img

Mạnh Kiên

Trong lịch sử 5000 năm, ảo thuật từng bị coi là trò ma quỷ. Chỉ trong vài chục năm trở lại đây, loại hình này mới có chỗ đứng và vị thế đặc biệt trong trong lòng công chúng.

o thuật ngày nay là một trong những hình thức giải trí phổ biến trên toàn thế giới. Màn trình diễn của các ảo thuật gia danh tiếng như David Copperfield, Cris Angel hay Dynamo với những kỹ năng ngoạn mục đã khiến nhiều người phải sửng sốt tự hỏi: “Anh ta đã làm thế nào”?

Không nhiều người biết rằng, lịch sử ảo thuật là một hành trình kéo dài suốt 5000 năm. Thuở sơ khai, loại hình này từng mang đến cảm giác choáng ngợp, thích thú, nhưng ở một số thời điểm, nó từng được coi là một thứ gì đó đen tối và đáng sợ.

Bắt đầu từ thế kỷ 19, một số ảo thuật gia lão luyện đã phát triển ảo thuật từ thể loại không chính thống trở thành loại hình nghệ thuật giải trí thu hút hàng triệu khán giả.

img

Tranh mô tả một trò ảo thuật của họa sĩ Hieronymus Bosch vẽ năm 1502.

Ảo thuật bắt đầu từ đâu?

Chúng ta đã quen với các màn trình diễn ảo thuật quy mô lớn, đòi hỏi nhiều sự chuẩn bị công phu, ví dụ như làm biến mất tượng nữ thần tự do của David Copperfield, đi trên nước của Dynamo… Tuy nhiên, ảo thuật cũng có thể đến từ những đạo cụ đơn giản, thậm chí một lá bài cũng có thể khiến bất kỳ ai kinh ngạc.

Người Ai Cập cổ đại đã mô tả nhiều kỹ xảo được cho là ảo thuật trong các văn bản để lại và các bức bích họa trong lăng mộ, điều cho thấy lịch sử của loại hình này đã bắt đầu từ rất lâu.

Khoảng năm 1823, nhà thám hiểm người Anh, Henry Westcar, tìm thấy một cuốn giấy cói Ai Cập (có niên đại khoảng năm 2500 trước Công nguyên) miêu tả một pháp sư tên là Dedi đang thực hiện một số thủ thuật với động vật trước mặt nhà vua.

img

Bích họa của người Ai Cập được cho là mô tả trò “Cup and Balls”

Câu chuyện kể lại rằng, Dedi đã thay thế những cái đầu động vật bị cắt đứt bằng cái đầu mới và sau đó đưa ra một số lời tiên tri cho nhà vua. Mặc dù một số chuyên gia nhận định câu chuyện hoàn toàn là hư cấu, nhưng những người khác chỉ ra rằng có rất nhiều giai thoại Ai Cập từng mô tả các nhà ảo thuật là người thường đưa ra những lời tiên tri.

Một ví dụ khác về ảo thuật ở Ai Cập được mô tả trên bức bích họa tại lăng mộ Baqet III trong nghĩa trang Beni Hasan, có niên đại từ thế kỷ 21 trước Công nguyên. Trong bức tranh, hai người đàn ông đang ngồi quanh một cái bàn với những chiếc bát úp ngược. Một số người giải thích đây chính là nguyên bản của trò “Cup and Balls” – Đoán bóng trong cốc – vô cùng phổ biến trong ảo thuật hiện đại.

Từng bị xem là nghệ thuật hắc ám như những trò ma quỷ

Trong một nghìn năm trở về sau, ảo thuật có mối liên kết sâu đậm với những điều huyền bí và phù thủy, khiến nhiều coi đó là những trò ma quỷ. Ảo thuật đã không còn là hình thức giải trí trong sáng như ban đầu và dần dần đi vào hoạt động bí mật.

Trong giai đoạn này, những trò ảo thuật gây hoang mang bị cấm đoán, chỉ một số ít người được phép hành nghề với những thủ thuật truyền thống được coi là vô hại.

img

Jean-Eugène Robert-Houdin (1805-1871), còn được gọi là “Cha đẻ của ảo thuật hiện đại”.

