img

img

Tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khoá XV ngày 22/10, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển của các tỉnh, thành phố: Hải Phòng, Nghệ An, Thanh Hóa và Thừa Thiên - Huế.

img

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng

Chính phủ trình Quốc hội dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hải Phòng với 6 cơ chế chính sách, tỉnh Thừa Thiên Huế 6 cơ chế chính sách, tỉnh Nghệ An 6 cơ chế chính sách và tỉnh Thanh Hóa 8 cơ chế chính sách.

Qua đó, việc ban hành Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hải Phòng và các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Thừa Thiên - Huế có vai trò thể chế hóa các Nghị quyết của Bộ Chính trị nhằm tạo cơ chế huy động nguồn lực, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội cho các địa phương này.

Giải thích về cơ chế, chính sách đặc thù phát triển cho một số địa phương, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, trên cơ sở kết quả thí điểm này, chúng ta có thể tổng kết, đánh giá nhân rộng ra toàn quốc. Việc thí điểm vì mục tiêu chung cho sự phát triển quốc gia. Nếu quá trình thí điểm tốt, có hiệu quả sẽ tổng kết đánh giá thành quy định mang tính chất tổng quát chung.

img

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ

Theo Chủ tịch Quốc hội, chủ trương của Đảng ta đều nhất quán “nâng trên và đỡ dưới”. Nếu địa phương nào có điều kiện phát triển, đầu tàu, động lực thì có những cơ chế chính sách đột phá mạnh hơn để tạo điều kiện cho phát triển. Việc này sẽ tạo sự lan toả cho những địa phương khác, cho cả vùng, thậm chí cho cả nước. Còn với những địa phương, địa bàn khó khăn nước ta sẽ có những cơ chế chính sách đặc thù giúp địa phương này vươn lên, rút ngắn khoảng cách phát triển với địa phương khác.

Trong đó Hải Phòng, Nghệ An, Thanh Hóa và tỉnh Thừa Thiên - Huế là những địa phương đều có Nghị quyết riêng của Bộ Chính trị về phát triển.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, Hải Phòng là một trong những tam giác phát triển của phía bắc (Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh). Địa phương này là một trong những cực tăng trưởng mạnh ở phía Bắc. Trong thời gian gần đây, Hải Phòng có những bứt phát mạnh mẽ cả về GDP, thu ngân sách, kết cấu hạ tầng, xây dựng nông thôn mới, đầu tư nhiều cho các xã. Còn với những huyện có khả năng lên quận cũng được đầu tư mạnh mẽ.

img

Chủ tịch Quốc hội cũng nêu rõ, 9 tháng đầu năm nay dù cả nước tăng trưởng thấp nhưng Hải Phòng vẫn tăng trưởng hơn 12%. Cả nước phấn đấu năm 2030 đạt 5.000 – 7.000 USD GDP bình quân đầu người thì Hải Phòng đặt mục tiêu đến 2030 vượt mức 16.000 USD GDP bình quân đầu người. Do đó, nhu cầu phát triển của Hải Phòng là rất lớn.

Thành phố này cũng xác định tầm nhìn không chỉ là một cực tăng trưởng mà còn là động lực tăng trưởng của khu vực và cả nước. Đồng thời đây cũng là địa phương hoàn thành sớm nhất mục tiêu công nghiệp hoá, hiện đại hoá, có vị trí mang tầm cỡ trong khu vực.

img

Với Thừa Thiên - Huế, Chủ tịch Quốc hội cho biết trước đây Bộ Chính trị đã có Nghị quyết phấn đấu đưa địa phương này trở thành thành phố trực thuộc Trung ương. Quá trình tổ chức thực hiện, Huế đã có tốc độ phát triển tốt. Tuy nhiên, phần đặc thù nông thôn của Huế có xuất phát điểm khó khăn, khó đạt được tiêu chí thành phố trực thuộc Trung ương.

