img img

Các trường đại học ngoài công lập đang trở thành một bộ phận không thể thiếu và đóng góp mạnh mẽ vào nâng cao chất lượng giáo dục quốc dân. Thậm chí, nhiều cơ sở giáo dục còn kỳ vọng biến Việt Nam trở thành điểm đến về giáo dục.

Người Đưa Tin (NĐT) đã có cuộc trò chuyện với PGS.TS Võ Thị Ngọc Thúy - Hiệu trưởng Trường Đại học Hoa Sen để lắng nghe hành trình khẳng định vị trí của trường đại học ngoài công lập và kỳ vọng trở thành trường đại học chuẩn quốc tế cho sinh viên Việt Nam và du học sinh châu Á.

img

NĐT: Đến nay, hệ thống giáo dục đại học ngoài công lập (GDĐH NCL) đã khẳng định vai trò là “chiếc cánh” của hệ thống giáo dục quốc dân. Với những kinh nghiệm trong lĩnh vực giáo dục, xin bà đánh giá về bức tranh GDĐH NCL đang ở vị trí như thế nào đối với hệ thống giáo dục quốc dân?

Bà Võ Thị Ngọc Thúy: Đại học tư thục đóng vai trò quan trọng trong đào tạo đại học và sau đại học nói chung ở Việt Nam. Tôi nghĩ nhìn nhận ra vị trí, vai trò của đại học tư thục cần xét ở 2 yếu tố là chia sẻ với Nhà nước trong vấn đề đào tạo nguồn lao động chất lượng cao đồng thời tạo ra sự cạnh tranh lành mạnh mang lại sự đổi mới giáo dục.

Có thể thấy, đại học tư thục đã tham gia mạnh mẽ và đóng góp vào hoạt động đào tạo nguồn lao động chất lượng cao cho xã hội. Từ thực tế, có thể thấy nếu không có đại học tư thục, các trường công lập phải mang trên mình một gánh nặng lớn trong việc đào tạo đại học và sau đại học.

Cùng với đó, việc xuất hiện các đại học tư thục với chất lượng ngày càng cao, khẳng được vị trí của mình cũng tạo ra được xu hướng cạnh tranh rất lành mạnh. Khi có sự cạnh tranh giữa các trường đại học chắc chắn sẽ tạo ra những sản phẩm tốt hơn cho xã hội và người thụ hưởng lớn nhất chính là người học.

Việc hệ thống các trường tư thục đồng hành song với với các trường công cũng đang là xu hướng chung ở trên thế giới. Tại Việt Nam, cũng được Nhà nước và xã hội nhìn nhận, đánh giá cao, điều này là hết sức quan trọng.

img

NĐT: Việc được xã hội công nhận là hết sức quan trọng, nhưng đâu đó vẫn còn nhiều quan điểm ngờ vực liên quan đến chất lượng đào tạo, nguồn tuyển sinh của các trường đại học tư thục, Trường Đại học Hoa Sen đã và đang làm gì để giải quyết vấn đề này?

Bà Võ Thị Ngọc Thúy: Tôi nghĩ rằng yếu tố quan trọng nhất để xã hội, phụ huynh, học sinh không có sự phân biệt giữa đại học công lập và đại học tư thục đó là chất lượng đào tạo. Chính bản thân các trường cần phải nắm rõ và tự khẳng định vị trí mình.

Hiểu nhận thức được điều này nên Trường Đại học Hoa Sen luôn coi việc đảm bảo chất lượng bên trong và bên ngoài (kiểm định chất lượng) lên hàng đầu. Hiện nay, 89% chương trình đào tạo của nhà trường đều không những đạt chuẩn kiểm định chất lượng của Bộ GD&ĐT mà còn được công nhận chất lượng bởi các kiểm định của Mỹ, Úc, Thuỵ Sỹ. Thông qua, mỗi lần đánh giá giúp chúng tôi hoàn thiện chất lượng đào tạo của mình.

