NĐT: Dưới góc nhìn của người trong cuộc, đại dịch Covid-19 đã tác động thế nào đến các doanh nghiệp, thưa bà?
Bà Lê Hoàng Diệp Thảo: Đại dịch Covid-19 bùng nổ chính là thời điểm khó khăn nhất với doanh nghiệp. Nhưng, khó khăn lại càng kích thích doanh nghiệp xoay xở để tồn tại và phát triển bằng những giải pháp thông minh, hiệu quả hơn. King Coffee cũng gặp những khó khăn như các doanh nghiệp khác. Một số kế hoạch của chúng tôi đã phải tạm dừng. Lúc dịch đỉnh điểm, các cửa hàng ở Tp.HCM phải tạm đóng cửa để cùng thành phố chống dịch. Tôi đã ra quyết định rất nhanh, xác định Covid-19 chỉ là một trong những thử thách mà chúng tôi phải đối mặt và vượt qua. Tinh thần là rất quan trọng, cần nhận định đúng tình huống, nguy và cơ để xác định hướng đi. Không thể xoay chuyển cơn gió mà phải điều khiển cánh buồm để thích ứng và tìm đường bứt phá – tôi luôn nhắc nhở với các nhân viên của mình như vậy.
Sau khi thành phố mở cửa trở lại, chúng tôi nhanh chóng khởi động lại các công việc bị gián đoạn. Cách đây không lâu, các khách hàng từ Mỹ, Anh, Thái Lan đã đến Việt Nam học về cà phê để mở hệ thống King Coffee tại các quốc gia của họ. Theo kế hoạch, khoảng tháng 12 năm nay, cà phê của chúng tôi sẽ xuất hiện tại nhiều nơi trên thế giới.
NĐT: Mở rộng thị trường ra thế giới là điều nhiều doanh nghiệp đang hướng tới để thúc đẩy tăng trưởng mạnh mẽ hơn. Thế nhưng, điều này không dễ dàng. Bà đã đưa King Coffee ra thế giới như thế nào?
Bà Lê Hoàng Diệp Thảo: Vươn ra thế giới là điều mà nhiều doanh nghiệp mong muốn và có kế hoạch thực hiện. Điều đó rất tốt vì nó vừa mang lại giá trị cho doanh nghiệp, vừa là cách để hai tiếng “Việt Nam” được nhắc đến nhiều hơn trên thị trường thế giới.
Mỗi doanh nghiệp đều có sứ mệnh riêng và nội lực cũng khác nhau. Vì vậy, chúng ta cần xác định rõ mình như thế nào rồi mới đưa ra những chiến lược cụ thể, không nên thấy người khác làm thì mình cũng làm. Có những doanh nghiệp quản lý rất tốt khi ở quy mô nhỏ nhưng khi lớn hơn lại gặp khó khăn vì đối diện nhiều nguy cơ. Nếu việc hướng ra nước ngoài trở thành gánh nặng thì không nên vội vàng.
Với King Coffee, vươn ra thế giới là mục tiêu tôi đã xác định ngay từ đầu và bản thân tôi đã có hơn 20 năm tích lũy kinh nghiệm, xây dựng uy tín của mình trên thị trường thế giới. Tôi cũng đã tham dự hơn 200 hội thảo với vai trò diễn giả để chia sẻ về cà phê Việt Nam và kinh nghiệm kinh doanh của mình. Điều đó giúp mọi người nhớ đến cà phê Việt và cũng giúp tôi để lại ấn tượng với họ.
Thế nên, việc xây dựng thành công thương hiệu King Coffee trên trường quốc tế không chỉ bởi chiến lược kinh doanh phù hợp, xây dựng dấu ấn cho cà phê Việt mà còn đến từ uy tín cá nhân mà tôi đã xây dựng trong hơn 20 năm qua.
NĐT: Vậy, các doanh nghiệp Việt cần gì để có thể tiếp cận thành công thị trường quốc tế?
Bà Lê Hoàng Diệp Thảo: Để thành công khi bước ra thị trường quốc tế chúng ta phải có những điều kiện cần. Đó là đầu tư một cách bài bản, có hệ thống và tạo được chữ tín về chất lượng. Tuyệt đối không được phép “ăn xổi ở thì”.
Trong đó, yếu tố quan trọng nhất chính là chất lượng. Đây là yếu tố then chốt đảm bảo cho sự thành công bền vững của một doanh nghiệp. Uy tín của doanh nghiệp sẽ bị tổn hại nếu như chúng ta chào hàng một kiểu và rồi lại giao hàng kiểu khác. Dù đối tác là ai thì chất lượng sản phẩm cũng là yếu tố họ sẽ đặt lên hàng đầu. Khi chúng ta cung cấp cho khách hàng những sản phẩm chất lượng đúng như cam kết thì sẽ tạo được sự tin cậy, từ đó giúp mối quan hệ trở nên bền vững.
