Đó là lời nhận định của một cô gái trẻ chỉ mới 24 tuổi - Châu Bùi về nghề Influencer (người truyền cảm hứng) hay KOL (key opinion leader), tạm dịch người tư vấn quan điểm, hầu hết hoạt động trên các nền tảng số và thu lợi nhuận từ những hợp đồng quảng cáo với nhãn hàng, qua bài đăng trên mạng xã hội (MXH).
Từng có lần gặp và hợp tác cùng Châu trong một vài dự án, thế nhưng mỗi lần trò chuyện là một lần tôi không khỏi bất ngờ trước sự thông minh và nghiêm túc của Châu trên con đường làm nghề của mình. Cái nghề mà nghe tên cũng chưa chắc mọi người đã biết hết về nó, bởi “KOL” là khái niệm nghề nghiệp mới chỉ xuất hiện tại Việt Nam trong vài năm trở lại đây.
Bạn định nghĩa thế nào là một KOL trên MXH? Liệu đây có phải xu hướng nghề nghiệp mới của giới trẻ?
Trước đây, khi mình mới bắt đầu làm nghề, năm 2015, không hề tồn tại định nghĩa này ở thị trường việc làm của Việt Nam. Nhưng trong khoảng 3 năm gần đây, KOL đã được công nhận là một nghề, có danh xưng đàng hoàng. Hiểu nôm na là người có sức ảnh hưởng và có tiếng nói trong một lĩnh vực nào đó, được mọi người quan tâm, yêu mến thậm chí là nghe theo những lời mình nói. Ví dụ như Châu là trong lĩnh vực thời trang, phong cách sống.
Thời điểm hiện tại, KOL đã là xu hướng của giới trẻ, trong tương lai có lẽ còn phát triển nhiều hơn nữa. Bởi Việt Nam mới đang ở giai đoạn đầu của những nghề sáng tạo nội dung như thế này, nhưng thế giới đã xuất hiện và coi đây là một nghề kiếm tiền từ thập kỷ trước rồi.
Hơn nữa, mình thấy có thể do Việt Nam là quốc gia đang phát triển, nên mức độ và tốc độ học hỏi, sáng tạo của các bạn trẻ là không giới hạn, vậy nên các bạn rất biết cách tận dụng MXH trở thành một công cụ giúp đỡ hay thậm chí là nghề nghiệp chính tạo ra thu nhập của mình. Đây là bước mở đầu thật sự rất đáng mừng.
Bạn cho rằng đâu là khác biệt giữa KOL ở các nước phát triển và KOL ở thị trường mới nổi như Việt Nam?
Khi cộng tác với các nhãn hàng ở nước ngoài, mình nhận thấy KOL nước ngoài cạnh tranh hơn rất nhiều, vì thị trường của họ rộng hơn, từ đó có nhiều điều kiện làm nghề, các nhãn hàng cũng sẽ có sự ưu ái với các thị trường lớn hơn. Trong tương lai Châu hy vọng Việt Nam cũng sẽ được nhiều sự chú ý như vậy, bởi nước ta là một thị trường tiềm năng và đa dạng.
Còn ở Việt Nam, chính bởi mới nên sẽ có nhiều đất để mình thể hiện bản thân, dễ gây chú ý với khán giả hơn nhưng mức độ cạnh tranh trong ngành là không quá lớn. Tương lai cho nghề này ở Việt Nam mình nghĩ là vẫn còn rất sáng, còn rất nhiều mảng miếng cho các bạn trẻ thỏa sức sức tạo.
Theo bạn việc xuất hiện ngành nghề mới này, ảnh hưởng như thế nào đến tư duy làm truyền thông của các doanh nghiệp, nhãn hàng?
Theo mình, từ việc hợp tác với rất nhiều nhãn hàng trong những năm qua, chính mình cũng nhận ra sự thay đổi trong hướng đi của các nhãn hàng cả về mặt sản phẩm lẫn chiến dịch tiếp cận tới khách hàng.
Mình lấy ví dụ về mặt sản phẩm thời trang, một bộ phận giới trẻ hiện đại là những người có tư duy văn minh và sống rất thực tế, họ quan tâm đến môi trường nhiều hơn, thích chia sẻ lối sống xanh trên các nền tảng số và có xu hướng chọn đồ từ chất liệu thân thiện với môi trường, có thể tái chế được. Từ đó, các nhãn hàng thay đổi tư duy sản xuất hay đóng gói sản phẩm bền vững, thậm chí đến cả cách truyền thông qua các KOL cũng phải chọn người có lối sống phù hợp.