Không dừng lại ở đó, dù là trường công hay tư chất lượng thể hiện rõ nhất là đầu ra của sinh viên, cơ sở giáo dục đại học không chỉ trao cho các em tấm bằng mà là trao tấm “visa” cho các em sinh dễ dàng gia nhập vào thị trường lao động trong và ngoài nước. Và điều đó hiện nay được minh chứng hết sức rõ ràng, 95% sinh viên Hoa Sen khi nhận bằng tốt nghiệp cũng đã có ngay cho mình một tên doanh nghiệp để đi làm. Tôi nghĩ các trường tư thục phải tự khẳng định mình bằng chất lượng đầu vào và chất lượng đầu ra.

Đồng hành cùng với đó, việc thông tin, truyền thông của xã hội, các cơ quan liên quan cũng rất quan trọng, chúng ta cần công bằng so sánh, không nên phân biệt công và tư trong xã hội. Bởi vì khi công tác thông tin nếu vẫn còn thiên lệch ở đâu đó sẽ vẫn còn sự nhìn nhận không đúng giữa 2 loại hình trường.

Tôi nghĩ cần có các kiến sách, công tác thông tin truyền thông về hình ảnh, chất lượng, xếp hạng các trường đào tạo nên có sự đồng bộ, thống nhất giữa đại học công và tư.

img

img

NĐT: Vậy theo bà chúng ta cần làm gì để mở rộng số lượng và tăng chất lượng hệ thống GDĐH NCL hiện nay? Những điều cốt lõi cần chú trọng là gì?

Bà Võ Thị Ngọc Thúy: Qua hơn 2 năm công tác và trực tiếp chỉ đạo hoạt động tuyển sinh. Tôi hiểu rõ người sinh viên và phụ huynh mong muốn lựa chọn các cơ sở đào tạo nào đảm bảo đầu ra cho các em ở mức cao nhất. Ngoài việc khẳng định mình thông qua các kiểm định chất lượng, nhà trường cần phải mở rộng kết nối với các doanh nghiệp.

Doanh nghiệp có vai trò không nhỏ trong việc tham gia đào tạo cùng với nhà trường, cam kết đầu ra cho các em và chỉ một khi trường có đủ uy tín để làm việc được với doanh nghiệp thì doanh nghiệp mới đặt niềm tin vào chính cơ sở đào tạo. Họ tiếp cận với người học và tạo điều kiện, săn đón sinh viên ngay sau khi các em hoàn thành chương trình học.

Thêm vào đó, một điều tôi nghĩ cũng hết sức quan trọng đó là trách nhiệm của một trường đại học tư hay công lập đều phải đào tạo ra những sinh viên làm đúng việc và đóng góp cho xã hội.

Việc phát triển các yếu tố bên trong như tái đầu tư cho con người, cơ sở vật chất của trường, tạo điều kiện cho sinh viên được tiếp cận mô hình hiện đại hơn… là những điều cốt lõi mà giáo dục đại học tư thục cần phải làm để nâng cao lượng và chất.

NĐT: Câu chuyện tài chính luôn là một trong những bài toán khó của các cơ sở ngoài công lập, hoạt động của các trường hiện chủ yếu dựa vào hoạt động đào tạo. Vấn đề này hàm chứa rủi ro về tài chính trong bối cảnh việc tuyển sinh gặp nhiều khó khăn. Theo bà các trường đại học cần làm gì để đa dạng các nguồn thu, tránh phụ thuộc quá nhiều vào học phí?

Bà Võ Thị Ngọc Thúy: Môi trường sẽ có cánh vận hành khác nhau, vì vậy nguồn thu cũng đến từ nhiều nguồn khác nhau.

Chắc chắn tỉ trọng trong số đó vẫn sẽ là học phí, sau đó đến từ nguồn đầu tư của doanh nghiệp, nhưng để làm được điều này các trường tư thục vẫn cần có tiềm năng nhất định. Bởi điều doanh nghiệp đầu tư là nguồn nhân lực họ được nhận lại là gì, khi thấy nguồn lao động có chất lượng chắc chắn sẽ tham gia đồng hành, đầu tư.

Một nguồn khác chúng ta có thể khai thác đó là đến từ các quỹ đầu tư, việc rót vốn các trường cần chứng minh năng lực thông qua các dự án đặc biệt là các dự án cộng đồng sẽ có tỉ lệ thành công đầu cao.

