Người Đưa Tin (NĐT): Thưa Giáo sư, ngày 30/4/1975 đã đi vào lịch sử, trở thành một sự kiện trọng đại của dân tộc Việt Nam. Ở thời điểm lịch sử đó, khi mới là một chàng trai ngoài 20 tuổi, ký ức trong ông là gì?
GS.TS. Vũ Dương Huân: Chiến thắng 30/4/1975 là một sự kiện lớn, có tính bước ngoặt không chỉ với vận mệnh của dân tộc Việt Nam mà còn với tình hình thế giới và khu vực. Tôi có thể so sánh sự kiện này với sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ngày 2/9/1945 trước đó 30 năm.
Là người chứng kiến sự kiện trọng đại này, mỗi lần nhớ lại tôi đều rất xúc động và có ấn tượng rất sâu sắc. Ở thời điểm đó, các phương tiện thông tin báo chí còn rất ít, chúng tôi chủ yếu nhận tin tức từ các bản tin của Đài Tiếng nói Việt Nam. Thực ra, không khí náo nức chờ ngày chiến thắng đã bắt đầu có từ nhiều ngày trước đó khi nhân dân theo dõi tình hình chiến sự. Bắt đầu từ việc giải phóng Tây Nguyên, rồi Huế, Đà Nẵng,.. niềm tin vào ngày chiến thắng ngày càng lớn.
Trưa ngày 30/4, khi nhận tin Sài Gòn đã được giải phóng, nhân dân Hà Nội vỡ òa trong cảm xúc sung sướng, mọi người đổ ra đường mang theo cờ, biểu ngữ và hô vang các khẩu hiệu. Có lẽ đây là lần đầu tiên Hà Nội xảy ra ùn tắc dù thời điểm đó dân số nội thành không đông và phương tiện giao thông cá nhân cũng ít.
Thời điểm đó, tôi đang là cán bộ được cử đi theo học lớp bồi dưỡng nghiệp vụ Ngoại giao tại Trường Đại học Ngoại giao (nay là Học viện Ngoại giao – PV), khi biết tin chiến thắng, chúng tôi cũng nghỉ học và ào ra đường hòa theo không khí chung của cả nước. Trong mỗi chúng tôi đều tràn ngập cảm giác sung sướng và hạnh phúc vì chiến tranh đã chấm dứt, đất nước đã có được hòa bình, non sông đã thu về một mối. Đó là niềm vui của cả đất nước, của cả dân tộc, niềm vui không gì có thể diễn tả được.
Ngoài vui cái vui chung của dân tộc, tôi còn vui niềm vui riêng của gia đình. Tôi có người anh trai đi bộ đội chiến đấu ở chiến trường Quảng Trị, chiến tranh kết thúc đồng nghĩa với việc chúng tôi sẽ biết anh còn sống hay đã hy sinh, gia đình rồi sẽ có cơ hội đoàn tụ. Trong đất nước chúng ta, có rất nhiều những gia đình cũng chung cảm xúc như vậy bởi khi đó ở Hà Nội và miền Bắc nói chung gần như nhà nào cũng có người đi bộ đội.
NĐT: Từ độ lùi gần nửa thế kỷ của lịch sử, Giáo sư đánh giá như thế nào về ý nghĩa của sự kiện chiến thắng 30/4/1975?
GS.TS. Vũ Dương Huân: Bản thân một sự kiện khi diễn ra càng có độ lùi của lịch sử, chúng ta càng nhìn nhận rõ ràng hơn, sáng hơn, đầy đủ hơn. Nhìn lại 47 năm từ sau sự kiện 30/4/1975, tôi có thể đánh giá ý nghĩa ở 3 phương diện.
Trước hết, đối với dân tộc Việt Nam, sự kiện 30/4 là sự kết thúc chiến tranh kéo dài gần 30 năm, đánh dấu sự thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta. Miền Nam đã được giải phóng, non sông đã liền một dải, đất nước có được hòa bình – đó là nguyện vọng tha thiết của nhân dân Việt Nam như Bác Hồ từng nói: “Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một… Nam Bộ là máu của máu Việt Nam, thịt của thịt Việt Nam”. Sự kiện này cũng mở ra kỷ nguyên mới – kỷ nguyên của hòa bình, độc lập để dân tộc Việt Nam bước vào thời kỳ xây dựng đất nước mà kết quả là một Việt Nam vươn lên mạnh mẽ như ngày nay.
