Nhiều mảnh đời công nhân vẫn lay lắt sống qua ngày trong những khu trọ ẩm thấp, chật hẹp trong bối cảnh mục tiêu xây 1,2 triệu căn nhà ở xã hội (NOXH) của Chính phủ vẫn chưa và thậm chí là khó có thể hoàn thành.
Phải đến tận nơi ăn ở, sinh sống của người công nhân mới thấu hiểu được nỗi vất vả của những mảnh đời lao động nhập cư, ngoại tỉnh. Dù phải xa quê hương nhưng họ cũng chỉ nhận về đồng lương ít ỏi, chỉ dám sống trong những khu trọ ẩm mốc, mất vệ sinh, thiếu an toàn.
Vì mưu sinh, vợ chồng anh Hồ Văn Chanh (35 tuổi, quê Hoà Bình) phải bỏ xứ đi làm công nhân tại Khu công nghiệp VSIP, Ninh Bình với đồng lương chỉ đủ “cơm ăn 3 bữa, quần áo mặc cả ngày”.
Anh Chanh cho biết bản thân đã có 6 năm làm việc tại nơi đất khách quê người, cũng là 6 năm vợ chồng cái con chen chúc trong căn trọ chật hẹp với diện tích chưa đến 15m2 tọa lạc tại phường Phù Chẩn, Thành phố Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh. Căn phòng trọ nhỏ được gia đình anh Chanh thuê với giá 1,2 triệu đồng/tháng, thêm cả điện nước và các chi phí phát sinh vào có giá gần 2 triệu đồng.
Là nơi “chui ra chui vào” của cả một gia đình nhỏ, căn trọ lại nhếch nhác, mọi sinh hoạt bị bó gọn trong không gian chật hẹp và bí bách, mùa hè thì nóng, mùa đông thì lạnh.
Nhưng theo anh Chanh chia sẻ: “Với đồng lương ít ỏi của công nhân lao động, việc ở trong những căn trọ như này là điều bắt buộc bởi không còn lựa chọn nào khác”.
Suốt 6 năm lăn lội nơi đất khách, trải qua 3 năm Covid-19 hoành hành, vợ chồng anh chỉ tiết kiệm được 200 triệu đồng. Mong muốn có một căn nhà nhưng với số tiền này anh Chanh tự nhận thức bản thân rất khó chạm tới giấc mơ an cư.
Chia sẻ với Người Đưa Tin, anh Chanh cho biết mục tiêu của 2 vợ chồng là trong 2 năm tới sẽ mua nhà giá rẻ nếu có “suất”. Còn nếu không mua được nhà, anh chị sẽ về quê sinh sống với số vốn ít ỏi tích cóp được trong ngần đấy năm tha hương cầu thực.
Không đến mức phải “chạy ăn từng bữa” nhưng chị Hoàng Thị Thu (25 tuổi, quê Yên Bái) cho biết đời sống công nhân cũng khó dư dả, mỗi tháng nghe tin có hiếu hỉ giỗ chạp là vẫn giật mình thon thót vì các khoản phải chi. Trong đó, tiền thuê nhà, điện nước là bắt buộc mỗi tháng đã ngốn của hai vợ chồng hơn 2 triệu đồng.
Khi được hỏi về việc có muốn sở hữu một căn nhà của riêng mình tại nơi làm việc, chị Thu cho biết bản thân xác định làm đến năm 30 tuổi sẽ về quê sinh sống chứ không gắn bó với mảnh đất này nên không tìm hiểu kỹ. Một số thông tin chị nghe được các đồng nghiệp truyền tai nhau về hình thức căn hộ này lại khá tiêu cực.
“Tôi có nghe về nhà giá rẻ 700 – 800 triệu/căn cho trả góp, nhưng họ bảo khó mua lắm, giấy tờ làm thì đủ thứ, chúng tôi dân lao động nghèo có biết gì nhiều chữ nghĩa đâu để làm được cái đó. Mấy đứa làm cùng còn trêu nhau bảo lên mạng mà mua, còn khướt mới tới lượt chúng mình”, chị Thu thật thà chia sẻ.