Một lưu ý nữa mà các doanh nghiệp cần phải nhớ chính là không được bỏ quên thị trường nội địa. Khi làm việc với các đối tác nước ngoài họ cũng sẽ đánh giá chúng ta thông qua vị trí của doanh nghiệp ở thị trường nội địa.
NĐT: Đó là điều kiện cần, vậy điều kiện đủ là gì, thưa bà?
Bà Lê Hoàng Diệp Thảo: Với tôi, điều kiện đủ nằm ở người lãnh đạo doanh nghiệp. Trên con đường triển khai kế hoạch, chúng ta sẽ gặp rất nhiều biến động và người đứng đầu doanh nghiệp phải linh hoạt. Khi gặp vấn đề, phải biết lách vào những con đường mới, phải tính toán các bước đi một cách cụ thể và cẩn thận hơn. Để đoàn tàu luôn đi đúng hướng, người lãnh đạo phải làm tốt cả việc linh hoạt với bên ngoài và quản lý hiệu quả ở bên trong.
NĐT: Vậy, bà đã làm gì để con tàu của mình đi đúng hướng?
Bà Lê Hoàng Diệp Thảo: Với tôi, bí quyết chính là mỗi người hãy làm tốt nhất công việc của mình. Tôi nỗ lực để làm tốt nhất công việc của một người quản lý chung, quản lý ở tầm vĩ mô để điều phối mọi thứ đảm bảo mục tiêu đã đặt ra. Các đồng đội của tôi, họ cần làm tốt nhất công việc được giao phụ trách. Người làm việc tại Tp.HCM hãy làm tốt nhất công việc của mình ở Tp.HCM, người ở New York hãy làm tốt nhất công việc của mình tại New York. Mỗi người làm tốt công việc, phận sự của mình thì tự nhiên bộ máy sẽ vận hành trơn tru, đoàn tàu sẽ đi đúng hướng.
Hiện tại, chúng tôi vẫn đang trên hành trình khẳng định vị trí của cà phê Việt Nam trên thị trường quốc tế. Tôi đặt mục tiêu King Coffee sẽ xuất hiện ở mọi sân bay trên thế giới và ở mọi thành phố lớn trên khắp hành tinh. Đối với tôi, hạt cà phê giống như là báu vật thiên nhiên đã trao tặng cho đất nước. Tôi mong mỏi cà phê Việt Nam sẽ để lại dấu ấn đậm nét trên thị trường quốc tế và khiến người Việt tự hào mỗi khi đi ra nước ngoài.
NĐT: Đó là yếu tố cần và đủ từ phía doanh nghiệp. Nhưng muốn cụm từ “made in Vietnam” tạo dựng được chỗ đứng trên trường quốc tế, chúng ta cần nhiều hơn sự nỗ lực của doanh nghiệp phải không thưa bà?
Bà Lê Hoàng Diệp Thảo: Trong thời đại 4.0, việc kết nối đã dễ dàng hơn và điều này càng khiến cho việc tạo dựng uy tín của doanh nghiệp trở nên cần thiết hơn. Khi chúng ta đã tạo dựng được uy tín của mình thì việc thiết lập quan hệ với đối tác cũng vì thế mà dễ dàng hơn. Nhưng, quản lý chất lượng sản phẩm không thể chỉ nên dừng ở mức doanh nghiệp tự ý thức mà cần có sự vào cuộc quyết liệt của cơ quan quản lý.
Như tôi đã nói ở trên, chất lượng sản phẩm tạo nên uy tín của doanh nghiệp và rộng hơn nữa là tạo uy tín của các sản phẩm “made in Vietnam”. Một trong những nước ghi được dấu ấn rất sâu sắc về thương hiệu quốc gia đối với các sản phẩm của họ chính là Nhật Bản. Nhật Bản có thể chế quản lý rất chặt về chất lượng. Một doanh nghiệp khi bị phát hiện dính phốt liên quan đến chất lượng sẽ phải chịu hình phạt nặng, thậm chí bị cấm kinh doanh. Nhờ khâu quản lý chất lượng tốt nên họ tạo được thương hiệu quốc gia tốt, cứ nhắc đến hàng hóa do Nhật Bản sản xuất là mọi người đều nghĩ đến chất lượng tốt.
Bản thân tôi cũng đặt chất lượng lên hàng đầu đối với các sản phẩm do chúng tôi làm ra. Mỗi một sản phẩm làm ra đều phải đạt chất lượng tốt nhất. Khi đặt ra yêu cầu cao cho bản thân, đương nhiên việc mình làm sẽ khó hơn, mất thời gian hơn, tốn công sức hơn nhưng nó mang lại giá trị lâu dài, giúp mình đi đường dài và đó cũng là trách nhiệm mỗi doanh nghiệp cần làm. Bên cạnh đó, việc chú trọng đến nhu cầu của khách hàng cũng cần đặc biệt quan tâm. Tôi cho rằng, là một nhà cung cấp sản phẩm, chúng ta phải có trách nhiệm thỏa mãn nhu cầu của khách hàng khi họ sử dụng sản phẩm.
