Tạo cho doanh nghiệp một “sân chơi” an toàn hơn và rẻ hơn – đó là thông điệp của luật sửa đổi, bổ sung Luật Doanh nghiệp 2019 đang được lấy ý kiến rộng rãi trước khi ban hành.
Trong kế hoạch soạn thảo luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Doanh nghiệp và luật Đầu tư 2014 do bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì (trên cơ sở quyết định được Thủ tướng Chính phủ phân công), viện Nghiên cứu và Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) được giao nhiệm vụ tổng kết tình hình thực hiện luật Doanh nghiệp 2014 và xây dựng luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Doanh nghiệp 2019 sẽ được thông qua tại kỳ họp Quốc hội sắp tới.
Đây là một sắc luật có ảnh hưởng lớn đến cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư cũng như toàn bộ nền kinh tế, do đó luật sửa đổi sắp ban hành đang được kỳ vọng rất nhiều. Báo Người Đưa Tin đã có cuộc trò chuyện với TS. Phan Đức Hiếu – Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý Kinh tế Trung ương – người phụ trách xây dựng dự thảo luật nói trên.
CIEM là đơn vị gắn bó với Luật Doanh nghiệp từ khi ra đời đến nay, đã trải qua 4 lần sửa đổi bổ sung, ông đánh giá như thế nào về nội dung sửa đổi Luật Doanh nghiệp lần này?
Luật Doanh nghiệp sửa đổi lần này chủ yếu điều chỉnh ở khâu gia nhập thị trường và quản trị doanh nghiệp, với tiêu chí xây dựng là an toàn và giá rẻ. Mục đích của chúng tôi là sửa thế nào thì sửa nhưng phải đạt được 2 tiêu chí đó.
So sánh với các nước trong khu vực và thế giới thì thủ tục gia nhập thị trường của Việt Nam hiện nay vẫn thuộc loại đắt đỏ. Theo xếp hạng của Ngân hàng Thế giới thì Việt Nam đứng thứ 106/190 nước, với thời gian giải quyết thủ tục trung bình 20 ngày. Rõ ràng áp lực để cải cách là rất lớn, do đó lần này sửa luật Doanh nghiệp sẽ nhanh hơn về mặt thời gian và rẻ hơn về mặt chi phí, để làm sao cung cấp cho doanh nghiệp công cụ kinh doanh an toàn và giá rẻ.
Tổ biên tập có nhiệm vụ rà soát và bãi bỏ tất cả các thủ tục tạm gọi là không cần thiết. Ví dụ như bỏ được thủ tục đăng ký mẫu dấu. Mục tiêu quản lý đối với con dấu không còn, từ nay con dấu thực sự là tài sản của doanh nghiệp, do doanh nghiệp quyết định.
Hay là bãi bỏ nhiều quy định bắt buộc về chế độ báo cáo không cần thiết. Trước đây doanh nghiệp vừa phải đăng tải báo cáo trên web vừa phải công bố với cơ quan quản lý.
Ngoài ra, Luật điều chỉnh quy định cổ đông chỉ cần sở hữu 1% vốn doanh nghiệp có quyền ứng cử và đề cử vào Hội đồng Quản trị (HĐQT) và Ban kiểm soát (BKS), cùng một số quyền khác như yêu cầu triệu tập ĐHĐCĐ, yêu cầu BKS kiểm tra các vấn đề liên quan đến điều hành hoạt động của doanh nghiệp. Như vậy, Luật đã bỏ quy định cần nắm giữ 6 tháng và giảm tỷ lệ sở hữu cần thiết từ 10% vốn xuống còn 1% đối với các cổ đông…
Theo ông, ưu điểm nào là lớn nhất của luật Sửa đổi luật Doanh nghiệp sắp ban hành?