Do đó, trên cơ sở tổng kết đánh giá 10 năm thực hiện Nghị quyết Bộ Chính trị đã có đề xuất, có quyết sách xây dựng Thừa Thiên - Huế trở thành thành phố di sản trực thuộc Trung ương với cốt lõi là Cố đô Huế. Do đó, các tiêu chí về dân số, thu nhập không nhất thiết như các thành phố trực thuộc khác. Đây là cơ chế chính sách đặc thù cho thành phố di sản.

img

Với tỉnh Thanh Hoá, Chủ tịch Quốc hội nhắc lại khi Bác Hồ vào thăm đã từng nói “người đông, đất rộng, của nhiều, chỉ còn thiếu sự sắp đặt và thu xếp”. Do đó, Thanh Hoá đang phấn đấu trở thành một trong tứ giác phát triển của phía Bắc bao gồm: Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh và Thanh Hoá. Bên cạnh đó, Thanh Hoá có động lực phát triển kinh tế Nghi Sơn, nhưng miền Tây Thanh Hoá rất khó khăn.

Nghệ An cũng tương tự như Thanh Hóa, diện tích của Nghệ An là lớn nhất, dân số đứng thứ 4 cả nước. Vì vậy, Chủ tịch Quốc hội cho rằng lúc này việc xây dựng cơ chế đặc thù cho những nơi này là để các địa phương có lực phát triển.

img

Trao đổi về thắc mắc của Người Đưa Tin về Dự thảo Nghị quyết trên được đưa ra xem xét trong bối cảnh cần xây dựng các giải pháp phục hồi kinh tế sau đại dịch, đại biểu Lê Thanh Vân cho biết, chúng ta chưa bao giờ phân loại địa phương và cá thể hoá chính sách. Trong khi đó 63 tỉnh thành, về năng lực, lợi thế và đóng góp rất khác nhau. Trừ các Tp. trực thuộc Trung ương và đô thị đặc biệt chỉ có mỗi Thủ đô là có Luật Thủ đô, còn các địa phương cấp tỉnh gần như không có chinh sách phân loại.

img

ĐBQH Lê Thanh Vân (đoàn Cà Mau)

“Vậy nên, đây là một hạn chế trong việc ban hành chính sách. Tức là, đồng bộ hoá năng lực như nhau giữa các địa phương. Cho nên, không tác động chính xác đến những nơi có lợi thế, có điều kiện ưu tiên để khơi dậy tiềm năng và vô hình chung đã đánh đồng tất cả. Rất nhiều năm, nhiều tỉnh “cựa quậy” mãi không được vì cơ chế chính sách chỉ cho như thế. Vậy nên, đã có nhiều tỉnh yêu cầu phải có cơ chế riêng để phù hợp với năng lực của mình”.

Theo ĐB Lê Thanh Vân, việc cho cơ chế đặc thù là vấn đề phát sinh từ thực tiễn, chưa có tiền lệ và đánh giá nên phải thí điểm.

Nói đến những cơ chế đặc thù, nhìn vào đề xuất của Chính phủ, Đại biểu Lê Thanh Vân thấy tính đặc thù của 4 tỉnh thành này không nhiều, thực tế nó chỉ là 3 nhóm quy phạm:

img

Nhóm 1 là nhóm uỷ quyền, phân quyền cho dưới cấp về quyền quản lý đất đai, quỹ lương, một số cơ chế thuộc thẩm quyền Quốc hội nay uỷ quyền cho TVQH trên cơ sở đề xuất của Chính phủ, để làm sao cho thật linh hoạt, bởi thủ tục trình Quốc hội lâu hơn…

Nhóm thứ 2 là nhóm điều chỉnh chính sách, đó là tỉ lệ phân chia nguồn thu trên địa bàn địa phương, thuộc nhiệm vụ về ngân sách Trung ương thì lần này, đặc thù được thể hiện ở chỗ nhường cho địa phương nhiều hơn.

Nhóm 3 là nhóm cho phép, cho phép ở đây là những điều mà Luật đã có hoặc chưa có, cũng đang giới hạn trong lĩnh vực lệ phí. Điều này có nghĩa là cái gì trong danh mục phí nên có thì cho phép nới thêm chuẩn; hay danh mục chưa có thì cho phép các địa phương có nguồn thu được phép đặt ra những quy định phù hợp với năng lực tài chính của xã hội.

Đây là một bước để thử nghiệm việc chuyển giao thẩm quyền cho từng nhóm địa phương, thích ứng với năng lực của họ.

img

Việc thí điểm các cơ chế đặc thù như tôi vừa phân loại, chúng ta sẽ đánh giá tổng quan lại.

