Nhân ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11), Người Đưa Tin đã có cuộc trao đổi với PGS.TS. Nguyễn Hoàng Long, Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ GTVT về câu chuyện người thầy trong bối cảnh hiện nay.
Người Đưa Tin (NĐT): Thưa thầy, sự phát triển của công nghệ đã làm thay đổi hành vi, thói quen và thậm chí cả quan hệ, tình cảm của con người. Trong dòng chảy đó, tình cảm thầy - trò, có những đổi thay gì so với trước?
PGS.TS Nguyễn Hoàng Long: Theo tôi, cho dù xã hội có thay đổi như thế nào, thì ở Việt Nam tình cảm thầy- trò vẫn luôn luôn được tôn trọng và trân quý. Bởi lẽ dân tộc ta từ bao đời nay luôn giữ được truyền thống tốt đẹp đó là: truyền thống hiếu học, tôn sư trọng đạo, người học trò luôn dành sự tôn kính, yêu quý đối với người thầy của mình.
Tất nhiên khách quan mà nói, trong bối cảnh sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ, tình cảm thầy – trò hiện nay không tránh khỏi việc sẽ có những thay đổi nhất định so với trước đây nhưng theo tôi sự thay đổi đó có chăng chỉ là các hình thức biểu hiện khác nhau, còn tựu trung lại dù có thế nào thì tình thầy - trò vẫn còn vẹn nguyên.
NĐT: Mạng xã hội đang phát triển như vũ bão và trở thành công cụ hữu ích để kết nối con người với con người. Liệu có nên biến mạng xã hội trở thành phương tiện để kết nối thầy và trò hay không?
PGS.TS Nguyễn Hoàng Long: Đó cũng là ý tôi muốn trả lời câu hỏi ở trên. Trước đây, kết nối, giao tiếp, tương tác, phương thức thể hiện tình cảm giữa học trò với người thầy thường là thông qua gặp gỡ trực tiếp tại các giờ học trên lớp, hoặc các cuộc thăm hỏi chúc mừng, hoặc là qua những cánh thư viết tay…Tuy nhiên hiện nay thông qua các phương tiện truyền dẫn hiện đại, mạng xã hội phát triển rất phổ biến và tiện dụng, thì việc biến chúng thành phương thức thể hiện tình cảm, tương tác, kết nối tình cảm giữa thầy và trò là rất phù hợp với thời đại và nên làm, bên cạnh những phương thức truyền thống.
NĐT: Trong thời kỳ internet phát triển, có vẻ thầy, cô không còn “độc quyền” trao kiến thức cho trò khi hiện nay người học có biết bao phương tiện để nâng tầm hiểu biết. Việc dạy và học cũng đổi thay, không còn phụ thuộc vào bảng đen, phấn trắng vào việc cầm tay chỉ việc của thầy nữa. Điều này cũng đặt ra yêu cầu về vai trò mới của người nhà giáo trong bối cảnh mới. Theo Thầy, vai trò của người Thầy hiện nay là gì?
PGS.TS Nguyễn Hoàng Long: Tôi rất đồng tình với cách đặt vấn đề của Phóng viên. Trong bối cảnh xã hội thông tin bùng nổ như hiện nay, người học được tiếp cận với vô vàn các kiến thức, thông tin để phục vụ cho việc học tập nâng cao trình độ, chứ không như trước đây, kiến thức chủ yếu do người thầy truyền đạt, cùng với sách vở tài liệu học tập rất khó khăn.
Điều đó vô hình trung cũng tạo ra áp lực, đòi hỏi người thầy như chúng tôi phải thay đổi so với trước đây. Người thầy lúc này đóng vai trò như người “hướng dẫn”, người “đồng hành, trợ giúp” cho học trò lĩnh hội kiến thức, lựa chọn thông tin và không còn là người “độc quyền” truyền thụ kiến thức cho học trò nữa, mà học trò sẽ tự mình chủ động tiếp thu kiến thức từ người thầy cũng như nhiều nguồn khác như sách báo, Internet…
NĐT: Hai năm đại dịch vừa qua đã vô tình đặt ngành giáo dục và các thầy cô giáo trong một bài toán thay đổi để thích ứng, đơn giản nhất là từ câu chuyện dạy và học online. Từ câu chuyện trong suốt thời gian vừa qua, theo Thầy trong thời gian tới, đội ngũ nhà giáo cần thay đổi và thích ứng như thế nào để phát huy được hết vai trò cần có của mình?