Bên cạnh những phương thức truyền thông truyền thống như TVC hay áp-phích,... các nhãn hàng cũng đã làm mới bằng cách có một phần quỹ dành cho việc quảng bá thông qua KOL. Bởi KOL đóng vai trò như một người trải nghiệm sản phẩm thực tế và đưa cảm nhận của mình lên MXH, từ đó việc truyền tải thông điệp của nhãn hàng dễ dàng hơn, nhanh hơn qua những người theo dõi KOL đó.
Nhờ đó, độ tin cậy trong lòng khán giả cũng được tăng cao. Có lẽ cũng do phù hợp với tâm lý thay đổi của khách hàng hiện đại, họ không dễ dàng tin vào quảng cáo, họ chỉ mua khi họ nhìn thấy thực tế và người họ biết đã sử dụng qua sản phẩm.
Đúng như bạn chia sẻ, khách hàng không hề dễ dàng trong việc đưa ra quyết định mua một món đồ nào đó, có lẽ sẽ còn khó khăn hơn sau Covid-19, thậm chí nó được tiếp cận qua KOL uy tín. Bạn nghĩ sao về điều này?
Mình đồng tình. Nhưng Covid-19 cũng làm thay đổi một điều, đó là thói mua sắm qua mạng của khách hàng, vậy nên các nhãn hàng vẫn sẽ tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động truyền thông qua nền tảng số, đặc biệt là KOL.
Nhiệm vụ của KOL là không ngừng cập nhật, tìm hiểu thị hiếu của khách hàng và sáng tạo nội dung phù hợp, chạm đến nhu cầu của khách hàng là được. Đó là cái khó của nghề này, cũng là đặc trưng của ngành sáng tạo nói chung, chứ không phải riêng gì đợt Covid-19 tạo nên sự thay đổi. Bởi khách hàng trên MXH thay đổi từng ngày, cốt lõi vẫn chỉ có sự chân thật và làm nghề chuyên nghiệp mới là cách tốt nhất để khán giả tin tưởng mình.
Nghề KOL vẫn khá mới ở Việt Nam, chắc hẳn bạn đã nghe rất nhiều câu hỏi xung quanh việc làm nghề, vậy bạn nghĩ sao về nhận định đây là nghề khá dễ dàng bởi chỉ cần hình ảnh đẹp, nội dung con chữ trau chuốt một chút, đăng bài lên MXH là có thể kiếm bội tiền?
Chính vì nghề mới nên vẫn còn những hoài nghi và tò mò, thậm chí là quy chụp về nghề cũng là điều dễ hiểu. Quan điểm của mình là không có nghề nào kiếm được ra tiền là nghề dễ dàng cả. Muốn đạt được điều gì đó, bao giờ cũng có sự đánh đổi, hy sinh nhất định nhưng đó là lựa chọn của mình nên Châu không bao giờ kể khổ hay kêu ca.
Tuy nhiên, thực sự mình không muốn để các bạn trẻ có suy nghĩ như vậy, vì đó là điều không đúng, nhìn nhận vấn đề bao giờ cũng nên từ nhiều mặt của nó. Các bạn nhìn thấy chỉ là kết quả cuối cùng, còn quá trình mình làm việc thì chỉ có mình và team biết nó khắc nghiệt thế nào.
Châu có thể chia sẻ một chút về những khó khăn mà giờ bạn mới kể khi làm nghề không?
Khó khăn thì kể chắc 5 trang giấy thi đại học cũng không xuể mất, nhưng theo mình khó nhất là tập thay đổi tư duy của chính mình.
Như Châu cũng chia sẻ trước đây, năm 16 tuổi Châu bắt đầu một mình theo đuổi đam mê, bởi bố mẹ chỉ chu cấp cho việc ăn học của mình thôi, còn tất cả việc khác liên quan đến tiền hầu hết phải tự xoay sở, mình tự kinh doanh dầu dừa. Rồi lên 17, mình mở lớp gia sư ngay trên Facebook của mình và chính thức làm nghề với việc trở thành mẫu chụp cho shop thời trang.
Làm một mình rất thoải mái và chủ động, đôi khi làm việc theo hứng nhưng hệ lụy tất yếu là công việc không đi đúng hướng. Rất may mình gặp được người có cùng chí hướng với mình - chị quản lý. Cứ thế hai chị em làm cùng nhau.