Đối với khu vực, sự kiện 30/4 có tác động rất lớn đối với cách mạng Lào và Campuchia, tạo tiền đề quan trọng để giải phóng Phnom Penh (ngày 17/4/1975), chấm dứt cuộc nội chiến kéo dài ở Campuchia và sự ra đời của nước Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Lào (2/12/1975). Hơn nữa, việc kết thúc chiến tranh ở Việt Nam và rộng hơn là ở 3 nước Đông Dương đã dập tắt lò lửa chiến tranh, mối nguy bất ổn ở khu vực Đông Nam Á đồng thời tạo điều kiện cho việc nhân dân 10 nước ASEAN bắt tay, hòa hợp với nhau cùng xây dựng một khu vực hòa bình, ổn định và phát triển như ngày nay.
Đối với thế giới, chiến thắng của nhân dân Việt Nam cũng dập tắt đi một lò lửa chiến tranh – bất ổn của thế kỷ XX, đóng góp vào nỗ lực hòa bình, ổn định ở bình diện toàn cầu; góp phần củng cố thế và lực của phe Xã hội chủ nghĩa do Liên Xô đứng đầu (thời kỳ Chiến tranh Lạnh - PV); đồng thời lan tỏa ra toàn thế giới, trở thành niềm tự hào lớn của nhân loại tiến bộ, là ngọn lửa rực sáng của phong trào giải phóng dân tộc, phong trào công nhân, thúc giục nhân dân thuộc địa, yêu chuộng hòa bình bảo vệ công lý, giành độc lập, tự do.
Về mặt lý luận, chiến thắng của nhân dân Việt Nam cũng chứng minh rằng một dân tộc đất không rộng, người không đông, song đoàn kết chặt chẽ và đấu tranh kiên quyết thì hoàn toàn có thể đánh bại mọi thế lực đế quốc xâm lược.
NĐT: Nói về sự kiện 30/4, người ta thường bàn nhiều về giá trị của chiến thắng, về sự kết thúc một cuộc chiến kéo dài gần 30 năm, vậy giá trị của của việc tạo lập hòa bình được đánh giá như thế nào?
GS.TS. Vũ Dương Huân: Chiến tranh và hòa bình là hai phạm trù luôn gắn liền với nhau. Chiến thắng 30/4 làm kết thúc một cuộc chiến tranh và đồng thời cũng tạo dựng hòa bình trong đó tạo dựng hòa bình có giá trị rất lớn mà chúng ta cần nhấn mạnh nhiều hơn, đó mới là điều khó.
Như Chủ tịch Hồ Chí Minh từng viết: “...Có một điều dân (tộc) nào cũng giống nhau, ấy là dân (tộc) nào cũng ưa sự lành, ghét sự dữ» để thấy rằng hòa bình là nguyện vọng của nhân loại, của bất kỳ dân tộc nào không phân biệt da trắng, da vàng, da đen. Hình ảnh Hồ Chủ tịch đã lấy bàn tay bịt nòng khẩu đại bác càng cho thấy thông điệp Người thay mặt nhân dân Việt Nam gửi gắm, đó là: Giữ gìn hòa bình! Ngăn chặn chiến tranh!
Tuy nhiên, trước sự lựa chọn của lịch sử, như Người từng nói: “Muốn đi tới hòa bình có khi phải chiến tranh” nghĩa là muốn có hòa bình, bên cạnh những cách thức hòa bình, đôi khi phải dùng đến sức mạnh của vũ lực. Như vậy, chiến tranh là giải pháp chẳng đặng đừng. Ta không gây chiến tranh nhưng ta chấp nhận chiến tranh chỉ vì để đi đến hòa bình. Bởi trong tình thế đó, nếu không có chiến tranh thì không thể có độc lập và thống nhất, càng không thể có hòa bình.
Và chiến thắng 30/4 không ngoài gì khác chính là sự chiến thắng của khát vọng hòa bình cháy bỏng của dân tộc Việt Nam. Chính khát vọng đó đã vượt lên trên mưa bom, bão đạn, chiến tranh tàn phá, xâm lược, chia cắt,… để đi đến thắng lợi cuối cùng.
NĐT: Sau sự kiện 30/4, chúng ta đã chứng kiến những sự hàn gắn. Hàn gắn giữa những người Việt Nam với quốc tế và hàn gắn giữa chính những người Việt Nam với nhau. Thưa Giáo sư cho biết, quá trình đó đã diễn ra như thế nào? Và các bên đã nỗ lực ra sao để sự thống nhất không chỉ đơn thuần ở mặt lãnh thổ mà bao gồm ở cả ý chí?
