Nhìn lại kết quả kinh tế - xã hội của đất nước trong năm 2021, ĐBQH Hoàng Văn Cường (Đoàn Hà Nội) cho biết, năm 2021 là năm có rất nhiều khó khăn, thách thức đối với nền kinh tế. Đối với Việt Nam, sau làn sóng dịch thứ 4 cho thấy sức chống chịu của nền kinh tế, của các doanh nghiệp đã suy giảm, cạn kiệt. Tuy vậy, một năm qua đi, chúng ta cũng nhìn thấy những điểm sáng của kinh tế 2021.
“Dù khó khăn năm 2021 lớn hơn, thách thức hơn năm 2020 nhưng nền kinh tế chúng ta vẫn giữ được tăng trưởng dương. Đây là điều thành công trong việc vừa thực hiện “mục tiêu kép” chống dịch và phục hồi phát triển kinh tế”, đại biểu Cường nhận định.
Theo đại biểu Hoàng Văn Cường, một số điểm nổi lên trong kinh tế năm 2021 rất ấn tượng có thể kể đến như: Xuất khẩu tăng trưởng rất mạnh so với tốc độ tăng trưởng của năm 2020. Điều này cho thấy sản xuất nền kinh tế Việt Nam đang giữ được vị thế khá tốt trên thị trường thế giới.
Đặc biệt, xuất nhập khẩu duy trì tốc độ tăng trưởng cao, trong đó nhập khẩu tăng yếu tố đầu vào nguyên liệu cho sản xuất, máy móc, thiết bị… Điều này, tạo tiền đề cho tăng trưởng về sản xuất công nghiệp trong thời gian tới. Bên cạnh đó, cán cân thương mại cũng duy trì được kim ngạch xuất nhập khẩu dương, tạo tiền đề cho việc ổn định kinh tế vĩ mô.
Lĩnh vực ấn tượng trong năm 2021 được đại biểu đoàn Hà Nội nhắc đến đó là sản xuất nông nghiệp trong nước, khẳng định rõ ưu thế của nền nông nghiệp Việt Nam. Không chỉ được coi là bệ đỡ của nền kinh tế trong mỗi giai đoạn, thời kỳ khó khăn mà còn nhìn thấy có bước vượt trội như xuất khẩu, nhiều loại nông sản được tiếp cận vào thị trường khó tính.
“Có lẽ, năm 2021 nông nghiệp đã khắc phục hoàn toàn tình trạng trước đây ta cứ hay gọi là “được mùa mất giá”, “giải cứu nông sản”, thay vào đó là “được mùa được giá”, chính nhờ vào phát triển nông nghiệp khá ổn định nên tạo ra được điều kiện để ổn định đời sống kinh tế xã hội trong nước”, đại biểu Cường chia sẻ.
Đại biểu Cường cho biết thêm, kết quả tổng quát của nền kinh tế đó là các chỉ số kinh tế vĩ mô vẫn duy trì khá ổn định trong bối cảnh phải chi cho phòng, chống dịch, thực hiện các chính sách giãn, miễn, hoãn các khoản thu cho ngân sách, doanh nghiệp khó khăn không có nguồn đóng góp vào thuế, vào ngân sách… Nhưng, vẫn duy trì được mức thu ngân sách vượt so với kế hoạch đề ra.
Chỉ số về CPI trong năm 2021 khá thấp so với mục tiêu đề ra, điều đó góp phần quan trọng để ổn định đời sống của người dân khi tăng giá không cao, làm cho các nhà sản xuất, các nhà đầu tư yên tâm với hiệu quả kinh doanh không bị lạm phát… Môi trường đầu tư cũng khá triển vọng, thể hiện ở thu hút FDI trong năm 2021 tiếp tục được tăng cao so với năm 2020, các nhà đầu tư thế giới vẫn tiếp tục tin tưởng và kỳ vọng vào sự ổn định và phát triển của nền kinh tế trong nước.
Bước sang năm 2022, ĐBQH Hoàng Văn Cường cũng cho rằng, sẽ là năm vẫn còn nhiều khó khăn, dịch bệnh đến thời điểm này vẫn còn diễn biến phức tạp. Thêm vào đó, nền kinh tế vẫn đang bị ảnh hưởng nặng nề, “sức khoẻ” của doanh nghiệp, của nền kinh tế đang bị giảm sút. Mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6-6,5% là thách thức rất lớn. Tuy vậy, chúng ta vẫn phải quyết tâm nếu như tận dụng được những cơ hội, thế mạnh thì vẫn có thể kỳ vọng thực hiện được các mục tiêu đề ra.
“Có một số điểm tôi cho rằng cần phải chú tâm, chú trọng: Thứ nhất, phải chủ động trong phòng, chống dịch là yếu tố then chốt, nếu thực hiện được việc kiểm soát dịch một cách chủ động, an toàn thì sẽ là tiền đề tốt đạt được mục tiêu phát triển kinh tế.