Dần dần đến bây giờ, khối lượng công việc nhiều, mình có một ekip riêng, càng đông người thì làm việc càng khó khăn với mình. Mình biết rằng, làm việc tập thể không có chỗ cho sự quá cầu toàn, mình luôn học cách dung hòa cái tôi cá nhân với những ý kiến của mọi người trong team để ai cũng thấy mình được tôn trọng. Bởi sự cầu toàn và ý nghĩ cá nhân quá nặng nề sẽ chỉ khiến bản thân mất thêm nhiều thời gian, loay hoay với chính mình mà kết quả cuối cùng cũng chẳng thể hoàn hảo.
Mình thay đổi khá nhiều trong 6 năm vừa qua, không phải tự nhiên mà mọi người thấy hình ảnh một Châu Bùi trưởng thành, tự tin chia sẻ về quan điểm cá nhân hay diễn giả đứng trước cả trăm nghìn người phát biểu đâu. Khó nhưng mình chịu tiếp thu và thay đổi từng ngày là điều mà Châu luôn cố gắng mỗi ngày.
Nhân tiện nói về quá khứ, có kỷ niệm nào bạn nhớ mà gắn liền với bố mẹ trên con đường làm nghề không, bởi phụ huynh vẫn còn khá nhiều định kiến về những nghề có tính giải trí? Bạn rút ra bài học gì từ kỷ niệm đó?
Chắc có lẽ là hành trình cách ly của mình đầu năm ngoái, ban đầu mình rất sợ, gọi điện khóc lóc với bố, bố mình chỉ nói một câu, mình nhớ mãi tới bây giờ: “Con phải nhớ con đang có sức ảnh hưởng thế nào. Qua bao nhiêu chuyện con cũng vượt qua được, bố tin con sẽ biết cách xử lý việc này".
Chỉ cần nói đến đó, Châu mất đúng một phút để lấy lại bình tĩnh, ngồi ghi nhanh những đồ mình cần trong khu cách ly để báo cho người nhà. Lúc đó như kiểu sự thức tỉnh với mình ấy, những ngày sau mình cho rằng đó là một cơ hội trải nghiệm tốt, để gửi thông điệp tích cực đến cộng đồng nhờ sức ảnh hưởng của mình. Khi đặt cái tâm và sự nhiệt huyết làm nghề trong mọi hoàn cảnh, Châu tin những điều tốt đẹp sẽ đến ngay sau khoảnh khắc vượt qua nó.
Nói về thời điểm đó, khi chia sẻ mình đơn giản chỉ nghĩ mọi người sẽ cần những thông tin như thế này, nên mình đăng những khoảnh khắc đáng yêu trong khu cách ly, hay Châu học được gì trong quá trình đó như một sự cổ vũ và góp công sức nhỏ cho công cuộc chống dịch.
Cũng có lúc mình khóc nhè vì nhớ nhà chứ, nhưng mình chọn đăng những khoảnh khắc tích cực bởi mình biết lúc bấy giờ không thích hợp cho năng lượng tiêu cực. Quyết định sử dụng MXH có lợi hay hại lại nằm ở chính mỗi người, đặc biệt là các bạn KOL, lại càng phải có trách nhiệm hơn trong tiếng nói, hành động trên mỗi bài đăng của mình.
Có bao giờ gặp áp lực vì những mặt trái của MXH đem lại không? Việc đó có ảnh hưởng nhiều đến công việc hay cái nhìn của nhãn hàng về mình?
Thực ra, ai làm trong ngành này, nhất là phát triển trên nền tảng MXH sẽ có rất nhiều ý kiến ủng hộ bên cạnh vô vàn chỉ trích. Mình nghĩ nhãn hàng luôn là người nắm rõ được vấn đề về thị trường nhất, khi họ đưa ra bất cứ một kế hoạch truyền thông nào, nên họ có thể sẽ thông cảm. Biết vậy, nhưng khi có những tình huống xảy ra, mình cũng rơi vào áp lực.
Mình nghĩ, vấn đề là mình giữ vững quy tắc làm nghề và cách xử lý của mình ra sao trước những khủng hoảng, mới là điều mà nhãn hàng nhìn nhận. Điều này, có lẽ mình phải cảm ơn tất cả những nhãn hàng mà mình hợp tác trước giờ, đều rất tôn trọng, chuyên nghiệp và hiểu cách làm việc, nên chưa bao giờ mình gặp các vấn đề không hay với nhãn hàng.
