img

Ánh Dương (thực hiện)

Cùng lúc “dính” tới 3 vụ án hình sự, có lẽ nửa phần đời còn lại của cựu Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Đức Chung là dành để hầu toà và chấp hành các bản án. Với hành vi lợi dụng chức vụ quyền hạn, mức hình phạt cao nhất của BLHS hiện hành chỉ đến 15 năm tù. Nhưng nếu bị xét xử theo luật phong kiến xưa, những hình phạt dành cho vị cựu quan chức này thật khó mà tưởng tượng!

img

Bị “gọi tên” trong 3 vụ án hình sự

Cho đến thời điểm này, ngoài việc phải chấp hành bản án 5 năm tù về tội Chiếm đoạt tài liệu bí mật Nhà nước, ông Nguyễn Đức Chung, cựu Chủ tịch UBND TP.Hà Nội, còn phải đối diện với 2 vụ án khác cùng về hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn. Đây là tội danh thuộc nhóm tội phạm về tham nhũng được quy định tại chương XXIII của BLHS năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).

Cơ quan Cảnh sát điều tra bộ Công an (C03) vừa ban hành kết luận điều tra, đề nghị truy tố ông Nguyễn Đức Chung, cựu Chủ tịch UBND TP.Hà Nội về tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ trong vụ án vi phạm quy định đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại sở Kế hoạch & Đầu tư Hà Nội và một số đơn vị liên quan.

Nguyễn Đức Chung

Ông Nguyễn Đức Chung tại phiên toà xử vụ án chiếm đoạt tài liệu bí mật Nhà nước.

Theo kết luận điều tra, năm 2016, sở Kế hoạch và Đầu tư tổ chức đấu thầu gói thầu số hóa hồ sơ đăng ký doanh nghiệp. Do có mối quan hệ quen biết và được Bùi Quang Huy, Tổng giám đốc công ty Nhật Cường nhờ nên ông Chung đã chỉ đạo đình chỉ thầu không đúng thẩm quyền, can thiệp trái pháp luật vào hoạt động đấu thầu.

Tiếp đó, ông Chung yêu cầu Sở cho công ty Nhật Cường thực hiện thí điểm số hóa đối với gói thầu với động cơ cá nhân là để cho công ty Nhật Cường tham gia đấu thầu, trúng thầu và hưởng lợi ích.

C03 kết luận, hành vi của ông Chung cùng với hành vi bị cấm trong hoạt động đấu thầu của các cán bộ sở Kế hoạch & Đầu tư dẫn đến hiệu quả, mục đích gói thầu không đạt được (chỉ có 45% tài liệu hồ sơ được đẩy lên hệ thống thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp) gây thiệt hại về tài sản Nhà nước.

img

Ông Nguyễn Đức Chung khi còn đương chức.

Trong vụ án Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí xảy ra tại UBND TP.Hà Nội và các đơn vị liên quan, hôm 17/3/2021, C03 cũng khởi tố bị can đối với ông Nguyễn Đức Chung về tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.

Ở vụ án này, ông Nguyễn Đức Chung bị cáo buộc đã có hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao, chỉ đạo công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội mua chế phẩm Redoxy 3C của công ty Watch water - CHLB Đức qua công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Arktic do Nguyễn Trường Giang làm Giám đốc để xử lý, duy trì chất lượng hồ trên địa bàn thành phố Hà Nội trái quy định, gây thiệt hại tài sản Nhà nước.

Cụ thể, tháng 5/2019, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Đức Chung thông tin từ 3 năm trước, thành phố sử dụng chế phẩm Redoxy-3C để xử lý ô nhiễm trên nhiều sông, hồ. Tuy nhiên, sau đó dư luận đặt câu hỏi về tính minh bạch, hiệu quả khi sử dụng chế phẩm này.

Vì vậy, UBND TP.Hà Nội giao Thanh tra thành phố thành lập đoàn thanh tra liên ngành kiểm tra toàn diện việc mua hóa chất, đánh giá hiệu quả sử dụng đối với chất Redoxy-3C.

Kết luận thanh tra cho thấy đơn vị phân phối chế phẩm Redoxy 3C là công ty Arktic là nhà phân phối độc quyền sản phẩm này ở Việt Nam. Đơn vị sản xuất là công ty cung cấp các sản phẩm trong ngành xử lý nước có tên Watch Water GmbH, có trụ sở tại Đức.

