Khoai Lang Thang tên thật là Đinh Võ Hoài Phương, sở hữu kênh YouTube chuyên về ẩm thực và du lịch với đông đảo lượng người xem. Chất giọng miền Tây ngọt ngào, truyền cảm cùng những thước phim sinh động, trải nghiệm mới mẻ đã dẫn dắt nhiều người xem đến với kênh của Khoai Lang Thang.
Người Đưa Tin (NĐT): Khoai Lang Thang từng là kỹ sư trước khi trở thành YouTuber chuyên quảng bá các chuyến đi trải nghiệm ẩm thực, du lịch. Từ bỏ một công việc ổn định để bước vào hành trình rong ruổi khắp mọi miền Tổ quốc. Anh đã được và mất những gì?
Khoai Lang Thang: Tôi cảm thấy bản thân rất may mắn, được nhiều hơn là mất. Đối với tôi, công việc làm kỹ sư không có gì không tốt, chỉ là bản thân tôi không hợp. Tôi cảm thấy công việc không mang lại cho mình nhiều niềm vui, không tìm được sự hứng thú. Điều đó khiến tôi thấy áp lực và mỗi ngày trôi qua khó khăn hơn.
Sau khi từ bỏ công việc kỹ sư xây dựng để chuyển sang làm công việc sáng tạo, nội dung về du lịch, ẩm thực, văn hóa, tôi có cơ hội được đi đây đi đó nhiều hơn, được trò chuyện, tiếp xúc với rất nhiều người ở khắp mọi nơi.
Từ đó, suy nghĩ, kinh nghiệm sống và tính cách của tôi cởi mở hơn, phóng khoáng hơn. Tôi cảm thấy cuộc đời tích cực, đón nhận những điều đến với mình một cách thoải mái hơn.
Công việc Travel Blogger cho tôi một không gian được tự do, nên tôi bắt buộc phải tự chủ động để đưa mình vào nguyên tắc. Phải chủ động thời gian để làm việc cũng như lên kế hoạch cho những chuyến đi, cố gắng ép bản thân vào lịch làm việc cụ thể.
Đối với tôi, động lực lớn nhất là khi có được sự đồng hành cũng như đồng cảm từ phía khán giả, từ người xem, bạn bè và người thân. Khi đăng tải clip lên mạng xã hội, tôi cảm giác bản thân đã truyền được nội dung, thông điệp tích cực và nhận lại được nhiều bình luận tích cực, góp ý từ mọi người.
Đặc biệt, những con người tôi gặp gỡ trong mỗi chuyến hành trình cũng lưu lại cho tôi rất nhiều cảm xúc khác nhau. Với mỗi hành trình, tôi lại có cho mình những câu chuyện mới, những trải nghiệm. Tôi thấy bản thân mình lớn dần sau mỗi chuyến đi.
NĐT: Anh có chia sẻ bản thân làm về du lịch nên khá thoải mái và chủ động về thời gian. Tuy nhiên, có khi nào anh bị quá tải khối lượng công việc không và anh làm thế nào để cân bằng giữa thời gian làm việc với gia đình?
Khoai Lang Thang: Chia sẻ thật lòng, bản thân tôi vẫn chưa cân bằng được thời gian giữa công việc và gia đình vào những lúc công việc chồng chất. Có đôi khi công việc tồn đọng và tôi có nhiều thứ phải làm nhưng không thể chia sẻ được cho người khác. Nhiều đêm tôi thức đến 5, 6 giờ sáng mới ngủ và có những ngày chỉ ngủ khoảng 2 - 3 tiếng.
Tuy nhiên, suy nghĩ một cách tích cực, khi bận như vậy thì mình vẫn có thể tạo ra thu nhập, vẫn đang được lăn lộn trong công việc, đam mê của mình.
Đối với tôi, khi còn trẻ, mình sẽ phải cố gắng nhiều hơn một chút, nhưng đổi lại thì sẽ phải ăn uống điều độ hơn, chăm rèn luyện thể dục thể thao. Có sức khỏe mới có thể đương đầu với những gánh nặng công việc.
