Một chiếc lò nung đang cháy đỏ rực tại nhà máy thủy tinh Arc International, miền Bắc nước Pháp. Công nhân nhà máy đang nạp cát vào lò. Dưới nhiệt độ đến 1.500 độ C, cát từ từ kết thành một khối nóng chảy.
Gần đó, các loại máy móc chuyên dụng đã biến khối chất lỏng không hình dạng thành hàng nghìn chiếc ly đựng rượu tinh xảo, được dùng trong các nhà hàng và nhiều gia đình trên toàn thế giới.
Biểu đồ cho thấy sự biến động trong tỉ trọng nhập khẩu khí đốt tự nhiên của EU từ Nga. Nguồn Eurostat. Đồ họa NYT
Trong nhiều năm, nhờ nguồn năng lượng giá rẻ, công ty gần 200 năm tuổi này đã trở thành nhà sản xuất đồ dùng bàn ăn bằng thủy tinh lớn nhất thế giới.
Những tưởng những chiếc lò thổi thủy tinh như vậy sẽ mãi đỏ lửa. Nhưng tác động của việc nguồn cung khí đốt Nga sang châu Âu bị cắt giảm đang được cảm nhận rõ nét trên khắp “lục địa già”. Khủng hoảng nguồn cung năng lượng đã khiến hoạt động sản xuất và kinh doanh của các doanh nghiệp châu Âu bị đe dọa.
Giá năng lượng tăng nhanh đến mức ông Nicholas Hodler, CEO của Arc International, đã phải sửa các dự báo kinh doanh của công ty 6 lần trong vòng 2 tháng qua, và yêu cầu khoảng 1/3 trong tổng số 4.500 công nhân nghỉ luân phiên để tiết kiệm chi phí.
Trong số 9 lò thổi thủy tinh của Arc International, 4 lò sẽ bị đặt vào chế độ chờ, trong khi những lò còn lại đang hoạt động sẽ không còn được cấp nhiệt bằng khí đốt tự nhiên, mà phải chuyển sang dầu diesel, một loại nhiên liệu rẻ hơn nhưng gây ô nhiễm hơn.
Các tháp giải nhiệt tại nhà máy nhiệt điện than ở Neurath, Đức, tháng 4.2022. Ảnh NYT
“Đó là tình huống kịch tính nhất mà chúng tôi từng gặp phải”, ông Hodler chia sẻ. “Đối với những doanh nghiệp sử dụng nhiều năng lượng như chúng tôi, tình hình rất nghiêm trọng”.
Nhà sản xuất đồ thủy tinh hàng đầu thế giới ở Pháp không phải là trường hợp cá biệt. Việc giá năng lượng tăng cao đang ảnh hưởng đến hệ thống công nghiệp toàn châu Âu, buộc các nhà máy phải nhanh chóng cắt giảm sản lượng và khiến hàng chục nghìn lao động mất việc.
Tất cả đang góp phần làm tăng nguy cơ suy thoái kinh tế ở châu Âu. Sản xuất công nghiệp trong Khu vực đồng Euro (Eurozone) đã giảm 2,3% trong tháng 7 so với cùng kỳ năm trước, mức giảm mạnh nhất trong hơn 2 năm qua.
Một chiếc máy xúc trên công trường xây dựng cơ sở lưu trữ khí đốt và tái khí hóa của tập đoàn Uniper SE ở Wilhelmshaven, Đức. Ảnh Bloomberg
Các nhà sản xuất kim loại, giấy, phân bón và các sản phẩm khác cần nhiều khí đốt và điện để chuyển đổi nguyên liệu thô thành các sản phẩm, từ cửa xe hơi đến hộp bìa các tông, đã thông báo “thắt lưng buộc bụng” đối với tiêu thụ năng lượng.
Theo Cơ quan Thương mại Kim loại Màu - Eurometaux, khoảng một nửa công suất sản xuất nhôm và kẽm trên toàn châu Âu đã bị cắt giảm.
Đầu tháng 9, nhà sản xuất thép lớn nhất thế giới ArcelorMittal cho biết, họ sẽ cắt giảm sản lượng ở Đức, Ba Lan và Tây Ban Nha bằng cách cho ngừng hoạt động một lò cao ở mỗi nước.
