Cảnh sát thành phố Beppu (miền Nam Nhật Bản) cáo buộc ông Tetsuo Urata (56 tuổi) lấy trộm 730 chiếc quần/áo lót của phụ nữ từ các tiệm giặt là công cộng.
Trước đó, cơ quan an ninh nhận được tin báo từ một nữ sinh viên đại học 21 tuổi giấu tên, rằng ông Tetsuo Urata đã “lấy cắp 6 chiếc quần lót” của cô này tại một tiệm giặt là vào ngày 24/8.
Các tang vật thu giữ được tại nhà riêng Tetsuo Urata. Ảnh: Cảnh sát Beppu
Khi đến khám xét nhà Urata, cảnh sát phát hiện 730 món đồ lót được giấu kín trong nhà. Urata bị bắt và thừa nhận tội danh. Cảnh sát thành phố Beppu hiện đang tiến hành điều tra vụ việc.
Những năm gần đây, Nhật Bản ghi nhận một số trường hợp đàn ông lấy trộm đồ lót phụ nữ số lượng lớn. Hồi tháng 3, Takahiro Kubo - một thợ điện 30 tuổi - bị chính quyền tỉnh Saga buộc tội lấy trộm 424 bộ đồ lót và đồ bơi của các cô gái tuổi teen. Kubo bị bắt khi người dân địa phương quay được cảnh anh định lấy trộm chiếc áo tắm đang phơi trên dây phơi quần áo.
Ảnh minh họa.
Năm 2019, cảnh sát đã bắt Toru Adachi, khi đó 40 tuổi, ở tỉnh Oita vì tình nghi lất cắp 10 chiếc đồ lót phụ nữ từ tiệm giặt là. Khám xét nhà riêng của Adachi, cảnh sát phát hiện hơn 1.100 món đồ lót được cất kĩ trong hộp.
Theo quy định của Bộ luật Hình sự hiện hành của nước CHXHCN Việt Nam thì trộm cắp tài sản là hành vi chiếm hữu trái phép tài sản của người khác để tạo cho mình khả năng định đoạt tài sản đó một cách lén lút, nhằm không cho chủ quản lý tài sản biết có việc chiếm đoạt xảy ra. Người phạm tội thực hiện hành vi cũng mong muốn che giấu hành vi chiếm đoạt. Việc che giấu này thường là che giấu cả về hình thức và tính chất bất hợp pháp của hành vi, nhưng cũng có trường hợp chỉ cần che giấu tính bất hợp pháp của hành vi, cũng được coi là hành vi chiếm đoạt có tính lén lút. Hành vi trộm cắp tài sản phải tác động đến tài sản đang có người khác quản lý. Những tài sản đã thoát ly sự quản lý của chủ sở hữu hay người quản lý hợp pháp thì không coi là đối tượng chiếm đoạt của hành vi trộm cắp.
Tội Trộm cắp tài sản hoàn thành khi người phạm tội chiếm đoạt được tài sản, tùy vào loại tài sản và vị trí để tài sản mà thời điểm chiếm đoạt được tài sản có thể được xác định khác nhau với từng trường hợp cụ thể.
Hình ảnh vụ trộm đồ lót ở Bình Phước được camera an ninh ghi lại.
Như vậy, nếu chiếu theo quy định trên thì hành vi lấy trộm 730 chiếc quần/áo lót của phụ nữ từ các tiệm giặt là công cộng đồ lót của ông Tetsuo Urata (56 tuổi) có dấu hiệu của tội Trộm cắp tài sản.
Tuy nhiên, một người có hành vi trộm cắp chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 173 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) khi tài sản bị trộm cắp trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau: Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm; đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các Điều 168 (tội Cướp tài sản), 169 (tội Bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản), 170 (tội Cưỡng đoạt tài sản), 171 (tội Cướp giật tài sản), 172 (tội Công nhiên chiếm đoạt tài sản), 174 (tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản), 175 (tội Làm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản) và 290 (tội Sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tàn sản) của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm; Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội.
Trong vụ án này, cơ quan chức năng phải tiến hành định giá số đồ lót bị ông Tetsuo Urata lấy trộm. Nếu số đồ lót này có trị giá từ 2 triệu đồng trở lên thì ông Tetsuo Urata sẽ bị khởi tố về tội Trộm cắp tài sản. Nếu trị giá số đồ lót bị trộm dưới 2 triệu đồng nhưng ông Tetsuo Urata đã từng bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm hoặc đã bị kết án về tội Trộm cắp tài sản hoặc một trong các tội danh đã nêu ở trên thì cơ quan chức năng vẫn có thể xử lý nghi phạm về tội danh này.
Mặt khác, hành vi trộm đồ lót của ông Tetsuo Urata có thể bị coi là gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội. Do đó, dù giá trị số đồ lót bị trộm không lớn nhưng ông này vẫn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Ảnh minh họa.
Ngoài yếu tố hình sự, hành vi trộm đồ lót còn bị xem là 1 loại bệnh lý trong chuyên khoa tâm thần. Theo ICD 10 (bảng phân loại quốc tế về bệnh lý) thì hành vi “loạn dục đồ vật” có mã số F65.0.
Người mắc bệnh này thường sử dụng một số đồ vật vô tri như là một dạng kích thích gợi dục và thoả mãn tình dục. Các đồ vật gợi dục tùy theo từng người (áo ngực, quần lót nữ...).
Các bệnh nhân này thường có cơn xung động khi đang làm việc, người bệnh bứt rứt đứng ngồi không yên buộc phải chạy ra ngoài để đi tìm các đồ vật đó... Chẳng hạn như đến các nhà trọ nữ ăn trộm quần áo lót họ đem về cầm nắm, ngửi, để trong người và thỏa mãn... cơn khoái cảm lên tột đỉnh như là quan hệ tình dục. Sau đó họ qua cơn và trở lại làm việc bình thường.
Để xác định người thực hiện hành vi trộm đồ lót có bệnh lý hay không, cơ quan điều tra sẽ phải tiến hành trưng cầu giám định tâm thần. Nếu kết quả giá định xác định là bị bệnh thì người thực hiện hành vi trộm đồ lót sẽ không bị truy cứu trách nhiệm hình sự mà chỉ bị đưa đi trị bệnh bắt buộc.
A.D