Khi luật Doanh nghiệp 1999 được xây dựng, mục tiêu là tháo gỡ các rào cản gia nhập thị trường, để người dân không ngần ngại bỏ vốn kinh doanh, do đó tiêu chí giá rẻ được đặt lên hàng đầu, rồi mới đến an toàn. Đến nay, luật Doanh nghiệp 1999 và hai lần sửa đổi trước đã hoàn thành sứ mạng này, với sự thuận lợi ngày càng lớn trong thủ tục gia nhập thị trường.
Đã đến lúc, các doanh nghiệp sau khi gia nhập cần phải thực hiện những tiêu chuẩn quản trị theo đúng thông lệ quốc tế. Đây là con đường để doanh nghiệp Việt Nam có thể lớn lên, cạnh tranh trên thị trường toàn cầu. Bởi thế tiêu chí an toàn được nhóm soạn thảo đặt lên hàng đầu, rồi mới tiếp tục là giá rẻ.
Tiêu chí an toàn là một trong những tiêu chí quan trọng để đo lường năng lực quản trị của doanh nghiệp. Trong đó, luật Doanh nghiệp cần hỗ trợ doanh nghiệp bằng cách đảm bảo tốt nhất quyền và lợi ích của nhà đầu tư, làm sao để quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư không bị chiếm đoạt bởi những người quản lý công ty (giám đốc, thành viên HĐQT…). Luật sắp ban hành quy định trao một số quyền nhất định cho cổ đông nhỏ: khởi kiện người quản lý, đề cử người vào ban lãnh đạo… (trước chỉ trao cho cổ đông có tỷ lệ nắm giữ 10% trở lên hoặc thời gian nắm giữ cố phần 6 tháng trở lên)
Vì sao phải nhấn mạnh yếu tố an toàn? Vì đầu tư an toàn thì huy động vốn tốt hơn, phát triển được trong dài hạn, tạo ra sự cạnh tranh lành mạnh và thúc đẩy an sinh xã hội.
Quá trình sửa đổi Luật Doanh nghiệp lần này theo ông là đã triệt để hay chưa? Còn nội dung gì ông thấy tồn đọng nhưng chưa giải quyết được ngay hay không?
Là đơn vị gắn bó với Luật Doanh nghiệp từ ngày đầu đến giờ, CIEM luôn chủ động bám sát quá trình thực thi cũng như các lần sửa đổi, bổ sung trước chứ không phải chờ đến khi có quyết định giao nhiệm vụ thì mới làm.
Các vấn đề sửa đổi lần này được đánh giá rất toàn diện khách quan, tập trung vào những vấn đề quan trọng mà được kỳ vọng sẽ tạo ra đột phá mới thúc đẩy kinh doanh, nâng cao chất lượng môi trường kinh doanh.
Số lượng điều khoản sửa đổi có thể không nhiều nhưng nội dung sửa đổi rất lớn, rất căn cơ. Ví dụ như bỏ con dấu, bỏ những thủ tục không cần thiết trong đăng ký kinh doanh, tạo thuận lợi cho cổ đông nhỏ khởi kiện người quản lý… rõ ràng đem lại những tác động rất lớn. Kỳ vọng của tổ soạn thảo là sau lần sửa đổi này có thể tăng 50-70 bậc trên bảng xếp hạng khởi sự kinh doanh.
Dư địa của cải cách là vẫn còn nên vẫn cần tiếp tục nghiên cứu, cải thiện để hướng tới chuyên nghiệp hơn chính quy hơn, nhưng có thể nói Luật sửa đổi, bổ sung Luật Doanh nghiệp lần này là rất căn cơ, sát sườn, chúng tôi tin là sẽ tạo ra đột phá lớn cho DN và nền kinh tế.
Cuối năm 2015, khi 2 luật Doanh nghiệp và Đầu tư có hiệu lực được khoảng nửa năm, ông đã trả lời báo chí nói rằng thời điểm đó số lượng doanh nghiệp thành lập mới đạt kỷ lục chưa từng có, lên tới 93.000. Báo cáo mới nhất của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng cho biết số lượng doanh nghiệp thành lập mới tăng 70%. Thế nhưng số liệu của Tổng cục thống kê năm vừa rồi cho thấy số lượng DN giải thể, ngừng hoạt động cũng rất cao (năm 2018 có trên 131.200 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới nhưng cũng có tới 90.651 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động). Ông nhận định thế nào về điều này?