Không chỉ tại các khu công nghiệp (KCN), mà ngay cả tại những thành phố lớn, giá cả quá đắt đỏ đang dập tắt nhiều giấc mơ an cư của người trẻ, nhiều người xác định sẽ "cả đời ở nhà thuê" hay thậm chí nghĩ đến việc "bỏ phố về rừng" bởi cuộc sống vất vả, xô bồ nơi phố thị.
Anh Trịnh Ngọc Bảo (27 tuổi, quê Sóc Sơn, Hà Nội) sau khi tốt nghiệp trường Đại học Quốc gia Hà Nội đã đi làm được 5 năm, trải qua nhiều công việc với mức lương dao động từ 8-12 triệu đồng/tháng, nghe thì tưởng chừng như đủ đầy nhưng anh Bảo cho biết sau 5 năm lăn lộn số tiền bỏ ra chẳng được bao nhiêu.
"Cũng sắp chạm ngưỡng 30 tuổi nhưng nhà cửa chưa có vì vậy nên cũng không dám lập gia đình, sợ vợ con phải khổ, đến bản thân mình còn chông chênh không có nổi chỗ chui ra chui vào ổn định thì nào dám nghĩ xa xôi. Bản thân mình đàn ông ở một mình tạm bợ được nhưng có gia đình rồi mà vẫn chịu cảnh ở thuê thì khổ cho cả hai người", Bảo chia sẻ.
Không dám mơ nhà phố, chung cư cao cấp, Bảo đi tìm những căn hộ vùng ven, kể cả nhà trong ngõ thì mức giá cũng xấp xỉ 3 tỷ đồng trở lên. Dù cũng mang trong mình ước mơ sở hữu nhà, nhưng đi tìm hiểu và khảo sát giá nhà trên thị trường khiến hy vọng an cư của Bảo gần như bị dập tắt hoàn toàn.
Cá biệt hơn trường hợp của Bảo, chị Hoàng Thu Thảo (35 tuổi, Hà Nội) đang phải gồng gánh một gia đình 6 người với mức thu nhập ít ỏi từ quầy bánh mì nhỏ mỗi sáng.
Sống giữa Thủ đô, lại còn là khu vực trung tâm thành phố, nhưng ít ai nghĩ rằng cả một đại gia đình 3 thế hệ đó lại sống trong một căn hộ tái định cư nhếch nhác đã xuống cấp trầm trọng có diện tích 60m2 mà bố mẹ chồng chị được cấp cách đây 20 năm.
Trong căn nhà, nhìn đâu cũng thấy đồ đạc ngổn ngang, phần vì đông người ở mà diện tích quá nhỏ, phần vì kinh doanh hàng ăn có rất nhiều đồ đạc lỉnh kỉnh chiếm diện tích căn nhà. Do đó, chị Thảo phải cơi nới từng khoảng trống để cất đồ đạc, căn gác xép "tự chế" được lắp đặt giữa bếp, đựng không biết cơ man là đồ đạc lỉnh kỉnh.
Ước ao được đổi sang một ngôi nhà khang trang, sạch đẹp và đủ đầy hơn cho con cái được thoải mái, bố mẹ chồng cũng có không gian sống bớt chật chội hơn nhưng chị Thảo cũng phải ngậm ngùi chấp nhận với thực tế nghiệt ngã rằng mức thu nhập hiện nay thì việc có nhà mới là điều không tưởng.
"Tiêu tằn tiện lắm thì mỗi tháng cũng hết không dưới 10 triệu đồng, nếu phát sinh ốm đau, bệnh tật thì gia đình còn âm tiền, sống trong cảnh giật gấu vá vai chứ chẳng dư giả gì. Tiền tích cóp của cả nhà cả chục năm nay cũng chỉ được gần 400 triệu đồng, tôi có tham khảo để xem mua nhà nhưng con số toàn tiền tỷ, gia đình thật sự không kham nổi. Cũng có nghiên cứu nhà giá rẻ thấy bảo 1,5-2 tỷ đồng, nhưng chờ mãi thấy nhà chưa hoàn thiện, rồi thủ tục bốc thăm này kia, chắc gì đã tới lượt mình", chị Thảo nói.