NĐT: Là người có nhiều kinh nghiệm đi nhiều và lịch trình các chuyến đi cũng khá rõ ràng, theo anh, cần tìm hiểu và lên kế hoạch như thế nào trước khi đến một điểm đến mới?
Khoai Lang Thang: Mọi người thường nghĩ tôi sẽ phải lên một danh sách chi tiết về những việc cần làm, những nơi cần đi cho chuyến hành trình trải nghiệm của mình. Tuy nhiên, thực tế khi đi du lịch, tôi thấy bản thân chỉ cần biết một nửa thôi.
50% mình cần biết là những kinh nghiệm để có thể sinh tồn ở điểm trải nghiệm, như: địa điểm ăn uống, nghỉ ngơi và chi phí sinh hoạt… cũng như những điều nên hoặc không nên làm ở địa phương, quốc gia đó để mình hiểu hơn về văn hóa của họ, tránh xảy ra những tình huống khó xử.
Một nửa còn lại là để bản thân tự do khám phá. Khi tôi đến một nơi mà bản thân cảm giác thấy thú vị, tôi có thể nán lại đó lâu hơn. Như khi đến một đất nước hay một thành phố nào đó, khi đi ngang qua một cái chợ trời, tôi sẵn sàng dành nửa ngày ở nơi đó để đi lang thang, quan sát và ăn những món mà bản thân chưa biết tới.
Quan điểm của tôi là nên cho bản thân một khoảng không để có thể tự do trong hành trình trải nghiệm của chính mình.
NĐT: Nhìn lại năm 2023, anh có thể chia sẻ về một chuyến đi hoặc một kỷ niệm trong công việc mà bản thân cảm thấy thú vị hoặc đáng nhớ nhất không?
Khoai Lang Thang: Hành trình tôi nhớ nhất trong năm 2023 chính là chuyến đi Ký sự bản Phùng (Hà Giang). Đó là hành trình mà tôi cùng với những người em, những người bạn về lại bản Phùng sau 4-5 năm.
Lần trở lại này, tôi có rất nhiều ngày ở đó, được nấu ăn cho các em nhỏ, được đi chơi, được tìm hiểu về cuộc sống của gia đình của các em, của bản Phùng và học được rất nhiều bài học khác nhau. Khi dựng và xem những thước phim, tôi lại thấy rất nhiều cảm xúc ùa về. Đặc biệt, khi đọc những bình luận từ những người xem chuỗi 7 clip, tôi không nghĩ là mọi người có thể đồng cảm với mình nhiều như vậy. Điều đó khiến tôi cảm thấy hạnh phúc.
Lý do lớn nhất để tôi trở lại bản Phùng là vì còn nợ các em một lời hứa quay trở về. Tuy nhiên, điều khiến tôi tiếc nuối nhất là không thể quay trở lại sớm hơn do guồng quay công việc. Nếu tôi quay lại sớm hơn thì có lẽ đã giúp được em Khánh trong clip không phải nghỉ học giữa chừng, sẽ có nhiều thứ tốt hơn mà bản thân tôi có thể làm được.
NĐT: Ký sự bản Phùng gợi cho người xem nhiều về câu chuyện trách nhiệm của người trẻ với cộng đồng, với xã hội. Anh nghĩ như thế nào về vấn đề này?
Khoai Lang Thang: Theo tôi, trách nhiệm của người trẻ với xã hội không có nghĩa là phải làm những điều quá lớn lao hay đao to búa lớn. Quan trọng là không làm gì sai trái, đóng góp những điều tích cực, tốt đẹp cho xã hội tùy vào sức của mình.
Làm việc tốt, từ những điều nhỏ nhoi cũng có thể tạo ra cảm hứng, lan tỏa giá trị đến mọi người, đến xã hội. Đó cũng là cách giúp cho xã hội ngày càng tích cực hơn. Người trẻ, hãy sống hết mình, dám nghĩ, dám làm, dám đi, dám thử, dám sống, dám cống hiến hết mình.
