Muôn mặt kinh tế xanh thế giới

Từ câu chuyện chuyển đổi sang sản xuất thép xanh của cường quốc công nghiệp hàng đầu châu Âu...

Tới câu chuyện của những quốc gia Bắc Âu được coi là “xanh” nhất hành tinh và là “thiên đường” của năng lượng tái tạo...

Và một khu vực châu Á dễ bị tổn thương bởi biến đổi khí hậu, nhưng cũng đầy quyết tâm tìm cách phát triển mà không gây hại cho môi trường...

Tất cả cho thấy nỗ lực không ngừng ở nhiều phần của thế giới vì một tương lai ít phát thải carbon.

Muôn mặt kinh tế xanh thế giới

Quá trình chuyển đổi sang thép xanh sẽ xem xét lại cách thức tạo ra nguyên liệu thô chính cần dùng cho mọi thứ, từ máy giặt, ô tô đến các tòa nhà chọc trời, dần dần từ bỏ quy trình có từ những năm 1850 về sử dụng than làm nhiên liệu đốt.

Sản xuất thép toàn cầu hiện chiếm ít nhất 7% lượng phát thải khí nhà kính toàn cầu. Ở Đức, ngành này thải ra hơn 1/4 tổng lượng khí CO2 công nghiệp của cả nước. Chi phí của tình trạng ô nhiễm đó sẽ tăng lên trong những năm tới, bởi vì giá tín dụng carbon – mà các ngành thâm dụng năng lượng phải mua để bù đắp lượng phát thải của họ – dự kiến sẽ tăng.

“Nếu xã hội muốn một thế giới trung hòa carbon, thì chúng tôi, với tư cách là một ngành thâm dụng carbon, sẽ phải tuân theo”, ông Gunnar Groebler, CEO của Salzgitter AG – một trong những nhà sản xuất thép lớn nhất châu Âu, cho biết.

Muôn mặt kinh tế xanh thế giới

Hơi nước và khí thải bốc lên từ nhà máy của Salzgitter AG, một trong những nhà sản xuất thép lớn nhất châu Âu, ở Salzgitter, Đức, tháng 11.2023. Ảnh CGTN

Công ty của ông Groebler đang ấp ủ một trong những kế hoạch tham vọng nhất của ngành và sẽ trở thành một trong những nhà sản xuất thép carbon thấp đầu tiên của châu Âu vào cuối năm 2026.

Các nhà chức trách Đức đã cam kết trợ cấp hơn 6 tỷ Euro cho các nhà sản xuất thép nhằm củng cố cơ sở công nghiệp lớn nhất châu Âu, nơi đang phải vật lộn với tình trạng giá năng lượng tăng cao trong khi nhu cầu toàn cầu đối với ô tô và máy móc suy giảm.

Việc thực hiện đầy đủ Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) của EU – một chế độ thuế quan nhằm bảo vệ các ngành công nghiệp cơ bản của châu Âu khỏi hàng nhập khẩu rẻ hơn, bẩn hơn trong khi họ tự khử cacbon trong hoạt động của mình – đã mở ra cơ hội cho khoản đầu tư lớn như vậy.

Nhưng nhiều người trong ngành tỏ ra dè dặt khi nói đến thép xanh. Ông Bernhard Osburg, CEO của nhà sản xuất thép lớn nhất nước Đức Thyssenkrupp Steel, cho biết các công ty năng lượng sẽ cần sự chắc chắn về nhu cầu trong tương lai đối với hydro xanh – dùng để thay thế than trong các lò nung – để lập kế hoạch sản xuất.

Nếu họ không thể tìm ra cách sản xuất hydro xanh với giá rẻ và quy mô lớn – một vấn đề hiện vẫn chưa được giải quyết, ông Osburg dự đoán rằng “sự chuyển đổi này sẽ thất bại”.

Nhà sản xuất thép lớn nhất nước Đức đang tìm nhà cung cấp 151.000 tấn hydro để khử carbon cho quá trình sản xuất của mình. Ảnh Eco Politic

Cuộc tranh luận về cách giảm lượng phát thải từ các nhà máy thép phản ánh những câu hỏi rộng hơn về việc khử cacbon trong ngành sản xuất của Đức, ngành chiếm 1/5 tổng sản lượng kinh tế của cả nước – gần gấp đôi tỉ lệ của các quốc gia như Mỹ, Pháp và Anh.

