img

Biển Đông

rong 10 năm qua, Biển Đông đã chứng kiến một loạt sự kiện và tranh chấp mới, khiến căng thẳng leo thang trong quan hệ song phương giữa các quốc gia ven biển và tạo ra lo ngại cho các nước trong và ngoài khu vực. Là một quốc gia ven biển thuộc Biển Đông và là nước có tuyên bố chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, Việt Nam đã tích cực bảo vệ các quyền hợp pháp của mình và đóng góp vào nỗ lực tạo môi trường thuận lợi cho hòa bình, an ninh và phát triển ở Biển Đông.

Biển Đông

Từ năm 1977, Chính phủ Việt Nam đã tuyên bố thiết lập vùng lãnh hải 12 hải lý, vùng tiếp giáp lãnh hải 12 hải lý, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa 200 hải lý tính từ đường cơ sở được Chính phủ công bố năm 1982. Những tuyên bố về các vùng biển này cũng được áp dụng cho các đảo và quần đảo của Việt Nam nằm ngoài lãnh hải đất liền, bao gồm Quần đảo Hoàng Sa và Quần đảo Trường Sa mà Việt Nam vẫn luôn khẳng định chủ quyền. Sau khi phê chuẩn Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật biển, năm 2012 Quốc hội Việt Nam đã ban hành Luật Biển Việt Nam quy định cụ thể về cách thức xác định, cũng như chế độ pháp lý của lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, phù hợp với các quy định tương ứng của Công ước Luật biển 1982. Luật Biển Việt Nam năm 2012 tái khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và quy định nguyên tắc giải quyết tranh chấp liên quan đến biển, đảo giữa Việt Nam với các nước hữu quan bằng các biện pháp hòa bình phù hợp với Công ước Luật biển 1982, luật pháp và thực tiễn quốc tế.

img

Trong 10 năm qua, đã xảy ra những sự cố tranh chấp nghiêm trọng liên quan đến quyền đối với vùng biển của các quốc gia ven Biển Đông, phát sinh từ các yêu sách biển phi lý của Trung Quốc dựa vào “đường chín đoạn” hoặc các nhóm thực thể địa lý bị tranh chấp nằm tại trung tâm của Biển Đông. Những tranh chấp này đã được đệ trình lên các cơ quan quốc tế như Liên Hợp Quốc hay Tòa Trọng tài theo Phụ lục VII của Công ước Luật biển 1982. Trong tất cả các dịp đó, Việt Nam đều thể hiện rõ lập trường của mình thông qua các văn bản ngoại giao. Chẳng hạn, tháng Năm 2009, Phái đoàn thường trực của Việt Nam tại Liên Hợp Quốc gửi công hàm cho Tổng thư ký Liên Hợp Quốc nói rằng “yêu sách của Trung Quốc đối với các đảo và vùng biển liền kề ở Biển Đông như thể hiện trong bản đồ ‘đường chín đoạn’ hoàn toàn không có cơ sở pháp lý, lịch sử hay thực tế”. Tháng 12 năm 2014, khi Tòa Trọng tài xem xét các tranh chấp giữa Philippines và Trung Quốc ở Biển Đông, Việt Nam đã gửi Tòa Tuyên bố của bộ Ngoại giao bác bỏ mọi yêu sách vùng biển dựa trên ‘đường chín đoạn’ và khẳng định các thực thể địa lý mà Philippines yêu cầu Tòa xem xét đều không có vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa, do chúng là những bãi cạn nửa nổi nửa chìm hoặc đảo đá theo điều 121 khoản 3 của Công ước Luật biển 1982.

Biển Đông

Để khống chế sự leo thang căng thẳng ở Biển Đông vào những năm 1990, Việt Nam đã chung tay với các nước ASEAN và Trung Quốc đàm phán một bộ quy tắc ứng xử giữa các bên ở Biển Đông, văn bản mà sau đó chỉ được thông qua với tên gọi Tuyên bố về Ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và được ký năm 2002 giữa 10 nước ASEAN và Trung Quốc. Năm 2012, sau một số sự cố tàu hải giám của Trung Quốc cản trở hoạt động của các tàu Việt Nam trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, gây căng thẳng và lo ngại sâu sắc cho việc duy trì hòa bình, an ninh, ổn định và tự do hàng hải ở Biển Đông, Việt Nam đã ủng hộ việc thông qua Nguyên tắc 6 điểm về Biển Đông của ASEAN vào ngày 20/7/2012.

img

Từ năm 2013 đến nay, Việt Nam tích cực tham gia quá trình đàm phán nhằm soạn thảo Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC). Việc hội nghị các Bộ trưởng Ngoại giao (PMC) ASEAN-Trung Quốc thông qua Khung COC vào tháng 8/2017 là một bước tiến quan trọng. Hy vọng các nước ASEAN và Trung Quốc sẽ đẩy nhanh việc thảo luận nội dung thực chất để đạt được một văn bản COC hữu hiệu, được tất cả các Bên chấp nhận và tuân thủ.

Tác giả: Nguyễn Thanh Hà
Phó Tổng thư ký Hội Luật Quốc tế Việt Nam

img