Năm 1584, tác gia Reginald Scott, người Anh, đã viết cuốn “The Discoverie of Witchcraft” – lật tẩy những kỹ xảo ảo thuật để cho thế giới thấy rằng không có thứ gì gọi là “trò phù thủy”. Tuy nhiên, cuốn sách đã gây hại nhiều hơn lợi. Do tiết lộ nhiều trò ảo thuật độc đáo, cuốn sách vô tình khiến cho những ảo thuật gia bị coi là những kẻ lừa đảo.

Hình ảnh tiêu cực đã càng làm thu hẹp hình thức nghệ thuật này hơn nữa. Mặc dù hầu hết các bản sao của cuốn sách đã bị đốt hầu vào đầu thế kỷ 17, nhưng phải mất 50 năm sau vị thế của ảo thuật mới trở lại như xưa.

Bước chuyển mình sang thế giới hiện đại

Sinh năm 1805 tại thị trấn Blois, miền trung nước Pháp, ảo thuật gia Jean Eugene Robert Houdin được coi là cha đẻ của ảo thuật hiện đại. Ông đến với loại hình nghệ thuật này một cách hết sức tình cờ, nếu không nói là số mệnh sắp đặt.

Say mê công việc chế tạo đồng hồ của người cha, cậu bé Houdin đã tiết kiệm tiền để mua một cuốn sách chuyên ngành về đồng hồ để tìm hiểu, nhưng do lỗi từ phía người gửi, thứ Houdin nhận về lại là một cuốn sách ảo thuật. Tuy nhiên, thay vì trả lại, cậu bé say mê đọc nó và tập luyện mỗi buổi sáng thức dậy.

img

Vẻ ngoài hài hước của Tommy Cooper đã trở thành biểu tượng.

Houdin chỉ có thể học được một chút kiến thức từ cuốn sách. Để trau dồi thêm, cậu bé đã thuê một ảo thuật gia địa phương đến dạy. Người thầy đã dạy cho Houdin tất cả các nguyên tắc cơ bản của ma thuật, từ ánh sáng, sự phối hợp khéo léo giữa tay và mắt. Về sau này, Houdin tự phát triển bản thân đến đỉnh cao và truyền cảm hứng cho những người kế vị vĩ đại như Harry Houdini, bậc thầy “ảo thuật trốn thoát”.

Sự hứng thú với ảo thuật trỗi dậy trở lại vào nửa sau của thế kỷ 19. Các ảo thuật gia đã phát minh ra nhiều trò diễn mới và khán giả sẵn sàng trả tiền để có một ghế trong những chương trình chật kín người.

Một ngày hè năm 1905, một nhóm khoảng 20 ảo thuật gia đã gặp nhau tại nhà hàng Pinoli ở trung tâm Luân Đôn. Họ muốn thành lập một câu lạc bộ ảo thuật hoàn toàn mới. Trong nhóm có một trong những ảo thuật gia vĩ đại nhất mọi thời đại của Anh, David Devant. Họ đặt tên cho nhóm của mình là The Magic Circle – Vòng tròn Ma thuật.

Câu lạc bộ nhanh chóng trở nên nổi tiếng trên toàn thế giới và vào năm 1991, ban lãnh đạo quyết định sẽ cho phép phụ nữ tham gia nếu họ đáp ứng các tiêu chí. Tuy nhiên, số thành viên của câu lạc bộ không bao giờ vượt quá 300.

img

Cùng với đó, The Magic Circle có rất nhiều tiêu chí và quy tắc nghiêm ngặt bắt buộc thành viên phải tuân thủ, như có năng lực trình diễn ảo thuật ở mức xuất sắc và quan trọng nhất, tuyên thệ không bao giờ tiết lộ những bí mật ảo thuật được tôn kính nhất. Bất kỳ thành viên nào vi phạm sẽ ngay lập tức bị trục xuất khỏi “vòng tròn”.

Những gương mặt tiêu biểu

Từ những năm 1970 trở đi, ảo thuật đã trở thành trò giải trí “đóng đinh” trên truyền hình. Các ảo thuật gia tại Anh như David Nixon, Tommy Cooper và Paul Daniels đã giúp thay đổi lịch sử nền ảo thuật bằng cách mang chúng đến hàng triệu khán giả ngồi xem TV tại nhà.

