img

Mới đây, dự án cầu Trần Hưng Đạo bắc qua sông Hồng được UBND Thành phố Hà Nội chấp thuận chủ trương đầu tư theo hình thức BOT với tổng kinh phí 8.900 tỷ đồng (gấp đôi cầu Thanh Trì, gấp 3 cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 1). Dự án cầu chính dài 800 mét, 6 làn xe, tính cả cầu chính và đường dẫn dự án là 5,5 km.

Hiện, có 3 phương án kiến trúc xây dựng cầu, gồm “Người chủ soái” (phương án 1); “Cánh hạc bay” (phương án 2); “Xứ Đông Dương” (phương án 3), trong đó phương án 3 được hội đồng tư vấn cho số điểm cao nhất.

Cầu có tiến độ đề xuất thi công từ năm 2022 đến 2025, thời gian hoàn vốn BOT xây dựng cầu là 20 năm.

img

Tuy nhiên, sau khi thông tin về việc triển khai Dự án cầu Trần Hưng Đạo được công bố có nhiều ý kiến trái chiều. Trước vấn đề này, Người Đưa Tin đã tổ chức toạ đàm: “Cầu Trần Hưng Đạo - Những câu hỏi cần giải đáp”.

img

TS. KTS Trần Quốc Bảo (Giảng viên Khoa Kiến trúc và Quy hoạch, đại học Xây dựng) cho hay: “Tôi không nói về mặt kết cấu, tôi chỉ đề cập đến mặt kiến trúc. Tại sao phương án cầu Nhật Tân, Thanh Trì, Vĩnh Tuy không được mọi người quan tâm nhiều như khi đưa ra dự án cầu Trần Hưng Đạo. Vì những cây cầu đó khá xa trung tâm Thủ đô.

Cho nên, với những cây cầu đó chỉ mang chức năng của một cây cầu. Còn cầu Trần Hưng Đạo nằm gần trung tâm thì lại khác. Trước tiên, cây cầu này vẫn đảm bảo chức năng là một cây cầu nhưng còn phải đảm bảo về kiến trúc.

img

Chúng ta đều biết những cây cầu ở trung tâm trên thế giới đều có một kiến trúc đẹp, thậm chí trở thành một biểu tượng của đô thị. Nhưng ở đây, phương án xây cầu này theo tôi là dở. Tôi thấy với phương án được chọn xứ Đông Dương không tuân thủ nguyên tắc kiến trúc Đông Dương.

Và điều thứ 2 khiến tôi phản đối mạnh mẽ phương án này là tại sao thế kỷ 21 mà lại thiết kế cầu theo phong cách hoài cổ. Chúng ta đưa ra một phương án thiết kế đi lùi trong khi nhẽ ra phải đi lên.

Cầu Trần Hưng Đạo ở trung tâm thì nhẽ ra phải đánh dấu điều gì đó của thế kỷ 21. Để khi nhìn vào có thể trở thành một biểu trưng của đô thị, thậm chí có thể trở thành một biểu tượng mới như cây cầu Long Biên trước kia”.

img

Đồng tình với quan điểm trên, TS toán học Nguyễn Ngọc Chu cũng cho rằng: “Cầu Trần Hưng Đạo không riêng chỉ là một cái cầu mà còn là một công trình văn hóa, là bộ mặt kiến trúc quan trọng của Thủ đô”.

img

Ngoài kiến trúc, điều khiến ông Chu quan tâm chính là kinh tế. “Giá thành cầu rất quan trọng. Đặc biệt, cây cầu này được đầu tư theo hình thức BOT. Với tôi, ở phương diện là một công dân, tôi không đón chào BOT với cây cầu ở Hà Nội.

“Cầu này là cầu thương mại. Chính vì vậy, vấn đề phải đối mặt chính là giá cả và việc giá cả không đúng sự thật. 100 năm trước, khi người Pháp xây dựng cầu Long Biên, họ dự kiến 6.200 ngàn franc và khi xây dựng xong hầu như không thay đổi. Còn với cầu Vĩnh Tuy, dự kiến 3.600 tỷ lên 5.500 tỷ. Và chúng ta sẽ đối mặt với cái đó.

Cuối cùng, người dân sẽ phải trả tiền cho việc kinh phí tăng so với dự kiến. Cho nên, cần phải xây đúng, xây tốt và xây đúng giá thì sẽ được người dân đón chào”, vị TS toán học này cho hay.

img

Ông Chu cho rằng, giá cả xây dựng cầu là một chuyện rất quan tâm. Và chúng ta cứ theo cái đà BOT khắp mọi nơi như thế này rất nguy hiểm. BOT là cần trong giao thông vận tải và cũng cần trong cổ phần hóa. Tuy nhiên, với dự án này, tôi phản đối BOT và cần phải tìm phương án làm thế nào xây được cầu mà không cần BOT.

Về vấn đề giá cả của cây cầu, KTS Trần Quốc Bảo không đi sâu vào đắt hay rẻ, hoàn toàn có thể đồng ý với việc đầu tư một cây cầu đắt nhưng phải để lại một di sản. “Tp. Hà Nội không nên tiếc tiền cho cây cầu Hà Nội”, ông Bảo nói.

img

Ths. Nguyễn Minh Dũng - Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty Tư vấn thiết kế Giao thông vận tải (TEDI) - đơn vị đưa ra phương án thiết kế kiến trúc cầu Trần Hưng Đạo cho hay: “Việc ước toán tổng mức đầu tư cây cầu đã có tham khảo theo quy định, không quá lớn mà cũng không thấp, thấp thì nguy hiểm. Chúng tôi đã tham khảo công trình tương tự của Bộ Xây dựng. Hiện nay, vốn của Hà Nội và các tỉnh thành gặp khó khăn. Quan điểm xã hội hóa hiện nay là đúng đắn, BOT là đúng đắn”.

img

Ông Dũng nhấn mạnh, để có cầu đi, giải quyết bài toán ùn tắc, tai nạn giao thông và thậm chí chi phí do ùn tắc, ô nhiễm môi trường cần cân nhắc nguồn vốn. Nếu ngân sách đáp ứng được thì tốt quá. Tuy nhiên, trong bối cảnh nguồn lực hiện nay khó khăn, có nhiều hạng mục cấp thiết ở Hà Nội nên cần xem xét hài hòa hình thức đầu tư.

Ông Bảo nhận định rằng, nếu đầu tư BOT, đất bên kia sông sẽ nổi như sóng cồn, nhà đầu tư sẽ thu lại vốn từ việc đó. Chủ đầu tư không quan tâm về phí lắm, phí chỉ là một phần thôi.

Cũng về vấn đề này, ông Chu cho rằng, kể cả với hình thức đầu tư BOT, người dân luôn sẵn sàng trả tiền nhưng chúng tôi muốn trả đúng giá.

Mặc dù, ông Chu không phản đối mở rộng kêu gọi đầu tư, người dân không phản đối trả tiền nhưng phản đối BOT. Có nhiều nguồn để huy động tiền có thể xây dựng được cầu.

img

Ngoài vấn đề về kiến trúc và hình thức đầu tư cây cầu Trần Hưng Đạo, ông Chu cho rằng, chính sách và sự quan tâm đánh giá trong việc xây dựng cây cầu chưa được đúng. Việc xây dựng cây cầu này cần làm với một trái tim bởi đây không chỉ là một cây cầu mang chức năng của nó mà còn là một công trình văn hóa, là công trình người dân phải trả tiền nên phải căn cơ trên đồng bạc của mọi người.

P.L

img

NGUOIDUATIN. |