Ngành báo chí đang trải qua những biến đổi mạnh mẽ trong kỷ nguyên số. Sự bùng nổ của mạng xã hội đã mở ra một kỷ nguyên mới, nơi mà thông tin có thể lan truyền với tốc độ chóng mặt. Trước thách thức này, các nhà báo không chỉ phải giữ lửa nghề viết mà còn phải biết cách truyền lửa, duy trì tinh thần trách nhiệm và đạo đức nghề nghiệp giữa biển cả thông tin hỗn độn. Đặc biệt, việc truyền lửa nghề cho thế hệ học sinh, sinh viên là một nhiệm vụ quan trọng để đảm bảo sự kế thừa và phát triển của ngành báo chí.
Thạc sĩ Nguyễn Thị Hồng Chi, Giảng viên Khoa Truyền thông Văn hóa, Đại học Văn hóa Tp.HCM chia sẻ quan điểm của mình về nghề báo chí.
Mạng xã hội đã thay đổi cách thức con người tiếp cận và tiêu thụ thông tin. Những nền tảng như Facebook, Twitter, Instagram hay TikTok không chỉ là nơi giao lưu, kết nối mà còn là kênh truyền thông mạnh mẽ. Tốc độ lan truyền của thông tin trên các mạng xã hội này nhanh chóng, có thể phủ sóng toàn cầu chỉ trong vài phút. Tuy nhiên, điều này cũng kéo theo hệ lụy: thông tin giả mạo, tin đồn thất thiệt và những nội dung không chính xác được lan truyền rộng rãi, gây hoang mang dư luận. Vai trò của báo chí truyền thống vì thế càng trở nên quan trọng trong việc kiểm chứng, xác minh và đưa ra những thông tin chính thống, chính xác.
Thạc sĩ, Biên tập viên Nguyễn Thị Hồng Chi, Giảng viên Khoa Truyền thông Văn hóa, Trường Đại học Văn hóa Tp.HCM chia sẻ về tầm quan trọng của việc hiểu rõ sự thay đổi của xã hội và khán giả. Hơn 40% nhà báo cho rằng việc thích ứng với hành vi thay đổi của khán giả là một trong những thách thức lớn nhất, đòi hỏi họ phải liên tục cập nhật và cải tiến cách tiếp cận thông tin. Nhà báo không chỉ cung cấp thông tin mà còn dẫn dắt, định hướng dư luận, kiểm chứng thông tin đáng tin cậy và phân biệt thông tin chính xác với thông tin giả mạo. Họ cần biết tận dụng công cụ kỹ thuật số và mạng xã hội để lan tỏa thông tin chính xác và xây dựng thương hiệu cá nhân uy tín trên mạng xã hội.
Sinh viên tham gia ngoại khóa, được hướng dẫn quay hình, phỏng vấn nhân vật viết bài.
Theo Thạc sĩ Hồng Chi, để đáp ứng được nhu cầu cần thiết của xã hội, là một nhà báo giỏi, luôn đưa tin nhanh kịp thời đến khán giả, các nhà báo cần vững vàng trong đạo đức nghề nghiệp. Đây là nền tảng của nghề báo, đòi hỏi sự trung thực, khách quan và công bằng. Tiếp theo đó là kỹ năng kiểm chứng thông tin để đối phó với thông tin giả mạo, đòi hỏi sử dụng các nguồn tin uy tín và công cụ kiểm chứng. Liên tục học hỏi, cập nhật kiến thức mới và công nghệ mới đáp ứng được sự thay đổi của xu hướng hiện đại. Và một yếu tố quan trọng nữa đó chính là những đam mê và tâm huyết với nghề. Sẵn sàng vượt qua những khó khăn và giữ vững sự sáng tạo của riêng mình.
Thạc sĩ Trần Minh Hùng, Trung tâm Truyền hình Việt Nam tại Tp.HCM (VTV9) chia sẻ quan điểm của mình về “giữ lửa” và “truyền lửa” nghề cho thế hệ trẻ.
Thạc sĩ Trần Minh Hùng, công tác tại Trung tâm Truyền hình Việt Nam tại Tp.HCM (VTV9), người có 20 năm trong nghề đã chia sẻ: “Trong thời đại kỷ nguyên số, mỗi nhà báo, phóng viên cần phải tự đổi mới mình để thích nghi, có nghĩa là phải thay đổi tư duy, thay đổi cách làm, tiếp cận và biết sử dụng những công cụ thiết bị hiện đại để sản xuất ra những sản phẩm phù hợp với xu thế, nếu không chúng ta sẽ dễ bị bỏ lại phía sau, bởi công nghệ ngày càng phát triển, nhu cầu tiếp nhận của khán giả đòi hỏi ngày càng cao, do vậy để tồn tại chúng ta phải thay đổi.
