img img

Nhân viên y tế di chuyển trong tiếng súng và pháo kích để tới nhà bệnh nhân, đỡ đẻ và chăm sóc những người không thể đến bệnh viện…

Các gia đình ăn thật ít để bảo tồn nguồn thực phẩm và nước uống đang dần cạn kiệt trong khi thời tiết khô nóng với nhiệt độ ngày một tăng…

Một số ít nhân viên thiện nguyện tốt bụng mạo hiểm giúp đỡ người già hoặc tìm cách dập các đám cháy trong bối cảnh phải đối mặt với sự đe dọa và bắt bớ của các tay súng trên đường phố…

Sudan – quốc gia nằm ở Đông Phi, Bắc giáp Ai Cập, Đông Bắc giáp biển Đỏ, Đông giáp Eritrea và Ethiopia, Tây giáp Chad, Libya và Cộng hòa Trung Phi, Nam giáp Nam Sudan – vốn đã phải đối mặt với một loạt các cuộc khủng hoảng, từ những cú sốc về thời tiết khắc nghiệt, tình trạng bất ổn chính trị-xã hội, đến giá cả lương thực leo thang, dẫn đến nghèo đói và di cư.

img

Khói đen bao phủ bầu trời thủ đô Khartoum, Sudan, ngày 20.4.2023 khi giao tranh giữa các lực lượng tiếp diễn. Ảnh iNews

Sự kình địch gần đây giữa 2 vị tướng bùng nổ thành cuộc chiến công khai tranh giành quyền lực một lần nữa đẩy Sudan chìm sâu hơn vào khủng hoảng và định hình lại cuộc sống ở một trong những quốc gia lớn nhất và có vị trí địa chính trị quan trọng nhất ở châu Phi.

img

Các cuộc đụng độ – giữa quân đội Sudan (SAF) trung thành với Tướng Abdel Fattah al-Burhan và nhóm bán quân sự hùng hậu được gọi là Lực lượng Hỗ trợ Nhanh (RSF) của Tướng Mohamed Hamdan Dagalo – đã tiếp tục bất chấp vô số các lệnh ngừng bắn được cả hai bên nhất trí.

Nằm ở trung tâm của cuộc xung đột, thủ đô Khartoum của Sudan đã phải hứng chịu những trận giao tranh ác liệt nhất, khiến các Đại sứ quán nước ngoài và Liên Hợp Quốc (LHQ) phải sơ tán công dân và nhân viên của họ, để lại hàng triệu người hiện đang phải đối mặt với tình trạng thiếu nước, thực phẩm, thuốc men và điện.

img

Mọi người chuẩn bị lên xe buýt rời Khartoum khi các trận chiến giữa các phe phái quân sự diễn ra ác liệt trong thành phố thủ đô của Sudan, ngày 19.4.2023. Ảnh The National News

“Chúng tôi ngày càng cảm thấy tuyệt vọng vì cuộc xung đột không có điểm kết thúc”, bà Tagreed Abdin, một nữ kiến trúc sư 49 tuổi, đang trú ẩn cùng 3 người con trai và chồng ở Al-Diyum, một khu phố gần Sân bay Quốc tế Khartoum, nơi diễn ra một số cuộc giao tranh ác liệt nhất.

Bà Abdin, trong cuộc nói chuyện qua điện thoại với tờ New York Times, cho biết bà dành phần lớn thời gian trong ngày để đưa đón các cậu con trai của mình từ căn hộ này sang căn hộ khác khi đạn pháo bay qua đầu. Khi mọi thứ trở nên yên tĩnh, bà cho phép lũ trẻ ngồi bên cửa sổ đang mở để thoát khỏi cái nóng thiêu đốt.

