Theo báo cáo “Toàn cảnh đổi mới sáng tạo mở Việt Nam” của BambuUP, Việt Nam đang nổi lên như một trong những nền kinh tế năng động và là trung tâm phát triển cho các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.
Năm 2021, cùng với Thổ Nhĩ Kỳ (xếp thứ 41), Ấn Độ (46) và Philippines (51), Việt Nam là một trong 4 quốc gia có thu nhập trung bình được WIPO đánh giá là đang bắt kịp đà tăng chỉ số đổi mới sáng tạo của thế giới, với chỉ số đổi mới sáng tạo xếp thứ 44.
Đổi mới sáng tạo là một trong những công cụ đắc lực, tiềm năng nhất để thúc đẩy nâng cao năng suất, giúp doanh nghiệp đón đầu công nghệ mới, đưa cuộc CMCN 4.0 thành cơ hội đổi mới cho doanh nghiệp.
Chính phủ Việt Nam cũng thể hiện rõ quyết tâm, định hướng và nỗ lực hành động mạnh mẽ trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế số thông qua hoạt động ĐMST, chuyển đổi số ở các doanh nghiệp.
Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt với tầm nhìn 10 năm sẽ thay đổi toàn diện đất nước, đặt ra các mục tiêu: Việt Nam sẽ thuộc nhóm 50 nước dẫn đầu về Chính phủ điện tử, Kinh tế số đóng góp 30% GDP; năng suất lao động hằng năm tăng tối thiểu 8%; mọi người dân có cơ hội tiếp cận, trải nghiệm các dịch vụ thiết yếu thông minh, không ai bị bỏ lại phía sau.
Mục tiêu là vậy, song các doanh nghiệp, đặc biệt là hệ sinh thái khởi nghiệp - một trong những trụ cột của ĐMST nghĩ gì về mục tiêu này?
Trao đổi với Người Đưa Tin, ông Nguyễn Bá Diệp, nhà đồng sáng lập kiêm Phó Chủ tịch HĐQT Momo cho rằng, tầm nhìn của doanh nghiệp hoàn toàn tương tự như tầm nhìn của Chính phủ. Theo đó, các doanh nghiệp đều có mục tiêu phát triển nền kinh tế số ở Việt Nam, đồng thời tối ưu hoá toàn bộ hệ thống thông qua việc số hoá này.
Momo tin tưởng, cùng với những hỗ trợ của Chính phủ, tới 2030 thì GDP đóng góp bởi nền kinh tế số phải đạt tới 50%, chứ không chỉ dừng lại ở con số mục tiêu 30%.
Thực tế cho thấy, trong đại dịch, nhiều doanh nghiệp vẫn duy trì được và phát triển tốt là minh chứng rõ nhất sức mạnh của đầu tư đổi mới sáng tạo. Tuy nhiên, cần có đầu tư tạo động lực cho doanh nghiệp dám đổi mới công nghệ nhiều hơn nữa để hướng tới phát triển bền vững, đóng góp cho nền kinh tế số.
Bởi vậy, ngoài việc trở thành “kỳ lân" công nghệ, trong năm 2021, Momo cũng đã chính thức lấn sân sang lĩnh vực đầu tư mạo hiểm, qua đó, thể hiện cam kết của MoMo trong việc hỗ trợ và đầu tư vào các công ty đổi mới, sáng tạo của Việt Nam, với mong muốn sử dụng công nghệ để thay đổi cuộc sống của người Việt.
Theo ông Diệp, đầu tư mạo hiểm vào các công ty sẽ có hai cách. Như những Quỹ đầu tư, họ sẽ nghĩ nhiều đến những câu chuyện tương lai, giá trị mà các startup đem lại là gì. Mặt khác, những công ty lớn khi đầu tư vào startup, lại thường có xu hướng muốn tích hợp hệ sinh thái, họ sẽ đầu tư để có một đội ngũ làm việc cho mình.
Đầu tư vào khởi nghiệp ĐMST là một lĩnh vực rất phức tạp, số lượng startup sống sót được sau 3 năm lại không phải lớn, vậy nên việc đầu tư dù là Quỹ hay doanh nghiệp lớn đều phải xem xét rất kĩ tùy thuộc vào mục tiêu của mình.
Với Momo, bản thân là startup trong lĩnh vực tài chính, vậy nên Momo sẽ đầu tư vào những công ty liên quan đến công nghệ, tài chính và có thể giúp cho Momo phát triển mạnh, nhanh hơn.
“Bởi nếu xây dựng một mình sẽ mất rất nhiều thời gian và bị dàn trải, do đó, nếu hình thành được một hệ sinh thái, tích hợp thành một khối thì sẽ phát triển nhanh và bền vững hơn”, ông Diệp giải thích thêm.
Đầu tư là điều quan trọng giúp các công ty khởi nghiệp có thể thực hiện và phát triển ý tưởng của mình, nhưng đầu tư sao cho đúng và đạt được hiệu quả như mục tiêu đã đề ra lại không phải điều dễ nói, dễ làm.
Để có góc nhìn sâu rộng hơn về vấn đề này, Người Đưa Tin đã có cuộc trò chuyện cùng bà Trần Hoài Phương, Trưởng bộ phận đầu tư của Quỹ đầu tư mạo hiểm (VC) Wavemaker Partners.
Thực tế, đã có không ít startup tại Việt Nam kêu gọi được đầu tư và hỗ trợ từ Quỹ, doanh nghiệp lớn, thời gian đầu khi gọi vốn thì rất hoành tráng nhưng về sau lại không thể đạt được kỳ vọng ban đầu. Câu hỏi đặt ra lúc này là: Trách nhiệm thuộc về nhà đầu tư hay startup?