Các nhà sản xuất, từ các tập đoàn khổng lồ đến các Mittelstand – những doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp gia đình tạo nên “xương sống” của nền kinh tế đầu tàu châu Âu, đều đã bị ảnh hưởng bởi lạm phát và lãi suất cao.

Nhưng chính việc mất nguồn cung khí đốt giá rẻ từ Nga đã khiến cường quốc công nghiệp lâm vào khủng hoảng, và khiến Đức trở thành nền kinh tế lớn duy nhất hoạt động kém nhất thế giới.

Bà Marie-Theres von Schickfus, Phó Giám đốc về các vấn đề năng lượng và khí hậu tại Viện Ifo có trụ sở tại Munich, cho rằng trong khi các cuộc thảo luận về việc khử cacbon cho ngành công nghiệp nặng như thép “hoàn toàn không được thảo luận” cách đây một thập kỷ, thì xung đột Nga-Ukraine bùng phát vào năm 2022 đã đặt ra những câu hỏi mang tính tồn tại.

“Các vị muốn khai tử các ngành công nghiệp thâm dụng năng lượng ở Đức, hay cố gắng khử carbon cho chúng?”, bà Von Schickfus đặt vấn đề, cho biết thêm rằng đây là câu hỏi được rất nhiều nhà hoạch định chính sách cũng như các nhà đầu tư quan tâm.

Muôn mặt kinh tế xanh thế giới

Bên trong khu nhà kính của công ty công nghệ sinh học Orf Genetics sử dụng năng lượng địa nhiệt ở Kopavogur, Iceland. Ảnh Greenbiz

“Thật là may mắn rằng chúng tôi có những công nghệ có thể tạo ra kết quả tương tự, cùng là thép”, ông Osburg của Thyssenkrupp nói. “Nhiều ngành công nghiệp như xi măng, bê tông và thủy tinh không có công nghệ thay thế cho phép họ sản xuất cùng loại hàng hóa theo cách thân thiện hơn với môi trường”, vị CEO giải thích và cho biết thêm rằng các ngành công nghiệp này đã đặt cược vào công nghệ thu hồi carbon.

Một vài trong số họ đang dự tính chuyển sang sản xuất nhiều hơn ở nước ngoài. Năm ngoái, gần 1/3 các công ty công nghiệp Đức có kế hoạch thúc đẩy sản xuất bên ngoài nước Đức trong bối cảnh lo ngại ngày càng tăng về tương lai của đất nước khi thiếu vắng khí đốt Nga, theo một cuộc khảo sát hàng năm của Hiệp hội các Phòng Thương mại và Công nghiệp Đức (DIHK). Con số này cao hơn đáng kể so với 16% của năm trước đó.

Phát biểu trong chuyến thăm một nhà máy thép năm ngoái, Bộ trưởng Kinh tế và Khí hậu Đức Robert Habeck nhấn mạnh việc hỗ trợ các công ty thép không chỉ dừng lại ở bản thân ngành thép.

“Nếu sản xuất thép biến mất khỏi đây, Đức sẽ không chỉ mất thép mà còn cả ngành công nghiệp ô tô và ngành cung cấp”, ông Habeck nói, bày tỏ nỗi sợ hãi về quá trình phi công nghiệp hóa đang lan rộng. “Chúng ta cần sản xuất ở Đức, tôi muốn các ngành công nghiệp thâm dụng năng lượng ở đây, và tôi cũng muốn hoạt động sản xuất đó trung hòa khí hậu”.

Bên trong nhà máy turbine gió Siemens Gamesa ở Cuxhaven, Đức. Ảnh Getty Images

Tuy nhiên, ông Groebler của Salzgitter coi quá trình chuyển đổi là một cơ hội. Ông nói: “Trở thành người đi đầu giúp các vị có thể thiết kế thị trường ở một mức độ nào đó”.

Mặc dù EU vẫn chưa đưa ra định nghĩa chính xác về thép xanh, nhưng ông Groebler tin rằng việc trở thành một trong những nhà sản xuất thương mại đầu tiên trên thế giới về loại thép này sẽ cho phép Salzgitter thu được “tiền thưởng xanh” trong nhiều năm trước khi các đối thủ quốc tế bắt kịp.