Alcoa, nhà sản xuất các sản phẩm nhôm toàn cầu, đang cắt giảm 1/3 sản lượng tại nhà máy luyện kim của mình ở Na Uy.
Chính phủ của Thủ tướng Anh Liz Truss đã công bố kế hoạch cắt giảm thuế táo bạo nhằm vực dậy nền kinh tế của xứ sở sương mù. Ảnh University of Hull
Tại Hà Lan, Nyrstar, nhà sản xuất kẽm lớn nhất thế giới, đang tạm dừng sản xuất cho đến khi có thông báo mới.
Aluminium Dunkerque, nhà sản xuất nhôm lớn nhất của Pháp, đang có kế hoạch cho nghỉ việc một phần trong tổng số 620 công nhân của mình và cắt giảm hơn 20% sản lượng do chi phí năng lượng mà công ty phải chi trả có thể tăng gấp 4 lần trong thời gian tới.
“Thời gian chúng tôi dành để giải quyết các vấn đề năng lượng đã tăng gấp 10 lần”, ông Guillaume de Goÿs, CEO của Aluminium Dunkerque, cho biết. “Chúng tôi hy vọng cuộc khủng hoảng chỉ diễn ra trong thời gian ngắn. Nhưng nếu nó kéo dài, ngành công nghiệp châu Âu sẽ gặp rắc rối rất lớn”.
Electricite de France SA (EDF) là nhà vận hành điện hạt nhân hàng đầu thế giới, với 56 lò phản ứng ở Pháp. Ảnh Bloomberg
Tác động của việc sản lượng tại các nhà máy ở châu Âu suy giảm có thể được cảm nhận trên toàn chuỗi cung ứng. Các nhà sản xuất ô tô điêu đứng vì tác động trực tiếp từ sự phụ thuộc của họ vào khí đốt để cung cấp điện và nhiệt, và tác động gián tiếp thông qua các vấn đề trong chuỗi cung ứng.
Volkswagen AG, tập đoàn sản xuất xe hơi đa quốc gia của Đức, cho biết họ đang tích trữ các sản phẩm như cửa sổ và kính chắn gió, vì lo sợ rằng tình trạng thiếu khí đốt sẽ khiến các nhà sản xuất kính phải đóng cửa.
Không chỉ các ngành công nghiệp nặng, khủng hoảng năng lượng mang đến đòn giáng thậm chí còn nặng nề hơn đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, vốn được coi là xương sống của nền kinh tế châu Âu.
Thủ tướng Anh Liz Truss và các thành viên Nội các. Ảnh Getty Images
Theo ước tính của hãng bảo hiểm Allianz (Đức), đà tăng của giá khí đốt tự nhiên trong năm nay sẽ bào mòn khoảng 150 tỷ USD lợi nhuận trước thuế và các chi phí khác ở nhóm công ty vừa và nhỏ của châu Âu trong lĩnh vực sản xuất, đặc biệt là sản xuất hàng tiêu dùng, bao gồm giấy, bột giấy, hóa chất, thực phẩm và đồ uống (F&B) cũng như hàng dệt may.
Hãng giấy vệ sinh Hakle, một thương hiệu gia dụng ở Đức được thành lập cách đây gần 100 năm, đã đệ đơn xin phá sản hồi đầu tháng 9.
Biến gỗ thành giấy là một quy trình cực kỳ thâm dụng năng lượng. Hakle cần 60.000 mWh khí tự nhiên và 40.000 mWh điện hàng năm chỉ để vận hành dây chuyền tại một nhà máy của họ ở Düsseldorf, miền Tây nước Đức. Việc năng lượng và nguyên liệu thô đua nhau tăng giá chóng mặt đã đẩy thương hiệu lâu đời này vào cảnh khốn cùng.
Những chiếc đĩa thủy tinh được nhìn thấy trên dây chuyền sản xuất trong nhà máy của Arc International, nhà sản xuất đồ dùng bàn ăn bằng thủy tinh lớn nhất thế giới. Ảnh NYT
Tại Italy và Bồ Đào Nha, hầu như tất cả các nhà máy dệt do tư nhân điều hành đã hủy bỏ mục tiêu sản xuất phục vụ cho mùa lễ hội chính cuối năm (Giáng sinh). Một số công ty đã chủ động cắt giảm sản lượng để tiết kiệm khí đốt bằng vận hành các lò hơi ít ngày hơn trong tuần hoặc cho nhân viên nghỉ hè dài hơn bình thường.
