img img

Ngay từ giữa tháng 8, Liên minh châu Âu (EU) đã thành công lấp đầy hơn 90% kho dự trữ khí đốt cho mùa đông 2023-2024 trước thời hạn là ngày 1/11. Điều đó nghĩa là thị trường năng lượng EU đang ở vị trí ổn định hơn nhiều so với thời điểm này năm ngoái, nhưng an ninh khí đốt vẫn dễ bị tổn thương trước những rủi ro về nguồn cung toàn cầu và những thay đổi về nhu cầu.

“Việc đáp ứng các yêu cầu lưu trữ khí đốt trước thời hạn cho thấy rằng EU đã chuẩn bị tốt cho mùa đông và điều này sẽ giúp ổn định thị trường hơn nữa trong những tháng tới. Thị trường năng lượng EU đang ở vị thế ổn định hơn nhiều so với thời điểm này năm ngoái, một phần nhờ vào các biện pháp chúng tôi đã thực hiện ở cấp EU”, Ủy viên Năng lượng EU Kadri Simson cho biết trên trang web của Ủy ban châu Âu (EC).

Khí đốt Nga – Bài toán hóc búa cho châu Âu

EU đạt mục tiêu lưu trữ khí đốt 90% trước mùa đông 2023-2024. Ảnh: EC Website

“Tuy nhiên, trong những tuần gần đây, chúng tôi nhận thấy thị trường khí đốt vẫn còn nhạy cảm. EC sẽ tiếp tục theo dõi tình hình để mức dự trữ vẫn đủ cao khi chúng ta bước vào mùa đông tới. Hãy để tôi nhắc lại rằng chúng ta có thể củng cố hơn nữa vị thế của mình thông qua đầu tư vào năng lượng tái tạo và sử dụng năng lượng hiệu quả”, vị quan chức EU nhấn mạnh.

Khí đốt Nga – Bài toán hóc búa cho châu Âu

Khí đốt Nga – Bài toán hóc búa cho châu Âu

Các đường ống dẫn khí đốt từ Nga đến châu Âu. Đồ họa: Daily Mail

Kể từ khi Nga đưa quân vào Ukraine hồi tháng 2/2022, thị trường khí đốt châu Âu đã trải qua một chặng đường rất gập ghềnh. Trước xung đột, Moscow đáp ứng tới 40% nhu cầu khí đốt của châu Âu. Trong 32 tuần đầu năm 2022, lượng nhập khẩu khí đốt Nga của EU đã giảm xuống còn 23,6%, và con số này hiện nay chỉ còn 8,4%.

Khí đốt Nga chảy tới châu Âu phần lớn đã được thay thế bằng hàng nhập khẩu từ Mỹ, Na Uy, Azerbaijan và các nước khác, khiến giá mặt hàng này giảm gần 10 lần so với mức đỉnh năm 2022. Giá khí đốt trên sàn TTF – giá tiêu chuẩn của thị trường khí đốt châu Âu – đạt 320 euro/MWh vào tháng 8 năm ngoái, và dao động quanh mức 38 euro/MWh vào trung tuần tháng 8 năm nay.

Made with Flourish
img

Một tài xế đang nạp nhiên liệu vào xe của mình tại một trạm xăng ở Martonvasar, Hungary, ngày 18.3.2022. Ảnh: Daily Sabah

Tuy nhiên, mức giá trên vẫn cao hơn đáng kể so với mức 20 euro/MWh vào thời điểm trước khi bùng phát cuộc xung đột trên bộ lớn nhất ở châu Âu kể từ Thế chiến II, đồng nghĩa với việc hóa đơn năng lượng vẫn là gánh nặng đối với các hộ gia đình và năng suất thấp hơn cho ngành công nghiệp châu Âu.

“Giá khí đốt bán buôn có thể thấp hơn đáng kể so với một năm trước khi thị trường bị thắt chặt vì đường ống Nord Stream dẫn khí đốt Nga qua biển Baltic tới Tây Âu ngừng hoạt động, nhưng nó vẫn đắt hơn đáng kể so với mức giá rẻ được duy trì trong thập kỷ qua”, ông Tom Marzec-Manser, người đứng đầu bộ phận phân tích khí đốt tại công ty phân tích thị trường ICIS (Mỹ), cho biết, đồng thời cảnh báo rằng các nhà giao dịch vẫn lo lắng về nguồn cung.