Một số công ty châu Âu như Mercedes-Benz và BMW đã cam kết đưa thép xanh vào ô tô của họ trong tương lai gần nhằm giảm lượng phát thải carbon trong quá trình sản xuất của chính họ.

Ông Groebler và các CEO khác trong ngành thép cảm thấy thế giới đang theo dõi các dự án thép xanh của Đức phát triển như thế nào. “Nếu chúng tôi chứng minh được rằng chúng tôi thực sự có thể làm được thì đó là tín hiệu rõ ràng cho thế giới biết rằng điều đó là khả thi”, ông nói.

Muôn mặt kinh tế xanh thế giới

Với những nỗ lực chuyển đổi ngành công nghiệp thâm dụng carbon và các chính sách khuyến khích phát triển năng lượng tái tạo, nền kinh tế Đức hiện đứng thứ 11 trên thế giới về độ “xanh”, theo Chỉ số Tương lai Xanh (GFI) 2023.

GFI do Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) danh tiếng của Mỹ biên soạn và công bố là thước đo để xem một nền kinh tế “xanh” đến mức nào. GFI 2023 là phiên bản mới nhất của báo cáo thường niên xếp hạng 76 quốc gia và vùng lãnh thổ về tiến độ và cam kết xây dựng một tương lai ít carbon.

Báo cáo cho thấy nền kinh tế nào đang dẫn đầu, nền kinh tế nào đã cải thiện nhiều nhất và nền kinh tế nào vẫn còn nhiều việc phải làm để đi đúng hướng. GFI chấm điểm mỗi quốc gia dựa trên 5 trụ cột: giảm lượng phát thải carbon, phát triển năng lượng sạch, xã hội xanh, đổi mới trong các lĩnh vực xanh, và chính sách khí hậu. Điểm số sau đó được tổng hợp để xác định độ “xanh” của một nền kinh tế.

Không phải ngẫu nhiên mà các quốc gia Bắc Âu thường xuyên “thống trị” bảng xếp hạng của MIT. Các quốc gia Bắc Âu đứng đầu bảng khi nói đến 4 trong số 5 trụ cột của GFI, trong đó Iceland đứng vị trí số 1 về tổng thể và cũng đứng đầu về giảm phát thải carbon và chuyển đổi năng lượng.

Muôn mặt kinh tế xanh thế giới

Top 10 quốc gia đứng đầu bảng xếp hạng Chỉ số Tương lai Xanh (GFI) 2023 do Tạp chí Technology Review của MIT bình chọn

Đảo quốc được mệnh danh “xứ sở của băng và lửa” là một trong hai quốc gia châu Âu tạo ra nhiều điện từ các nguồn thân thiện với môi trường hơn mức tiêu thụ. Nền kinh tế Iceland hiện đang sử dụng 85% năng lượng tái tạo và đang trên đà hướng tới 100%.

Iceland đã đầu tư rất nhiều nguồn lực vào phát triển bền vững với mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2040. Green by Iceland – một nền tảng hợp tác về các vấn đề khí hậu và giải pháp xanh giữa Iceland và các đối tác quốc tế – đang thúc đẩy chuyên môn cũng như các giải pháp năng lượng tái tạo và bền vững, nhằm giúp các nền kinh tế, doanh nghiệp khác chuyển dịch nhanh hơn, kịp thời ngăn chặn sự tàn phá của biến đổi khí hậu.

Đảo quốc nhỏ bé này cũng là nơi có nhà máy thu giữ CO2 quy mô lớn đầu tiên trên thế giới. Được gọi là Orca, nhà máy này nằm cách thủ đô Reykjavik khoảng 50 km và bắt đầu thu CO2 từ không khí vào năm 2021. Nhà điều hành Climeworks AG tuyên bố Orca có thể hút 4.000 tấn CO2 mỗi năm từ khí quyển – gần bằng lượng khí thải ra từ 870 ô tô.

Mặc dù các nhà máy như thế này chỉ thu được một phần nhỏ trong tổng số 36,8 tỷ tấn CO2 hàng năm của thế giới, nhưng công nghệ thu giữ carbon đang tiến bộ nhanh chóng, và Iceland đang dẫn đầu xu hướng phát triển.

