Phải mất rất nhiều thời gian để đặt lịch hẹn, tôi mới có thời gian được gặp chị Đặng Thị Tâm (SN 1983), Giám đốc Công ty cổ phần An An Agri, tại nhà xưởng ở xã Diễn Thành, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An. Vừa ngồi xuống chưa kịp uống nước, chị đã phân bua: “Đang nhân lúc nắng nóng nên chị em phải ra đồng thu hoạch lúa, nếu không ngày mai và ngày kia mưa xuống thì không kịp mất”.
Với vóc dáng nhỏ nhắn, làn da trắng, khuôn mặt ưa nhìn, dường như không ai tin chị là một người nông dân thực thụ. Chị kể, mẹ mất sớm, cuộc sống của gia đình gặp muôn vàn khốn khó, vì vậy chị đã phải tự lập từ nhỏ. Thi đỗ Học viện Báo chí & Tuyên truyền, nhưng chỉ sau 1 năm, thương cha vất vả nên chị đã xin nghỉ học, về quê theo học chương trình cao đẳng kinh tế để sớm tìm được việc làm.
Ra trường, chị đã may mắn có được công việc ổn định ở Tp. Vinh, thu nhập có thể tự nuôi sống bản thân và gửi về một ít về cho bố. Thế nhưng, vào năm 2015, trong một lần về quê giúp gia đình thu hoạch nông sản, một ý nghĩ “quái gở” đã bay vào đầu người phụ nữ này.
“Lần đó, rau củ quả của người dân trong xã được mùa, nhưng cũng vì vậy mà mất giá, bị thương lái “ép” thu mua với số tiền rẻ. Nhiều người dân buồn tới phát khóc bởi công sức chăm sóc lâu nay không ngờ lại rẻ mạt như vậy. Tôi mới thấy rằng phải tìm một con đường nào đó để bà con trồng nông sản phải bền vững thì mới phát triển được”, chị nhớ lại.
Người dân xã Diễn Thành, huyện Diễn Châu từ bao đời nay đã gắn bó với ruộng vườn, một năm 2 vụ lúa, xen kẽ vụ khoai, vụ ngô, giáp Tết lại trồng thêm rau củ để mang bán. Thế nhưng thực tế công việc này không mang lại giá trị cao, bởi việc trồng trọt manh mún, không hình thành sản phẩm, không có rau củ hữu cơ đạt chất lượng chuẩn.
Nghĩ là làm, chị từ bỏ công việc ổn định trong cơ quan nhà nước, trở về quê chọn đất, ký kết hợp tác với bà con nông dân để trồng rau sạch. Khởi nghiệp khi tuổi đời không còn trẻ để gắn bó với đồng ruộng, với sản phẩm rau củ của quê hương là một hành trình rất vất vả, đòi hỏi lòng đam mê, sự quyết tâm rất lớn.
Những ngày đầu lập nghiệp, thiếu vốn, thiếu kinh nghiệm, thiếu công nghệ và biết bao tháng ngày “dầm mưa dãi nắng” cùng người nông dân trên cánh đồng rau nguyên liệu, nhưng bù lại với chị Tâm là có được giống rau phù hợp chất đất và phát triển tươi tốt.
Trong thời gian này, từ lời giới thiệu của một người bạn, chị được gặp một đối tác người Nhật Bản. Ông ấy đặt hàng để chị trồng thử một số loại rau, củ không dùng chất bảo quản, không can thiệp thuốc bảo vệ thực vật. Sau một vài lần, ông đã tin tưởng chuyển giống và quy trình sản xuất cho chị. Tuy nhiên, việc này vẫn chưa làm Tâm hài lòng, chị khao khát muốn tạo ra một sản phẩm nào đó từ rau củ xứ Nghệ mà lại độc lạ và có giá trị cao.
Bước ngoặt vào năm 2017, với sự hỗ trợ của sở Khoa học và Công nghệ Nghệ An, chị đã mạnh dạn bắt tay vào trồng mầm lúa mạch trên diện tích hơn 2ha, nhằm để sản xuất bột, tinh chất lúa mạch. “Quả ngọt” bắt đầu hình thành với dòng sản phẩm mỳ rau củ Organic Anpaso.
Khi được hỏi về cơ duyên với sản phẩm sợi mì hữu cơ làm từ mầm lúa mạch, chị nói: “Thời điểm đó tôi đang đi công tác ở Nhật Bản và được ăn một bát mỳ chế biến từ mầm lúa mạch. Bát mỳ đó rất ngon và tôi muốn sản phẩm hữu cơ tương tự ở quê nhà”.
