img img

Đại thi hào người Nga Macxim Gorki đã viết: “Đời vắng mẹ hiền, không phụ nữ - Anh hùng, thi sĩ hỏi còn đâu?”. Một dân tộc có nhiều anh hùng trong kháng chiến là một dân tộc chịu nhiều đau khổ. Dân tộc Việt Nam không chỉ nhiều anh hùng trong kháng chiến mà còn có nhiều nữ anh hùng. Lịch sử đã thử thách dân tộc Việt quá nhiều phen khắc nghiệt. Trong những lần sinh tử ấy, đã có những bậc anh thư đứng lên “nợ nước riêng mình gánh nặng vai”.

Với bà Nguyễn Thị Bình – nguyên Phó Chủ tịch nước, nữ Bộ trưởng Ngoại giao đầu tiên của Việt Nam, sau hơn 95 năm tuổi đời và hàng chục năm cống hiến cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc, kinh qua nhiều vị trí công tác khác nhau, dấu ấn mà bà để lại thật sự khiến không ít người phải thốt lên như câu thơ nổi tiếng của đại thi hào Nguyễn Du: “…đàn bà dễ có mấy tay, Đời xưa mấy mặt, đời này mấy gan!".

img

Cho đến giờ này, nếu hỏi trong các nữ chính khách của Việt Nam thời hiện đại, những ai chiếm được tình cảm của nhiều người dân nhất thì có thể chắc chắn một điều, một trong số đó có tên “Nguyễn Thị Bình”.

Và nếu hỏi, trong những gương mặt phụ nữ nổi tiếng của Việt Nam hiện nay, có gương mặt nào để lại nhiều đóng góp cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước; đưa hình ảnh, tên tuổi và chính nghĩa của Việt Nam đi khắp năm châu bốn bể, đến với tâm hồn của bạn bè quốc tế thì cũng gần như chắc chắn trong đó có gương mặt “Madame Bình”.

img

Lại hỏi, trong những người phụ nữ nổi tiếng ở Việt Nam liệu bao nhiêu người vừa có cái duyên dáng mà sắc sảo, nhỏ nhắn khiêm nhường mà uyên bác, gần gũi mà sang trọng, đủ làm thuyết phục những người đối diện nhưng cũng đầy bản lĩnh, đầy tự tin đối diện với kẻ thù; hòa đồng với nhân dân, quý trọng đồng chí, thẳng thắng đấu tranh đến nơi đến chốn với cái sai. Trong số những người đó thì cũng chắc chắn có tên nhà ngoại giao Nguyễn Thị Bình.

Nói như vậy để thấy rằng, Nguyễn Thị Bình có thể liệt vào dạng “nữ kiệt thời nay” mà nhiều người muốn tìm hiểu và học hỏi điều gì đó ở bà.

img

img

Bà Nguyễn Thị Bình tên thật là Nguyễn Thị Châu Sa, sinh năm 1927 trong một gia đình có 6 anh chị em, nguyên quán ở Gò Nổi, Điện Bàn, Quảng Nam. Cha bà là ông Nguyễn Đồng Hợi, mẹ là bà Phan Thị Châu Lan – con gái thứ hai của nhà chí sĩ yêu nước Phan Châu Trinh, ông nội bà là nghĩa binh trong phong trào Cần Vương, chiến đấu và hy sinh tại quê nhà.

Người ta vẫn hay nói, người xứ Quảng đa phần là người cương trực, khí phách, không dễ bị khuất phục. Người Quảng có cái tật “hay cãi” và cũng thường “tham việc công”, nghĩa là có trách nhiệm với đất nước, cộng đồng, sẵn sàng gánh vác và dấn thân. Con người đó cũng lại là con người rất nghĩa tình và cởi mở, nhạy cảm với cái mới.

img

Với ai là người xứ Quảng thì không biết nhưng với Nguyễn Thị Bình, những lời “thánh phán” ấy tựa như bức tranh ký họa phác thảo sẵn tính cách, sự nghiệp và cuộc sống của bà cho đến tận bây giờ.

Do cha bà từng làm tham tá công chánh thời Pháp thuộc, làm công tác họa đồ nên thuở nhỏ gia đình bà cư trú tại Phnôm Pênh, Campuchia, do đó bà được cho ăn học ở một trường nổi tiếng ở Đông Dương thời bấy giờ tại Phnôm Pênh là trường Lycée Sisowath. Bà được học tiếng Pháp ở đây cho hết tú tài I, và học rất khá.