Iceland sử dụng nguồn năng lượng địa nhiệt sẵn có cho hầu hết các ngôi nhà của mình. Ảnh Euronews

Phần Lan, giữ danh hiệu quốc gia hạnh phúc nhất thế giới trong 7 năm liên tiếp, cũng là quốc gia đứng liền ngay sau Iceland trong bảng xếp hạng của MIT.

Gần 90% người dân Phần Lan nói rằng thiên nhiên rất quan trọng đối với họ. Do đó, không có gì ngạc nhiên khi quốc gia Bắc Âu này trở thành quốc gia đi đầu trong quá trình chuyển đổi năng lượng.

Chính phủ Phần Lan đã đặt ra mục tiêu đầy tham vọng là đạt trạng thái trung hòa carbon vào năm 2035 – sớm hơn hầu hết các quốc gia khác trên lục địa châu Âu. Nhiều thành phố ở quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) này thậm chí còn đặt mục tiêu cao hơn: Helsinki, Tampere, Turku, Lahti, Espoo và Lappeenranta đều phấn đấu trung hòa carbon vào năm 2030.

Để thúc đẩy đầu tư xanh, Chính phủ Phần Lan đã đồng ý ưu tiên các dự án chuyển đổi xanh trong giai đoạn 2023-2026, theo đó hồ sơ xin cấp phép cho các dự án liên quan đến sản xuất năng lượng tái tạo, điện khí hóa công nghiệp, hydro, thu hồi carbon, sản xuất pin và các dự án tương tự sẽ được xử lý nhanh hơn.

Muôn mặt kinh tế xanh thế giới

Trái với suy nghĩ của nhiều người, tiềm năng năng lượng mặt trời của Phần Lan ở Bắc Âu không kém gì các khu vực khác. Ảnh LUT University

Đầu năm 2023, Helsinki cũng áp dụng chiến lược mới về hydrogen, nguồn năng lượng mới thay thế nhiên liệu hóa thạch trong tương lai, trong đó đặt mục tiêu sản xuất 1 triệu tấn hydro tinh khiết vào năm 2030 – bằng 1/10 mục tiêu 10 triệu tấn của EU.

Ngoài ra, cơ sở hạ tầng năng lượng sạch và tiên tiến của Phần Lan là chìa khóa thúc đẩy quá trình chuyển đổi xanh. Bị thúc đẩy hơn nữa bởi cuộc khủng hoảng năng lượng đang diễn ra trên “cựu lục địa”, sản lượng điện của Phần Lan dựa trên năng lượng sạch được ước tính tăng trưởng 93-94% vào năm 2023 từ mức 89% vào năm 2022.

Quang năng, hay năng lượng mặt trời, từ lâu vẫn bị coi là một nguồn không khả thi ở Bắc Âu. Nhưng trên thực tế, các tấm pin mặt trời đang hoạt động tốt hơn trong thời tiết lạnh giá và hiện tại, số lượng nhà máy quang điện được lắp đặt đang gia tăng ở Phần Lan.

Theo nhà điều hành hệ thống truyền tải Phần Lan Fingrid, công suất quang năng của nước này sẽ đạt 7 GW vào năm 2030. Để so sánh, tổng công suất phát điện của Phần Lan vào năm 2023 là khoảng 20 GW.

Như vậy, cơ cấu năng lượng của Phần Lan không chỉ “xanh” mà còn ngày càng dựa vào năng lượng tái tạo. Và đối với người tiêu dùng không phải là hộ gia đình, giá điện ở Phần Lan thuộc hàng thấp nhất ở châu Âu.

Muôn mặt kinh tế xanh thế giới

Châu Á, nơi sinh sống của hơn 4,5 tỷ người – tức hơn một nửa dân số thế giới, là khu vực đặc biệt dễ bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu.

Tác động của biến đổi khí hậu bao gồm từ các thảm họa diễn ra chậm, như mực nước biển dâng, đến các hiện tượng bất ngờ như bão lũ. Tất cả đều ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và kinh tế-xã hội, đặc biệt đối với người dân ở những hoàn cảnh dễ bị tổn thương, theo Ủy ban Kinh tế Xã hội châu Á Thái Bình Dương của Liên Hiệp Quốc (UNESCAP).