“Đó là một bi kịch vô hình”, bà nói, đồng thời cho biết thêm rằng bà bắt đầu thích tiếng ồn ào của chiến tranh hơn là sự im lặng khó chịu. “Ít nhất khi có tiếng súng, tôi biết họ sắp hết đạn”.

img

Khói bốc lên trong các cuộc đụng độ giữa lực lượng vũ trang Sudan (SAF) và lực lượng bán quân sự RSF ở thủ đô Khartoum, Sudan, ngày 5.5.2023. Ảnh Anadolu Agency

4 năm trước, Khartoum là trung tâm của một cuộc nổi dậy hứa hẹn mở ra nền dân chủ sau nhiều thập kỷ dưới chế độ độc tài ở quốc gia Đông Phi có 45 triệu dân này.

Nhưng vào tháng trước, thành phố nằm ở nơi hợp lưu của sông Nile Xanh và sông Nile Trắng, đã trở thành trung tâm của cuộc tranh giành quyền lực bạo lực giữa Tướng al-Burhan và Tướng Dagalo.

Các cuộc đụng độ đã lan sang một số thị trấn và khu vực, đồng thời diễn ra ác liệt ở Bahri và Omdurman, các thành phố liền kề Khartoum bên kia sông Nile, cùng với khu vực Tây Darfur. Chưa đầy một tháng kể từ khi xung đột bùng phát, ít nhất 600 người đã thiệt mạng và hơn 5.000 người khác bị thương, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết hôm 9/5.

Theo LHQ, cuộc xung đột đã khiến hơn 700.000 người phải di tản, và 160.000 người khác phải chạy sang các quốc gia có chung đường biên với Sudan.

Những cư dân Khartoum còn chưa chạy trốn cho biết, họ ở lại vì bị ốm, để chăm sóc người thân già yếu, hoặc thiếu hộ chiếu hoặc tiền đi lại. Những người khác, như bà Abdin, đã chọn ở lại sau khi nghe tin có người bị tấn công và cướp của trên đường, và trải qua nhiều ngày khốn khổ ở các cửa khẩu biên giới.

Tuy nhiên, bằng cách ở lại, họ bị mắc kẹt giữa hai làn đạn và đối mặt với tình hình ngày càng xấu đi trên thực địa. Hạ tầng điện nước hư hỏng. Các ngân hàng đã bị cướp phá và các máy ATM bị phá hủy.

img

Mọi người tập trung tại nhà ga để chạy trốn khỏi Khartoum, thủ đô của Sudan. Ảnh GZero Media

Mạng điện thoại và mạng Internet chập chờn, gây khó khăn cho việc liên lạc và cản trở các giao dịch banking, vốn đóng vai trò như một cứu cánh ngay lúc này. Các nhà máy và doanh nghiệp đã bị phá hủy và cướp phá, tước đi thu nhập của nhiều người trong một nền kinh tế vốn đã gặp khó khăn.

Mặc dù liên lạc với bất kỳ cư dân địa phương nào qua điện thoại là khá khó khăn, nhưng, trong cuộc phỏng vấn với New York Times, bà Abdin đã cung cấp một cái nhìn thoáng qua về những gì bà nhìn thấy trong chuyến đi ra bên ngoài căn hộ của mình lần đầu tiên kể từ khi cuộc chiến bắt đầu vào ngày 15/4.

Những con đường gần nhà bà, trước thường đông đúc người và xe cộ, giờ vắng tanh. Một tòa nhà cách nơi bà ở vài cánh cửa đã bị hư hại do pháo kích. Rác và mảnh vụn được chất đống ở một góc. Những chiếc xe taxi tập trung tại một trạm nhiên liệu để chờ đổ xăng. Một đám đông hy vọng một tiệm bánh mì sẽ mở cửa và có được chút đồ ăn lót dạ.

Một số cư dân ở Khartoum, sau chuỗi ngày dài bị mắc kẹt, bắt đầu chạy đến vùng ngoại ô của thành phố.