David Nixon luôn điềm tĩnh và lịch sự, người có niềm đam mê ảo thuật lớn hơn bất kỳ ai. Tuy nhiên, sự nghiệp của ông không kéo dài lâu khi bị chẩn đoán ung thư và qua đời vào năm 1978.

img

Trong khi đó, Tommy Cooper được coi là ảo thuật gia được biết đến nhiều nhất ở Anh và có lẽ là trên toàn thế giới. Ở thời kỳ đỉnh cao những năm 1970, Cooper có hẳn một chương trình ảo thuật của riêng mình.

Trong khi các ảo thuật gia khác thể hiện bản thân là người có kỹ năng và chuyên nghiệp, Cooper lại sử dụng vẻ ngoài vụng về của mình để tạo hiệu ứng trái ngược. Ông thường giả vờ là một ảo thuật gia nghiệp dư bị ai đó đẩy lên sân khấu nên mới phải bắt buộc biểu diễn.

Cooper thường giả vờ làm hỏng các trò ảo thuật và thể hiện sự ngạc nhiên trước những gì đang xảy ra xung quanh mình. Phong cách trình diễn độc đáo của ông đã mang đến sự đa dạng cho các màn ảo thuật vốn bị coi là cứng nhắc trong nhiều năm. Đến thập niên 1980, danh tiếng của Cooper bắt đầu suy yếu do các vấn đề sức khỏe.

img

Vào năm 1984, Cooper nhận được lời mời tham gia một chương trình truyền hình trực tiếp như một sự trở lại. Đáng buồn thay, giữa chừng màn trình diễn, ông lên cơn đau tim và qua đời.

Paul Daniels - người được “Bố già Ảo thuật” lại có một sự nghiệp truyền hình xán lạn hơn trong những năm 1980. Ông là người quyết đoán, chuyên nghiệp và là nguồn cảm hứng lớn cho nhiều ảo thuật gia trẻ đang lên.

Lật tẩy bí mật của “phù thủy ảo thuật”

Việc Fox sản xuất chương trình Breaking the Magician's Code trong giai đoạn 1997-1999, với nội dung phơi bày những bí mật ảo thuật đã khiến cho loại hình này bị mất đi sức quyến rũ một thời gian.

Trong chương trình, một ảo thuật gia giấu mặt sẽ thực hiện những thủ thuật kinh điển như Zig Zag Lady (phân chia cơ thể), “bắt đạn bằng răng” hay biến mất. Sau đó, người này sẽ giải thích cách các ảo thuật gia thực hiện mánh khóe.

img

“Ảo thuật gia đeo mặt nạ” không bao giờ nói chuyện trên màn hình. Thay vào đó, sẽ có một giọng nói thuyết minh cung cấp những lời giải thích. Chương trình có sự cố vấn của các thành viên nhóm The Magic Circle từ những số đầu tiên.

Chiếc mặt nạ của ảo thuật gia bí ẩn trở thành một biểu tượng của truyền hình cuối những năm 1990. Trong phần cuối cùng của chương trình đặc biệt, “Ảo thuật gia đeo mặt nạ” đã tiết lộ danh tính thực sự.

Val Valentino là người đàn ông đằng sau chiếc mặt nạ. Thú vị hơn, ông quả quyết rằng việc thực hiện các chương trình phơi bày các thủ thuật này là để khơi dậy lại hứng thú với ảo thuật trong lòng công chúng. Đồng thời Valentino cũng cho rằng sự hấp dẫn của một màn ảo thuật nằm ở tài năng diễn xuất của ảo thuật gia chứ không phải nằm do sự thắc mắc của khán giả về cách thức thực hiện màn ảo thuật.

img

Trong lịch sử vài nghìn năm, ảo thuật vốn là những trò ma mãnh. Chỉ trong vài chục năm trở lại đây, ảo thuật mới phát triển thành môn nghệ thuật kỳ diệu và giàu kỹ năng.

Ngày nay, ảo thuật vượt qua mọi rào cản phổ quát và lôi cuốn mọi người, không chỉ trẻ em. Khi những người hâm mộ háo hức trả tiền để tham dự một chương trình ảo thuật, họ chỉ có một kỳ vọng duy nhất: Ảo thuật gia sẽ mang đến cho họ những màn trình diễn phấn khích nhất, điều mà họ không thể tin vào mắt mình.

“Ảo thuật gia chỉ là người giả vờ có ma thuật”

Jean-Eugène Robert-Houdin từng nói

Mạnh Kiên

img