“Tôi đề nghị là 3 năm sơ kết, 5 năm tổng kết, sau đó cùng với những tổng kết khác, ta có thể nhận định tổng quan và chiến lược hơn. Phải phân loại 63 tỉnh thành thành bao nhiêu nhóm có cùng chỉ số năng lực, cùng một chỉ số tiềm năng để có một gói cơ chế đồng bộ cho từng nhóm. Có như vậy, chúng ta mới khai thác và phát huy được lợi thế của từng địa bàn. Tiến tới Trung ương ban hành và kiểm soát thể chế, việc vận hành thể chế phải là cho địa phương, đương nhiên phải có trách nhiệm ràng buộc của cấp ủy chính quyền địa phương và người đứng đầu, trong việc cam kết tổ chức thực hiện những thẩm quyền mà Trung ương đã trao cho mình”, Đại biểu Lê Thanh Vân nói.

Về chính sách cơ chế đặc thù riêng của Hải Phòng, ĐBQH Lê Thanh Vân, cho rằng các cơ chế đặc thù cho Hải Phòng về cơ bản là Hải Phòng đang được hưởng. Việc đưa vào Nghị quyết của Quốc hội sẽ mang lại giá trị pháp lý và tính ổn định cao hơn.

img

“Hải Phòng đang có nhiều lợi thế theo tiềm năng, đây là thí điểm đề nghị của Hải Phòng với Chính Phủ, tôi cho rằng rất khiêm tốn, đều là những cơ chế mà họ đang vận hành ở tầm Nghị định hoặc có tác động từ Nghị quyết của UBTV QH. Theo tôi, xem xét những đề nghị của Hải Phòng chưa thực sự tương xứng với lợi thế, tiềm năng của họ và sẽ có thể giúp cho họ bứt phá được”, Đại biểu Lê Thanh Vân đánh giá.

Về thí điểm thực hiện chính sách phí, lệ phí trên địa bàn, ĐB Lê Thanh Vân cho rằng, thực chất phí và lệ phí là những khoản thu lại để bù đắp những chi phí từ dịch vụ công sinh ra. Hoặc nó có thể phát sinh để dự báo trong tương lai có thể sử dụng đến, để bù đắp cho chi phí đó, giúp giảm tải gánh nặng của chi thường xuyên của ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, thu phải linh hoạt, tuyệt đối không lạm dụng phí đó để phục vụ cho nhiệm vụ từ thu thuế, chi từ ngân sách, phải có giới hạn.

img

Đại biểu Tạ Đình Thi (đoàn Hà Nội)

Đại biểu Tạ Đình Thi (đoàn Hà Nội) bày tỏ sự đồng tình với việc Quốc hội sẽ ban hành 4 nghị quyết về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù, song theo đại biểu, cần làm rõ hơn các đặc thù, lợi thế của từng địa phương để tạo đột phá trong phát triển.

Đại biểu cũng bày tỏ băn khoăn về thẩm quyền của địa phương thực hiện cơ chế, chính sách đặc thù trong chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng, cần có hướng giải quyết phù hợp.

img

Đại biểu Tạ Thị Yên (đoàn Điện Biên)

Đồng quan điểm, Đại biểu Tạ Thị Yên (đoàn Điện Biên) cho rằng, ban hành Nghị quyết là đúng đắn, phù hợp với Nghị quyết của Đảng, góp phần cho các địa phương phát huy tiềm năng, nội lực, từ đó đảm bảo phát triển hài hoà giữa kinh tế - văn hoá, tăng nguồn thu ngân sách,cải cách môi trường đầu tư, tạo thuận lợi cho phát triển nhanh bền vững.

Nhất trí chủ trương chung, cần có cơ chế đặc thù cho các địa phương gắn với đặc điểm tự nhiên, kinh tế xã hội của địa phương đó, Đại biểu Nguyễn Mạnh Hùng (đoàn Bình Định) cho biết, qua nghiên cứu, ba nhóm cơ chế chính về: Thu chi ngân sách; chuyển đổi đất đai; công tác quy hoạch đô thị, phân khu.

img

Đại biểu Nguyễn Mạnh Hùng (đoàn Bình Định)

Đại biểu đoàn Bình Định cho rằng, bên cạnh việc tạo điều kiện về ngân sách, nguồn thu cho địa phương, chuyển đổi sử dụng đất để địa phương chủ động phát triển cần nêu rõ đặc thù gắn với sự "riêng có" của địa phương này. Ông lấy ví dụ việc Thanh Hoá, Nghệ An có rừng có biển, thì chưa có điểm nhấn vào đặc thù như vậy.

