Nghệ sĩ hài Hà Linh

Ở thời điểm gần như không còn đi diễn, nhưng hễ nhắc đến nghề, nghệ sĩ Hà Linh lại nói say sưa với một đam mê không ngôn từ nào có thể diễn tả. Thế nhưng, khi nhắc đến mẹ - nghệ sĩ Thanh Nga, giọng anh trầm xuống, miên man, chất chứa nhiều tâm sự.

img
sutit

Nghe nói anh không còn đi diễn nữa, đó là sự thật sao?

Tôi không còn đi diễn nữa. Có thể nói, tôi bỏ nghề diễn viên. Bởi, không có sân khấu để diễn, nghề chính của tôi là diễn tấu hài, không phải diễn kịch mà các sân khấu tấu hài dẹp hết rồi.

Nghệ sĩ Hà Linh 1

Lập nhóm hài, tôi là nhóm trưởng phải đảm bảo cuộc sống cho nhóm viên. Trước kia, một đêm diễn khoảng 4 show, dù không nhiều nhưng thu nhập vẫn đỡ, còn bây giờ, một tháng mới biểu diễn 1 -2 show sao các thành viên của nhóm đủ sống. Thế nên, các nhóm viên của tôi phải làm nghề khác. Tuy nhiên, khi làm nghề khác ổn định, họ không muốn đi diễn hài nữa. Mỗi lần diễn, tôi phải đi tìm người mới. Khó lắm!

Sau khi sân khấu hài đóng cửa, tôi chuyển sang cộng tác sân khấu kịch, cộng tác với bên chị Hồng Vân được mấy năm. Tôi 3 lần ra đi rồi lại quay về sân khấu của chị Vân nhưng rồi cũng không trụ lâu. Sau đó, tôi làm công nhân viên chức Nhà nước, có biên chế hẳn hoi nhưng công việc chán, rảnh quá, nên thôi dẹp không làm nữa.

Nghệ sĩ tham gia gameshow nhiều, sao anh không chuyển hướng sang đó để vừa được làm nghề, vừa có thêm thu nhập?

Ở tuổi của tôi mà tham gia gameshow là một điều dại dột. Tại vì, các bạn trẻ tham gia gameshow vì cần cái danh, còn tôi không cần danh mà cần tiết mục. Tiết mục phải hay chứ đừng có xàm nhưng hay mà khán giả không cười thì cũng vậy. Trong một cuộc chơi, vấn đề này nọ tất nhiên phải có. Khi mình tham gia, nếu mình bức xúc quá thì không tham gia được nên tôi không tham gia gameshow. Còn những gameshow như Nhanh như chớp, họ thường chọn người chơi có raiting. Những nghệ sĩ có raiting thường có thực tài hoặc có scandal, tôi thuộc lớp nghệ sĩ nằm ở giữa, ở vùng an toàn, lơ lửng nên không thể tham gia.

Anh nói, anh biết vị trí của mình đang ở đâu. Vậy theo anh, vị trí của anh đang ở đâu trong làng sân khấu?

Tôi hay nói hài hước, ví von sự nghiệp của một người nghệ sĩ như một ngọn đồi, một ngọn núi, người nghệ sĩ bằng mọi giá phải đi lên đỉnh núi. Khi lên tới đỉnh núi thì làm gì, phải đi xuống thôi. Tôi may mắn chưa đến được đỉnh cao danh vọng. Tôi mới đi nửa đường thì thấy chán nên đi xuống và giờ thì như vầy. (Cười)

Nghệ sĩ Hà Linh 2

Tại sao anh chán?

Thật ra, tôi thiếu nhiều yếu tố của một người nghệ sĩ, dư yếu tố của lãng tử. Nghệ sĩ rất ham diễn như anh Bảo Chung. Đang ngồi chơi mà đến lúc tập, ảnh nhào vô diễn như thiệt. Còn tôi, tôi có một thói quen bị các đạo diễn chửi rất nhiều. Đó là tôi không bao giờ tập diễn trước với bạn đồng nghiệp, tới khi bước ra sân khấu, tôi mới diễn. Đạo diễn cần xem tôi diễn cái gì trước nhưng tôi thấy việc diễn cho đạo diễn và đồng nghiệp xem chán lắm, không có cái gì vui hết.

Khi ra diễn thật, có khán giả, tôi mới máu lửa. Với tính cách đó, tôi tự thấy cũng có cái lợi và cái hại. Lợi là khi ra sân khấu mình diễn, tất cả đều mới, vui hơn lạ hơn, bạn diễn cũng bất ngờ nhưng khổ nhất, mỗi lần tôi diễn không bao giờ giống nhau nên bị bạn diễn chửi hoài. Bạn diễn đang canh tôi thoại câu này, tôi lại nói câu khác. Trong nghề gọi tôi bị hát cương nhiều. Tuy nhiên, ý chính, lời chính, nội dung, tôi vẫn phải giữ nhưng phần biến tấu thì thay đổi.