Chị tâm sự, sản phẩm từ mì thì không hiếm, tuy nhiên những sợi mì theo tiêu chuẩn của nông nghiệp hữu cơ thì lại chưa có. Vì vậy, chị muốn làm ra một sản phẩm mì rau khác biệt và tinh tế, tạo nên một văn hóa ẩm thực thanh sạch. Những sợi mỳ đó không hề có chất phụ gia, chất bảo quản, mang hương vị tự nhiên từ rau củ.
“Tôi tạo ra một quy trình chặt chẽ từ khâu tuyển chọn hạt giống, gieo trồng hữu cơ theo tiêu chuẩn, thu hái và chế biến khép kín trong môi trường an toàn vệ sinh thực phẩm. Bên cạnh đó là công thức và sự cố vấn về chuyên môn của chuyên gia đến từ Nhật Bản đã giúp tôi tạo ra những sợi mì ngon ngọt tự nhiên, mang hương vị nguyên bản, thanh mát từ rau củ và các loại thảo dược”, chị Tâm tự hào nói.
Chị khẳng định, từ khâu chọn nguyên liệu, quá trình ủ bột, cán bột, tách sợi, mỗi công đoạn đều thực hiện rất tỉ mỉ kết hợp giữa phương pháp thủ công và công nghệ hiện đại, chú trọng vệ sinh an toàn thực phẩm. Cũng vì vậy, mỗi loại mì đều có một quy trình làm khác biệt, phù hợp với tính chất từng loại rau củ.
Để sản phẩm giữ được hương vị tự nhiên, chị đã đầu tư máy móc hiện đại, sử dụng máy sấy bơm nhiệt công nghiệp để khắc phục được những hạn chế của máy sấy truyền thống. Máy sấy bơm nhiệt công nghiệp với ưu điểm sấy ở nhiệt độ thấp, quá trình tách ẩm được diễn ra tuần hoàn, luồng nhiệt sấy liên tục và trong chu trình khép kín, nhờ đó sản phẩm cần sấy vẫn đảm bảo được màu sắc và hương vị, đặc biệt là hàm lượng chất dinh dưỡng không bị mất đi, đảm bảo giữ lại nguyên vẹn giá trị dinh dưỡng trong từng sợi mì. Nhờ áp dụng thiết bị tiên tiến, hiện đại vào khâu sản xuất đã nâng cao được năng suất và chất lượng sản phẩm.
Đến nay, chị đã thuê được hơn 13ha đất nông nghiệp để trồng các loại sản phẩm như lúa mạch, các loại rau làm mì sợi, các loại củ, mè đen, sâm cát, thảo dược... Với từng đó diện tích, công ty đã cho ra đời 12 sản phẩm sạch hữu cơ mà 2 sản phẩm chủ đạo là mì cải bó xôi và mì tinh chất mầm lúa mạch. Đây là món ăn phù hợp với mọi lứa tuổi, người ăn thường, ăn chay, ăn kiêng, ăn heathy, người bị bệnh.
“Sản phẩm mỳ là cải bó xôi, củ cải đỏ, củ dền, nghệ, lúa mạch và sâm cát... Trong đó, chỉ có giống lúa mạch phải nhập khẩu, còn lại là giống cây bản địa. Đặc biệt, sâm cát là loại dược liệu quý, mọc dưới tán rừng phòng hộ ven biển, giàu vitamin, canxi… đã được tôi và cộng sự nghiên cứu dược tính kỹ lưỡng”, chị nói.
Năm 2019, chị mang sản phẩm đưa đi dự cuộc thi Sáng tạo Khoa học – Công nghệ tỉnh Nghệ An tổ chức và đạt giải Nhì. Cũng vì vậy, dự án “Trồng và chế biến sản phẩm dinh dưỡng từ mầm cây lúa mạch” được đầu tư gần 1 tỷ đồng.
Kể ra thì ngắn nhưng để bước đến thời điểm hiện nay thì chị đã phải vượt hàng trăm nghìn gian khổ và không dưới chục lần muốn bỏ cuộc. Trong đó có thể kể đến việc người nông dân trộn lẫn sản phẩm không đạt chất lượng vào, khiến cho chị phải đền bù hàng trăm triệu những ngày đầu khởi nghiệp. Cho đến việc, dịch Covid-19 đã khiến cho công ty chao đảo khi phải ngừng sản xuất, di dời công xưởng, sản phẩm không thể tiêu thụ.