“Gắn vào tiềm năng của từng địa phương, để có chính sách phù hợp với từng địa phương. Cơ bản nhất trí với các địa phương như dự thảo, nhưng có thêm những đề xuất mang tính đặc thù từng địa phương, thì sẽ hỗ trợ cho các địa phương phát triển tốt hơn. Chính sách về thu hút FDI, con người, đào tạo hay tổ chức bộ máy theo mô hình linh hoạt hơn, gọn hơn, chính sách thu hút nhân tài để bền vững hơn. Gốc của tất cả từ con người ra, nếu thu hút được người tài, có bộ máy linh hoạt thì điều hành tốt hơn”, ông Hùng bày tỏ.

img

“Nghệ An, Thanh Hoá vừa có đường biển, vừa có cảng hàng không, cửa khẩu biên giới, các cơ chế đang thiếu vắng sự khơi dậy, thúc đẩy, phát huy các lợi thế này. Vẫn còn dư địa để nghiên cứu”, vị Đại biểu đoàn Bình Định băn khoăn.

Đối với Hải Phòng, ông Hùng cũng cho rằng, cần nâng cao thu nhập cán bộ công chức, có nguồn cố định để cống hiến, nhưng phải gắn với tinh giản biên chế. Bên cạnh viêc tạo cơ chế thu nhập, cần khẩn trương tinh gọn bộ máy, giảm biên chế, từ đó có tổ chức bộ máy hiệu quả hơn.

img
img

Đại biểu Nguyễn Phương Thủy (đoàn Hà Nội) cũng bày tỏ băn khoăn rằng, việc ban hành thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù cần có sự thống nhất với hệ thống pháp luật của Nhà nước. Cụ thể, cần làm rõ việc “thí điểm” như thế nào cũng như thẩm quyền của Chính phủ, Quốc hội và việc phân quyền cho các địa phương thực hiện một số cơ chế, chính sách đặc thù này ra sao. Điều quan trọng hơn trong việc thí điểm này là tạo sự bình đẳng giữa các địa phương có cùng điều kiện phát triển như nhau, tạo sự thống nhất trong quản lý của Chính phủ. Đặc biệt là tránh tình trạng sắp tới các địa phương khác cũng kiến nghị có cơ chế, chính sách đặc thù riêng. Đại biểu Thuỷ cho biết, hiện nay có 3 Thành phố Hà Nội, Đà Nẵng và Hồ Chí Minh đã áp dụng cơ chế, chính sách đặc thù, vậy việc áp dụng thí điểm đối với các tỉnh, thành phố lần này cần quy định thời gian thí điểm trong bao lâu để có đánh giá về hiệu quả thực hiện.

img
img

Dự thảo Nghị quyết đã đề cập đến 9 vấn đề chính sẽ được thí điểm và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2022 và được thực hiện trong 5 năm tại 4 tỉnh, thành phố.

Về chính sách dư nợ vay, Tỉnh Thừa Thiên - Huế, tỉnh Nghệ An được vay với tổng mức dư nợ vay không vượt quá 40% số thu ngân sách tỉnh được hưởng theo phân cấp.

Thành phố Hải Phòng, tỉnh Thanh Hóa được vay với tổng mức dư nợ vay không vượt quá 60% số thu ngân sách Tỉnh, Thành phố được hưởng theo phân cấp.

Về ngân sách Trung ương bổ sung, có mục tiêu từ tăng thu trên địa bàn các tỉnh, thành phố. Đối với thành phố Hải Phòng, hằng năm, ngân sách Trung ương bổ sung có mục tiêu cho ngân sách Thành phố không quá 70% số tăng thu ngân sách Trung ương từ các khoản thu phân chia giữa ngân sách Trung ương và ngân sách Thành phố so với dự toán Thủ tướng Chính phủ giao.

Đối với tỉnh Thừa Thiên - Huế, tỉnh Nghệ An, tỉnh Thanh Hoá ngân sách Trung ương bổ sung có mục tiêu cho tỉnh Thừa Thiên - Huế và tỉnh Nghệ An không quá 70% số tăng thu từ hoạt động xuất, nhập khẩu của hàng hóa xuất, nhập khẩu. Đồng thời, đó cũng là con số cho hoạt động xuất, nhập khẩu qua Cảng biển Nghi Sơn (Thanh Hoá).