Cô Aya Elfatih, 33 tuổi, và gia đình gần đây đã trốn đến một ngôi làng nhỏ ở vùng ngoại ô phía Bắc Khartoum sau khi đạn bắn trúng nhà của họ khiến những mảng mái nhà rơi xuống.

img

Mọi người chờ đợi để được sơ tán gần một sân bay ở Omdurman, Sudan, ngày 26.4.2023. Ảnh Xinhua

Làm việc cho một tổ chức phi chính phủ, chỉ vài tuần trước khi giao tranh nổ ra, Elfatih vẫn đang giúp người tị nạn từ các quốc gia khác định cư tại Sudan. Giờ đây, cô và gia đình đã phải rời bỏ nhà cửa và lo sợ bạo lực sẽ lan đến vùng ngoại ô yên tĩnh này.

“Tôi chưa bao giờ tưởng tượng rằng mình sẽ sống để chứng kiến hoàn cảnh của mình trở nên như thế này”, cô chia sẻ. “Sudan xứng đáng được hưởng hòa bình. Chúng tôi xứng đáng được tốt hơn”.

img

Vài tuần trước khi xung đột bùng phát, Ahmed al-Hassan là một sinh viên y khoa ở Sudan đang thực hiện chiến dịch giúp đỡ những người tị nạn từ một quốc gia láng giềng. Nhưng kể từ khi các lực lượng của hai vị tướng đối địch giao chiến trên đường phố thủ đô Khartoum, al-Hassan buộc phải tìm đường thoát thân.

Anh bỏ lại ngôi nhà quen thuộc, những cuốn sách y khoa và giấy tờ chứng minh mình là sinh viên, chỉ nhồi nhét những thứ thiết yếu vào vali, để cùng người mẹ ốm yếu chạy trốn khỏi các cuộc không kích và pháo kích.

Sau hành trình 14 giờ trên xe buýt dọc đất nước, hai mẹ con đến thành phố cảng Port Sudan ở Đông Bắc đất nước, nơi hàng ngàn người Sudan và người nước ngoài tụ tập với hy vọng được lên tàu hoặc máy bay để rời khỏi tâm điểm xung đột.

Lẫn trong hàng dài người di tản chờ đợi để lên tàu đến Ả Rập Xê-út, một chuyến hành trình nữa kéo dài 10 giờ qua Biển Đỏ, anh al-Hassan, 21 tuổi, cho biết bản thân là một trong số ít người Sudan may mắn khi được sinh ra ở Ả Rập Xê-út và có nơi cư trú hợp pháp ở đó. Điều này cho phép anh và mẹ anh mình tiếp cận với các nỗ lực sơ tán do người của vương quốc Hồi giáo Sunni hàng đầu tiến hành và giám sát.

img

Công dân Hàn Quốc đến sân bay Jeddah của Ả Rập Xê-út bằng máy bay quân sự, ngày 24.4.2023. Ảnh Japan Times

“Đó là một cơ hội vàng”, al-Hassan nói. “Ở Port Sudan, có rất nhiều người muốn rời đi. Chỉ có khoảng 1% cơ hội như thế này xảy ra với tôi”.

Nằm ở bờ bên kia của Biển Đỏ so với Sudan, Ả Rập Xê-út là một trung tâm chính triển khai những nỗ lực sơ tán khi các quốc gia chạy đua với thời gian để đưa hàng nghìn công dân của mình ra khỏi điểm nóng xung đột.

Cho đến nay, Ả Rập Xê-út đã điều các tàu hải quân và tàu thương mại thực hiện hơn chục chuyến đi lại qua Biển Đỏ để sơ tán gần 6.000 người, trong đó chỉ có chưa đến 250 người là công dân nước họ.

