Trong những năm gần đây, dịch tả lợn châu Phi đã gây ra thiệt hại nghiêm trọng cho ngành chăn nuôi ở nhiều quốc gia trên toàn thế giới. Xuất hiện tại Việt Nam vào năm 2019, dịch bệnh này không chỉ gây tổn thất lớn về kinh tế mà còn ảnh hưởng đến nguồn cung thực phẩm và sinh kế của hàng triệu hộ chăn nuôi.
Để đối phó với thách thức này, Việt Nam đã thực hiện nhiều biện pháp phòng ngừa, trong đó nghiên cứu và phát triển vắc-xin được xem là ưu tiên hàng đầu. Trong bối cảnh đó, Người Đưa Tin (NĐT) đã có cuộc phỏng vấn với ông Nguyễn Văn Điệp - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần AVAC - người đứng sau thành công của vắc-xin dịch tả lợn châu Phi AVAC ASF Live.
NĐT: Không phải là đơn vị đầu tiên tham gia vào cuộc đua nghiên cứu vắc-xin dịch tả lợn châu Phi nhưng AVAC là công ty đầu tiên giải được bài toán trăm năm. Quá trình nghiên cứu bắt đầu và diễn ra như thế nào, thưa ông?
CEO Nguyễn Văn Điệp: AVAC bắt đầu dự án nghiên cứu vắc-xin dịch tả lợn châu Phi vào cuối năm 2020, một hành trình đầy thử thách và mạo hiểm. Chúng tôi đã phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, từ nguồn lực cho đến rào cản kỹ thuật. Dù vậy, tôi chưa bao giờ nghĩ đến việc từ bỏ, vì đằng sau tôi là rất nhiều người, từ nhân viên đến đối tác và ban lãnh đạo.
Trước khi đạt được thành quả như hôm nay, chúng tôi đã trải qua nhiều thử thách với những kết quả thử nghiệm không như kỳ vọng. Nhưng mỗi lần như vậy lại là một cơ hội để chúng tôi cải tiến và tìm kiếm các giải pháp thay thế. Dần dần, vắc-xin AVAC ASF Live đã ngày càng hoàn thiện và tích hợp được nhiều yếu tố hơn.
Lúc đó, AVAC đã quyết định phát triển vắc-xin dịch tả lợn châu Phi theo hướng nhược độc, khác với các phương pháp mà những công ty nghiên cứu trước đó đã lựa chọn. Tuy nhiên, để tạo ra vắc-xin hiệu quả, chúng tôi cần đảm bảo 3 yếu tố chính: chủng virus, tế bào và dữ liệu.
Các đơn vị phát triển có thể nhập chủng virus gốc từ Mỹ, nhưng chất lượng vắc-xin chủ yếu phụ thuộc vào công nghệ tế bào. Một số doanh nghiệp sử dụng tế bào đại thực bào sơ cấp thu từ lợn sau khi giết mổ. Tuy nhiên, loại tế bào này thường tạp nhiễm, không ổn định và chi phí cao.
Trong khi đó, AVAC đã làm chủ công nghệ tế bào và vi-rút, tối ưu hóa giống vi-rút ứng viên nhập từ Mỹ thành giống gốc vắc-xin của mình khi chọn lọc và nuôi trên tế bào dòng DMAC do công ty tự phát triển. Đây là kết quả của quá trình nghiên cứu trực tiếp của tôi, với nhiều tính năng vượt trội đã được đăng ký bằng độc quyền sáng chế.
Về dữ liệu, các thử nghiệm vắc-xin phải được thực hiện trên hàng chục nghìn con lợn, từ sơ sinh đến lợn nái, nhằm đảm bảo độ chính xác về liều lượng, tuổi bài thải, khả năng tái độc và kháng thể mẹ truyền. Việc nghiên cứu cũng cần phải diễn ra trong các phòng thí nghiệm và khu thử nghiệm có kiểm soát tốt để thu được dữ liệu đáng tin cậy.