Năm 1944, mẹ bà qua đời lúc bà mới 17 tuổi, bà theo gia đình trở về nước và bắt đầu tham gia các hoạt động yêu nước trong phong trào sinh viên học sinh như cứu tế và cướp chính quyền tại Sài Gòn. Sau khi Pháp tái chiếm Nam Bộ cuối năm 1945, cha bà ra chiến khu theo lời kêu gọi của Ủy ban hành chánh kháng chiến Nam Bộ. Riêng bà ở lại để chăm sóc các em, vừa hoạt động bí mật cho phong trào Việt Minh khối sinh viên học sinh và phụ nữ yêu nước, vận động trí thức Sài Gòn - Chợ Lớn.

img

Năm 1948, sau khi được kết nạp Đảng, bà được giao thêm nhiệm vụ vận động phụ nữ trí thức, tham gia các hoạt động hợp pháp tại thành phố, thành lập Hội phụ nữ cấp tiến.

Sau này, bà tham gia chỉ đạo các hoạt động công khai, hợp pháp tiêu biểu như cuộc chống địch giải tỏa xóm lao động Bàn Cờ, cuộc biểu tình để tang Trần Văn Ơn (ngày 9/1/1950), cuộc biểu tình phản đối tàu chiến Mỹ đến Sài Gòn. Trong các cuộc đấu tranh này, bà luôn là người có mặt ở tuyến đầu, nên đồng bào, đồng chí hoạt động nội thành thường gọi bà là “chuyên gia biểu tình”.

Tháng 4/1951, bà bị địch bắt giam tại Khám Lớn (Sài Gòn), với tội “cầm đầu gây rối, phản nghịch chống chính quyền”, sau đó bị chuyển về Khám Chí Hòa, giam gần 3 năm. Sau khi ra tù, bà tiếp tục hoạt động trong phong trào đấu tranh cho hòa bình, đòi thi hành Hiệp định Giơ-ne-vơ do Luật sư Nguyễn Hữu Thọ tổ chức. Năm 1955, bà được điều ra Bắc tập kết và được đào tạo thêm theo chương trình bồi dưỡng cán bộ đặc biệt, công tác tại Hội Liên hiệp Phụ nữ Trung ương.

img

img

Sau khi Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam (Mặt trận) ra đời, là người giỏi tiếng Pháp, lại có trình độ và thực tiễn hoạt động chính trị, có kinh nghiệm vận động, tuyên truyền nhân dân,… năm 1962, Nguyễn Thị Bình vinh dự được cử làm Ủy viên Mặt trận, phụ trách công tác đối ngoại.

Từ đó, bà được tham dự nhiều hội nghị quốc tế và thăm nhiều nước xã hội chủ nghĩa và tiến bộ trên thế giới. Qua các hoạt động đó, bà đã góp phần nâng cao uy tín của Mặt trận tại nhiều nước trên thế giới. Cuối năm 1968, Nguyễn Thị Bình được cử làm Trưởng đoàn trù bị, rồi Phó Trưởng đoàn của Mặt trận tham dự Hội nghị Paris (Trưởng đoàn là ông Trần Bửu Kiếm).

Chiều ngày 4/11/1968, khi vừa đến Paris, bà Bình đã phát biểu ngay về “Giải pháp 5 điểm” của Mặt trận. Sự xuất hiện của “Madam Binh” cùng với tuyên bố trên ngay lập tức đã nhận được sự hoan nghênh nhiệt liệt của dư luận quốc tế.

img

Trong hồi ký của mình, bà viết: “Ngay từ phút đó, tôi càng thấy rõ trách nhiệm của mình hơn và có một nguồn động viên rất lớn. Tại đó, tôi đã phát biểu ngay về giải pháp 5 điểm của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam và được tất cả mọi người xung quanh hoan nghênh nhiệt liệt. Bạn bè Pháp, bà con Việt kiều hô vang: Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam muôn năm! Việt Nam nhất định thắng!

Lần đầu tiên giữa thủ đô tráng lệ, người dân Paris bắt gặp một đoàn xe Deesse (Nữ thần) phấp phới những lá cờ nửa xanh nửa đỏ với ngôi sao vàng, có ô tô và mô tô của cảnh sát Pháp dẫn đường hộ tống. Ngồi trên xe, nhìn lá cờ Mặt trận, tôi không nén được bồi hồi, xúc động...”.

Sự xúc động của bà có lý do riêng. Năm 1951, bà bị thực dân Pháp bắt và tra tấn ở Sài Gòn khi đang hoạt động trong phong trào học sinh, sinh viên. Giờ đây giữa thủ đô nước Pháp, chính bà và các đồng chí của mình lại được đón tiếp với đầy đủ nghi lễ ngoại giao, trong tư thế người đại diện của nhân dân miền Nam Việt Nam đang chiến đấu và sẽ ngồi vào đàm phán với một đế quốc lớn nhất là Mỹ.

img

Hôm sau, tất cả các báo phát hành ở Pháp đều đăng tựa đề lớn: Đại diện của Việt cộng đã đến Paris. Kèm theo đó là những tường thuật và bình luận về cuộc đón tiếp người phụ nữ đại diện của “Việt cộng” với những tình tiết thật ly kỳ: “Việt cộng đã thắng lớn qua cuộc đón tiếp Madam Bình ở Paris”; “Madam Bình như một bà hoàng được đón như một quốc trưởng với đủ nghi thức chính quy, lại được hoan nghênh nhiệt liệt”; “Madam Bình đã làm chấn động dư luận Paris và thế giới. Cờ Mặt trận đã tung bay ở Paris! Rất tuyệt! Thật hiếm có!”.

