên truyền về ý nghĩa của sản phẩm này để động viên, khích lệ địa phương, bà con nông dân khai thác tối đa, toàn diện tiềm năng thế mạnh các sản phẩm đặc hữu, mang tính đặc trưng của tỉnh Thái Nguyên.
Song song với đó, Sở NN&PTNT cũng tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, quản lý các sản phẩm OCOP để không ngừng nâng cao chất lượng, giá trị bền vững, đáp ứng được yêu cầu tiêu thụ sản phẩm.
Theo ông Phạm Văn Sỹ, để tiếp tục phát huy những kết quả đạt được và đẩy mạnh phát triển các sản phẩm OCOP theo hướng nâng cao chất lượng, gia tăng giá trị sản phẩm,Thái Nguyên sẽ tiếp tục thực hiện một số nhiệm vụ chủ yếu.
Theo đó, nhiệm vụ đầu tiên là phát huy lợi thế của các địa phương, hình thành và phát triển vùng sản xuất hàng hóa tập trung, phát triển các sản phẩm chủ lực, sản phẩm OCOP theo các quy trình, tiêu chuẩn sản xuất, hỗ trợ áp dụng kỹ thuật và thực hiện chuyển đổi số trong quản lý chất lượng đồng bộ, tăng cường năng lực chế biến và phát triển thị trường.
Thứ hai, chú trọng việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm gắn với cấp mã số vùng trồng, đảm bảo tiêu chuẩn, quy chuẩn chất lượng để xuất khẩu sản phẩm. Từ đó, xây dựng và vận hành hệ thống truy xuất nguồn gốc nông sản, kết nối với Cổng Thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm hàng hóa quốc gia và góp phần xây dựng thương hiệu nông sản Việt.
Thứ ba, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong xây dựng hồ sơ và quản lý dữ liệu sản phẩm OCOP, số hóa quá trình tiếp nhận hồ sơ, chấm điểm, phân hạng sản phẩm.
Đồng thời, thúc đẩy phát triển thương mại điện tử cho sản phẩm chủ lực, sản phẩm OCOP tham gia vào các sàn thương mại điện tử quy mô lớn, các kênh bán hàng trực tuyến, bán hàng tương tác trực tiếp.
Với định hướng phát triển nông nghiệp, tại Thái Nguyên đã và đang dần hình thành những vùng nguyên liệu, sản phẩm đặc trưng theo sát lộ trình của Chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP.
Cách trung tâm huyện Đại Từ khoảng 10 km, giáp với sườn phía đông của dãy núi Tam Đảo, nơi có khí hậu mát mẻ, độ ẩm cao và đất đai màu mỡ, vùng chè La Bằng mang trong mình một đét độc bản với sự ưu ái của thiên.
Ông Hứa Văn Thịnh - Phó Giám đốc HTX chè La Bằng chia sẻ: “Mặc dù là một trong những vùng chè đặc sản của Thái Nguyên nhưng khoảng một thập kỷ về trước cái tên chè La Bằng rất còn xa lại với người tiêu dùng. Đó là những ngày đầu khó khăn của HTX”.
Tuy nhiên, nhờ những chính sách hỗ trợ của địa phương, thương hiệu chè La Bằng đã có những bước tiến tích cực trong hành trình phát triển. Đại diện HTX chè La Bằng cho biết, để thương hiệu chè sạch La Bằng có chỗ đứng trên thị trường HTX đã nhận được sự hỗ trợ rất lớn của các cơ quan Nhà nước của tỉnh Thái Nguyên và huyện Đại Từ.
Theo đó, từ những ngày đầu làm chè theo tiêu chuẩn VietGAP, chè hữu cơ, người dân đã được các cơ quan chuyên môn cử cán bộ về tận nơi hỗ trợ mở lớp tập huấn kiến thức, trực tiếp cầm tay chỉ việc hướng dẫn kỹ thuật cho bà con từ cách ủ phân, bón phân, hái sản phẩm... theo đúng quy trình.
Để nâng cao giá trị sản phẩm chè, năng suất lao động, các hộ dân, và các đơn vị sản xuất trên địa bàn được các đơn vị thuộc Sở NN&PTNT tỉnh Thái Nguyên, chính quyền địa phương hỗ trợ về phân bón và các loại máy móc.
Ngoài ra, các HTX còn được hỗ trợ xây dựng cơ sở vật chất như nhà xưởng, nơi trưng bày sản phẩm,… Tất cả theo hình thức đối ứng, Nhà nước hỗ trợ 50%, người dân hoặc các đơn vị bỏ ra kinh phí 50%.
Ngoài việc đưa sản phẩm lên các trang web của địa phương, các đơn vị sản xuất và chế biến chè cũng được tỉnh Thái Nguyên hỗ trợ làm trang web riêng để khách hàng dễ dàng tìm kiếm thông tin, tạo điều kiện tốt nhất cho việc tiêu thụ ra thị trường trong và ngoài nước.
Bên cạnh đó, HTX cũng tích cực thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại để đẩy mạnh xuất khẩu chè chế biến chất lượng cao. Tận dụng các sàn thương mại điện tử để quảng bá, bày bán các sản phẩm chè.
Song song với đó HTX cũng đang thúc đẩy sản xuất và chế biến theo hướng xanh, bền vững. So với trước đây, phương thức sản xuất chè của người dân La Bằng tiến bộ hơn hẳn, không còn tình trạng lạm dụng thuốc trừ sâu, phân bón hóa học, thay vào đó là các loại phân hữu cơ, hợp chất vi sinh thân thiện môi trường.
Chưa dừng lại ở đó, nhận thấy cơ hội trong lĩnh vực du lịch, trải nghiệm nông nghiệp; trong đó có du lịch tại các vùng sản xuất chè gắn với văn hoá, ẩm thực địa phương đang có xu hướng tăng, những năm gần đây HTX chè La Bằng đã chủ động đón nhận “luồng sinh khí" mới này.
Ông Thịnh chia sẻ: “Trên đường đi thăm quan La Bằng, du khách có thể dừng xe lên đồi chè chụp ảnh và cùng bà con nơi đây hái chè, hoặc vào thăm các cơ sở sản xuất chè, được thưởng trà và nghe giới thiệu về quy trình sản xuất cũng như những sản phẩm trà ngon nổi tiếng.
HTX đã chuẩn bị cơ sở vật chất để đón các đoàn khách đến tham quan, trải nghiệm hái chè, chế biến chè theo phương pháp thủ công truyền thống kết hợp du lịch tại địa phương”.
Để tiếp tục phát huy thế mạnh của chè La Bằng nói riêng và chè Thái Nguyên nói chung, ông Thịnh kỳ vọng sẽ có cơ chế khuyến khích các hộ sản xuất chè nhỏ lẻ liên kết với các doanh nghiệp để tạo ra vùng sản xuất quy mô lớn, có ứng dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất.
Đồng thời, đẩy mạnh triển khai việc cấp mã số vùng trồng cho các vùng chè trong tỉnh và duy trì vùng trồng sau cấp mã số đối với sản phẩm chè có khả năng xuất khẩu và phục vụ nội tiêu.
Đặc biệt, thực hiện triệt để giải pháp truy xuất nguồn gốc sản phẩm chè trên nền tảng số, tích hợp giá trị để minh bạch thông tin sản phẩm tạo sự thuận lợi cho cả người sản xuất và người tiêu dùng.
NGUOIDUATIN.VN |