“Thực tế, việc các kho dự trữ ở châu Âu gần đầy sớm hơn bình thường – thông thường họ đạt mức này vào khoảng tháng 10 – không nhất thiết có nghĩa là giá khí đốt sẽ giảm thêm. Nguồn dự trữ chỉ có thể giúp châu Âu vượt qua mùa đông này. Nhưng nếu thời tiết lạnh hơn, nó sẽ dẫn đến một số rủi ro nhất định. Và đó là nguyên nhân khiến giá khí đốt vẫn cao trong thời điểm hiện tại”, ông Marzec-Manser nói thêm.

Khí đốt Nga – Bài toán hóc búa cho châu Âu

Đường ống TurkStream dẫn khí đốt từ Nga sang Thổ Nhĩ Kỳ và Đông Nam châu Âu. Ảnh: NS Energy

Dù thị trường khí đốt đã hạ nhiệt, nhưng một số thay đổi sẽ tiếp tục, ví dụ nhu cầu về khí đốt ở châu Âu vẫn chưa phục hồi. Dữ liệu của tổ chức tư vấn Bruegel có trụ sở tại Brussels (Bỉ) cho thấy, nhu cầu sử dụng khí đốt ở châu Âu trong quý I năm nay thấp hơn 18% so với mức trung bình giai đoạn 2019-2021, và thấp hơn 19% trong quý II. Con số này năm ngoái là 12%.

Tăng trưởng kinh tế yếu hơn là một lý do khiến việc sử dụng khí đốt ở “lục địa già” chưa phục hồi. Một lý do khác có thể là người dùng cuối vẫn chưa tiếp cận được khí đốt giá rẻ hơn vì các mức giá kể trên đều là hợp đồng tương lai, ông Ben McWilliams, chuyên gia tại Bruegel, cho biết.

Các yếu tố khác sẽ lâu dài hơn, đặc biệt là liên quan đến các công nghệ mới. Công suất lắp đặt năng lượng mặt trời mới đã tăng kỷ lục 47% vào năm 2022, và năm ngoái là lần đầu tiên các nguồn năng lượng tái tạo cho ra nhiều điện năng cho châu Âu hơn khí đốt.

Khí đốt Nga – Bài toán hóc búa cho châu Âu

Cơ sở xuất khẩu LNG Sabine Pass của Cheniere Energy Inc - nhà xuất khẩu LNG lớn nhất của Mỹ. Ảnh: Power Engineering

Điều không chắc chắn về nhu cầu khí đốt trong tương lai là liệu các ngành công nghiệp châu Âu như sản xuất hóa chất và phân bón có trở lại bình thường hay không. Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho biết, gần 1/2 nhu cầu khí đốt công nghiệp của châu Âu sụt giảm trong năm ngoái là kết quả của việc ngừng hoặc giảm sản xuất.

Một số công ty có mô hình kinh doanh truyền thống dựa vào khí đốt giá rẻ của Nga đã chuyển hoạt động sản xuất sang các khu vực có chi phí thấp hơn như Mỹ – nơi giá khí đốt chỉ bằng 1/4 giá giao ngay ở châu Âu.

Ở Đức – đầu tàu công nghiệp châu Âu, cơ quan quản lý năng lượng của đất nước (Bundesnetzagentur) sẽ lần đầu tiên tiến hành một cuộc diễn tập khẩn cấp quy mô lớn với các công ty trong tháng 9 này.

Cuộc diễn tập kéo dài một ngày được coi là phép thử về sự sẵn sàng của các nhà sản xuất Đức trong trường hợp nguồn cung khí đốt tiếp tục bị siết chặt hơn nữa.

img

Cơ sở đường ống dẫn khí nối tàu kho chứa nổi và tái khí hóa (FSRU) với đất liền ở Wilhelmshaven, miền Bắc nước Đức, ngày 17.12.2022. Ảnh: Getty Images

Mặc dù nền kinh tế số 1 châu Âu đã ngăn chặn được cuộc khủng hoảng khí đốt vào mùa đông năm ngoái, nhưng chính phủ của Thủ tướng Olaf Scholz vẫn chưa dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp được kích hoạt từ tháng 6/2022. Những biến động về giá khí đốt là lời nhắc nhở rằng rủi ro về nguồn cung vẫn còn.

Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck gần đây cảnh báo rằng Đức vẫn có thể bị buộc phải giảm hoặc thậm chí ngừng sử dụng khí đốt cho một số hoạt động công nghiệp nếu thỏa thuận trung chuyển khí đốt giữa Ukraine và Nga không được gia hạn sau khi nó hết hạn vào cuối năm tới. Các nhà điều hành kho lưu trữ khí đốt của Đức cũng cảnh báo rằng các kho lưu trữ có thể cạn kiệt hoàn toàn vào tháng 1/2024 – ngay cả khi nhu cầu khí đốt vẫn thấp như hiện tại.

Ngoài ra, một số nước Trung Âu, đặc biệt là Áo và Hungary, cũng vẫn phụ thuộc vào khí đốt Nga được trung chuyển qua Ukraine. Trong khi đó, chính quyền của Tổng thống Volodymyr Zelensky đã ra tín hiệu rằng họ không có ý định gia hạn thỏa thuận này với Nga. Điều đó nghĩa là cuối năm 2024 sẽ lại là một thời điểm khó khăn cho những nước vẫn phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch của Moscow.

Khí đốt Nga – Bài toán hóc búa cho châu Âu

Khí đốt Nga – Bài toán hóc búa cho châu Âu

Cảng nhập khẩu khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) GATE ở Rotterdam, Hà Lan. Ảnh: Valvetight

Để thay thế lượng khí đốt nhận từ Nga qua đường ống, EU đã tăng nhập khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) trong 2 năm qua. Loại khí siêu lạnh vận chuyển bằng tàu biển đã phần nào giúp lấp đầy khoảng trống trong cơ cấu năng lượng của châu Âu.

Một khi hợp đồng trung chuyển khí đốt hiện có hiệu lực mà gã khổng lồ năng lượng quốc doanh Gazprom của Nga và tập đoàn dầu khí nhà nước Naftogaz của Ukraine ký kết vào năm 2019 hết hạn vào cuối năm 2024, nguồn cung khí đốt đường ống của Nga cho EU chắc chắn sẽ tiếp tục giảm.

Do đó, khi khí đốt Nga chảy qua đường ống tới lục địa này càng ít, thì châu Âu càng phải đối mặt nhiều hơn với những biến động trên thị trường LNG toàn cầu.

Mặc dù LNG có thể giúp xoa dịu các vấn đề về nguồn cung ngay lập tức, nhưng nó cũng có nghĩa là nguồn cung và giá khí đốt ở EU trở nên nhạy cảm hơn trước những biến động về nhu cầu năng lượng từ phần còn lại của thế giới, đặc biệt là từ Trung Quốc.

Khí đốt Nga – Bài toán hóc búa cho châu Âu

Nhiều tháng trôi qua, vụ nổ các đường ống Nord Stream 1 và 2 hồi tháng 9.2022 vẫn là bí ẩn quốc tế chưa có lời giải. Ảnh: Getty Images

Theo các chuyên gia kinh tế Jakob Feveile Adolfsen, Marie-Sophie Lappe và Ana-Simona Manu tại Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), trong kịch bản lành tính, thị trường khí đốt EU sẽ được cân bằng rộng rãi, trong khi ở kịch bản bất lợi, thâm hụt khí đốt có thể chiếm khoảng 9% lượng tiêu thụ khí đốt hàng năm của EU.

Mức thâm hụt có thể giảm xuống 4% nếu nhu cầu LNG của Trung Quốc không thay đổi so với mức năm 2022, hoặc 2% nếu rủi ro đối với xuất khẩu khí đốt của Nga trở thành hiện thực. Mức thâm hụt trên cũng có thể được bù đắp bằng cách thay thế khí đốt bằng các nguồn năng lượng khác, tăng hiệu quả sử dụng năng lượng và sử dụng dự trữ một cách vừa phải.

“Khi nguồn cung từ Nga sụt giảm, EU đã chuyển sang thị trường LNG toàn cầu. Kết quả là thị trường khí đốt của EU và châu Á ngày càng trở nên liên kết với nhau. Trong lịch sử, giá khí đốt ở châu Á luôn được giao dịch ở mức cao hơn so với EU. Điều này là do châu Á phụ thuộc nhiều hơn vào LNG để đáp ứng những biến động về nhu cầu khí đốt, trong khi EU tiếp cận được nguồn khí đốt qua đường ống rẻ hơn, chủ yếu đến từ Nga”, các chuyên gia của ECB cho biết.