Tháng 6/1969, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam được thành lập, Nguyễn Thị Bình được phân công giữ chức Bộ trưởng Ngoại giao và Trưởng đoàn Đại biểu Chính phủ Cách mạng lâm thời tại Hội nghị Paris, thay thế đoàn Đại biểu Mặt trận.

img

Việc Nguyễn Thị Bình được cử làm Trưởng đoàn đàm phán Chính phủ Cách mạng lâm thời tại Hội nghị Paris là có chủ định. Bởi vì bà đã tốt nghiệp tú tài, rất giỏi tiếng Pháp và có quá trình hoạt động chính trị nhiều năm.

Hơn nữa, trong cuộc đấu tranh hết sức quyết liệt giữa một nước nhỏ chống lại một đế quốc lớn, mà đứng đầu phái đoàn là một người phụ nữ vừa gây sự chú ý, vừa tranh thủ được thiện cảm của dư luận thế giới, rõ ràng tạo thêm thuận lợi cho hoạt động đối ngoại, như lời nhận xét của bà sau này: “Nếu mình là phụ nữ biết ứng xử khôn khéo thì người ta cũng dễ có tình cảm hơn, sẽ nghe những điều mình muốn nói về lập trường của mình”.

img

Những năm tháng tham gia đàm phán ở Hội nghị Paris là một thử thách khắc nghiệt: “Hội nghị Paris là một trận chiến quyết liệt, là những keo vật không đứt giữa các kỳ phùng địch thủ”. Nhưng hình ảnh “madam Bình” theo cách gọi của giới truyền thông vẫn luôn gây ấn tượng mạnh với báo chí phương Tây,

Họ ấn tượng không chỉ bởi trước mắt họ là hình ảnh một người phụ nữ nhỏ nhắn đến từ vùng đất đầy khói lửa chiến tranh nhưng lại có phong cách giao tiếp lịch lãm, sang trọng, nét mặt và nụ cười luôn cởi mở, thân thiện, mà họ còn rất ấn tượng bởi những lời phát biểu đầy thuyết phục, thông minh, lúc rắn rỏi, khi ví von dí dỏm... khiến cho thế giới phải nể trọng, nhân dân nức lòng.

img

Khoảng thời gian giữa hai kỳ họp là một khối lượng công việc lớn và đầy căng thẳng. Bà tham gia các cuộc họp báo, trả lời phỏng vấn, tham dự các hội nghị quốc tế với tư cách Bộ trưởng Ngoại giao, đi khắp các châu lục tuyên truyền, vận động, tranh thủ sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế cho sự nghiệp đấu tranh vì chính nghĩa của nhân dân Việt Nam, chuẩn bị thông tin để đưa ra những đòn tấn công ngoại giao sắc bén cho cuộc đàm phán phía trước.

Có lần, một nhà báo phương Tây hỏi: “Bà có ở Đảng Cộng sản không?”. Bà nhanh nhẹn trả lời: “Tôi thuộc Đảng yêu nước”. Câu trả lời thông minh ấy đã khiến nhà báo kia phải cứng họng. Trong quá trình đàm phán, bà luôn tâm niệm: “Họ có quyền hỏi, mình có quyền trả lời. Nhưng trả lời thế nào để họ tâm phục khẩu phục, hiểu rõ hơn cuộc chiến đấu chính nghĩa của dân tộc mình, đó mới là điều quan trọng”.

Hoặc có lần, có nhà báo hỏi: “Có quân đội miền Bắc ở miền Nam không?”. Bà Bình trả lời: “Dân tộc Việt Nam là một, người Việt Nam ở Bắc cũng như ở Nam đều có nghĩa vụ chiến đấu chống xâm lược”.