Để có được dữ liệu hiệu quả về vắc-xin, các thử nghiệm cần thực hiện ở những quốc gia đang có dịch, với cơ sở hạ tầng đạt tiêu chuẩn. Trong khía cạnh này, AVAC có lợi thế lớn vì chúng tôi có đủ cơ sở vật chất và năng lực nghiên cứu tại Việt Nam, nơi đang có dịch. Điều này rất khó thực hiện ở các nước phát triển, nơi bệnh dịch tả lợn châu Phi đã được kiểm soát tốt.
NĐT: Ông đánh giá như thế nào về tiềm năng của vắc-xin dịch tả lợn châu Phi của AVAC trong thời gian tới?
CEO Nguyễn Văn Điệp: Người chăn nuôi sẽ phải đối mặt với nhiều rủi ro nếu không có các biện pháp bảo vệ hiệu quả. Bên cạnh việc đảm bảo an toàn sinh học, vắc-xin là một trong những lá chắn quan trọng để phòng chống dịch tả lợn châu Phi.
Ban đầu, nhiều người vẫn e ngại khi sử dụng vắc-xin AVAC ASF Live. Họ băn khoăn về lý do tại sao điều mà thế giới chưa làm được trong suốt 100 năm qua, và các tập đoàn lớn cũng chưa thành công, thì chúng tôi lại có thể thực hiện. Đặc biệt, trong bối cảnh vắc-xin trước đó đã gây ra tình trạng chết lợn ở 4 tỉnh miền Trung vào năm 2022.
Ngay cả khi Bộ NN&PTNT cho phép lưu hành, thương mại và xuất khẩu vắc-xin, một số nơi vẫn còn hoài nghi. Một số tỉnh thành yêu cầu phải tiến hành tiêm thử nghiệm trước khi tiêm rộng rãi.
Thực tế, AVAC đã thử nghiệm vắc-xin trên 20 tỉnh thành, từ quy mô vài trăm đến hàng nghìn con lợn, theo dõi từ lúc tiêm cho đến khi xuất bán. Mỗi lần chứng minh như vậy có khi tốn thời gian theo dõi bằng cả một đời lợn thịt.
Sau khi thấy lợn an toàn, không ốm và không phát bệnh, người chăn nuôi cùng với địa phương mới bắt đầu tin tưởng để mở rộng quy mô tiêm vắc-xin. Một số tỉnh đã tiêm vắc-xin của AVAC ở quy mô lớn, chẳng hạn, Cao Bằng với 88.000 liều, Bắc Ninh khoảng 49.000 liều và Lạng Sơn với 57.000 liều.
Hiện tại, giá một liều vắc-xin vào khoảng 50.000 - 60.000 đồng/liều, tương đương với giá một cân thịt lợn. Tuy nhiên, vắc-xin này có khả năng bảo hộ và giảm rủi ro lên tới gần 90%, do đó rất đáng để đầu tư.
Thực tế, chỉ khoảng 5% số lượng lợn trong nước hiện đang được tiêm vắc-xin dịch tả lợn châu Phi. Trong thời gian tới, tôi tin rằng vắc-xin này sẽ nhanh chóng được áp dụng rộng rãi và có thể đi vào thực tế trong năm 2025.
Năm 2024 sẽ là năm bản lề khi dịch bệnh vẫn đang gia tăng. Trong bối cảnh này, an toàn sinh học ở những hộ chăn nuôi nhỏ lẻ vẫn rất hạn chế, khiến họ buộc phải tìm kiếm giải pháp hiệu quả hơn, mà vắc-xin chính là một trong những lựa chọn mạnh mẽ.
Ngoài ra, AVAC cũng đang tiến hành đăng ký sử dụng vắc-xin cho cả lợn nái và lợn giống, điều này sẽ giúp tăng cường tỉ lệ sử dụng vắc-xin trong đàn vật nuôi. Việc nâng cao ý thức tiêm phòng sẽ mang lại thêm công cụ bảo vệ cho đàn vật nuôi.