Nghệ sĩ Hà Linh 3

Vậy ít đồng nghiệp dám diễn chung với anh?

Không đâu, tôi như vậy diễn viên khác lại thích. Thật ra, người giỏi nghề mới hát cương được, phải nắm tuồng mới dám cương ra ngoài. Mạc Văn Khoa, Trấn Thành, Việt Hương, Nam Thư… đều giỏi nghề nên khi tôi nói ra ngoài họ liền nói ra ngoài được luôn, lát “quẹo” vô lại. Với những bé mới ra trường, tôi không dám diễn vậy. Diễn viên được cái sướng lắm, diễn cho người ta cũng như đang diễn cho mình, mình tự thưởng thức tài năng, tác phẩm mình làm ra. Nhiều khi mình diễn được “miếng” nào đắt, mình về nhớ lại cười 2 - 3 ngày.

sutit
Hà Linh 6

Nghệ sĩ Thanh Nga, mẹ của anh nổi tiếng ở lĩnh vực cải lương nhưng anh lại chuyển hướng sang tấu hài. Tại sao lại có sự chuyển hướng như thế, có nguyên do nào không anh?

Thật ra, cải lương phải trời phú. Thứ nhất, phải có giọng ca mà tôi hát không có được, hát tân nhạc thì đỡ đỡ chứ cải lương thì thua. Nhà tôi còn chị Hồng Loan, cậu Bảo Quốc hát được cải lương, chứ tôi, anh Hữu Châu, Gia Bảo không hát cải lương được.

Anh có tiếc không, giống như mình mất nghề vậy đó?

Dĩ nhiên là tiếc. Nói về được sự hỗ trợ nghề nghiệp, nếu biết ca cải lương, tôi nổi tiếng lâu rồi. Khán giả cải lương lúc nào cũng ủng hộ tôi.

Chiếc bóng nổi tiếng của mẹ quá lớn, có khiến anh gặp khó khăn trong cuộc việc?

Có chứ. Ví như, thời tôi làm hỗ trợ cho anh Phước Sang, ảnh nạt tôi cái, ảnh sực nhớ gì đó liền quay qua xin lỗi tôi, rồi giải thích ảnh nóng chuyện khác. Đối với người khác dưới quyền ảnh, ảnh có quyền chửi chứ, nhưng với tôi, danh tiếng của mẹ khiến ảnh ngại. Bị chửi, tôi đâu có buồn giận đâu. Vậy mà, ảnh nghĩ tôi không chửi được hay sao đó. Giống anh Quyền Linh vậy đó, trước tôi cũng làm quản lý cho ảnh, ảnh đi trễ thì tôi nhắn tin nhắc. Lúc đó, ảnh đang bị kẹt xe nên cáu quay qua chửi tôi. Nhưng chút xíu ảnh đến, ảnh bắt tay xin lỗi tôi.

Hà Linh 4

Nhiều khi tôi đâu đặt nặng mấy chuyện đó nhưng người ta cứ vị nể gia đình, người ta giữ kẽ với mình. Làm mà giữ kẽ thì đâu có được. Vì vậy, nhiều người thích làm việc với người khác hơn, dù dở hơn nhưng dễ sai bảo, còn tôi nhiều khi người ta ngại. Tôi không ngại, bao nhiêu lần tôi nói với anh Công Ninh: “Em đi tìm người la bảo em cái sai, anh Sang lại sợ”. Anh Ninh nói, ảnh cũng không biết nói sao.

Đó nhiều khi lại thành rào cản khiến anh khó phát triển với nghề?

Đúng rồi, tôi có nhiều cái rào cản và cũng không biết làm cách nào để gỡ.

sutit

Mỗi lần lên sân khấu, anh có nhớ mẹ mình không?

Khi nào làm những chương trình về đoàn Thanh Nga ngày xưa, tôi nhìn lại khung cảnh mới nhớ mẹ, chứ không nên nhớ nhiều quá, cũng phải cho đầu óc mình thoải mái. Cách đây mấy năm, khi hát vài chương trình về đoàn Thanh Minh – Thanh Nga ngày xưa, tôi đứng cánh gà xem ký ức ùa về. Lúc nhỏ, tôi cũng đứng nép sau cánh gà xem, tôi thích đứng sau cánh gà lắm.

Nghệ sĩ Hà Linh 7

Đang được nâng niu từng chút một, bỗng dưng mất tất cả, tôi không hình dung được anh sẽ ra sao?

May mắn, lúc đó, tôi nhỏ quá, không có nhiều cảm giác. Đúng là ngày trước, tôi được bố mẹ cưng lắm. Trong giới, tôi nổi tiếng lúc nhỏ quậy phá, đánh lộn không lại người ta mà toàn đánh người ta không à. Thường thì, tôi đánh người ta, người ta không được đánh lại tôi, họ chỉ biết chạy lại méc mẹ nhưng mẹ tôi cũng chỉ biết lấy bánh rồi dỗ đứa nhỏ đó nên nhịn tôi đi.