Thậm chí, việc phát triển thị trường cho sản phẩm cũng không hề dễ dàng. Những ngày đầu, chị tự mình đưa sản phẩm đến các quán tạp hóa, các cửa hàng, quán cafe,… để chào mời nhưng hiệu quả không cao do khách hàng chưa bao giờ sử dụng sản phẩm này.
Ngoài ra, vào tháng 5/2020, trong quá trình làm việc chị đã gặp một tai nạn lao động khủng khiếp mà tưởng như không qua khỏi. “Thời điểm nhập máy móc thiết bị về xưởng để bắt tay vào làm mỳ hữu cơ, tôi đã thức trắng 2 ngày đêm để đảm bảo dây chuyền hoạt động tốt nhất. Lúc đó, do chưa quen với hệ thống máy nghiền bột nên bàn tay tôi bị máy cán vào”, chị kể.
Vụ tai nạn tưởng như chị sẽ phải bỏ cả cánh tay, thậm chí do bị suy hô hấp nên chị rơi vào tình trạng nguy kịch, phải đưa ra Hà Nội để điều trị. Nằm giữa ranh giới sự sống và cái chết, chị càng nhận thấy việc bản thân còn nhiều việc phải làm, ước mơ còn dang dở chưa thực hiện được. Vì vậy, sau khi ra viện thì chị lập tức lao vào công việc.
Đến thời điểm hiện tại, sản phẩm của chị đã tạo được uy tín, thương hiệu cho người dùng. Các sản phẩm như mì cải bó xôi và mì tinh chất mầm lúa mạch là 2 sản phẩm chủ đạo được xuất khẩu sang thị trường khó tính Nhật Bản. Ngoài ra, sản phẩm của công ty cũng được các siêu thị lớn ở Hà Nội, Sài Gòn... đặt trên kệ hàng ở ngay lối đầu.
Tuy nhiên, không chỉ mong muốn khách hàng trong nước, chị còn “tham vọng” đưa sản phẩm ra thị trường thế giới. Chị tự hào cho biết, sản phẩm của mình đã bắt đầu “chạm” vào thị trường EU khó tính khi đã có đơn đặt hàng đầu tiên.
Nữ giám đốc tự hào cho biết, Anpaso là thương hiệu mì rau củ Organic theo tiêu chuẩn của Hoa Kỳ (USDA), đảm bảo tiêu chí 5K tại Việt Nam, đạt chứng nhận của Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ về các quy chuẩn khắt khe an toàn thực phẩm.
Vì vậy, ngoài diện tích vùng nguyên liệu đang có tại xã Diễn Thành, sắp tới được sự giúp đỡ của UBND huyện Diễn Châu, chị Đặng Thị Tâm mở rộng thêm diện tích trồng rau, củ, quả hữu cơ tại xã Diễn Phúc để chủ động mở rộng công suất chế biến mì hữu cơ.
“Một món ăn ngon, không chỉ ở hương vị, mà màu sắc của nó cũng phải thật bắt mắt và hấp dẫn. Trải qua chặng đường dài, tôi mới tìm ra hương vị của mì rau trên chính quê hương mình. Tôi tin rằng, bất cứ điều gì được sinh ra từ cội nguồn chắc chắn đều bền vững”, chị Đặng Thị Tâm chia sẻ.
Không chỉ tạo dựng thương hiệu cho sản phẩm, mở ra một hướng đi về sản xuất gắn với chế biến tại quê nhà, nâng cao giá trị của đất đai, đồng ruộng, chị còn tạo công ăn việc làm ổn định cho 40 lao động và 80 lao động theo thời vụ, chủ yếu là chị em phụ nữ.
Ông Ngô Hoàng Linh, Giám đốc Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN Nghệ An đánh giá cao người phụ nữ nhỏ nhắn nhưng có ý chí, nghị lực vô cùng kiên cường Đặng Thị Tâm. Chị đã phát triển các sản phẩm nông nghiệp, giúp đỡ người nông dân, là người có trách nhiệm với cộng đồng trên nền tảng phát triển kinh doanh để tìm hướng đi đúng với ngành nghề.
“Chúng tôi đã tư vấn hỗ trợ công nghệ chế biến sâu đó là làm tinh bột, tinh chất từ mầm lúa mạch tạo ra những sản phẩm có giá trị thương mại cao hơn, chinh phục được thị trường khó tính như Nhật Bản. Bước đầu sản phẩm đã có chỗ đứng trong thị trường, tạo công ăn việc làm cho người lao động. Sắp tới trung tâm sẽ tiếp tục hỗ trợ cho đơn vị về khoa học, công nghệ để tiếp tục mở rộng thị trường sản xuất trong thời gian tới”, ông Linh nói.
NGUOIDUATIN.VN |