NĐT: Là người đứng đầu doanh nghiệp, cũng là nhà khoa học trực tiếp nghiên cứu. Ông đánh giá như thế nào về vai trò của khoa học kỹ thuật, công nghệ trong công tác nghiên cứu, sản xuất vắc-xin?
CEO Nguyễn Văn Điệp: Khoa học kỹ thuật và công nghệ đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong công tác nghiên cứu và sản xuất vắc-xin. Công nghệ hiện đại, như công nghệ tế bào và di truyền phân tử, cho phép tạo ra vắc-xin nhanh hơn, hiệu quả hơn.
Đồng thời, quy trình sản xuất vắc-xin hiện đại giúp tối ưu hóa chất lượng và hiệu suất. Việc sử dụng công nghệ tiên tiến trong sản xuất giúp giảm chi phí, tăng năng suất, và cải thiện tính ổn định của vắc-xin.
Trong chăn nuôi, vắc-xin đòi hỏi công nghệ và tiêu chuẩn cao, vì vậy sản phẩm phải có chất lượng tốt để cạnh tranh trên thị trường. Do đó, các công ty nghiên cứu vắc-xin, đặc biệt là vắc-xin dịch tả lợn châu Phi, cần đầu tư mạnh vào lĩnh vực này để nâng cao năng lực cạnh tranh và chất lượng sản phẩm.
Khoa học công nghệ quyết định sự thành bại của vắc-xin. Nghiên cứu vắc-xin mà thiếu công nghệ thì như “đánh giặc” bằng tay không. Vì vậy, ngay khi gia nhập AVAC, việc đầu tiên tôi làm là xây dựng và cải thiện phòng thí nghiệm thành trung tâm nghiên cứu và phát triển. Tôi coi bộ phận này như trái tim của AVAC, nơi quyết định thành công và tương lai lâu dài của công ty. Mục tiêu của chúng tôi là phát triển các loại vắc-xin mới và tối ưu hóa vắc-xin hiện có.
Chúng tôi đã chuẩn bị nhiều máy móc thế hệ mới để nâng cao năng suất sản xuất, đồng thời đáp ứng nhu cầu nghiên cứu, đặc biệt trong việc ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học và công nghệ gen.
NĐT: Theo ông, chuyển đổi số, ứng dụng khoa học, công nghệ sẽ đóng góp như thế nào trong công tác sản xuất vắc-xin, đặc biệt trong bối cảnh hiện nay đã xuất hiện các sản phẩm giả mạo kém chất lượng gây ảnh hưởng đến hình ảnh của công ty?
CEO Nguyễn Văn Điệp: Chuyển đổi số và ứng dụng khoa học công nghệ đóng vai trò quan trọng trong việc tăng cường tính minh bạch, nâng cao khả năng nhận diện thương hiệu, quản lý tiêu hao trong sản xuất vắc-xin.
AVAC đã ứng dụng công nghệ QR code và tem chống hàng giả, đồng thời in ấn các yếu tố nhận diện thương hiệu độc quyền. Chúng tôi cũng kết hợp với video hướng dẫn để giúp người tiêu dùng nhận diện sản phẩm dễ dàng hơn.
Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp hiện nay đã sử dụng công nghệ để theo dõi và rà soát quá trình vận chuyển theo thời gian thực, từ nhà máy đến trang trại. Việc này giúp giảm thiểu thất thoát sản phẩm trong quá trình vận chuyển.
TTuy nhiên, do giá trị của vắc-xin còn lớn, hàng giả và hàng nhái xuất hiện trên thị trường, gây khó khăn trong việc kiểm soát. Tình trạng này ảnh hưởng đến quá trình phân phối vắc-xin ra nước ngoài cũng như uy tín của sản phẩm.
Đó cũng chính là lý do gần đây, đối tác nhập khẩu vắc-xin của AVAC đã từ Philippines đến để đề xuất tăng cường nhận diện thương hiệu vắc-xin của chúng tôi.