Hà Linh

Thời điểm đó, tôi nghĩ tôi hư lắm á. Nhưng mà khi bố mẹ mất rồi, lúc đó tôi nhỏ, tôi chỉ biết sự khác biệt duy nhất là trước giờ mình được cưng, giờ không được cưng. Lúc đó, bà ngoại rất thương tôi.

Cuộc sống mà luôn có nhiều cái thay đổi. Nhiều khi cũng tủi thân đủ thứ, dễ thấy nhất là mỗi lần xin đi chơi, tôi muốn đi chơi phải xin nhiều người, chỉ cần một người không đồng ý là phải ở nhà. Trong khi, những đứa trẻ khác chỉ cần xin bố mẹ, bố hoặc mẹ đồng ý thì đã được đi chơi.

Cảm nhận của con nít thì thấy như vậy là mình thiệt thòi. Nhiều khi bị đòn không ai an ủi, còn người ta có bố mẹ an ủi dỗ dành.

Anh không có cảm giác mất mát cái gì đó quan trọng sao?

Nhỏ quá thì đâu có cảm giác mất mát. Cảm giác nhiều nhất của tôi là khi về lại căn nhà của bố mẹ, món đồ đó tôi biết là của tôi nhưng khi tôi cầm vô không được nói đó là của tôi. Cái đó khiến tôi buồn. Người lớn lắm lúc nói một hai câu khiến mình đau lòng.

Hồi nhỏ, mỗi lần khóc, tôi thường chạy vào toilet, nhìn vào cái gương, rồi khóc tâm sự với cái gương như nói chuyện với mẹ mình, xong nín, chạy ra ngoài là phải hết. Bằng mọi giá phải nín khóc, không để một giọt nước mắt nào trên mặt. Bởi vậy, người ta đến nhà thường khen tôi dữ lắm. Họ nói, thằng này ngoan quá, mới thấy bị đòn khóc quá trời khóc mà giờ im re, lâu lâu mới hướt lên một cái. Không có một giọt nước nào… Cho nên lớn lên, tôi nghĩ con cái là quan trọng nếu không bố không mẹ, con cái thiệt thòi dữ lắm.

img

Anh có trách những người lớn đối xử nghiêm khắc với mình không?

Trách gì được nữa em. Cũng nhờ những cái đó mà giờ anh không đến nỗi hư lắm.

Hình dung người mẹ của đứa trẻ 5 tuổi khác thế nào về hình dung người mẹ của anh lúc bây giờ?

Nó vẫn đọng lại ở thời điểm 5 tuổi. Lớn lên, tôi đâu có thêm trải nghiệm nào về gia đình đâu. Cho nên, tôi thấy mẹ vẫn mãi như vậy. Nhiều người hỏi tôi tại sao đến giờ vẫn nhớ chuyện hồi nhỏ, bởi mọi người có cha mẹ, kỷ niệm mỗi năm thêm nhiều, còn tôi chắt lọc vẫn có nhiêu đó, không có cái mới.

Nghệ sĩ Thanh Nga

Mẹ trong ký ức của anh như thế nào?

Tôi chỉ nhớ mẹ tôi thương tôi. Tôi không thấy mẹ đẹp. Tôi còn nhỏ không biết thế nào là đẹp. Tôi chỉ biết mẹ hy sinh, thương tôi nhiều, thương bố nữa. Mẹ thương cả tôi và bố chứ không thương tôi hơn đâu. Chuyện tôi nhớ không nhiều lắm nhưng vẫn như chuyện mới hôm qua.

Tôi có cảm giác anh đi ra ngoài quy luật, thường một đứa trẻ mồ côi sẽ vướng vào tệ nạn, quậy phá nhưng anh không như thế. Anh ngoan ngoãn, tự thân lo cho mình. Tại sao lại có sự khác biệt đó hả anh?

Tôi không biết nữa. Tôi không biết tôi như thế nào nữa. Bản thân mình, mình còn chưa hiểu rõ con người mình. Thật ra, kim chỉ nam giữ tôi đàng hoàng là mẹ. Tôi nghĩ khi mình làm gì đó bậy bạ, mẹ sẽ mang tiếng. Tôi sợ.

Lúc nhỏ, có lần tôi mặc đồ hơi nhếch nhác tý, sáng sớm, xuống nhà ăn dĩa bánh ướt. Bà bánh ướt chỉ một bà khác và nói: “Đó, con của Thanh Nga đó”. Bà kia mới lại hỏi tôi, tôi liền nói: “Không có, thằng kia kìa, con không phải”. Tôi mặc đồ ghê quá nên không dám nhận, sợ mất mặt mẹ. Cái nào tốt tôi mới nhận con của Thanh Nga, còn cái nào không tốt, tôi né chỗ khác.