Ở Hoa Sen, sinh viên được tham gia thực hiện các dự án, hoạt động này vừa giúp các em tích lũy kỹ năng, kinh nghiệm, đối với nhà trường có thể giảm bớt chi phí đào tạo và mở rộng cơ hội được đầu tư.

Các trường đại học cần phải đa dạng các nguồn thu để giảm thiểu rủi ro trong tuyển sinh, đặc biệt trong bối cảnh hiện nay học sinh đi du học rất nhiều hoặc lựa chọn học cao đẳng.

img

NĐT: Song hành với việc vận hành, đối với hoạt động chuyên môn Đại học Hoa Sen có những định hướng đào tạo, triết lý giáo dục khác biệt như thế nào so với các trường đại học ngoài công lập hiện nay?

Bà Võ Thị Ngọc Thúy: Sinh viên Hoa Sen phải trải qua 2 kỳ thực tập rất quan trọng, đầu tiên là kỳ thực tập về nhận thức khi mới chỉ là sinh viên năm thứ 2.

Các sinh có quyền được lựa chọn thực tập ở bất kỳ một doanh nghiệp nào, thậm chí là trái ngành bởi, chúng tôi muốn các em hiểu mình có đang thực sự phù hợp với ngành học đã chọn không và được tạo điều kiện chuyển đổi ngành trong trường để học đúng với nhu cầu thị trường và năng lực của sinh viên.

Chúng tôi có trung tâm trải nghiệm việc làm cho sinh viên tìm kiếm công việc từ thực tập nhận thức đến thực tập cuối kỳ nhà trường sẽ đề xuất doanh nghiệp nhờ vào kho dữ liệu đối tác của nhà trường để các em được lựa chọn hoặc hoàn toàn có thể tự tìm doanh nghiệp phù hợp cho mình.

Điểm khác ở Hoa Sen tôi nghĩ đây là một trong số ít trường mà có nhiều đề án của sinh viên nhất. Để hoàn thành đề án, xét công nhận ra trường, các em phải tự hình thành xây dựng một nhóm thực hiện chuyên nghiệp, có sự phân ban chuyên môn rõ ràng. Nhà trường sẽ là nhà đầu tư vốn khởi điểm, sinh viên được lấy uy tín của trường để đi làm việc với các doanh nghiệp xin tài trợ để trợ, thuyết phục họ trở thành người đồng hành để hiện thực hoá dự án của các em.

Hầu hết, chúng tôi đều nhận được những phản hồi tốt từ phía doanh nghiệp, các dự án của sinh viên không chỉ được các công ty sử dụng mà còn là những sản phẩm đặc sắc có nét riêng và được đánh giá cao.

img

NĐT: Trong thời gian tới, Đại học Hoa Sen có kế hoạch đổi mới, phát huy nội lực phát triển như thế nào? Sẽ có những thay đổi nào trong quá trình xây dựng thương hiệu của nhà trường?

Bà Võ Thị Ngọc Thúy: Đảm bảo chất lượng bên trong vẫn là một trong những chiến lược phát triển của nhà trường, trong thời gian tới nhà trường sẽ hoàn thiện chương trình đào tạo và tiến hành kiểm định chất lượng.

Sinh viên, giảng viên, đối tác là những yếu tố then chốt xây dựng lên hình ảnh của Đại học Hoa Sen. Cùng với đó, tiêu chuẩn quốc tế, thực học thực làm, tinh thần dân chủ, tôn trọng sự khác biệt là những giá trị cốt lõi mà chúng tôi theo đuổi nhiều năm qua để khẳng định vị trí của mình.

Đại học Hoa Sen đang đồng lòng mong muốn nâng cao vị thế của đại học Việt Nam bằng cách có thể đón du học sinh từ nước khác, chúng tôi đặt mục tiêu đến năm 2025 là một trong những điểm đến học tập quốc tế của cả sinh viên Việt Nam và các du học sinh của châu Á.

NĐT: Xin trân trọng cảm ơn chia sẻ của bà!

img

NGUOIDUATIN.VN |