Ông Mário Jorge Machado, một doanh nhân 60 tuổi, đang sử dụng 320 lao động trong lĩnh vực kinh doanh dệt may ở gần thành phố Porto, miền Bắc Bồ Đào Nha.
Công ty Adalberto Estampados của ông chuyên nhuộm các loại vải mà cuối cùng được dùng để sản xuất quần áo của các thương hiệu như Hugo Boss và Moschino. Ông cho biết, chi phí khí đốt, rất cần thiết cho quá trình hấp và sấy vải, đã tăng gấp hơn 10 lần so với cách đây một năm.
Ông Thomas Kattnig, Thành viên Ủy ban Kinh tế và Xã hội Châu Âu, cho rằng cuộc khủng hoảng năng lượng là chất xúc tác cho quá trình chuyển đổi năng lượng. Ảnh Dreamstime
Chi phí năng lượng leo thang đang khiến doanh nghiệp của ông Machado chịu thua lỗ trên “từng mét vải” sản xuất ra.
Một số ngành công nghiệp khác cũng lo lắng họ sẽ bị tụt lại phía sau nếu nguồn cung khí đốt cạn kiệt và chính phủ các nước châu Âu buộc phải phân loại ngành công nghiệp nào được phép tiếp tục sử dụng khí đốt.
Giống như phần còn lại của châu Âu, Vương quốc Anh đang vật lộn với cuộc khủng hoảng chi phí năng lượng.
Anh dễ bị ảnh hưởng bởi sự biến động giá khí đốt quốc tế hơn một số quốc gia châu Âu khác, vì nước này nhập khẩu hơn 50% khí đốt tự nhiên - mặc dù phần lớn từ Na Uy chứ không phải Nga.
Cuộc khủng hoảng năng lượng lần này đã chứng tỏ an ninh năng lượng của “xứ sở sương mù” mong manh như thế nào.
Thủ tướng Đức Olaf Scholz phát biểu tại hội nghị của hiệp hội sử dụng lao động (BDA), ngày 13.9.2022. Ảnh DW
Quá trình tư nhân hóa trong những năm 1980-1990 ở nước này đã dẫn đến tình trạng thị trường năng lượng bị phân mảnh, phụ thuộc quá nhiều vào thị trường ngắn hạn và nguồn dầu khí nhập khẩu. Việc giá năng lượng cao ngút trời đã khiến gần 30 nhà cung cấp năng lượng ở Anh vỡ nợ kể từ mùa hè năm ngoái.
Các công ty năng lượng lớn đang từ chối cung cấp cho các doanh nghiệp nhỏ vì lo ngại khách hàng của họ có thể phá sản trước khi kịp trả tiền, trong khi một số nhà cung cấp năng lượng khác đang yêu cầu khách hàng doanh nghiệp phải “đặt cọc” trước.
Bà Teresa Hodgson, chủ quán rượu Green Man nổi tiếng ở làng Denham, ngay bên ngoài phía Tây thủ đô London, được nhà cung cấp năng lượng của bà là công ty SSE Plc yêu cầu phải đặt trước khoản tiền 10.000 Bảng Anh vì họ “không cho rằng nhiều quán rượu có thể vượt qua mùa đông năm nay”.
Chính phủ các nước châu Âu đang phải vật lộn để bảo vệ người dân và doanh nghiệp khỏi giá năng lượng cao ngất trời. Ảnh EPA
“Thị trường đang làm khó cho lĩnh vực nhà hàng - khách sạn. Chúng tôi cần chính sách về giới hạn giá năng lượng trước khi cuộc khủng hoảng này buộc các quán rượu và các doanh nghiệp khác trên toàn quốc phải đóng cửa”, bà Emma McClarkin, người đứng đầu Hiệp hội Bia và Quán rượu của Anh (BBPA), cho biết.
Cuối tháng 9, chính phủ của Thủ tướng Anh Liz Truss đã công bố hỗ trợ cho các hộ gia đình, doanh nghiệp và các tổ chức thuộc khu vực công đối mặt với hóa đơn năng lượng tăng cao.