NOXH ra đời nhằm giải quyết vấn đề an sinh cho người thu nhập trung bình, thấp trong đô thị. Thế nhưng sau nhiều năm triển khai, số lượng NOXH được hoàn thành và tới tay đúng đối tượng vẫn như muối bỏ bể, số lượng doanh nghiệp muốn làm và thực sự đã làm NOXH vẫn chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Mặc dù nhu cầu cao, nguồn lực mạnh, quyết tâm lớn nhưng hạn chế về tiếp cận vốn, quỹ đất cũng như các chính sách ưu đãi chưa đủ hấp dẫn khi lãi suất vay vốn vẫn neo cao, trong khi thời gian thu hồi dài, lợi nhuận thấp khiến nhiều doanh nghiệp dù muốn làm NOXH đáp ứng nhu cầu của người dân cũng phải chùn bước.
Để triển khai một dự án, nhiều doanh nghiệp phải mất tới 5 - 10 năm chỉ để hoàn thiện pháp lý, nhận về chủ trương đầu tư.
5 năm, 50 con dấu khác nhau, đó là các thủ tục mà ông Lê Hữu Nghĩa - Giám đốc Công ty Lê Thành (chủ đầu tư dự án NOXH Lê Thành Tân Kiên) đã phải thực hiện để triển khai dự án NOXH Lê Thành Tân Kiên trong khi đó tỉ lợi nhuận ở một dự án nhà ở xã hội là 10-15%, thấp hơn nhiều so với nhà ở thương mại.
Dù là doanh nghiệp lớn, đứng đầu cả nước về mảng bất động sản, Tập đoàn Vingroup cũng không dễ dàng gì trong việc thực hiện xây dựng NOXH.
Nêu thế khó của doanh nghiệp khi đầu tư vào NOXH tại Hội nghị tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội do Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì vừa qua, Phó Chủ tịch Tập đoàn Vingroup Nguyễn Việt Quang cho biết, số lượng thủ tục thực hiện dự án NOXH đang nhiều hơn so với dự án nhà ở thương mại.
Theo đại diện Tập đoàn Vingroup, ngoài các thủ tục chung như phê duyệt quy hoạch, chấp thuận chủ trương đầu tư, đấu thầu lựa chọn các nhà đầu tư… thì dự án NOXH phát sinh thêm hàng loạt thủ tục khác như xác nhận đối tượng được mua, thuê NOXH; thủ tục thẩm định giá bán, giá cho thuê NOXH…
“Tổng thời gian hoàn thành thủ tục dự án NOXH từ lúc bắt đầu triển khai đến khi khởi công thường khoảng 2 năm”, ông Nguyễn Việt Quang cho biết thêm.
Trao đổi với Người Đưa Tin, ông Nguyễn Anh Quê - Chủ tịch Tập đoàn G6, Ủy viên Ban chấp hành Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho biết, mặc dù Nhà nước rất quyết liệt thúc đẩy việc phát triển NOXH nhưng thủ tục hành chính phức tạp đã khiến nhiều doanh nghiệp “chùn bước”.
Một trong những khó khăn thường trực mà doanh nghiệp phải đối diện là vấn đề giải phóng mặt bằng vừa tốn kém chi phí, thời gian thực hiện còn thường xuyên kéo dài lâu hơn dự kiến.
Bên cạnh đó, ông Quê cho biết khâu phê duyệt chủ trương đầu tư và chấp thuận nhà đầu tư cũng thường bị “ngâm” từ nhiều năm, khiến tổng thời gian để thực hiện dự án từ lúc lên kế hoạch đến khi hoàn thành có thể lên tới cả chục năm ròng.
Điều này khiến chủ đầu tư bị đội vốn, hao hụt tài chính lẫn nhân lực, ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả kinh doanh của công ty trong suốt những năm dự án bị đình trệ chưa thể thực hiện.