Trên một con tàu hải quân khổng lồ và xám xịt, di chuyển từ Port Sudan đến Jeddah, những người được sơ tán cuộn tròn trong những chiếc túi ngủ trên sàn nhà và trên những chiếc ghế dài trong phòng, chịu đựng chứng say sóng khi con thuyền nhẹ nhàng lắc lư trên biển. Buổi sáng, họ loạng choạng ra boong tàu hít thở không khí trong lành, nơi mặt trời chiếu xuống những làn sóng xanh thẳm.

img

Người di tản từ Sudan xuống tàu khi họ đến Jeddah, Ả Rập Xê-út, ngày 30.4.2023. Ảnh Getty Images

Mặc dù những người có mặt trên thuyền đều đang tìm nơi ẩn náu an toàn, nhưng đại đa số họ sẽ không được coi là người tị nạn. Chính quyền Ả Rập Xê-út tuyên bố chỉ giúp sức trong công cuộc sơ tán khẩn cấp, trong khi chỉ những người có quốc tịch Ả Rập Xê-út hoặc cư trú hợp pháp tại vương quốc này là được tiếp nhận.

Có một lượng lớn người Sudan di cư ở Ả Rập Xê-út. Các quan chức của vương quốc này có mối quan hệ với cả 2 vị tướng đang tham chiến và coi sự ổn định của Sudan là rất quan trọng đối với an ninh khu vực.

“Chào mừng đến với vương quốc của nhân loại”, Thiếu tướng Ahmed al-Dubais, chỉ huy các lực lượng vũ trang ở khu vực phía Tây của Ả Rập Xê-út, nói với một nhóm người di tản quốc tịch Trung Quốc, Sudan và Ả Rập Xê-út khi họ đến cảng ở thành phố Jeddah hồi đầu tháng này.

Trở lại với đầu bên kia, ở Port Sudan – do quân đội Sudan kiểm soát. Nơi đây đã trở thành nơi ẩn náu của vô số thường dân khi giao tranh ác liệt tiếp diễn ở thủ đô Khartoum.

img

Người tản cư ở Port Sudan chờ được lên tàu quân sự của Ả Rập Xê-út, ngày 3.5.2023. Ảnh NY Times

Những chiếc tàu lai dắt chở đầy người di tản đang băng qua mặt nước để tới các tàu hải quân của Ả Rập Xê-út. Hàng chục đàn ông, phụ nữ và trẻ em với đôi mắt thẫn thờ lặng lẽ xếp thành hai hàng khi các binh sĩ Ả Rập kiểm tra những chiếc vali căng phồng của họ.

Tàu HMS Makkah của hải quân Ả Rập khởi hành với khoảng 200 người tản cư, trong đó có bà Rihab Mahdi, 45 tuổi, một bà mẹ 5 con người Sudan. Gia đình may mắn được lên tàu là nhờ chồng bà là một nhân viên an ninh lâu năm cho Đại sứ quán Mỹ ở Khartoum.

“Có rất ít cơ hội và rất nhiều người”, bà nói. Bên cạnh cảm giác may mắn, bà vẫn thấy buồn trong lòng khi phải rời bỏ quê nhà. “Thật khó khăn khi phải rời xa quê hương, gia đình và bạn bè của mình”, bà Mahdi chia sẻ.

Khi được hỏi tại sao Ả Rập Xê-út không thể dành thêm chỗ trên tàu cho người Sudan, Đại tá Turki al-Maliki, phát ngôn viên quân đội Ả Rập, cho biết chính quyền vương quốc đang nỗ lực hết sức, nhưng vẫn có một số yêu cầu nhất định, trong đó người già, phụ nữ và trẻ em được ưu tiên.

img

Sudan là quốc gia nằm ở Đông Phi, Bắc giáp Ai Cập, Đông Bắc giáp biển Đỏ, Đông giáp Eritrea và Ethiopia, Tây giáp Chad, Libya và Cộng hòa Trung Phi, Nam giáp Nam Sudan. Ảnh Economist

“Người Sudan đang phải đối mặt với một thảm họa nhân đạo”, Tổng Thư ký LHQ António Guterres cho biết trong một bài phát biểu tại Nairobi, Kenya. “Các bệnh viện bị phá hủy. Nhà kho nhân đạo bị cướp phá. Hàng triệu người phải đối mặt với tình trạng mất an ninh lương thực”.