GS.TS. Vũ Dương Huân: Hàn gắn vết thương chiến tranh, hòa hợp, hòa giải dân tộc là một vấn đề lớn và đã sớm được các bên nhận thức. Ngay trong Hiệp định Paris năm 1973 đã có tới 3 trong tổng số 23 điều khoản nói về vấn đề này. Hay như chuyện giành thắng lợi hoàn toàn ngày 30/4 với kết quả một thành phố Sài Gòn nguyên vẹn và sau giải phóng Miền Nam, không hề có “tắm máu” chính là nhờ chính sách hòa hợp dân tộc.
Sau khi hòa bình lập lại, ngay trong chuyến thăm Quảng Trị đầu năm 1976, Tổng bí thư Lê Duẩn đã nói về một trong những nhiệm vụ cấp bách sau giải phóng là “nhanh chóng hàn gắn vết thương chiến tranh,…không phân biệt bên này, bên kia vì ai cũng là công dân nước Việt”. Như vậy, có thể thấy hòa hợp dân tộc đã được người lãnh đạo cao nhất của Đảng nhận thức, trăn trở từ trước ngày toàn thắng.
Cũng phải nói thêm rằng, sau chiến tranh, chúng ta đã sẵn sàng “gác” quá khứ, để hợp tác, nhìn về tương lai với nhiều nước từng là cựu thù trong quá khứ, thì không lý do gì, người cùng một dân tộc, cùng một tổ quốc, mà không thể hòa hợp, đoàn kết với nhau để xây dựng tương lai cho đất nước mình...
Với nhận thức đó, chúng ta đã thực hiện kiên quyết, kiên trì hòa hợp, hòa giải dân tộc ngay từ đầu. Đặc biệt với sự ra đời của Nghị quyết 36, Chỉ thị 45 mà gần đây là Kết luận 12 về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài đã làm cho chủ trương đại đoàn kết, hòa hợp dân tộc ngày càng thiết thực và có sức lan tỏa sâu rộng. Có thể thấy rằng, qua thời gian, chính sách về hòa giải, hòa hợp dân tộc ngày càng hoàn thiện và đầy đủ trở thành chủ trương nhất quán của Đảng và Nhà nước.
NĐT: Nhìn lại quá trình hòa hợp dân tộc gần nửa thế kỷ, Giáo sư đánh giá như thế nào về những điều chúng ta đã làm được và kể cả những điều chưa làm được.
GS.TS. Vũ Dương Huân: Rõ ràng, chúng ta đã làm được nhiều việc. Ở trong nước hiện nay, đồng bào thuộc mọi thành phần xã hội, kể cả những người trong chế độ cũ đều không bị phân biệt đối xử, bình đẳng trong lao động, kiến tạo cuộc sống. Nhiều vấn đề đã từng trở thành vướng mắc trong quá khứ thì nay đã được giải quyết. Lấy ví dụ, một vấn đề từng được coi là “nhạy cảm” như Nghĩa trang Bình An của quân đội Sài Gòn cũ nay cũng được dân sự hóa, mọi người thăm viếng, chăm sóc mộ phần.
Với đồng bào ở nước ngoài, Đảng, Nhà nước ta đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách tạo điều kiện ngày càng thuận lợi hơn cho họ trên các lĩnh vực: Xuất nhập cảnh, cư trú, hồi hương, quốc tịch, hộ tịch, về đầu tư kinh doanh; về quyền được mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam…Kết quả là phần nhiều bà con Việt kiều thay đổi định kiến, thay đổi tư duy và hướng về chung sức xây dựng quê hương trong đó không ít.kiều bào quay trở về đất nước. Cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài đóng góp rất tích cực vào quá trình xây dựng và phát triển từ nhiều nguồn lực khác nhau: trí tuệ, tài chính, con người, sự ủng hộ đồng thời là cầu nối hữu nghĩ giữa Việt Nam với các nước trên thế giới.
Tuy nhiên, thực tế chúng ta vẫn thấy rằng cứ đến dịp 30/4 hằng năm, một số ít người Việt Nam từng sống trong chế độ cũ nay ở nước ngoài vẫn giữ định kiến, nuôi giữ hận thù, kêu gọi kỷ niệm những cái gọi là “30-4: Ngày Quốc hận”, “Tháng tư Đen”. Kéo theo đó là những phong trào kêu gọi “Phục Quốc”, kêu gọi lật đổ chính quyền trong nước với rất nhiều luận điệu trái sự thật. Tuy chỉ là nhỏ lẻ nhưng đó là một điều đáng buồn.