Còn ông Vương Quốc Toàn - Chủ tịch HĐQT CTCP Tập đoàn Bất động sản Lan Hưng lại cho rằng, vấn đề vốn cũng rất nan giải bởi hiện nay đa phần các doanh nghiệp bất động sản đều cần nguồn vốn lớn để phát triển dự án sau giai đoạn thị trường “đóng băng”, đặc biệt là doanh nghiệp xây NOXH khi gặp khó ở rất nhiều khâu, thế nhưng việc tiếp cận với nguồn vốn lãi suất thấp lại gặp vướng mắc.
“Gói 120.000 tỷ đồng không đáng được bao nhiêu, giải ngân chỉ như hạt cát”, ông Toàn nói.
Đi ngược lại với những con số thể hiện nỗi khát khao của người lao động, người dân về một nơi ăn, chốn ở đàng hoàng, sạch đẹp thì theo báo cáo từ các địa phương, trong đến quý III/2024, cả nước chỉ có tổng cộng 8 dự án NOXH đang được triển khai với quy mô khoảng 4.960 căn hộ. Trong số này, chỉ có 1 dự án đã hoàn thành một phần với 200 căn hộ, và 4 dự án khác đã tiến hành khởi công xây dựng.
Còn tính từ năm 2021 đến nay, trên địa bàn cả nước mới chỉ có 79 dự án đã hoàn thành, mới chỉ cung cấp ra 42.414 căn cho toàn thị trường.
Nêu quan điểm với Người Đưa Tin, ông Nguyễn Văn Đính - Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam và Chủ tịch Hiệp hội Môi giới BĐS Việt Nam nhấn mạnh, công nhân là đối tượng cần nhận được sự quan tâm đặc biệt từ trung ương đến địa phương vì số lượng lớn, là nguồn lao động dồi dào, đóng góp không nhỏ vào sự phát triển kinh tế của cả nước.
Đây còn là đối tượng có nguồn thu nhập thấp, rất cần được tạo điều kiện, đặc biệt là về nhà ở để họ có thể yên tâm lao động.
Ông Đính cho rằng với mức thu nhập hiện nay của công nhân thì việc mua nhà ở xã hội là rất khó, chứ chưa nhắc đến các thủ tục phức tạp để họ được xét duyệt mua nhà.
Do đó, vị chuyên gia khẳng định việc đảm bảo nơi ở của người lao động cần gắn liền với trách nhiệm của địa phương, càng những địa phương có nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất thì càng có trách nhiệm đầu tư xây dựng nhà ở cho thuê.
Bên hành lang Quốc hội, trao đổi với Người Đưa Tin về việc xử lý các dự án bị đình trệ hoặc không thể hoàn thành đúng tiến độ, ĐBQH Trần Hoàng Ngân (Đoàn Tp.Hồ Chí Minh) cho rằng, vai trò của thị trường bất động sản rất lớn.
"Đối với người lao động, quan trọng nhất là họ mong muốn có nhà để ở chứ không phải mong muốn có sở hữu căn nhà. Bởi, thu nhập không thể đảm bảo được việc có dư để mua nhà nên họ muốn có căn nhà để ở, có điều kiện hồi phục sức khỏe để tiếp tục lao động. Vì vậy, cần tiếp tục phát triển thị trường nhà ở cho thuê, nhà lưu trú công nhân. Rất mong Chính phủ và địa phương dành nguồn đất ưu đãi nhất cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư xây dựng nhà ở cho người lao động", ông Ngân nói.
Đồng thời, cần xem các dự án đang vướng ở đâu, nếu vướng thi hành án thì phải thi hành án thật nhanh, nếu vướng nguồn vốn thì phải giải quyết bài toán vốn.
Tại Hội nghị của Thường trực Chính phủ làm việc với các doanh nghiệp diễn ra mới đây, ông Phạm Nhật Vượng - Chủ tịch Tập đoàn Vingroup đã đề xuất Chính phủ có cơ chế chỉ định nhà đầu tư để rút ngắn thời gian hoàn thành các thủ tục.