Thứ hai, cần phải tận dụng tối đa thế mạnh của nền kinh tế như thế mạnh về xuất khẩu. Có thể nói, Việt Nam đang là nước có tiềm năng xuất khẩu khá tốt, sản phẩm uy tín và có bạn hàng trên thị trường thế giới, nên cần ưu tiên cho hoạt động kinh doanh xuất nhập khẩu. Thêm nữa, thị trường trong nước cũng là một thị trường khá lớn để giúp cho doanh nghiệp, cho các hoạt động sản xuất kinh doanh, cần thúc đẩy thị trường trong nước đặc biệt sức tiêu thụ trong nước cũng kỳ vọng sẽ tăng lên để phục hồi kinh tế. Bên cạnh đó, các hoạt động sản xuất kinh doanh có tính chất bền vững như sản xuất nông nghiệp là lĩnh vực cần được tập trung đầu tư và phát triển.
Thứ ba, cần tăng các nguồn lực để kích cầu kể cả doanh nghiệp và các hoạt động của nền kinh tế, như các chính sách chúng ta đang thực hiện đối với doanh nghiệp và người lao động như hỗ trợ trực tiếp cho người không có việc làm, hỗ trợ miễn, giãn, hoãn các khoản thu, thuế để doanh nghiệp có nguồn lực tiếp tục phục hồi. Thêm vào đó, các gói kích cầu đầu tư lớn đang được xây dựng để cung cấp nguồn lực cho doanh nghiệp, tạo điều kiện cho những hoạt động sản xuất kinh doanh mới sẽ được ra đời, tranh thủ sự phân bố lại chuỗi cung ứng của thế giới mà đã bị đứt gãy trong thời gian đại dịch”.
Ngoài ra, đại biểu Cường cho rằng cần phải đẩy mạnh đầu tư công vừa là hoạt động tạo ra các nguồn lực cho phát triển lâu dài của nền kinh tế, cũng tạo ra được kích cầu, đầu tư, lan toả đầu tư xã hội nhờ vào hoạt động đầu tư công.
Cuối cùng, vị đại biểu nhấn mạnh cần đẩy mạnh cải cách môi trường kinh doanh, như các thủ tục hành chính cần cắt bớt để giảm các khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp.
Mặc dù trong bối cảnh dịch bùng phát lần thứ 4 nhưng theo ĐBQH Trần Công Phàn (Đoàn Bình Dương), Quốc hội đã hết sức đổi mới, quan tâm đến các vấn đề nóng mà xã hội đang quan tâm đặc biệt là dịch Covid-19.
“Cả hai kỳ họp, Quốc hội đã nghe báo cáo, có những quyết sách liên quan đến những vấn đề về Covid-19 rất kịp thời để thực hiện mục tiêu đảm bảo an toàn phòng, chống dịch và sức khoẻ cho người dân, phát triển kinh tế. Đến nay, đã chuyển sang giai đoạn thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát có hiệu quả với Covid-19 để phát triển kinh tế. Phải nói rằng, Quốc hội đã có những điều hành rất kịp thời từ hình thức họp trực tiếp sang trực tuyến, họp cả thứ Bảy, Chủ nhật nhưng vẫn đảm bảo chất lượng”, đại biểu Phàn cho biết.
Về công tác xây dựng pháp luật, đại biểu đoàn Bình Dương cho rằng: “Quốc hội nhiều khoá đã quan tâm nhưng khoá này đặc biệt quan tâm đến xây dựng luật và chất lượng xây dựng luật. Vừa qua, Chủ tịch Quốc hội đã chủ trì cuộc họp về xây dựng luật, báo cáo Bộ Chính trị có một kế hoạch toàn khoá về xây dựng luật với tinh thần “đến sớm, đến xa”, có thể có những luật đến cuối nhiệm kỳ mới thông qua nhưng bây giờ đã biết kế hoạch, chủ động xây dựng để nâng cao chất lượng xây dựng luật. Tới đầu tháng 1/2022 sẽ có một kỳ họp chuyên đề làm một việc chưa từng có là xây dựng một luật mà sửa đổi 10 luật để làm sao xử lý cho kịp thời, thể hiện quyết tâm của Quốc hội trong công tác xây dựng luật, đây là một điểm nhấn trong năm 2021”.
Trong chương trình hành động khi ứng cử ĐBQH khoá XV, ông Phàn cho biết ông đặc biệt quan tâm đến Luật Đất đai, đây cũng là luật cần sửa đổi, bổ sung nhưng đây là một luật khó và tác động đến tất cả các lĩnh vực nên Quốc hội đã thông qua là sẽ sửa nhưng phải qua 3 kỳ họp trong năm 2022 đầu năm 2023 làm sao sửa luật, ban hành luật phải khả thi. “Muốn luật đi vào thực tế thì người làm luật phải lắng nghe đầy đủ ý kiến của người dân, của cử tri là phản ánh được thực tiễn”, đại biểu nhấn mạnh.