Nhìn lại hành trình 47 năm, phải khẳng định đó là hành trình không ngừng nghỉ của Đảng, Nhà nước ta nỗ lực hàn gắn vết thương chiến tranh, dựng xây đất nước, hết sức chăm lo giải quyết vấn đề hòa hợp dân tộc. Nhưng cuộc chiến tranh kéo dài hơn 20 năm với những đặc điểm riêng biệt không giống ở Mỹ, ở Đức, đã để lại nhiều hậu quả nặng nề mà để khắc phục nó, không thể một sớm một chiều. Nói như nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình: Có những vết thương lòng rất sâu nên sự hàn gắn không dễ dàng, đòi hỏi thời gian...
Việc của chúng ta bây giờ với vai trò là bên thắng cuộc cần phải chủ động hơn nữa. Đối với những người đã ủng hộ đã sống hòa hợp, thích hợp rồi thì ta tiếp tục tranh thủ, tạo điều kiện để họ tham gia tích cực vào quá trình xây dựng và phát triển đất nước. Những người chờ đợi và chưa có thái độ rõ ràng là lớp người còn xa ta nhưng mà không chống đối, chính là cần thực hiện hòa hợp dân tộc với những người đó. Cá nhân tôi vẫn mong đợi và nhiều lãnh đạo Đảng, Nhà nước ta cũng đã có ý định về một Đại tuyên bố mang tinh thần đại xá, trong đó khẳng định tất cả chuyện cũ hãy cho nó qua đi, lật qua một trang mới. Đó sẽ là một điểm đột phá trong công tác hòa hợp, hòa giải dân tộc.
NĐT: Có ý kiến cho rằng chiến thắng 30/4 là chiến thắng của người Việt Nam bởi nhìn vào sự hòa hợp nhanh chóng của những con người đã ở hai bên chiến tuyến, có thể thấy rằng khát vọng về độc lập, thống nhất, tinh thần dân tộc cao hơn, mạnh mẽ hơn sự hận thù. Giáo sư có đồng tình với ý kiến đó.
GS.TS. Vũ Dương Huân: Tôi rất đồng tình với ý kiến đó. Cuộc chiến lâu dài hơn 20 năm mà cũng có thể tính là 30 năm. Với nhiều người, thù hận rất sâu, rất nặng đã trở thành định kiến không dễ xoay chuyển được. Vậy điều gì đã tạo nên sự thay đổi. Tôi cho rằng đó chính là khi chúng ta đối xử với nhau bằng tinh thần dân tộc, bằng tinh thần yêu nước chứ không phải bằng ý thức hệ. Lấy lợi ích dân tộc đặt lên trên hết. Tất nhiên vẫn có nhiều ý kiến cho rằng chưa nhanh nhưng như đã giải thích ở trên, tôi cho rằng đó đã là một sự nỗ lực rất lớn đến từ hai phía.
NĐT: Để có 1 chiến thắng 30/4, chúng ta đã phải mất 21 năm, hoặc thậm chí phải nói là 30 năm. Nói vậy để thấy rằng cái giá của hòa bình, độc lập, thống nhất không phải dễ mà có được. Vậy ngày nay, chúng ta cần làm gì để giữ vững “của báu” đó.
GS.TS. Vũ Dương Huân: Để giữ gìn được thành quả cách mạng của ngày 30/4 là một vấn đề lớn và tôi rằng chúng ta có rất nhiều việc phải làm.
Hiện nay, sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của nhân dân ta đang đứng trước nhiều thời cơ, thuận lợi, song cũng còn không ít khó khăn, thách thức. Tình hình thế giới, khu vực có nhiều biến động: Biển Đông luôn tiềm ẩn những diễn biến phức tạp, nguy cơ mất ổn định; các nước lớn tiếp tục gia tăng can dự, cạnh tranh ảnh hưởng, với mức độ, quy mô khác nhau ở khu vực; chiến tranh cục bộ, xung đột vũ trang, xung đột sắc tộc, tôn giáo, hoạt động khủng bố vẫn diễn ra, gây mất ổn định ở khu vực và trên thế giới. Các thách thức an ninh phi truyền thống, như: An ninh mạng, an ninh nguồn nước, an ninh lương thực, ô nhiễm và suy thoái môi trường, biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh, buôn lậu ma túy, di cư bất hợp pháp, tội phạm xuyên quốc gia,… đang là những thách thức của các quốc gia trên thế giới. Các thế lực thù địch tiếp tục tăng cường chống phá Đảng, Nhà nước, thực hiện “Diễn biến hòa bình”, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.