NĐT: 5 năm kể từ khi bắt đầu làm Youtuber, bắt đầu bằng những bỡ ngỡ và trải qua nhiều chặng hành trình. Để trở thành Khoai Lang Thang của hiện tại, đã bao giờ anh “chùn chân mỏi gối”, nghĩ đến việc không đi nữa? Dự định trong năm tới của anh là gì?
Khoai Lang Thang: Tôi từng suy sẽ dừng chân ở một nơi nào đó yên bình, chọn một nơi để sống qua ngày, không đi đây đó nhiều nữa. Nhưng đó chỉ là những cảm xúc nhất thời. Phần lớn thời gian còn lại, tôi vẫn mong muốn có thể được khám phá nhiều hơn. Vì tôi thấy mình còn trẻ, còn rất nhiều nơi trên thế giới này vẫn chưa được biết tới. Khi tình cờ nhìn thấy một địa điểm, bản thân tôi vẫn rất háo hức, mong chờ được đặt chân tới nơi đó.
Dẫu vậy, cảm xúc thì không bị ràng buộc bởi một nguyên tắc nào trong cuộc sống cả. Mỗi lúc cảm xúc sẽ mỗi khác, không thể nói trước được điều gì. Có thể đam mê đối với những chuyến đi trải nghiệm của tôi sẽ đổi khác trong vài năm tới. Nhưng đối với tôi, quan trọng nhất vẫn là bản thân sẽ làm gì và sống ra sao ở hiện tại.
Về dự định trong năm tới, mình muốn được làm về hành trình đến miền Tây. Lý do là bởi tôi sinh ra và lớn lên ở miền Tây. Suốt 18 năm đó, trước khi lên Tp. HCM học tập, tôi chỉ ở quanh nhà, quanh tỉnh, có ít cơ hội được biết nhiều về cuộc sống của con người miền Tây.
Tôi dự định sẽ làm theo một góc nhìn khác, có thể là đi bằng ghe xuồng, bằng đường sông, hoặc là có thể tìm những người lớn tuổi để học hỏi về những món ăn gần như bị thất truyền chẳng hạn.
NĐT: Hiện nay, có rất nhiều bạn trẻ yêu thích chủ nghĩa xê dịch, mong muốn được trải nghiệm nhiều nơi nhưng lại gặp khó khăn về tài chính. Anh có thể dành lời khuyên đến các bạn được không?
Khoai Lang Thang: Việc đi du lịch mà không có kinh phí quả thực là điều khó khăn. Bởi nếu không có tài chính nhưng vẫn muốn đi du lịch thì sẽ có nhiều rủi ro. Ngoài ra, sự hạn hẹp về tài chính cũng có thể khiến thiếu đi những trải nghiệm thú vị trong chuyến đi.
Có thể bạn đam mê du lịch nhưng theo tôi, ít nhất cũng cần thời gian để tích lũy, ít nhất, phải có một công việc để kiếm thu nhập. Hoặc có thể làm công việc tự do (freelancer) để không bị gò bó, cố định về thời gian và nơi làm việc để có thể vừa đi du lịch vừa làm việc.
Bản thân tôi khi còn là sinh viên cũng đã từng như vậy. Tôi đi làm thêm, còn thừa ít tiền thì đi du lịch, tôi nghĩ ai cũng từng trải qua giai đoạn như thế, không cần suy nghĩ quá nhiều.
Tuy nhiên, khi đã có đủ vốn sống, tôi nhận thấy tầm quan trọng của việc cân đối tài chính hợp, phải làm sao để mình có khoản tiền sử dụng vào những mục đích khác, để cho cuộc sống của riêng mình.