Một máy thổi thủy tinh trong nhà máy của Arc International, nơi các lò nung phải được đỏ lửa 24 giờ một ngày. Ảnh NYT
Thông qua một chương trình mới về cứu trợ hóa đơn năng lượng (EBRS), chính phủ Anh sẽ giảm giá điện và khí đốt bán buôn cho tất cả các khách hàng không phải hộ gia đình (bao gồm doanh nghiệp, các tổ chức từ thiện, và các đơn vị thuộc khu vực công như trường học và bệnh viện).
Khoản cứu trợ sẽ giúp chiết khấu giá bán buôn được tích hợp vào các hợp đồng năng lượng cho doanh nghiệp bằng cách đóng băng giá năng lượng ở mức gần với mức tính cho các hộ gia đình, tương đương mức chiết khấu khoảng 50% cho các doanh nghiệp gần đây đã chốt hợp đồng của họ.
Những nỗ lực này là một phần của gói cứu trợ trị giá 40 tỷ Bảng Anh của bà Truss để ứng phó với cuộc khủng hoảng năng lượng, vốn đã khiến chi phí vận hành các nhà máy và duy trì hoạt động các cửa hàng trên khắp Vương quốc Anh bị đội lên rất nhiều lần.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen phát biểu trước Nghị viện Châu Âu ở Strasbourg, Pháp, ngày 14.9.2022. Ảnh Getty Images
Kế hoạch cứu trợ trên sẽ được triển khai vào tháng 10, kéo dài 6 tháng, và có thể được gia hạn. Như vậy, các khoản tiết kiệm sẽ được nhìn thấy lần đầu tiên trong các hóa đơn tháng 10, thường được nhận vào tháng 11.
Ngoài việc “hành động ngay lập tức” để hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua mùa đông năm nay và bảo vệ việc làm cũng như sinh kế của người dân, Thủ tướng Truss cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải thúc đẩy phát triển các nguồn năng lượng “của nhà trồng được” như phong điện để khắc phục nguyên nhân gốc rễ của cuộc khủng hoảng và đảm bảo an ninh năng lượng cho nước Anh.
Để tài trợ cho chương trình này, thay vì đánh thuế bạo lợi đối với các công ty hưởng lợi trong cuộc khủng hoảng năng lượng này, bà Truss chọn cách tăng các khoản vay của chính phủ. Điều này có thể khiến các nhà đầu tư lo ngại rằng tài chính của đất nước không bền vững, làm dấy lên nguy cơ các nhà đầu tư bán phá giá đồng bảng Anh, vốn đã giảm xuống mức thấp nhất trong 37 năm qua.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen phát biểu trước Nghị viện Châu Âu ở Strasbourg, Pháp, ngày 14.9.2022. Ảnh Independent.ie
Với cách tiếp cận khác, Đức có thể thu được khoảng 10 tỷ Euro từ khoản “bạo lợi” (doanh thu quá mức) của các công ty năng lượng hưởng lợi từ những gián đoạn thị trường.
Theo Bộ trưởng Tài chính Đức Christian Lindner, khoản tiền này sẽ bổ sung cho gói cứu trợ trị giá 65 tỷ Euro mà chính phủ Đức công bố trong tháng 9, nhằm giúp người dân và doanh nghiệp của nước này đối phó với tình trạng giá năng lượng leo thang.
Ông Lindner, người đứng đầu Đảng Dân chủ Tự do (FDP) thân thiện với doanh nghiệp, cho biết cam kết không áp thuế mới của ông vẫn được giữ nguyên vì khoản “bạo lợi” thu được sẽ được phân phối lại bằng cách đảo ngược một cơ chế trước đây về trợ cấp năng lượng tái tạo thông qua hóa đơn điện. Khoản thuế đó đã kết thúc vào tháng 7 vừa qua để tránh tạo gánh nặng cho các hộ gia đình.