Nhà báo hỏi: “Vùng giải phóng ở đâu?”. Bà Bình dứt khoát: “Nơi nào Mỹ ném bom, bắn phá thì đó chính là vùng giải phóng của chúng tôi. Nếu không tại sao Mỹ lại phải ném bom?”.

img

Giữa năm 1971, truyền hình Pháp tổ chức cuộc họp báo ở hai đầu Paris và Washington, có 20 nhà báo tham gia, 10 người phần lớn là Mỹ bảo vệ lập trường của Mỹ, 10 người, phần lớn là Pháp trung lập. Bà Bình một mình giữa các nhà báo sừng sỏ, dưới ánh đèn sáng chói đã bình tĩnh đối đáp đàng hoàng, mạnh mẽ nhưng hòa nhã, nêu rõ thiện chí muốn tìm giải pháp chính trị chấm dứt chiến tranh. Hình ảnh của bà bấy giờ khiến người ta liên tưởng đến một hình ảnh ví von là “khiêu vũ giữa bầy sói”.

Sau nhiều nỗ lực, ngày 27/1/1973, Hiệp định Paris về Việt Nam được ký kết. Đây là vinh dự lớn lao trong cuộc đời hoạt động của bà, mỗi khi nhớ về sự kiện trọng đại này, bà vẫn tự hào: “Khi đặt bút ký vào bản hiệp định chiến thắng, nghĩ đến những đồng bào, đồng chí ngã xuống - những người không còn có thể biết được sự kiện trọng đại này, mắt tôi bỗng nhòe ướt.

Trong cuộc đời tôi, đây là vinh dự rất lớn vì được thay mặt nhân dân, các chiến sĩ cách mạng để đấu tranh trực diện với kẻ thù xâm lược ngay tại Paris, được đặt bút ký vào bản hiệp định chiến thắng sau 18 năm cả nước tiến hành cuộc chiến đấu chính nghĩa đầy hy sinh gian khổ… Đó có lẽ là kỷ niệm sâu sắc nhất trong cuộc đời ngoại giao của tôi”.

img

img

Sau ngày đất nước thống nhất, bà Nguyễn Thị Bình được bổ nhiệm là Bộ trưởng Bộ giáo dục Chính phủ đầu tiên của nước Việt Nam thống nhất, tháng 2/1987, bà được phân công làm Phó Trưởng ban Đối ngoại Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch Liên hiệp Hòa bình Đoàn kết hữu nghị với Việt Nam; đại biểu Quốc hội các khoá VI, VII, VIII, IX, Phó Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. Bà nghỉ hưu năm 2002.

Với những cương vị đó, bà Nguyễn Thị Bình có nhiều đóng góp trên lĩnh vực tuyên truyền, giới thiệu về đường lối đối ngoại của Việt Nam, củng cố tăng cường hữu nghị giữa Việt Nam với các tổ chức quốc tế cũng như với các quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. Đặc biệt, bà đã góp phần đưa Việt Nam thoát khỏi tình trạng bị bao vây, cấm vận, thiết lập quan hệ ngoại giao với các nước lớn, tạo được uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.

img

Làm được điều đó là bởi sức hấp dẫn, tính thuyết phục lớn và sâu của bà, không chỉ ở trong nước mà cả đối với đông đảo những người ngoài nước, kể cả những nhân vật lớn và “khó”. Chẳng hạn như sau năm 1979, khi ta buộc phải tiến hành cuộc chiến tranh Tây Nam khó nhọc chống lại quân Pol Pot xâm lấn biên giới và cứu nhân dân Campuchia khỏi họa diệt chủng, rất nhiều bạn bè cũ đã không thể thấu hiểu và chúng ta đã phải lâm vào thế cô lập khá lâu, họ đã tìm đến bà Bình, và sau khi nghe bà ôn tồn giải thích, họ bảo: “Đúng rồi, chúng tôi đã nghe nhiều người, nhưng đến Bình nói thì tôi tin!”

Suốt những năm tháng ác liệt, khó khăn nhất, ở bất cứ nơi nào bà đến trên hầu khắp thế giới cũng vậy, người ta bảo” “Bình nói thì tôi tin”…

img

Những năm tháng ấy, bà có mặt ở hầu khắp hành tinh, và thật lạ, thật đẹp, hình ảnh của một Việt Nam đang chiến đấu khốc liệt lại được đại diện không phải bằng một chiến binh đằng đằng sát khí mà là một phụ nữ nhỏ nhắn, khiêm nhường mà uyên bác, gần gũi mà sang trọng, sự kiên định không gì lay chuyển nổi lại được thể hiện chính bằng một vẻ thong dong đầy tự tin…

Bà gọi công việc đó là “ngoại giao nhân dân”, nghĩa là con người đến với con người, trái tim đến với trái tim. Bà đem bạn bè về cho dân tộc. Và đấy là một trong những nhân tố quan trọng nhất quyết định thắng lợi kỳ lạ của Việt Nam trong thế kỷ qua.

Giờ đây, ở tuổi 95, sự đóng góp của vị “sứ giả hòa bình” Nguyễn Thị Bình – Madam Bình vẫn là biểu tượng sáng ngời về phẩm chất cao quý của người phụ nữ Việt Nam.

img

NGUOIDUATIN.VN |