NĐT: Kể từ khi dấn thân vào hành trình trải nghiệm ẩm thực, du lịch, đến nay anh đã có rất nhiều những chuyến đi cả trong và ngoài nước. Anh đánh giá thế nào về du lịch Việt Nam hiện tại?
Khoai Lang Thang: Tôi cảm thấy du lịch Việt Nam đang ở một bước chuyển tiếp. Vài năm trước, mọi người sẽ hay thấy báo đài nói du lịch Việt Nam chủ yếu khai thác những điều kiện tự nhiên, những cảnh đẹp có sẵn.
Tuy nhiên, hiện tại các bạn trẻ, những công ty du lịch đã bắt đầu sáng tạo hơn khi làm du lịch đào sâu về văn hóa, về con người và đưa những người dân địa phương vào trong chuỗi cung ứng du lịch.
Tôi cảm thấy chỉ là khoảng vài năm nữa thôi, du lịch Việt Nam ở mức độ khác hẳn so với bây giờ. Mọi thứ như giá cả, sự đa dạng ẩm thực, cảnh đẹp hay dịch vụ tại nước ta đều đang tốt lên từng ngày.
NĐT: Hiện tại, anh đang quảng bá hình ảnh, văn hoá đất nước qua nền tảng số. Vậy đâu những lợi thế của nền tảng này trong quá trình quảng bá văn hoá du lịch Việt Nam?
Khoai Lang Thang: Dù là mạng xã hội hay những kênh truyền hình truyền thống thì mục tiêu duy nhất vẫn là giúp cho mọi người tiếp cận được với văn hoá, du lịch Việt Nam một cách chân thực, khách quan và rõ nét nhất.
Quảng bá qua nền tảng số có một lợi thế rất lớn đó là không phải tốn quá nhiều chi phí để mang hình ảnh Việt Nam đến với du khách trong và ngoài nước.
Trước đây, nếu muốn tìm hiểu về văn hoá, ẩm thực, du lịch của một vùng đất nào đó, mọi người phải đi đến những hội chợ về du lịch, hoặc phải tổ chức rất nhiều cuộc hội nghị trực tiếp. Tuy nhiên hiện tại, để quảng bá du lịch thì chỉ cần có những bạn sáng tạo nội dung hay và đăng tải lên những nền tảng mạng xã hội.
Kể cả những bạn trẻ không cần quá chuyên nghiệp, chỉ với một chiếc điện thoại, các bạn cũng có thể sáng tạo ra rất nhiều những thước phim du lịch hay để truyền tải về hình ảnh đất nước con người Việt Nam đến đông đảo mọi người trên thế giới.
NĐT: Đất nước ta hiện nay vẫn còn những cảnh đẹp chưa được nhiều người biết đến. Theo anh, có những cách nào để đẩy mạnh quảng bá văn hoá, du lịch Việt Nam đến đông đảo mọi người, nhất là thông qua nền tảng số?
Khoai Lang Thang: Đặt tâm lý là người du lịch, trải nghiệm, đến bất kỳ nơi đâu, dù có đẹp đến đâu thì du khách cũng cần những dịch vụ kèm theo như nơi lưu trú, ăn uống và các dịch vụ kèm theo. Như vậy mới có thể giúp du khách trải nghiệm được trọn vẹn văn hóa, ẩm thực địa phương.
Theo tôi, đó là những thứ cần làm để quảng bá du lịch Việt. Phải làm sao để du khách có lòng tin, sự thoải mái khi đến với mỗi địa điểm du lịch. Đồng thời, hạ tầng giao thông, đường đi tới những điểm du lịch phải không quá khó khăn, dễ tiếp cận. Du lịch muốn phát triển bền vững thì cần phải hiểu được thế mạnh của địa phương như kết hợp với nông nghiệp, nông sản,...
Để làm được điều này, phải có sự chung tay từ nhiều phía, từ cơ quan quản lý Nhà nước tới người dân địa phương trong việc đầu tư khai thác du lịch.
NĐT: Cảm ơn những chia sẻ của anh!
NGUOIDUATIN.VN |