Tình hình trên, đòi hỏi phải tăng cường đoàn kết, phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nhất là vận dụng hiệu quả bài học kinh nghiệm của Chiến thắng 30/4/1975; tận dụng, tranh thủ thời cơ, xây dựng, phát triển đất nước. Tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm túc, hiệu quả đường lối đổi mới của Đảng: Phát triển kinh tế là nhiệm vụ trung tâm, xây dựng Đảng là then chốt; phát triển văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội; tăng cường quốc phòng, an ninh là nhiệm vụ trọng yếu thường xuyên; kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội với tăng cường quốc phòng, an ninh, đối ngoại.
NĐT: Giáo sư có thể nêu rõ hơn về nhiệm vụ của ngành đối ngoại trong tổng thể nhiệm vụ đó?
GS.TS. Vũ Dương Huân: Trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc, giải phóng đất nước trước đây cũng như xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày nay, sát cánh với các mặt trận quân sự và chính trị, ngoại giao đã có nhiều đóng góp quan trọng, góp phần tạo nên nhiều thành tựu cho đất nước. Ngày nay, sự nghiệp đổi mới vào thời điểm đất nước hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng đặt ra sứ mệnh lịch sử mới cho ngoại giao Việt Nam. Đại hội XIII của Đảng đã xác định rõ vị trí, vai trò tiên phong của đối ngoại trong “tạo lập và giữ vững môi trường hoà bình, ổn định, huy động các nguồn lực bên ngoài để phát triển đất nước, nâng cao vị thế và uy tín của đất nước”. Điều đó để thấy rằng hơn bao giờ hết, ngoại giao Việt Nam cần đi tiên phong trong việc kiến tạo môi trường hòa bình, ổn định và thu hút các nguồn lực bên ngoài để phát triển đất nước. Cùng với quốc phòng, an ninh tạo thành thế chân kiềng vững chắc, ngoại giao đã, đang và sẽ tiếp tục đóng góp chủ động, tích cực vào việc bảo vệ đất nước từ sớm, từ xa, giữ nước từ khi nước còn chưa nguy, phục vụ thiết thực các lợi ích an ninh, phát triển, nâng cao vị thế đất nước.
NĐT: Thưa Giáo sư, từ dựng xây hòa bình cho mình, hành trình góp phần dựng xây hòa bình cho khu vực, cho thế giới trong suốt những năm vừa qua đã được Việt Nam như thế nào?
GS.TS. Vũ Dương Huân: Trên thế giới, hiếm có quốc gia, dân tộc nào như dân tộc Việt Nam, phải chịu đựng nhiều hy sinh, mất mát để giành và giữ độc lập, tự do. Do đó, hơn ai hết Việt Nam luôn là người đau đáu về hòa bình, hòa bình cho khu vực, cho thế giới.
Trong quá khứ, như tôi đã phân tích ở trên, sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc, giải phóng đất nước trước đây không gì khác chính là đóng góp thiết thực nhất cho hòa bình của thế giới và khu vực.
Từ khi bắt đầu sự nghiệp đổi mới, Việt Nam tiếp tục đóng góp cho hòa bình bằng những hành động thiết thực. Chúng ta kiên trì theo đuổi đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển; đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ đối ngoại; chủ động, tích cực hội nhập quốc tế; là bạn, là đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế. Việt Nam duy trì chính sách không liên minh, với chính sách 3 không mà gần đây là 4 không. Chúng ta còn đóng góp cho hòa bình bằng việc mở rộng quan hệ hữu nghị và hợp tác với các nước, tích cực tham gia các diễn đàn quốc tế, tuân thủ luật pháp quốc tế, nêu quan điểm phản đối chiến tranh phi nghĩa, kêu gọi hòa bình.
Trong những năm gần đây, chúng ta còn cử lực lượng tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc ở nhiều địa bàn khó khăn, tạo được lòng tin, sự đồng tình, ủng hộ của Liên hợp quốc và cộng đồng quốc tế, góp phần nâng cao uy tín, vị thế của Việt Nam, của Quân đội trên trường quốc tế.
NGUOIDUATIN.VN |