PGS.TS Nguyễn Hoàng Long: Đại dịch Covid -19 đã làm thay đổi cả thế giới và Việt Nam. Ngành giáo dục là một trong những ngành chịu ảnh hưởng tiêu cực nặng nề nhất bởi đại dịch. Tuy nhiên, trong “nguy có cơ”, việc phải thích nghi với hoàn cảnh mới không cho phép chúng ta được dừng lại mà buộc chúng ta phải thay đổi, biến thách thức thành cơ hội.
“Tạm dừng đến trường nhưng không dừng học” là phương châm mà toàn ngành giáo dục đã thực hiện trong suốt hai năm qua thông qua việc dạy và học online qua mạng internet. Điều đó buộc các nhà trường phải đầu tư cơ sở vật chất hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin, phần mềm, bảo mật an toàn thông tin mạng, điều chỉnh nội dung chương trình đào tạo, phương pháp giảng dạy, đánh giá người học và đặc biệt vai trò của người thầy lúc này rất quan trọng.
Thầy cô giáo phải thực sự thích nghi và phải thay đổi rất lớn so với phương pháp giảng dạy truyền thống trước đây. Họ phải tìm hiểu sâu hơn về công nghệ thông tin, mạng internet, cách sử dụng phần mềm giảng dạy trực tuyến, phần mềm thiết kế bài giảng điện tử, thay đổi phương pháp giảng dạy để truyền đạt kiến thức hiệu quả nhất, thay đổi phương pháp quản lý, đánh giá người học sao cho khoa học, khách quan công bằng nhất. Đây chính là xu hướng tất yếu của một “người thầy 4.0” cần phải thay đổi để phát huy được hết vai trò của mình trong hoạt động giảng dạy truyền thụ kiến thức nhưng “vô tình” lại được xuất phát từ bối cảnh của đại dịch Covid - 19.
NĐT: Nghề giáo đang là một trong những ngành nghề chịu thiệt thòi nhất trong bối cảnh hiện nay. Là người trong cuộc, Thầy có đồng tình với quan điểm đó?
PGS.TS Nguyễn Hoàng Long: Tôi nhớ lại câu nói mà cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng “Nghề dạy học là nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý, nghề sáng tạo nhất trong những nghề sáng tạo”. Nghề giáo là một nghề đặc biệt, bởi đối tượng lao động của người thầy chính là nhân cách, tâm hồn và thể chất con người. Do vậy, theo tôi nghề giáo là nghề “được” rất nhiều đấy chứ. Họ được cả xã hội tôn vinh, được học trò kính trọng, yêu quý. Họ rất “giàu” về tình cảm, về tri thức, về cốt cách, tâm hồn.
Tuy nhiên trong bối cảnh đất nước ta còn nhiều khó khăn, đang tập trung dành toàn lực cho phát triển kinh tế xã hội đất nước, nên ngân sách dành cho giáo dục cũng còn hạn chế, do đó cũng làm ảnh hưởng đến phần nào đời sống của đội ngũ nhà giáo, nhưng không phải vì thế mà nghề giáo mất đi vị trí ý nghĩa thiêng liêng của nó.
NĐT: Trong nhiều năm vừa qua, đổi mới và thay đổi để thích nghi đang thực sự trở thành vấn đề trung tâm đối với giáo dục đại học. Theo Thầy, với giáo dục đại học đổi mới và thích ứng đang được đặt ra như thế nào?
PGS.TS Nguyễn Hoàng Long: Theo cùng dòng chảy của xã hội và thời đại, trong những năm qua giáo dục đại học đã không ngừng đổi mới, không ngừng thay đổi để vừa thích ứng, để vừa phát triển thực hiện vai trò sứ mệnh cao cả của mình. “Tồn tại hay không tồn tại”, “dừng lại hay đi tiếp” những câu hỏi mà các trường buộc phải trả lời bằng các phương cách của mình trên cơ sở giải quyết những vấn đề thách thức. Tuy nhiên không giống như các ngành lĩnh vực khác của xã hội, sự đổi mới và thích nghi của giáo dục đại học cũng cần có một độ trễ thời gian cần thiết để có thể đánh giá mức độ hiệu quả.
NĐT: Chúng ta đang sống trong một thời kỳ mà công nghệ trở thành một yếu tố căn cốt đối với sự phát triển và chắc chắn giáo dục – đào tạo không đứng ngoài xu thế chung đó. Đối với UTT, điều đó được vận dụng như thế nào đặc biệt khi một trong những định hướng của trường là “ứng dụng công nghệ phục vụ chiến lược phát triển ngành GTVT và đất nước”.
PGS.TS Nguyễn Hoàng Long: Như chúng ta đã biết sứ mệnh cao cả của đại học là khai sáng, thức tỉnh, phát triển tri thức và các giá trị văn hóa, tìm kiếm chân lý và dẫn dắt xã hội. Do vậy đại học không thể đứng ngoài xu thế chung phát triển của thời đại được mà phải đi trước và đồng hành.