Theo cơ quan thanh tra, sau khi được Chủ tịch Nguyễn Đức Chung chỉ đạo, cho phép ứng dụng sản phẩm Redoxy 3C tại các hồ ở Hà Nội, ngày 10/8/2016, công ty Thoát nước ký hợp đồng với công ty Arktic mua 3,24 tấn chế phẩm Redoxy-3C với giá 326.000 đồng/kg (vận chuyển theo đường hàng không).

Từ năm 2016 đến quý 1/2019, công ty Thoát nước đã mua, nhập kho là 403 tấn Redoxy-3C có tổng giá trị 137,6 tỷ đồng. Trong đó đã sử dụng 380 tấn.

Sai phạm của ông Chung và một số bị can khiến nhà nước thiệt hại hơn 41 tỷ đồng.

Trước khi bị khởi tố, đề nghị truy tố ở các vụ án trên, ngày 11/12/2020, ông Nguyễn Đức Chung bị TAND Hà Nội tuyên phạt 5 năm tù về tội Chiếm đoạt tài liệu bí mật Nhà nước. Ở vụ án này còn có 3 bị cáo khác bị tuyên phạt từ 18 tháng - 4 năm 6 tháng tù giam về cùng tội danh.

Theo bản án sơ thẩm, từ tháng 5/2019, C03 khởi tố, điều tra vụ án hình sự buôn lậu; vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng; rửa tiền và vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại công ty TNHH thương mại và dịch vụ Nhật Cường và một số đơn vị liên quan (vụ án Nhật Cường).

Quá trình điều tra, C03 xác định ông Nguyễn Đức Chung và vợ là Nguyễn Thị Trúc Chi Hoa đều là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án.

Ngày 16/6/2019, ông Chung đã đặt vấn đề và được ông Phạm Quang Dũng (cán bộ điều tra bộ Công an) đồng ý cung cấp thông tin, tài liệu về tình hình tiến độ điều tra vụ án công ty Nhật Cường.

Theo cáo buộc, Dũng đã chiếm đoạt các tài liệu của cục Cảnh sát kinh tế (tài liệu vụ án công ty Nhật Cường). Trong đó, ông Dũng đã 2 lần chuyển cho ông Nguyễn Đức Chung 6 tài liệu thuộc danh mục bí mật nhà nước độ "Mật".

img

Phạm nhân bị đánh trượng, chặt tay cao nhất là xử trảm

Dưới thời phong kiến, tội tham nhũng thường bị xử phạt vô cùng nghiêm khắc. Những quy định của Hình Thư nhà Lý, Bộ luật Hồng Đức thời nhà Lê, hay luật Gia Long triều Nguyễn còn được lưu lại đến nay phần nào cho thấy được cách chống tham nhũng của các triều đại phong kiến trước đây.

Triều Lý (1009-1225) là nhà nước quân chủ đầu tiên của nước ta ban hành bộ luật thành văn với tên gọi Hình Thư (năm 1042, dưới thời vua Lý Thái Tông).

Bộ luật này hiện nay không còn nhưng những chiếu chỉ được lưu lại vẫn thể hiện một số nội dung cốt lõi. Ngoài các tội về “thập ác”, Hình thư đặc biệt quan tâm đến tội tham nhũng. Năm 1042, vua Lý Thái Tông ban chiếu: “Những người thu quá số thuế quy định sẽ bị ghép vào tội ăn trộm. Người dân tố cáo việc đó được miễn dịch 3 năm. Người ở kinh thành mà cáo giác nhận thưởng bằng hiện vật thu được”. Luật còn quy định “ai ở kho lụa nhận riêng một thước lụa bị phạt 100 trượng, nhận từ một tấm trở lên bị phạt trượng theo tấm kèm 10 năm khổ sai”.

img

Hình phạt đánh roi.


Ngoài hình phạt chính, các quan ăn hối lộ từ một đến 9 quan tiền bị phạt 50 quan, từ 10 đến 19 quan thì bị phạt từ 60 đến 100 quan. Của hối lộ một phần trả lại chủ, một phần sung vào kho.

Tuy nhiên, Hình thư chỉ quy định chung mà không nêu rõ từng tội danh tham nhũng cụ thể (trừ hành vi nhận hối lộ) như luật hiện hành. Do đó, tất cả các hành vi thuộc nhóm tội tham nhũng đều bị xử lý theo những chế tài nêu trên.