NĐT: Theo bà, doanh nghiệp Việt gặp khó khăn gì khi muốn bước ra thế giới?
Bà Lê Hoàng Diệp Thảo: Cơ hội để doanh nghiệp Việt bước ra thế giới là rất nhiều. Cánh cửa ấy rất rộng, nhưng muốn đạt được chúng ta phải sẵn sàng đối diện với thử thách. Trong những năm 1990 hay những năm 2000, khi các phương tiện liên lạc còn khó khăn, điện thoại vẫn còn là thứ xa xỉ mà chúng ta đã làm được rất nhiều việc thì giờ đây, nếu đủ quyết tâm, chẳng điều gì có thể cản bước.
Có một điều các doanh nghiệp cần phải đặc biệt lưu tâm chính là, nếu việc mình làm dễ thì với người khác cũng dễ. Khi cái dễ là chung, chúng ta phải xác định đâu là điểm tạo nên sự khác biệt của mình. Chúng ta phải sẵn sàng giải bài toán khó, có như vậy chúng ta mới mong tạo được sự khác biệt. Hãy đặt ra cho mình những sứ mệnh cụ thể, cách thức triển khai một cách bài bản và đương nhiên là phải có sự quyết tâm.
Tôi nghĩ, chúng ta chẳng gặp điều gì khó khăn khi đã trang bị cho mình điều kiện cần và đủ. Người Việt Nam chúng ta rất thông minh, chẳng thua kém ai bất cứ điều gì. Vì vậy, điều phải làm là chuẩn bị thật tốt kế hoạch và tự tin triển khai nó. Khi đó, việc sản phẩm Việt đáp ứng được yêu cầu cao ở những thị trường khó tính là không hề khó khăn.
NĐT: Dưới góc nhìn là một doanh nhân, bà gửi gắm, kỳ vọng điều gì đến những người làm chính sách?
Bà Lê Hoàng Diệp Thảo: Chính sách có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp. Khi những doanh nghiệp làm ăn nghiêm túc được thúc đẩy phát triển thì xã hội mới có thể tiến lên bền vững. Doanh nghiệp ở quy mô nào thì cần có chính sách phù hợp với quy mô đó để thúc đẩy họ phát triển.
Tôi lấy ví dụ thế này, nếu chúng ta thực hiện chính sách giảm thuế cho những doanh nghiệp mới thành lập thì nhiều người kinh doanh tự do có thể sẽ nhìn vào đó để thấy cơ hội kinh doanh, họ sẽ thành lập doanh nghiệp. Tương tự như vậy, với doanh nghiệp nhỏ, vừa và lớn chúng ta phải có những chính sách riêng phù hợp với nhu cầu của họ. Làm được điều đó, chúng ta mới có thể khuyến khích doanh nhân làm nhiều hơn, cống hiến nhiều hơn cho xã hội.
Ở nước ta chỉ có 3% doanh nghiệp lớn, 97% doanh nghiệp vừa và nhỏ. Vậy nên đừng cào bằng, chúng ta cần phân cấp để có chính sách hỗ trợ phù hợp giúp doanh nghiệp có điều kiện phát huy hết thế mạnh của mình.
Tôi đã đi nhiều nơi, có cơ hội tiếp xúc với nhiều thể chế quản lý và nhận ra rằng những vấn đề liên quan đến kinh tế đều rất được quan tâm. Họ có những chính sách rất hữu hiệu để doanh nghiệp nhỏ phát triển ổn định. Thậm chí, trong những giai đoạn khó khăn hay khi xuất hiện những tình huống bất ngờ, họ sẽ có những chính sách khuyến khích đặc biệt dành cho doanh nghiệp.
Vậy làm sao để khuyến khích? Chúng ta phải có chính sách hợp lý. Vậy làm thế nào để hợp lý? Đó chính là những người làm chính sách phải am hiểu. Chỉ khi hiểu chúng ta mới có thể bốc đúng loại thuốc để chữa bệnh, tăng cường sức khỏe và phát triển. Việc đưa các chính sách vào thực tế cũng cần linh hoạt, mềm dẻo, tránh áp đặt hay không quản được thì cấm. Chính sách đúng, đủ và được đưa vào thực tế một cách phù hợp sẽ trở thành đòn bẩy để doanh nghiệp Việt phát triển ngày càng lớn mạnh.
NĐT: Xin trân trọng cảm ơn bà!
NGUOIDUATIN.VN |