Đối với nhà trường chúng tôi, chúng tôi luôn quán triệt về phương châm “học đi đôi với hành”, “nhà trường gắn liền với xã hội”. Hiện nay với triết lý đào tạo “ứng dụng- thực học- thực nghiệp”, trường chúng tôi đã xác định cho mình một con đường đi để thực hiện sứ mệnh là đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao theo định hướng ứng dụng công nghệ để phục vụ chiến lược phát triển ngành GTVT và đất nước. Điều này cũng rất phù hợp với xu hướng của thế giới khi mà giáo dục đại học được phân thành hai nhánh: hàn lâm nghiên cứu và ứng dụng nghề nghiệp.
NĐT: Hiện nay, mạng lưới các cơ sở giáo dục đại học của cả nước có 236 trường đại học, học viện. Có thể nói là chưa bao giờ giáo dục đại học lại phát triển mạnh đến như vậy. Điều đó cũng đặt ra vấn đề lớn đối với các cơ sở giáo dục về việc thu hút sinh viên theo học. Theo Thầy, từ thực tiễn câu chuyện của UTT, các trường đại học cần làm gì để tạo ra sự khác biệt hay cao hơn đó là ưu thế cạnh tranh để thu hút sinh viên?
PGS.TS Nguyễn Hoàng Long: Hiện nay, một trong những thách thức mà các trường đại học gặp phải đó là sự cạnh tranh rất gay gắt về tuyển sinh, không những giữa các trường trong nước với nhau mà còn với các trường đại học của nước ngoài. Nguồn tài chính của các trường đại học hiện vẫn tập trung phần lớn vào nguồn thu học phí từ người học, đặc biệt là khi các trường bước sang giai đoạn tự chủ tài chính thì vấn đề thu hút tuyển sinh là vấn đề hết sức quan trọng, trong đó Trường Đại học Công nghệ GTVT của chúng tôi cũng không phải là trường hợp ngoại lệ.
Từ thực tiễn trường tôi, trước hết phải tìm lấy cái gì là “key”, là “bản sắc riêng có” và xây dựng “thương hiệu” cho mình bằng lĩnh vực ngành nghề, bằng chất lượng đào tạo, bằng tỉ lệ sinh viên tốt nghiệp ra trường có việc làm, thu nhập cao, ổn định… để tạo ra ưu thế cạnh tranh thu hút tuyển sinh và phát triển bền vững. Tất nhiên như tôi đã nói vấn đề này cũng cần phải có quá trình, không phải trong ngày một ngày hai có thể giải quyết được. Trong ngắn hạn để đáp ứng mục tiêu về tài chính thì các trường cũng có thể đào tạo một số ngành theo nhu cầu của xã hội, đào tạo lại, bồi dưỡng ngắn hạn những lĩnh vực mình có thế mạnh…
NĐT: Có một thực tế mà nhiều người vẫn coi đó là “nghịch cảnh”. Đó là dự án Việt nhưng chuyên gia, kỹ sư thì vẫn là người nước ngoài. Liệu chúng ta có đang thua trong bài toán đào tạo nguồn nhân lực cho các ngành kỹ thuật? Theo Thầy đâu là chìa khóa để những công trình của Việt Nam thực sự được làm nên từ tay của người Việt Nam.
PGS.TS Nguyễn Hoàng Long: Mặc dù nước ta đang có rất nhiều lợi thế về nguồn nhân lực do đang ở trong thời kỳ dân số vàng, tuy nhiên, nguồn nhân lực cũng có nhiều hạn chế. Không ít nghiên cứu và thực tiễn cũng cho thấy chúng ta đang thiếu lao động có trình độ tay nghề, công nhân kỹ thuật bậc cao. Khả năng làm việc theo nhóm, tính chuyên nghiệp, năng lực sử dụng ngoại ngữ là công cụ giao tiếp và làm việc của lao động chưa cao nên gặp nhiều khó khăn trong quá trình hội nhập. Những hạn chế, yếu kém của nguồn nhân lực là một trong những nhân tố chủ yếu ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.