Ngay cả khi đang trên đường chạy trốn, anh al-Hassan, sinh viên y khoa, cho biết suy nghĩ của anh hướng về những người kém may mắn hơn, bao gồm cả những người tị nạn Yemen và Syria đã sống ở Sudan và có thể phải một lần nữa rời bỏ nhà cửa.

Chỉ vài tuần trước, anh đang tham gia một chiến dịch giúp đỡ những người tị nạn đã trốn sang Sudan từ Ethiopia. Giờ đây, chính anh đang phải gánh trên vai trọng trách mà anh cảm thấy lớn hơn nhiều so với tuổi 21 của mình.

“Tôi cảm thấy mình có một gia đình để bảo vệ bằng mọi cách cần thiết”, al-Hassan nói. “Dù bạn không có súng, không có quyền lực, nhưng bạn có thể sử dụng tất cả những thứ bạn có và những điều bạn biết để đảm bảo an toàn cho những người thân yêu nhất của mình”.

img

Tình cảnh hiện tại ở Sudan vốn bắt nguồn từ cuộc đấu đá nội bộ giữa 2 lực lượng trung thành với Tướng al-Burhan và Tướng Dagalo.

Kể từ cuộc đảo chính quân sự vào tháng 10/2021 chấm dứt một chính phủ chuyển tiếp được thành lập sau sự sụp đổ của nhà độc tài Omar al-Bashir 2 năm trước đó, Sudan đã được điều hành bởi quân đội, với Tướng al-Burhan – thủ lĩnh cuộc đảo chính – trở thành Nguyên thủ trên thực tế của đất nước.

img

Lực lượng bán quân sự RSF, do Tướng Dagalo – người thường được biết đến với cái tên Hemedti – lãnh đạo, đã hợp tác với lực lượng vũ trang Sudan (SAF) để giúp duy trì quyền lực của quân đội.

Sau khi Tổng thống al-Bashir bị lật đổ, quá trình chuyển đổi chính trị được cho là sẽ dẫn đến các cuộc bầu cử vào cuối năm 2023, với việc Tướng al-Burhan hứa hẹn sẽ chuyển đổi sang chế độ dân sự. Nhưng có vẻ như cả ông al-Burhan và ông Dagalo đều không có ý định từ bỏ quyền lực.

Trái lại, hai vị tướng đã bị mắc kẹt trong một cuộc đấu tranh quyền lực đã trở nên bạo lực từ ngày 15/4. Kể từ đó, các thành viên của hai phe đã đấu súng ở thủ đô Khartoum cũng như các nơi khác trong nước.

Bối cảnh gần đây của bạo lực là sự bất đồng về cách thức sáp nhập RSF vào quân đội chính quy Sudan. Căng thẳng bùng lên sau khi RSF bắt đầu triển khai các thành viên trên khắp đất nước và ở Khartoum mà không có sự cho phép rõ ràng của quân đội.

Nhưng trên thực tế, bạo lực đã âm ỉ trong một thời gian ở Sudan, với mối lo ngại về việc RSF tìm cách kiểm soát nhiều hơn tài sản kinh tế của đất nước, đặc biệt là các mỏ vàng.

img

Những diễn biến ở Sudan trong tháng qua không tốt cho sự ổn định của quốc gia có diện tích lớn thứ ba châu Phi, cũng như triển vọng đối với bất kỳ quá trình chuyển đổi nào sang chế độ dân chủ.

Một điều đáng lo ngại hơn đang diễn ra ở Sudan là những xung đột nội bộ lặp đi lặp lại trong nhiều thập kỷ.

Ngược dòng lịch sử, trong nửa đầu thế kỷ 20, Đế quốc Anh và Ai Cập đã cùng cai trị Sudan, chia cắt miền Bắc và miền Nam thành 2 lãnh thổ thuộc địa riêng biệt.