Cái này đúng là chỉ nhìn vào con số thì rất khó để có thể đưa ra kết luận. Trong nền kinh tế khi áp lực cạnh tranh càng lớn, số lượng doanh nghiệp gia nhập thị trường sẽ càng nhiều, doanh nghiệp chịu áp lực thất bại cũng nhiều. Câu hỏi như thế tôi nhận được rất nhiều nhưng không có thông tin để trả lời. Hiện nay chưa có một điều tra nào về nguyên nhân giải thể của DN.
Nếu giải thể vì áp lực thị trường thì có thể dựa vào đó để đề xuất Chính phủ can thiệp. Nếu giải thể vì áp lực môi trường kinh doanh thì phải điều chỉnh các điều kiện môi trường kinh doanh. Theo kinh nghiệm quốc tế, những doanh nghiệp giải thể có tuổi đời dưới 1 năm thì nhiều, nhưng nếu những doanh nghiệp có tuổi đời 5-10 năm mà cũng giải thể nhiều thì rõ ràng là có vấn đề.
Một trong những cái khó khi giải đáp câu hỏi này là những DN đã giải thể thì không thể nào tiếp cận được để tìm hiểu nguyên nhân do đó năm nay chúng tôi sẽ cố gắng làm ở khâu tiếp nhận hồ sơ tạm ngừng hoạt động hoặc giải thể.
Ông vừa nói: Luật Doanh nghiệp sửa đổi lần này chủ yếu điều chỉnh ở khâu gia nhập thị trường và quản trị doanh nghiệp. Theo ông, quản trị doanh nghiệp có vai trò như thế nào trong việc đưa luật Sửa đổi luật Doanh nghiệp áp dụng vào thực tiễn?
Kiến thức quản trị công ty của các cổ đông góp phần thúc đẩy luật doanh nghiệp thực hành tốt. Nếu cổ đông nhận thấy môi trường kinh doanh bất lợi nhưng vẫn quyết định đầu tư, các nhà đầu tư cứ nhắm mắt đầu tư thì công ty không có áp lực thúc đẩy quản trị. Ngược lại, nếu công ty quản trị không tốt thì không thu hút được nhà đầu tư.
Đơn cử như luật Doanh nghiệp cũ hạn chế một số quyền lợi đối với các cổ đông có tỷ lệ nắm giữ dưới 10% hoặc thời gian nắm giữ cố phần dưới 6 tháng nhưng nếu công ty quản trị tốt thì tỷ lệ 6 tháng hay 1 năm sẽ trở nên vô nghĩa vì khi công ty có nhiều thành viên HĐQT độc lập, lợi ích chung của công ty sẽ được đảm bảo, hạn chế xung đột lợi ích của các nhóm cổ đông.
Hiện nay, một số doanh nghiệp lớn của Việt Nam cử ra ủy ban nhân sự có những con người không đại diện cho bên nào. Ở các nước họ có các định chế trung gian rất quan trọng như Hiệp hội cổ đông nhỏ, Hiệp hội các nhà đầu tư thiểu số… để hỗ trợ cổ đông nhỏ liên kết với nhau thành cổ đông lớn, tư vấn cho cổ đông nhỏ trước khi ra quyết định đầu tư.
Tóm lại, sửa đổi luật Doanh nghiệp chỉ là một phần, bản thân các công ty phải nâng cao năng lực quản trị, các cổ đông phải có kiến thức đầu tư thông minh thì môi trường kinh doanh mới trở nên chuyên nghiệp và tạo ra nhiều giá trị cho xã hội.
Xin trân trọng cảm ơn ông.