Thiếu tá Pịt Văn Mương cho biết vườn ao chồng của gia đình già Ngành là một trong những mô hình thành công, giúp đơn vị tuyên truyền đến bà con dân bản.
Dù đã được Thiếu tá Pịt Văn Mương, đội trưởng Đội vận động quần chúng, Đồn biên phòng Mường Ải, Bộ đội biên phòng Nghệ An cảnh báo trước nhưng để lên được vùng C5 nơi đồng bào Khơ Mú đang canh tác, chúng tôi đã phải vượt qua những con dốc dựng đứng, đầy trơn trượt.
Chỉ vào ngôi lán tạm ở trên đỉnh núi, Thiếu tá Pịt Văn Mương cho biết đây là nơi gia đình ông Hoa Phò Ngành (SN 1959, trú bản Xốp Lau, xã Mường Ải, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An) canh tác vườn-ao-chuồng-rừng rộng hơn 2ha. Hiện nay, đây là gia đình có mô hình kinh tế thành công nhất mà Đồn biên phòng Mường Ải giúp đỡ.
Già làng Ngành vốn là người có uy tín tại bản Xốp Lau, luôn đi đầu trong công tác vận động người dân phát triển kinh tế, bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới.
Với việc xoá đói giảm nghèo đã nâng cao tinh thần không ai bị bỏ lại phía sau.
Cách đây gần chục năm, già làng Ngành nghĩ rằng để vận động bà con tích cực, tự chủ trong phát triển kinh tế, bản thân mình phải làm tốt, nêu gương. Vì vậy, già làng Ngành đã cùng với vợ lên đi lên đỉnh núi C5 này nuôi gà, nuôi bò và trồng cây ăn quả.
Nắm bắt được quyết tâm của già làng Ngành, Đồn biên phòng Mường Ải đã quyết định cử Thiếu tá Pịt Văn Mương đồng hành cùng với gia đình để xây dựng mô hình kinh tế.
Già làng Ngành cho biết, nhờ có sự giúp đỡ của các chiến sĩ biên phòng nên khu canh tác của gia đình ngày càng mở rộng. Trước đây, gia đình chỉ nuôi gà, nuôi bò nhưng hiện nay đã có thêm 2 ao cá do Đồn biên phòng Mường Ải hỗ trợ giống, thậm chí còn làm vụ lúa đầu tiên trên đỉnh núi này.
Từ việc ổn định kinh tế, qua đó góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia, giữ bình yên nơi biên cương Tổ quốc.
“Lúc đầu tôi chỉ canh tác để phục vụ nhu cầu trong gia đình thôi, nhưng sau mấy năm có các chiến sĩ biên phòng giúp đỡ thì đã có sản phẩm để bán. Trung bình thu về khoảng 60 – 70 triệu đồng mỗi năm”, già làng Ngành nói.
Cho đến nay, gia đình già làng Hoa Phò Ngành đã có tới 70 con gà, bò 15 con, trâu 3 con, dê 7 con, cùng với 2 ao thả cá và vườn cây ăn quả như cam, ổi, đu đủ...
Thiếu tá Pịt Văn Mương cho biết: “Với sự đi đầu gương mẫu và xây dựng thành công mô hình vườn ao chuồng, già làng Hoa Phò Ngành đã phối hợp giúp đơn vị thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động người dân trên địa bàn chấp hành nghiêm pháp luật, phát triển kinh tế, từ đó hạn chế tình trạng đốt nương làm rẫy”.
Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng cửa khẩu Nậm Cắn đã thực hiện tốt phương châm “3 bám, 4 cùng” với nhân dân.
Đồn Biên phòng Mường Ải có nhiệm vụ quản lý, bảo vệ 52km đường biên giới Việt Nam - Lào. Địa bàn quản lý gồm 2 xã Mường Ải và Mường Típ, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An có 1.044 hộ/5.737 nhân khẩu, với 4 dân tộc cùng sinh sống: Mông, Thái, Khơ Mú, Kinh.
Đây là địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới có điều kiện địa hình, khí hậu, thời tiết khắc nghiệt, nghề nghiệp chủ yếu của người dân là làm nương rẫy và sống dựa vào tự nhiên nên tỉ lệ hộ nghèo còn cao, trình độ dân trí không đồng đều, cũng vì vậy ý thức chấp hành pháp luật của một bộ phận người dân còn hạn chế.
Thiếu tá Ngô Quang Hiếu, Chính trị viên Đồn Biên phòng Mường Ải cho biết, thực hiện Chỉ thị số 681-CT/ĐU, ngày 08/10/2018 của Đảng ủy Bộ đội biên phòng về việc phân công đảng viên đồn biên phòng phụ trách các hộ gia đình ở khu vực biên giới, đơn vị đã cử 31 đảng viên phụ trách 135 hộ gia đình khó khăn ở nơi đây.
“Các đảng viên được giao từng nhiệm vụ cụ thể để xoá đói giảm nghèo, phát triển kinh tế hộ, bảo vệ chủ quyền an ninh quốc gia khu vực biên giới. Với việc sâu sát với từng hộ gia đình đến thời điểm hiện nay đã đạt nhiều hiệu quả tích cực, trong đó có nhiều gia đình xây dựng được mô hình dê sinh sản, vườn ao chuồng và thậm chí đã có thể làm được vụ lúa để đảm bảo đời sống”, Thiếu tá Ngô Quang Hiếu cho biết.