Hơn nữa, tác động của con người đến môi trường đã tăng lên theo thời gian. Khu vực châu Á - Thái Bình Dương là nơi có 5 trong số 10 nước phát thải lớn nhất thế giới – Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia, Nhật Bản và Hàn Quốc – và chiếm khoảng 45% tổng lượng phát thải khí nhà kính trên thế giới do dân số đông, theo một nghiên cứu của công ty tư vấn McKinsey & Co.

Ở đầu này, các công ty châu Á đang gấp rút khai thác công nghệ xanh để thúc đẩy các mục tiêu bền vững của chính mình khi cuộc khủng hoảng khí hậu toàn cầu buộc các doanh nghiệp trong khu vực đang phát triển hết sức nhanh chóng này phải tìm cách tiến lên phía trước mà không gây hại cho môi trường.

Ở đầu kia, các tổ chức tài chính đã cam kết đẩy mạnh hơn nữa chương trình nghị sự về khí hậu, gia hạn các khoản vay cho các dự án thúc đẩy các mục tiêu bền vững, đồng thời giảm bớt hỗ trợ cho các hoạt động gây ô nhiễm.

Các lãnh đạo doanh nghiệp thảo luận tại Hội nghị Thượng đỉnh Công nghệ Xanh châu Á, ở Singapore, ngày 8.2.2024. Ảnh Nikkei Asia

Các ngân hàng lớn nhất Đông Nam Á – từ DBS, OCBC và UOB của Singapore, đến Maybank của Malaysia – đang thi nhau tài trợ cho các sáng kiến kết hợp các mục tiêu môi trường.

Tại Thái Lan và Singapore, những tổ chức cho vay như UOB và DBS trong những năm gần đây đã gia hạn các khoản vay trị giá hàng trăm triệu USD để hỗ trợ các hoạt động phát triển bất động sản gắn liền với các hệ thống pin mặt trời, phụ kiện tiết kiệm năng lượng và các công nghệ xanh khác.

Nhưng không một tổ chức nào có thể cung cấp đầy đủ tài chính hoặc hỗ trợ kỹ thuật để ứng phó với biến đổi khí hậu, ông Warren Evans, cố vấn cấp cao đặc biệt về khí hậu của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), cho biết, đồng thời kêu gọi tăng cường hợp tác trong lĩnh vực tài chính xanh.

“Phần lớn vai trò của chúng tôi là thu hút các đối tác”, ông Evans nói. “Đối với chúng tôi, càng dễ xác định được các nguồn tài chính ưu đãi để kết hợp với các khoản vay lãi suất thấp của mình, thì chúng tôi càng dễ dàng đáp ứng nhu cầu và đòi hỏi của các quốc gia khách hàng của chúng tôi”.

Tập đoàn Ngân hàng Sumitomo Mitsui, được biết đến ở Nhật Bản với tên SMBC, đã dành ít nhất 30.000 tỷ Yên (228 tỷ USD) trong thập kỷ này để thúc đẩy các sáng kiến xanh hơn. Tổ chức cho vay của “xứ sở hoa anh đào” đã cung cấp tài chính cho các liên doanh năng lượng tái tạo, bao gồm các doanh nghiệp năng lượng mặt trời và năng lượng gió ở Nhật Bản và nước ngoài.

Muôn mặt kinh tế xanh thế giới

Các tấm pin mặt trời đặt trên nóc một nhà máy ở thành phố Namerikawa, Nhật Bản. Ảnh Nikkei Asia

Ông Rajeev Kannan, Giám đốc Điều hành của SMBC, tại Hội nghị Thượng đỉnh Công nghệ Xanh châu Á tổ chức ở Singapore hồi đầu tháng 2, đã nhấn mạnh vai trò quan trọng của dữ liệu về tác động của khí hậu trong việc giúp đánh giá kết quả của các nỗ lực bền vững. Về vấn đề này, trí tuệ nhân tạo (AI) có thể mang lại sự thúc đẩy lớn, ông Kannan nói.

“AI giúp chúng tôi bắt đầu giao dịch và viết giao dịch, thậm chí giám sát các giao dịch của mình vì chúng tôi có thể có các mục tiêu hiệu suất bền vững rõ ràng”, ông Kannan giải thích. “Chúng tôi có thể so sánh một giao dịch cụ thể với một giao dịch ngang hàng để xem chúng được theo dõi như thế nào”.