Về kỳ vọng trong năm 2022, đại biểu Phàn mong muốn có những biện pháp kiềm chế được mức thấp nhất của việc bùng phát dịch Covid-19, hạn chế người mắc và người đã mắc nhanh chóng được chữa khỏi. Đồng thời, làm sao bao phủ vắc-xin để có thể phục hồi và phát triển kinh tế.
Nói về điều thành công nhất trong năm 2021, GS. AHLĐ, ĐBQH Nguyễn Anh Trí (Đoàn Hà Nội) cho rằng, năm 2021 là năm đầy khó khăn, thách thức, nhưng về cơ bản chúng ta quyết tâm, đồng lòng và có thành tích ấn tượng trong tất cả các lĩnh vực đối nội, đối ngoại, kinh tế, văn hoá, an sinh xã hội phòng, chống dịch. “Trong đó, tôi đặc biệt ấn tượng với hoạt động đối ngoại của Đảng và Nhà nước. Với rất nhiều các hoạt động đối ngoại giúp cho vị thế của Việt Nam ngày càng được khẳng định rõ rệt và tạo được dấu ấn mạnh mẽ trong lòng bạn bè quốc tế”.
Theo đại biểu Trí, trong tất cả các hoạt động thì điểm nhấn đặc biệt là ba chuyến công tác của các đồng chí lãnh đạo. Có thể kể đến chuyến công tác của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đi Cuba và Mỹ; Chuyến công tác châu Âu của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ (từ ngày 5-9/11) và Chuyến thăm chính thức Nhật Bản, từ ngày 22/11 đến 25/11 của Thủ tướng Phạm Minh Chính...
“Ba chuyến công tác này cực kỳ thành công ở các điểm: Thứ nhất, tinh thần chung của tất cả các chuyến đi là các nước rất tôn trọng, quý mến và hào hiệp, hữu nghị hữu ái; thứ hai, các vấn đề liên quan đến nội dung đàm phán đều hoàn thành, thắng lợi về các tiêu chí mà chúng ta đã đề ra; cuối cùng, ba chuyến đi này tạo ra sự thành công rất lớn trong chiến lược ngoại giao vắc-xin”, ĐBQH Nguyễn Anh Trí bày tỏ.
Trong khi đó, ĐBQH Nguyễn Thị Sửu (Đoàn Thừa Thiên – Huế) cho biết, đối với hoạt động Quốc hội và kỳ họp thứ 2 năm 2021 ấn tượng lớn nhất đó là sự nhất quán đồng bộ việc thực hiện chủ trương của Đảng, Chính sách pháp luật của Nhà nước. Đặc biệt, là của Thường trực Quốc hội trong việc cụ thể hoá chủ trương mới của Đảng.
Theo đại biểu Đoàn Thừa Thiên -Huế, năm 2021 là năm có nhiều chủ trương mới của Đảng yêu cầu Nhà nước và toàn dân phải thực tiễn hoá như về quy định những điều Đảng viên không được làm, năm tổ chức Đại hội Đảng lần thứ XIII với những chủ trương mang tính chiến lược, xuyên suốt, đó là sự đồng nhất từ nhận thức cho đến hành động khi được cụ thể hoá chủ trương của Đảng bằng cách xây dựng cơ chế chính sách tầm quốc gia về kinh tế, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh...
Nói về công tác phòng, chống dịch đại biểu Sửu cho rằng dịch vẫn đang có những diễn biến phức tạp tuy nhiên có thể thấy rõ sự đồng nhất của Chính phủ thực hiện Nghị quyết của Quốc hội, Nghị quyết của Quốc hội thực hiện Nghị quyết của Đảng. “Tôi cảm nhận chưa bao giờ rất đông Đảng viên, cử tri và người dân ủng hộ quan điểm hành động thiết thực như vậy”, đại biểu Sửu bày tỏ.
“Công tác phòng, chống dịch rất kịp thời, rất linh hoạt và có sự lãnh đạo bao quát của Đảng, Nhà nước… chung tay, chung trí tuệ, tâm huyết để làm nên chúng ta kiểm soát được dịch bệnh. Việc số ca mắc tăng, lây lan cũng đã được dự báo, nhưng vấn đề ở đây là chúng ta chấp nhận không có “Zero F0” mà thay vào đó là khoanh vùng hẹp để cách ly, sống chung an toàn với Covid-19”, đại biểu Sửu cho hay.
Bày tỏ sự kỳ vọng trong năm 2022, đại biểu Sửu cho biết: “Tôi rất mong chúng ta sẽ đẩy lùi nhanh dịch Covid-19, rất kỳ vọng “sức khoẻ” của nền kinh tế-xã hội đất nước ta phục hồi nhanh. Khi sức khoẻ đã phục hồi nhanh thì phải tăng tốc phát triển, mở cửa du lịch, mở cửa xuất nhập khẩu hay học sinh cũng phải được đến trường… Cuộc chiến phòng, chống Covid-19 cũng chính là cuộc đấu tranh sinh tồn của cả thế giới, chúng ta cố gắng đi tiếp đến đích thì xem như chúng ta đã thành công”.
NGUOIDUATIN.VN |