Ngay khi được giao phụ trách 5 hộ gia đình ở bản Khánh Thành, ngoài việc chăm lo phát triển kinh tế cho người dân, Thiếu tá Nguyễn Bá Dũng, cán bộ vận động quần chúng, Đồn biên phòng cửa khẩu Quốc tế Nậm Cắn, Bộ đội biên phòng Nghệ An còn phải tăng cường các hoạt động tuyên truyền đảm bảo an ninh, trật tự trên địa bàn.
Trước đây, ở bản Khánh Thành, xã Nậm Cắn, huyện Kỳ Sơn đã từng xảy ra tình trạng bạo lực gia đình, chủ yếu do những người chồng nghiện rượu về đánh mắng vợ con.
Để giải quyết tình trạng này, đảng viên Biên phòng sinh hoạt tại chi bộ bản đã tham mưu cho chính quyền địa phương thành lập tổ hòa giải ở bản để tuyên truyền, vận động người dân chấp hành nghiêm pháp luật của Nhà nước.
Ngoài việc phát triển kinh tế, các chiến sĩ biên phòng còn phải tăng cường các hoạt động tuyên truyền đảm bảo an ninh, trật tự trên địa bàn.
Nếu trên địa bàn phát hiện gia đình xảy ra tình trạng bạo lực, tổ hòa giải và lực lượng Biên phòng sẽ trực tiếp đến từng hộ dân để tuyên truyền, vận động cho bà con hiểu và giải quyết hài hòa.
Là thành viên tổ hòa giải của bản, chị Ngôn Thị Hương, trú tại bản Khánh Thành cho biết, trong bản đã từng có 2 cặp vợ chồng xảy ra mâu thuẫn, tổ hòa giải, gồm: Ban quản lý bản, cán bộ Biên phòng tăng cường, thành viên tổ đã đến gặp gỡ, vận động, phân tích những điều phải trái... Nhờ đó, hai vợ chồng họ đã thấu hiểu, thông cảm, chia sẻ với nhau nhiều hơn, cùng nhau xây dựng gia đình, hạn chế thấp nhất xung đột.
Trung tá Phan Nhật Thành, Chính trị viên Đồn biên phòng cửa khẩu quốc tế Nậm Cắn cho biết, ngoài thực hiện nhiệm vụ chính trị là bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới, phòng chống tội phạm trên địa bàn, Đảng ủy, Chỉ huy đơn vị rất coi trọng việc lựa chọn, phân công đảng viên có phẩm chất, trình độ, năng lực, kinh nghiệm công tác ở địa bàn biên giới tham gia sinh hoạt Đảng tạm thời và phụ trách các hộ gia đình khó khăn tại địa phương.
“Các đảng viên Biên phòng được phân công về địa bàn đã phát huy tốt vai trò, trách nhiệm, đưa ra các giải pháp phù hợp giúp các gia đình ở khu vực biên giới phát triển kinh tế, đảm bảo an ninh, trật tự, thực hiện nếp sống văn minh.”, Trung tá Thành cho biết.
Từ khi có chiến sĩ biên phòng giúp đỡ, gia đình đã mở rộng có thêm 2 ao cá và 3 bậc thang để trồng lúa.
Thông qua đó, mỗi đảng viên phụ trách hộ gia đình thực hiện tốt việc nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của bà con, vận động các gia đình không nghe, không tin những nội dung tuyên truyền, xuyên tạc của kẻ xấu, khuyến khích người dân chăm lo phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, xây dựng quê hương giàu đẹp.
Ông Lang Thanh Lương, Bí thư Đảng ủy xã Nậm Cắn cho biết, mô hình dân vận khéo “Phân công đảng viên phụ trách hộ gia đình” của Bộ đội biên phòng Nghệ An mang ý nghĩa thiết thực, hỗ trợ động viên giúp đỡ các hộ nghèo ở xã biên giới Nậm Cắn có điều kiện phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.
Thiếu tá Pịt Văn Mương tư vấn cho gia đình chăm sóc những gốc cam bắt đầu ra quả.
Xã biên giới Nậm Cắn nằm ở phía Tây của huyện Kỳ Sơn, nơi có 23,099 km đường biên giới tiếp giáp với huyện Noọng Hét (Lào). Toàn xã có 6 bản với 984 hộ, 5.061 nhân khẩu với 4 hệ dân tộc cùng sinh sống, trong đó dân tộc Mông chiếm 70,5%. Cũng vì vậy, nhiều năm trước cuộc sống người dân gặp rất nhiều khó khăn do trình độ dân trí còn thấp, tư liệu sản xuất không có.
“Mấy năm nay, nhờ các chiến sĩ biên phòng đã tích cực cùng với cấp ủy, chính quyền địa phương đẩy nhanh công cuộc xóa đói, giảm nghèo trên địa bàn, xây dựng bản làng ngày càng ấm no, qua đó gắn kết nghĩa tình quân dân, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia”, Bí thư Đảng ủy xã Nậm Cắn nói.
Bộ đội biên phòng Nghệ An đang duy trì 27 cán bộ tăng cường xã biên giới; 84 đảng viên sinh hoạt tạm thời tại các thôn, bản biên giới; 579 đảng viên phụ trách 2.671 hộ gia đình ở khu vực biên giới, gần 70 đảng viên chuyển sinh hoạt tạm thời về các chi bộ thôn, bản. Trên các cương vị khác nhau, cán bộ, đảng viên bộ đội biên phòng Nghệ An đã góp sức, từng bước xóa “bản trắng” đảng viên, đưa các tổ chức cơ sở Đảng, tổ chức quần chúng tại địa phương hoạt động có nền nếp, hiệu quả.
Ban đầu, khu chăn nuôi chỉ để cung cấp cho gia đình nhưng đến nay đã có thể tạo thu nhập 60 – 70 triệu đồng/năm.
NGUOIDUATIN.VN |