Về định mức chi thường xuyên, các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An và Thừa Thiên - Huế được phân bổ thêm 45% theo tỉ lệ phần trăm số chi tính theo định mức dân số khi xây dựng định mức chi thường xuyên ngân sách nhà nước năm 2022.

Về thí điểm thực hiện chính sách phí, lệ phí, trên địa bàn Thành phố Hải Phòng và tỉnh Thanh Hóa, quyết định áp dụng các loại phí, lệ phí chưa được quy định trong Danh mục phí, lệ phí ban hành kèm theo Luật Phí và lệ phí. Bên cạnh đó, điều chỉnh mức hoặc tỉ lệ thu phí, lệ phí đã được cấp có thẩm quyền quyết định trừ án phí, lệ phí Tòa án.

Ngoài ra, ngân sách thành phố, tỉnh sẽ được hưởng 100% số thu tăng thêm do việc điều chỉnh chính sách phí, lệ phí và không dùng để xác định tỉ lệ phần trăm đối với các khoản thu phân chia giữa ngân sách Trung ương và ngân sách tỉnh, thành phố.

Trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế, phí tham quan di tích trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế được thu đầy đủ vào ngân sách Nhà nước để thực hiện đầu tư trùng tu di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn.

Về quản lý đất đai và quản lý sử dụng rừng, các tỉnh, thành phố đều có sự quyết định chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng. Tuy nhiên, Quốc hội yêu cầu tất cả phải thực hiện công khai, lấy ý kiến người dân, đối tượng chịu sự tác động của việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai.

Về quản lý quy hoạch, Thủ tướng Chính phủ quyết định việc phân cấp cho Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố này thực hiện phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung xây dựng khu chức năng, điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung đô thị theo trình tự.

Về thu từ xử lý nhà, đất, riêng với hai địa bàn tỉnh Thanh Hóa và tỉnh Thừa Thiên - Huế, ngân sách sẽ được hưởng 50% khoản thu tiền sử dụng đất khi bán tài sản công gắn liền trên đất theo quy định của Luật Quản lý.

Bên cạnh đó, được phép sử dụng tài sản công do các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc Trung ương quản lý trên địa bàn tỉnh để đầu tư hạ tầng kinh tế - xã hội thuộc nhiệm vụ đầu tư công của Tỉnh.

Về cải cách thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức, là chính sách thí điểm riêng cho Thành phố Hải Phòng, thực hiện cơ chế tạo nguồn thực hiện cải cách tiền lương theo quy định.

Cụ thể, sau khi ngân sách Thành phố bảo đảm đủ nguồn thực hiện cải cách tiền lương và các chính sách an sinh xã hội cho cả thời kỳ ổn định ngân sách theo quy định của cấp có thẩm quyền, Hội đồng nhân dân Thành phố Hải Phòng được quyết định sử dụng nguồn cải cách tiền lương còn dư của ngân sách Thành phố.

Qua đó, cho phép ngân sách cấp dưới sử dụng nguồn cải cách tiền lương còn dư để chi thu nhập bình quân tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức làm việc trong các cơ quan chính quyền, Đảng, đoàn thể do thành phố quản lý theo hiệu quả công việc.

Chính sách cuối cùng, thí điểm riêng với tỉnh Thừa Thiên - Huế về việc thành lập Quỹ Bảo tồn di sản Huế. Đây sẽ là Quỹ Quốc gia được Chính phủ thành lập và giao cho tỉnh Thừa Thiên - Huế trực tiếp quản lý. Mục đích của Quỹ sẽ để đầu tư thực hiện công tác trùng tu, bảo tồn, phát triển giá trị di sản Huế và đầu tư cho các công trình, hạng mục chưa được ngân sách Nhà nước đầu tư hoặc đầu tư chưa đủ.

Theo đó, Quỹ được tiếp nhận từ nguồn ngân sách Nhà nước của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hỗ trợ, cùng với nguồn tài trợ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước và các nguồn thu hợp pháp khác; tuy nhiên, không sử dụng ngân sách của tỉnh Thừa Thiên - Huế để hỗ trợ Quỹ.

NGUOIDUATIN.VN |