Còn sau đó, quan trọng là mình học cách quản lý bản thân thế nào, luôn ý thức được tầm ảnh hưởng công chúng của mình ra sao, cũng như ảnh hưởng tới những đối tác đang tin tưởng đồng hành cùng mình ra sao để có cách cư xử đúng mực và chuyên nghiệp. Đây cũng là trách nhiệm khi là người của công chúng.
Châu luôn ý thức rất rõ về điều này từ những ngày đầu tiên vào nghề. Đã lựa chọn vào nghề, lựa chọn chia sẻ một phần cuộc sống của mình với khán giả thì cũng chấp nhận việc đánh đổi cảm xúc cá nhân của mình sẽ phải nhún nhường hơn.
Theo bạn nghề KOL có phải là một nghề có tuổi thọ ngắn, dễ dàng thay đổi? Bạn có dự tính gì cho tương lai không?
Phải nói nghề này phụ thuộc vào sự quan tâm của công chúng - một yếu tố có nhiều biến đổi, nên cũng khó nói trước. Nó có thể giới hạn hơn các nghề khác do xu hướng thị trường thay đổi thường xuyên, thị hiếu của khán giả cũng thay đổi theo ngày, cạnh tranh cũng ngày càng cao, nên khi nào vẫn còn sức thì mình cứ theo đến cùng thôi.
Còn nếu được hỏi Châu làm gì sau này chắc mình sẽ trả lời như mình vẫn chia sẻ với các bạn yêu mến mình thôi, chắc chắn là kinh doanh, có thể là quán cơm vì Châu thích nấu ăn mà hoặc cũng có thể mở tiệm chăm sóc chó mèo. Mình cũng chưa có nhiều ý tưởng lắm, nhưng có điều là các bạn vẫn sẽ thấy Châu chia sẻ với mọi người trên MXH.
Hiển nhiên bởi các công cụ MXH đã rất thành công trong việc kết nối mọi người lại gần nhau hơn, nên khoảng cách giữa người lạ và người quen ngày càng xích lại. Và với Châu, lúc đó đơn giản chỉ như kể về cuộc sống đời thường cho những người “bạn” của mình vậy.
Bật mí một chút, bí quyết để bạn luôn giữ và xây dựng hình ảnh của mình để nhãn hàng luôn tin tưởng “chọn mặt gửi vàng"?
Mọi người luôn hiểu tầm quan trọng của việc xây dựng hình ảnh cá nhân trên MXH, nhưng trước tiên mình phải hiểu chính mình đã, nuôi dưỡng những thứ từ bên trong và cho mọi người thấy chiều sâu của nó, đó mới là hướng phát triển đường dài và bền vững.
Còn nếu cố trở thành một ai khác, hay xây dựng hình ảnh theo các nhãn hàng mong muốn, bạn sẽ vẫn có thể có những thành công nhất định với nghề KOL, nhưng theo quan điểm của Châu nó sẽ khó phát triển lâu bền và đột phá được, vì nó là một tổ hợp đại trà, không có màu sắc riêng. Từ đó, khó đủ sức đáp ứng nhu cầu thị trường trên nền tảng số.
Quan trọng nữa, là sự nghiêm túc và học hỏi. Trước khi bắt tay vào làm với bất kỳ nhãn hàng nào, mình cũng tìm hiểu về sản phẩm, nhãn hàng, phù hợp với cá tính bản thân, đặc biệt là có thông điệp, hữu ích tới cộng đồng ra sao, mình mới tiếp tục.
Tiếp theo trong quá trình làm việc phải thể hiện sự chuyên nghiệp của bản thân qua văn hoá hỏi, đây là điều mà mình nghĩ nhiều bạn còn vướng mắc. Nhưng đừng ngại hỏi các nhãn hàng, trao đổi luôn là cách tốt nhất để mình hiểu rõ về mong muốn đối phương, cũng như xây dựng ý kiến cá nhân, từ đó dung hoà chúng thì mới có hướng triển khai tối ưu cho công việc. Tìm hiểu kỹ những thông tin để hiểu rõ mong muốn các bên, từ đó tìm được tiếng nói chung và hướng đi lâu dài. Kết quả thành công là điều ai cũng hướng đến.
Cuối cùng, để miêu tả về phong cách làm nghề mà bạn muốn truyền tải đến các bạn trẻ đang có suy nghĩ bắt đầu với nghề KOL là gì?
Chân thành, Cầu tiến và Chuyên nghiệp