Made with Flourish
img

Cơ sở hạ tầng đường ống Nord Stream 1 ở Lubmin, Đức, ngày 21.7.2022. Ảnh: CBS17

“Tình trạng này đã thay đổi sau khi dòng chảy khí đốt Nga qua đường ống sang EU bị siết chặt chưa từng có. Để thay thế khí đốt Nga, nhu cầu LNG từ EU đã tăng lên trong 2 năm qua. Kết quả là mối tương quan giữa giá khí đốt ở châu Âu và châu Á đã tăng lên đáng kể. Điều này là do EU đang cạnh tranh với các khách hàng ở châu Á và do đó cần phải trả phí bảo hiểm cao hơn so với châu Á để thu hút lượng LNG mà họ cần”.

Ngoài ra, việc EU phụ thuộc nhiều hơn vào LNG cũng đặt ra các mối đe dọa tiềm ẩn đối với an ninh năng lượng của chính họ vì Nga là một trong những nhà xuất khẩu hàng đầu loại nhiên liệu siêu lạnh này, với Novatek là nhà sản xuất LNG lớn nhất của nước này.

Trong khi Gazprom vận chuyển khí đốt đến châu Âu qua một mạng lưới đường ống rộng lớn, Novatek cung cấp LNG bằng các tàu chở hàng lỏng cỡ lớn.

Khí đốt Nga – Bài toán hóc búa cho châu Âu

Nhân viên của công ty Uniper tại cơ sở lưu trữ khí đốt Etzel, Đức. Ảnh: Clean Energy Wire

Theo ước tính mới nhất của tổ chức phi chính phủ Global Witness, các nước EU đã chi gần 5,3 tỷ euro (5,7 tỷ USD) để mua hơn 1/2 tổng lượng LNG xuất khẩu của Nga trong 7 tháng đầu năm 2023, trong đó Tây Ban Nha và Bỉ là những khách hàng lớn thứ hai và thứ ba trên toàn thế giới (sau Trung Quốc).

Phân tích của Global Witness công bố hồi cuối tháng 8, dựa trên dữ liệu từ công ty Kpler, cho thấy nhập khẩu loại khí siêu lạnh này của EU đã tăng 40% trong giai đoạn từ tháng 1 đến tháng 7 năm nay so với cùng kỳ năm 2021, thời điểm trước khi Nga phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine.

Ngoài ra, phân tích cũng cho thấy EU đang nhập khẩu LNG Nga nhiều hơn khoảng 1,7% so với thời điểm nhập khẩu đạt mức cao kỷ lục vào năm ngoái.

“Các quốc gia ở EU đã nỗ lực rất nhiều để loại bỏ nhiên liệu hóa thạch Nga chỉ để thay thế khí đốt đường ống bằng loại tương đương được vận chuyển bằng tàu biển”, ông Jonathan Noronha-Gant, một thành viên cấp cao tại Global Witness, cho biết. “Bất kể nó đến từ đường ống hay tàu biển – điều đó có nghĩa là các công ty châu Âu vẫn đang chuyển hàng tỷ USD vào hòm chiến tranh của Điện Kremlin”.

Khí đốt Nga – Bài toán hóc búa cho châu Âu

Nhà ga LNG Fluxys ở Zeebrugge, Bỉ. Ảnh: Brussels Times

Cùng với việc mang lại hàng tỷ euro doanh thu cho Nga vào thời điểm EU tiếp tục thắt chặt chế độ trừng phạt đối với Moscow, mức nhập khẩu kỷ lục LNG nói trên khiến “cựu lục địa” có thể gặp rắc rối nếu nguồn cung LNG bị cắt giảm đột ngột như đã xảy ra đối với khí đốt đường ống vào năm ngoái.

Tuy nhiên, các nhà phân tích dự đoán đây sẽ là mùa đông cuối cùng tình trạng thiếu hụt trở thành mối lo ngại nghiêm trọng đối với EU, do công suất sản xuất LNG tăng thêm từ các nhà cung cấp lớn nhất thế giới – bao gồm Mỹ và Qatar – sẽ đi vào hoạt động vào giữa năm 2024, và sự phát triển mạnh mẽ của các nguồn năng lượng tái tạo thay thế dần cho năng lượng hóa thạch.

Quan trọng hơn, thông qua cú sốc năng lượng, châu Âu đã phát hiện ra một nguồn lực mới: Sức mạnh của sự hợp tác được dẫn dắt một cách khôn ngoan để đáp ứng hoàn cảnh mới và vượt qua mối nguy chung.

img

NGUOIDUATIN.VN |