Thế hệ trẻ có nhiều về lợi thế, đó là giỏi về ngoại ngữ, công nghệ thông tin, nắm bắt được xu thế của giới trẻ…Điều mà các bạn còn thiếu đó là kinh nghiệm về nghề và những kiến thức đạo đức về nghề, nếu không có những định hướng đúng đắn, sự chia sẻ, hướng dẫn của những người đi trước các bạn dễ dẫn tới sự sa ngã, bởi càng có sự cạnh tranh, khó khăn, áp lực thì càng có nhiều sự cám dỗ. Trong những giờ giảng bài trên lớp chúng tôi luôn chia sẻ với các bạn sinh viên điều này bằng những ví dụ, trường hợp cụ thể để các bạn có những cái nhìn tích cực hơn về lĩnh vực mà mình đang theo đuổi”.
Theo Thạc sĩ Trần Minh Hùng, bất cứ lĩnh vực nào cũng có những khởi đầu gặp nhiều khó khăn, thử thách. Điều quan trọng là chúng ta có thực sự nghiêm túc với nghề mà chúng ta theo đuổi hay không, nếu thực sự thích, thực sự yêu thì sẽ tìm mọi cách để tìm hiểu, học hỏi và nhất định sẽ thành công, còn chúng ta hời với nó thì khó mà thành công. “Ngay bản thân tôi, từ đầu đã tôi rất yêu quý và tự hào về công việc của mình lựa chọn, do vậy tôi luôn tìm cách để tự học hỏi, trau dồi kiến thức… và cũng không mất nhiều thời gian để khẳng định được bản thân và nghề này đã mang lại cho tôi những thành công nhất định. Những điều này tôi cũng thường chia sẻ với các bạn sinh viên khi cùng chia sẻ về công việc của mình”, Thạc sĩ Hùng nói thêm.
Ngoài việc không ngừng học hỏi, trau dồi kiến thức trong nghề, các nhà báo, phóng viên còn có niềm đam mê “truyền lửa” nghề cho các thế hệ trẻ. Không chỉ giữ lửa, các nhà báo kỳ cựu còn có trách nhiệm truyền lửa nghề viết cho thế hệ trẻ. Điều này không chỉ đảm bảo sự kế thừa mà còn phát triển ngành báo chí trong tương lai. Bằng việc giảng dạy các kiến thức chuyên ngành, chia sẻ những câu chuyện nghề nghiệp, câu chuyện bên lề báo chí hay đơn giản là tạo các mối quan hệ đã giúp các bạn trẻ có thêm “niềm tin” và “động lực” theo đuổi đam mê nghề báo.
Thạc sĩ Trần Minh Hùng bộc bạch: “Những người làm nghề báo lâu năm sẽ có nhiều kinh nghiệm bởi sự trải nghiệm thực tế của họ, điều này sẽ là một điều kiện thuận lợi để họ có thể trao truyền, chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm, động lực và đam mê cho các bạn trẻ. Đặc biệt là các bạn sinh viên để sau khi bước vào nghề, các bạn không bị bỡ ngỡ, tự tin hơn, bên cạnh được học hỏi về kiến thức, kinh nghiệm từ những người đi trước các bạn còn có cơ hội tạo mối quan hệ về công việc sau này, như giới thiệu nơi để thực tập, làm cộng tác viên, tuyển dụng...”.
Bạn Phạm Lan Vy (sinh viên năm 4 khoa Truyền thông, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Tp.HCM) chia sẻ: “Em cảm thấy vô cùng may mắn khi là một sinh viên theo học báo chí truyền thông. Ở môi trường Đại học, đã giúp em trang bị các kiến thức ngành nghề một cách chuyên sâu. Bên cạnh đó, tại môi trường đại học em còn tạo cơ hội cho em trải nghiệm thực tế các hoạt động báo chí truyền thông thông qua các dự án, đồ án tại trường cùng các hoạt động ngoại khoá bên ngoài.
Không chỉ vậy, em còn được gặp gỡ những giảng viên, anh chị làm tại các cơ quan báo đài lớn. Nhờ có kiến thức sâu rộng và tư duy mới mẻ, các thầy cô luôn cởi mở để lắng nghe các ý kiến từ sinh viên, đề cao tinh thần sáng tạo và phản biện trong cách nhìn nhận vấn đề. Những yếu tố đó đã giúp cho thời gian sinh viên của em trở nên ý nghĩa và có giá trị rất lớn trong hành trình chuẩn bị nền tảng cho ngành nghề tương lai”.
Ngành báo chí không chỉ đơn thuần là một nghề nghiệp, mà còn là một sứ mệnh cao cả. Trong bối cảnh thông tin hỗn loạn, nhà báo phải trở thành “ngọn đèn dẫn đường”, mang đến cho công chúng những thông tin chính xác, khách quan và bổ ích. Việc giữ lửa và truyền lửa nghề viết chính là nền tảng vững chắc giúp ngành báo chí phát triển bền vững, đóng góp tích cực vào sự tiến bộ của xã hội. Chỉ khi đó, chúng ta mới có thể đảm bảo rằng, ngọn lửa nghề viết sẽ luôn sáng mãi, không bao giờ tắt.
NGUOIDUATIN.VN |