Do vậy tôi hoàn toàn đồng tình với nhận định trên, rằng chúng ta có thể sẽ “thua ngay trên sân nhà” trong bối cảnh đất nước ta hội nhập sâu rộng với thế giới, lực lượng lao động nước ngoài có trình độ và ngoại ngữ hoàn toàn có thể sẽ chiếm chỗ của người lao động Việt, nếu như năng lực trình độ của chúng ta không đáp ứng được yêu cầu của công việc. Do vậy để những công trình của Việt Nam thực sự được làm nên từ tay của người Việt Nam cần phải giải quyết bài toán về đào tạo nhân lực trong đó các trường đại học có một phần trách nhiệm lớn. Đổi mới, cải tiến chương trình đào tạo theo hướng ứng dụng, tăng tỉ lệ thời gian thực hành thực tập tại doanh nghiệp, thay đổi phương thức đào tạo theo hướng lấy người học làm trung tâm, tập trung đào tạo kỹ năng mềm, kỹ năng hội nhập và năng lực ngoại ngữ...là chìa khóa để giúp cho nguồn nhân lực của Việt Nam có thể cạnh tranh trên thị trường lao động nước nhà.
NĐT: Trong bối cảnh đất nước đang hướng đến những mục tiêu phát triển, nhu cầu về cơ sở hạ tầng, kết nối giao thông gắn với nhu cầu về nguồn nhân lực chất lượng cao trong các lĩnh vực đó là rất lớn. Tuy nhiên thực tế vẫn có tình trạng những khối ngành này lại khó khăn trong việc tuyển sinh hơn so với các khối ngành khác. Theo Thầy, nguyên nhân của tình trạng này là gì và các cơ sở đào tạo có thể làm gì để khắc phục tình trạng đó?
PGS.TS Nguyễn Hoàng Long: Trường ĐH Công nghệ GTVT là một trong 4 trường đại học, học viện của Bộ GTVT có nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực cho ngành GTVT và các ngành kinh tế quốc dân. Tuy nhiên trong vài năm trở lại đây tỉ lệ sinh viên đăng ký theo học các ngành liên quan trực tiếp đến lĩnh vực xây dựng cơ sở hạ tầng GTVT không được cao như những năm trước. Đây là một thực trạng đáng lo ngại về việc chuẩn bị nguồn nhân lực cho ngành GTVT trong 5-10 năm nữa khi mà các dự án liên quan đến đường bộ cao tốc, đường sắt tốc độ cao, đường sắt đô thị, sân bay, bến cảng đang và sẽ được triển khai xây dựng và rất cần một lực lượng lao động có kiến thức chuyên môn, tay nghề cao. Nếu không được chuẩn bị đào tạo bài bản ngay từ bây giờ thì sẽ thiếu hụt nguồn nhân lực và khi đó sẽ phải sử dụng lao động của các nước trong khu vực.
Nguyên nhân của tình trạng trên trước hết là do nhu cầu và xu thế của xã hội, sinh viên hướng chủ yếu chọn ngành nghề về kinh tế và công nghệ thông tin; thứ đến là một số lĩnh vực giao thông vận tải, đặc biệt là đường sắt trong nhiều năm qua chưa được quan tâm đầu tư xây dựng thích đáng dẫn đến thu hẹp phạm vi vị trí việc làm.
Giải pháp trước mắt để thu hút tuyển sinh, một mặt Nhà trường tăng cường truyền thông, tư vấn tuyển sinh, mặt khác Nhà trường sẽ cho sinh viên học các chuyên ngành gần và chuyển đổi nếu có nhu cầu, tạo điều kiện cho sinh viên học song bằng, tìm kiếm doanh nghiệp đặt hàng đào tạo sinh viên; đào tạo bồi dưỡng ngắn hạn cấp chứng chỉ, chứng nhận, thi nâng ngạch…
Song song với đó, chúng tôi sẽ rà soát, chuẩn hoá các ngành nghề thế mạnh, đa dạng hóa các chương trình đào tạo theo định hướng ứng dụng và theo nhu cầu của doanh nghiệp; kết nối liên thông dọc, liên ngành, xuyên ngành có tích hợp công nghệ số; xây dựng, phát triển các chương trình đào tạo trực tuyến, từ xa để đáp ứng nhu cầu học tập mọi lúc, mọi nơi, theo lộ trình được cá nhân hóa cho phù hợp điều kiện, năng lực học tập của từng người học; chuẩn hóa đội ngũ cán bộ giảng dạy, nghiên cứu vừa đáp ứng trình độ chuyên môn, vừa có năng lực về ngoại ngữ, tin học; hợp tác với các doanh nghiệp trong và ngoài nước đào tạo các lớp đào tạo theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp nhằm thu hút tuyển sinh, giúp cho sinh viên có cơ hội nhận được học bổng, miễn học phí trong quá trình học và yên tâm có việc làm ngay sau khi ra trường...
NĐT: Xin cảm ơn Thầy về cuộc trao đổi!
NGUOIDUATIN.VN |