SMBC đã hợp tác với Microsoft để khai thác những hiểu biết sâu sắc về AI trong lĩnh vực tài trợ thương mại, ông Jeth Lee, Giám đốc Pháp chế của Microsoft Singapore, cho biết. Ông Lee nói: “Chúng tôi thực sự đang giúp đỡ các công ty nhỏ hơn có dự án năng lượng tái tạo mà họ muốn bắt tay vào... bằng cách khai thác sức mạnh của điện toán đám mây công cộng siêu quy mô”.

Về mặt dữ liệu, ABeam Consulting của Nhật Bản đang khai thác các phân tích để giúp khách hàng theo dõi kết quả của những nỗ lực bền vững của họ. Công ty quản lý một nền tảng để thu thập và phân tích thông tin liên quan đến các mục tiêu về môi trường, xã hội và quản trị (ESG).

Mục tiêu ESG nhằm mục đích buộc các công ty tuân thủ các tiêu chuẩn đạo đức nhất định trong hoạt động kinh doanh của họ, đảm bảo rằng tác động môi trường của dự án được giảm thiểu từ khi bắt đầu đến khi hoàn thành.

Muôn mặt kinh tế xanh thế giới

“Siêu cây” được trưng bày tại Gardens by the Bay - biểu tượng cho nỗ lực thúc đẩy không gian xanh của Singapore. Ảnh National Geographic

Theo đó, ABeam đang hỗ trợ các công ty tăng cường khả năng xử lý và hiểu kết quả của các phương pháp ESG của họ.

Tại Hội nghị Thượng đỉnh về công nghệ xanh ở châu Á, ông Tatsuya Kamoi, Chủ tịch kiêm Giám đốc Điều hành ABeam, đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc liên kết dữ liệu về các thước đo, như lượng phát thải khí nhà kính giữa các công ty. Ông Kamoi cũng kêu gọi tiêu chuẩn hóa các mô hình dữ liệu.

“Điều quan trọng là có thể mang lại khả năng hiển thị lượng phát thải khí nhà kính trong toàn bộ chuỗi cung ứng”, ông Kamoi nói. “Chúng tôi đang tham gia vào các hoạt động thử nghiệm này với các công ty dữ liệu để đưa ra một số loại mô hình dữ liệu và phân tích dữ liệu nhằm hợp lý hóa dữ liệu về phát thải khí nhà kính”.

Theo nghiên cứu của McKinsey, quy mô thị trường có thể tiếp cận của châu Á đối với các dịch vụ xanh dự kiến sẽ đạt 4.000-5.000 tỷ USD vào năm 2030. Vận tải dự kiến sẽ là phân khúc lớn nhất, trị giá 900-1.100 tỷ USD.

Lĩnh vực vận tải biển, với khoảng 60.000 tàu trên toàn cầu, chiếm khoảng 3-4% lượng phát thải CO2 trên thế giới, ông Jeremy Nixon, Giám đốc Điều hành của hãng vận tải container Ocean Network Express (ONE), một liên doanh của các công ty tàu biển Nhật Bản có trụ sở tại Singapore, cho biết.

Trong khi các chủ hàng đưa ra các mô hình hiệu quả hơn, sử dụng ít nhiên liệu hơn, điều quan trọng là mở rộng việc sử dụng các giải pháp thay thế sạch hơn như hydro xanh và metanol tái tạo, ông Nixon nói. Vị doanh nhân lưu ý, hợp tác chặt chẽ với ngành năng lượng và các cơ quan quản lý sẽ là điều cần thiết để thiết lập các tiêu chuẩn mới cho việc áp dụng hoặc loại bỏ dần một số loại nhiên liệu nhất định.

“Điều chúng tôi muốn tránh là mỗi khu vực hoặc mỗi quốc gia đưa ra các quy định về carbon riêng của mình”, ông Nixon nói. “Điều đó rất khó để ngành vận tải có thể xử lý được, bởi vì chúng tôi vận chuyển mọi thứ trên cơ sở toàn cầu cho khách hàng toàn cầu”.

Các quốc gia châu Á-Thái Bình Dương trung bình phải trải qua 6 thảm họa thiên nhiên mỗi năm trong 3 thập kỷ qua. Ảnh UNDP

NGUOIDUATIN.VN | Thứ 3, 30/04/2024 | 10:00