Theo bà Phương, trách nhiệm cho điều này thuộc cả hai, vì nhà đầu tư thì nhận định chưa chính xác và startup thì định hướng hoặc triển khai đã sai ở đâu đó, thậm chí có thể cả hai bước đều có vấn đề.
Tuy nhiên, cũng không nên quy trách nhiệm hay nặng nề hóa việc thất bại trong khởi nghiệp. Bởi nếu muốn ăn chắc và dễ dàng thì chẳng ai startup mà nên đi làm thuê, vậy VC cũng không hình thành hẳn thành một nhánh đầu tư riêng.
Mặt khác, để nói về mức độ thành bại của Quỹ trong đầu tư mạo hiểm cũng khá khó định nghĩa cụ thể, ví dụ, VC có thể thất bại 8/10 công ty nhưng chỉ cần 1-2 công ty thật thành công là có thể hoàn thành nghĩa vụ với nhà đầu tư của mình.
Song, startup founder (nhà sáng lập) thất bại thì họ cũng đã đóng góp công sức, hoài bão cho đất nước, là những giá trị hữu hình và vô hình nhất định. Bên cạnh đó, cũng đã tạo ra công ăn việc làm và mài dũa kỹ năng cho nhiều người lao động trong thời gian hoạt động của công ty.
“Và biết đâu tái ông thất mã, những nhà sáng lập thất bại lần này sẽ thành công lần sau, hay những nhân viên nòng cốt của họ sẽ trở thành những founder F1 thành công thì sao?”, bà Phương bày tỏ.
Thật vậy, câu chuyện của startup chưa bao giờ là dễ dàng, ngay cả khi đã gọi vốn thành công, đại diện Momo chia sẻ: “Startup là một câu chuyện dài và gian nan, Momo đã mất tới 15 năm để có được ngày hôm nay. Thời gian đầu không ai tin vào mô hình mà Momo theo đuổi sẽ có được thành công".
Vậy nên, khi đã xác định làm khởi nghiệp, cần xác định rõ tinh thần này để vượt qua tất cả, đem đến sản phẩm thật sự có giá trị với thị trường.
Do đó, đòi hỏi sự kiên trì rất lớn, đặc biệt của các nhà sáng lập. Không bao giờ có thành công qua đêm, thành công ngắn hạn, mà cần phải tập trung lâu dài, đầu tư dài hạn, thì mới có hy vọng thành công, nhà sáng lập Momo đưa ra lời khuyên.
Từ góc nhìn doanh nghiệp, ông Nguyễn Bá Diệp chia sẻ, với mục tiêu kinh tế số, doanh nghiệp như Momo rất mong muốn được Chính phủ hỗ trợ theo từng năm để phù hợp với thời cuộc và sự biến chuyển của xã hội nhất.
“Ví dụ trong năm đầu tiên, Chính phủ có thể hỗ trợ đầu tư ở lĩnh vực ăn uống, mua sắm, năm thứ hai về thương mại điện tử,... nghĩa là làm tập trung và “cuốn chiếu"”, ông giải thích thêm.
Đặc biệt, cần tập trung vào những điều mà người tiêu dùng quan tâm và hay sử dụng hằng ngày nhất, bởi những điều đó là dễ dàng số hoá nhất.
Từ đó, cần có những chính sách hỗ trợ về pháp lý để giúp cho doanh nghiệp đổi mới sáng tạo có thể hoạt động được, bởi những dịch vụ mang tính chất ĐMST, khi ra đời đều là mới mẻ nên chưa có quy định rõ về mặt pháp luật.
Do vậy, việc có một cơ sở pháp lý mở cho doanh nghiệp ĐMST có thể hoạt động và phát triển là rất quan trọng.
Mặt khác, từ những kinh nghiệm làm việc cả trong và ngoài nước, đại diện Wavemaker Partners cho biết, thực trạng đã làm bật lên vấn đề về thị trường khởi nghiệp nước ta nằm ở chỗ, bất kể startup nào hoạt động ở Việt Nam có founder người Việt và lập trụ sử ở Sing đều gặp vướng mắc về vấn đề pháp lý tại Việt Nam. Bởi, việc phải xin Bộ Kế hoạch và Đầu tư giấy phép đầu tư ra nước ngoài thường mất rất nhiều thời gian và công đoạn, khiến doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn.
Vậy nên, cần tìm cơ chế cho nhà đầu tư thoái vốn các công ty công nghệ đã đủ quy mô như giúp đỡ cơ chế cho họ IPO ở nước ngoài, IPO trong nước cho các công ty còn lỗ nhưng có những chỉ số khác vẫn ấn tượng và ổn định trong một thời gian dài.
Bên cạnh đầu tư là chính sách hỗ trợ thu hút nhân tài cho các doanh nghiệp. Hiện nay, nhân tài cao cấp liên quan đến lĩnh vực công nghệ của Việt Nam là không có nhiều, và bây giờ đang phải mời anh em từ nước ngoài về.
Đại diện Momo chia sẻ, thực tế, khi chiêu mộ, doanh nghiệp cũng chỉ đáp ứng được những vấn đề về lương, môi trường làm việc, còn những chính sách ưu đãi như thuế, hỗ trợ… thì chỉ Chính phủ mới có thể làm được.
Theo đó, những việc này không chỉ giúp cho hệ sinh thái ĐMST của nước ta thu hút được nhân tài trong, ngoài nước, mà còn thể hiện được tinh thần của Chính phủ trong công cuộc ĐMST quốc gia, hướng đến nền kinh tế số.
NGUOIDUATIN.VN |