Bởi theo ông Vượng, hạn chế lớn nhất hiện nay đối với nhà ở xã hội là việc chủ đầu tư bị khống chế lợi nhuận định mức 10%.
"Các doanh nghiệp bất động sản triển khai hoạt động này với lợi nhuận 10% thì không thể làm được, vì chỉ tồn đọng vốn 1-2 năm hoặc bán chậm 1-2 năm là sẽ lỗ, trong khi NOXH mang tính đóng góp, không phải là kinh doanh", vị này nói.
Đồng thời, đại diện Vingroup đề nghị Chính phủ cho phép công tác chuẩn bị đồng thời các loại quy hoạch, quy hoạch chung và phân khu, quy hoạch chi tiết và liên khu đoàn. Bởi khi đó sẽ rút ngắn được 6-9 tháng cho công tác này.
Vị lãnh đạo Vingroup cũng đề nghị Chính phủ cho tăng tiêu chuẩn của NOXH: phải có hầm để xe, phải có khu vui chơi cho trẻ em cũng như các tiện ích khác… Bên cạnh đó, trong nhóm NOXH cũng cần dành riêng khu cho cán bộ công nhân viên chức, lực lượng vũ trang, quân đội…
Trước bối cảnh trên, TS. Sử Ngọc Khương - Giám đốc cấp cao, bộ phận Tư vấn đầu tư Savills cho rằng việc thúc đẩy doanh nghiệp phát triển NOXH là trách nhiệm của Chính phủ.
Hiện nay, ông Khương cho biết đã có nhiều doanh nghiệp đã sẵn sàng dành quỹ đất sạch, nguồn vốn, chấp nhận giảm lợi nhuận để xây NOXH phục vụ người dân với tinh thần phụng sự xã hội. Do đó, để giải quyết bài toán nhà ở cho người dân, đảm bảo an sinh xã hội, vị chuyên gia cho rằng Nhà nước cần có thêm nhiều cơ chế ủng hộ để doanh nghiệp nhiệt tình tham gia.
Trong đó gồm 3 nhóm vấn đề chính là tài chính, thứ hai là liên quan đến pháp lý và vấn đề thứ ba là liên quan đến quỹ đất.
“Chỉ khi nút thắt chính sách được tháo gỡ, cơ chế được khơi thông, thì doanh nghiệp mới tự tin để thực hiện. Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý Nhà nước ở địa phương cũng phải thúc đẩy nhanh thủ tục, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung của người dân, doanh nghiệp. Muốn sớm có NOXH thì phải cấp phép, phê duyệt sớm mới giải quyết được bài toán nguồn cung”, ông Khương nhấn mạnh.
Về góc độ địa phương, trao đổi cùng Người Đưa Tin, Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Bắc Giang Nguyễn Việt Phong cho rằng cần tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo về phát triển NOXH của các cấp chính quyền.
Yêu cầu người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và cộng đồng cần nêu cao trách nhiệm đối với công tác phát triển nhà ở xã hội. Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát chính quyền, cơ quan chuyên môn trong thực hiện trách nhiệm, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác phát triển NOXH.
Đặc biệt, các sở, ngành, địa phương tăng cường hơn nữa trách nhiệm quản lý nhà nước đối với các dự án đầu tư NOXH, nhất là vai trò của chính quyền địa phương trong việc hướng dẫn, tuyên truyền, tập huấn, kiểm tra, xử lý, xây dựng nhằm cải thiện, nâng cao chất lượng môi trường sống trong các NOXH dành cho công nhân.
UBND cấp huyện nơi có dự án NOXH chủ động phối với các chủ đầu tư dự án và các cơ quan liên quan thực hiện các công việc giải phóng mặt bằng để có đất sạch, giao cho chủ đầu tư thực hiện dự án, đảm bảo tiến độ.
Yêu cầu các chủ đầu tư dự án tập trung, chủ động đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án NOXH trên địa bàn, kịp thời báo cáo các khó khăn, vướng mắc để xử lý, giải quyết.