Sự phân chia đó tiếp tục khi Sudan giành được độc lập vào năm 1956, với người Hồi giáo Ả Rập ở phía Bắc thống trị đất nước, xa lánh những người theo Cơ đốc giáo và các nhóm khác ở phía Nam và phía Tây.

Sudan có nhiều khác biệt về sắc tộc, ngôn ngữ và bộ lạc. Cư dân ở những vùng xa xôi của đất nước cảm thấy giới tinh hoa ở Khartoum độc chiếm các nguồn tài nguyên hạn chế của đất nước. Kết quả: Quốc gia Đông Phi đã trải qua 3 cuộc nội chiến kéo dài hơn 40 năm trong 67 năm độc lập của đất nước.

Hai cuộc nội chiến kéo dài (1955-1972 và 1983-2005) cuối cùng kết thúc bằng sự ly khai của miền Nam đất nước vào năm 2011 (hình thành quốc gia non trẻ Nam Sudan). Thêm vào đó, quốc gia này cũng chứng kiến cuộc nổi dậy đẫm máu ở Darfur (2003-2020), xung đột ở các bang Nam Kordofan và Blue Nile (2011) và xung đột sắc tộc bạo lực ở phía đông đất nước, giữa các dân tộc Nuba và Beni-Amer (từ 2019).

img

Công dân các nước khác nhau cập cảng ở Jeddah sau khi được Ả Rập Xê-út sơ tán khỏi Sudan, ngày 30.4.2023. Ảnh Zawya

Sudan cũng đã trải qua nhiều cuộc đảo chính hơn bất kỳ quốc gia châu Phi nào khác, bao gồm các cuộc đảo chính thành công vào năm 1958, 1969, 1985, 1989, 2019 và 2021, theo ông Christopher Tounsel, Phó Giáo sư Lịch sử tại Đại học Washington (Mỹ).

Vẫn chưa rõ cuộc bạo loạn mới nhất do Tướng Dagalo và RSF khởi xướng vào ngày 15/4 năm nay sẽ kết thúc như thế nào. Tuy nhiên, ông Alex DeWaal, một chuyên gia về Sudan tại Đại học Tufts (Mỹ), cho rằng cuộc đụng độ hiện tại là “vòng đầu tiên của một cuộc nội chiến” mới ở Sudan.

“Nếu không nhanh chóng kết thúc, xung đột sẽ trở thành cuộc chiến ở nhiều cấp độ khi các bên trong khu vực và quốc tế can thiệp vào để theo đuổi lợi ích, bằng cách bơm tiền, vũ khí cho hai phe, thậm chí triển khai quân đội hoặc lực lượng ủy nhiệm”, ông DeWaal nói.

Hiện các nước có ảnh hưởng ở Sudan, bao gồm Mỹ, Ai Cập và Ả Rập Xê-út, đang nỗ lực ngăn chặn xung đột leo thang bằng cách đưa hai bên giao tranh vào bàn đàm phán.

Trong khi đó, ngày càng có nhiều thường dân Sudan chạy trốn khỏi đất nước. Các cuộc giao tranh tiếp theo có thể gây ra một làn sóng tị nạn khổng lồ chạy sang các quốc gia láng giềng không được chuẩn bị sẵn sàng để xử lý một dòng người như vậy.

Thường dân luôn là những người gánh chịu hậu quả của những cuộc xung đột, bà Susan D. Page, một cựu quan chức ngoại giao Mỹ đã có nhiều năm làm việc tại Sudan, nhận định.

Bà nói: “Tôi chỉ hy vọng rằng bản thân người dân Sudan không bị lãng quên, rằng mọi người sẽ chú ý nhiều hơn đến thường dân cũng như những mong muốn của họ, chứ không chỉ tham vọng quyền lực của những kẻ có vũ trang”.

img

Hành khách xuống một chiếc máy bay của Lực lượng Không quân Tây Ban Nha tại căn cứ Torrejon de Ardoz, ngày 24.4.2023. Ảnh DW

NGUOIDUATIN.VN |