Khoảng một nửa trong số 200 công ty ở Anh được Make UK khảo sát cho biết hóa đơn tiền điện của họ đã tăng hơn 100_ trong 12 tháng qua. Ảnh PA
Nền kinh tế lớn nhất châu Âu đang là trung tâm của cuộc khủng hoảng năng lượng của lục địa này khi Nga cắt giảm nguồn cung khí đốt, dường như là để trả đũa các lệnh trừng phạt theo sau xung đột ở Ukraine. Mối lo ngại ngày càng gia tăng rằng Đức có thể đối mặt với làn sóng phá sản do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng.
Đối với các công ty năng lượng buộc phải trả nhiều hơn do nguồn cung từ Nga bị cắt giảm, chính phủ Đức có kế hoạch cung cấp gói bảo lãnh vay vốn trị giá 67 tỷ Euro được thực hiện thông qua Ngân hàng Tái thiết Đức (KfW).
“Chúng tôi đã mở rộng lá chắn bảo vệ cho các công ty bị ảnh hưởng”, Thủ tướng Đức Olaf Scholz cho biết trong một bài phát biểu tại hội nghị của hiệp hội sử dụng lao động (BDA) hồi đầu tháng 9 ở Berlin, đồng thời trấn an ngành công nghiệp Đức rằng chính phủ đang làm tất cả những gì có thể để giải quyết bất kỳ vấn đề thanh khoản nào.
EU nhiều lần cáo buộc Nga vũ khí hóa xuất khẩu năng lượng để đẩy giá hàng hóa lên cao và gieo rắc sự bất ổn trong toàn khối. Moscow phủ nhận việc sử dụng năng lượng làm vũ khí. Ảnh Getty
Ông Scholz cũng cam kết sẽ cải tổ thị trường năng lượng ở Đức trước khi mùa đông ập đến, nhưng nhấn mạnh bất kỳ cải cách nào cũng sẽ được thực hiện phối hợp với Liên minh châu Âu (EU).
Ở cấp độ liên minh, Ủy ban châu Âu (EC) đề xuất huy động một phần nguồn thu từ các nhà máy điện ở châu Âu không chạy bằng khí đốt để các chính phủ chi tiêu với mục đích giúp các doanh nghiệp và người dân thanh toán hóa đơn năng lượng cao ngất ngưởng.
Theo Chủ tịch EC Ursula von der Leyen, số tiền huy động được có khả năng lên tới 140 tỷ Euro.
Cơ quan điều hành EU cũng đề xuất giới hạn giá trần bán điện là 180 Euro/mWh để các nhà máy phong điện, quang điện và điện hạt nhân có thể bán điện trong khối 27 quốc gia, và buộc các công ty điện sử dụng nhiên liệu hóa thạch (trừ khí đốt) phải chia sẻ lợi nhuận thặng dư (bạo lợi).
Quán rượu Green Man nổi tiếng ở làng cổ Denham, ngay bên ngoài phia Tây London, Vương quốc Anh. Ảnh The Guardian
Nhưng các giải pháp có thể không có tác dụng đủ nhanh. Chi phí năng lượng đã tăng vọt, vượt quá khả năng chịu đựng của nhiều nhà sản xuất. Hàng nghìn công ty châu Âu đã hết hợp đồng năng lượng cố định được ký khi giá năng lượng rẻ hơn và phải gia hạn vào tháng 10 theo giá hiện hành.
Giá điện hồi đầu năm nay, gắn liền với giá khí đốt, vào khoảng 1.000 Euro/mWh ở Đức và Pháp, trong khi giá khí đốt tự nhiên ở mức cao kỷ lục khoảng 230 Euro/mWh.
Việc cắt giảm tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch từ Nga, đồng thời với việc đảm bảo dòng năng lượng không bị gián đoạn, là một thách thức chiến lược lớn đối với an ninh năng lượng ở châu Âu.
Để phản ứng, EU và chính phủ các nước châu Âu đã can thiệp vào thị trường năng lượng bằng nhiều biện pháp khác nhau.
Nhìn xa hơn các biện pháp khắc phục ngắn hạn, một câu hỏi lớn được đặt ra: Liệu cuộc khủng hoảng năng lượng này có là cơ hội để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi năng lượng ở “lục địa già”?
Aluminium Dunkerque là nhà máy luyện nhôm chính lớn nhất châu Âu và là tài sản công nghiệp có giá trị quan trọng đối với chính phủ Pháp. Ảnh Alcircle
NGUOIDUATIN.VN |