NĐT: Mới đây, công ty đã đón đoàn kiểm tra từ Philippines sang giám sát quá trình sản xuất, đóng gói vắc-xin. Sự kiện này là dấu mốc lớn sau khi vắc-xin dịch tả lợn châu Phi được phép lưu hành tại quốc gia này. Lấy bàn đạp từ thị trường Philippines, công ty có kế hoạch như thế nào để tìm kiếm thêm nhiều bạn hàng, mở rộng thị trường xuất khẩu?
CEO Nguyễn Văn Điệp: Hiện nay ở Philippines chỉ có duy nhất vắc-xin của AVAC được đưa vào sử dụng và thử nghiệm chính thức bởi Bộ Nông nghiệp nước này với số lượng lên tới 600.000 liều.
Những xét nghiệm để đánh giá an toàn, khả năng bảo hộ của AVAC ASF Live cũng được nước này giám sát chặt chẽ bởi cả Bộ Y tế quản lý dược phẩm và Bộ Nông nghiệp cũng như các chuyên gia Philippines.
Đây sẽ là những dữ liệu quý, đáng tin cậy dựa trên các cơ sở khoa học cho các quốc gia trên thế giới nhìn để tham khảo. Đồng thời, cũng là cơ sở cho các nước khác đang tiến hành đăng ký như Ấn Độ, Nepal, Indonesia, Malaysia, Nigeria... nhanh chóng xúc tiến lưu hành vắc-xin dịch tả lợn châu Phi của AVAC trong thời gian tới.
Để tận dụng cơ hội từ thị trường Philippines, công ty chúng tôi sẽ thiết lập mối quan hệ chặt chẽ với các nhà phân phối và đối tác tại Philippines để đảm bảo sản phẩm được tiếp cận đến với người tiêu dùng một cách an toàn, có sự hướng dẫn đầy đủ thông tin kỹ thuật.
Qua đó, chúng tôi hy vọng sẽ mở rộng thị trường xuất khẩu và tìm kiếm thêm nhiều bạn hàng, nâng cao vị thế của công ty trong ngành sản xuất vắc-xin. Tôi tin rằng, sau khi thành công ở Việt Nam và Philippines, cánh cửa xuất khẩu sẽ mở rộng cho vắc-xin dịch tả lợn châu Phi của AVAC.
NĐT: Trước những thực tế trên, ông có kiến nghị gì về mặt chính sách để thời gian tới vắc-xin dịch tả lợn châu Phi nói chung và AVAC ASF Live nói riêng được tiếp cận an toàn, rộng rãi không chỉ trong nước mà ra cả thế giới?
CEO Nguyễn Văn Điệp: Để vắc-xin được áp dụng thực tế một cách hiệu quả hơn, cần có nhiều đánh giá sau tiêm phòng cũng như báo cáo thực tế từ các địa phương gửi đến Cục Thú y (Bộ NN&PTNT) và Tổ chức Thú y Thế giới, tạo thêm kênh chia sẻ và cập nhật thông tin. Điều này sẽ giúp thúc đẩy Tổ chức Thú y Thế giới và các cơ quan chức năng xây dựng tiêu chuẩn cụ thể cho vắc-xin dịch tả lợn châu Phi.
Ngoài ra, hiện nay có nhiều công ty ở Việt Nam đang phát triển vắc-xin dịch tả lợn châu Phi. Việc thử nghiệm nhiều loại vắc-xin có thể ảnh hưởng đến tình hình dịch tễ và tạo ra những biến chủng mới, phức tạp. Do đó, tôi cho rằng cần nâng cao khung tiêu chuẩn lưu hành cho vắc-xin nói chung và vắc-xin dịch tả lợn châu Phi nói riêng, nhằm hạn chế tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh trong đàn vật nuôi.
Đồng thời, cần có cơ chế và chính sách mạnh mẽ hơn để công tác tiêm phòng được bao quát từ trung ương đến địa phương, không để xảy ra tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”.
NĐT: Trân trọng cảm ơn ông đã dành thời gian chia sẻ!