Với hành vi lợi dụng chức vụ quyền hạn, nếu bị xử theo cổ luật này, ông Nguyễn Đức Chung có khả năng sẽ bị phạt trượng, phạt tiền kèm theo hình phạt khổ sai.

Vua Lê Thánh Tông được đánh giá là vị vua anh minh. Ông được lịch sử đánh giá cao về việc cho xây dựng Bộ luật Hồng Đức (Quốc triều Hình luật) gồm 722 điều. Đây là bộ luật thành văn hoàn chỉnh còn được lưu lại đến nay. Trong 722 điều, có trên 40 điều liên quan chống tham nhũng.

Điều 138 luật Hồng Đức quy định: “Quan lại tham ô từ một đến 9 quan tiền, bị cách chức; từ 10 đến 19 quan bị đánh trượng, đi đày; từ 20 quan trở lên, bị chém. Ăn lễ từ một đến 9 quan phải phạt 50 quan; từ 10 đến 19 quan phạt từ 60 đến 100 quan; từ 20 quan trở lên phạt tội làm phu. Của hối lộ bỏ vào kho một phần, một phần trả lại chủ”.

Vua Lê Thánh Tông chủ trương chống tham nhũng, chỉ dùng bậc hiền tài, loại trừ kẻ xu nịnh, khiến các quan chức vốn chỉ lo tiến thân bằng nịnh bợ không còn đất sống. Nhờ các quy định khắt khe này mà nạn tham nhũng tàn phá đất nước bị đẩy lùi.

Trong cả hai vụ án lợi dụng chức vụ quyền hạn đều cho thấy sự liều lĩnh, bất chấp pháp luật của ông Nguyễn Đức Chung. Ở đây, quyền lực đã bị ông Chung lợi dụng, lạm dụng cho những ý đồ cá nhân. Hai chữ “quyền” và “tiền” đã khiến người từng là tiến sĩ luật, từng được xem là “khắc tinh của tội phạm”, được phong tặng Anh hùng lực lượng vũ trang khi mới 37 tuổi, được phong tướng khi mới 46 tuổi, rồi làm Giám đốc Công an, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội “thân bại danh liệt”.

Hành vi của ông Chung, dù diễn ra vào thời nào thì cũng luôn bị lên án, bị xử lý nghiêm khắc. Vì vậy, nếu chiếu theo quy định của Quốc Triều hình luật, nhẹ thì bị cách chức, bị đánh trượng, bị đi đày, nặng thì bị xử trảm.

án xưa

Xử án thời xưa.

Cũng giống như các vương triều trước, tội tham nhũng bị trừng trị rất nghiêm khắc dưới thời nhà Nguyễn. Trong 400 điều của luật Gia Long (ban hành năm 1815), có 79 điều quy định về các tội liên quan đến tham nhũng.

Điều 31 quy định quan lại nhận hối lộ phải chịu hình phạt thấp nhất 70 trượng, cao nhất là treo cổ. Điều 111 quy định: “Quan lại dùng chức vụ vô cớ bắt trói người và tra khảo họ nơi tư gia (không kể có thương tích hay không thương tích) thì tăng hơn người thường hai bậc tội. Nếu nạn nhân chết, người ấy bị xử treo cổ”.

Trong số các vua triều Nguyễn, Minh Mạng nổi tiếng nghiêm khắc với những quan lại tham nhũng. Theo sách Đại Nam thực lục, năm 1823, viên lại Phủ Nội vụ tên Lý Hữu Diệm lấy trộm hơn 1 lạng vàng, bị phát hiện. Theo luật, tội này sẽ bị chém đầu, nhưng xét thấy trước đây có ít nhiều công trạng nên Bộ Hình giảm xuống thành bắt đi đày viễn xứ. Minh Mạng không chấp nhận đề nghị giảm án. Vua ra lệnh phải đem can phạm ra trước chợ Đông Ba chém đầu, cho mọi người trông thấy mà sửa mình.

Cuối năm 1831, Tư vụ Nội vụ phủ Nguyễn Đức Tuyên ăn bớt nhựa thơm, rồi lấy mật trộn lẫn vào, để ít hóa nhiều. Gian dối bị phát hiện, người này đáng lẽ cũng bị xử tử và chặt tay treo ở kho. Nhưng để răn đe nghiêm hơn, vua Minh Mạng ra chỉ dụ “chặt một bàn tay thủ phạm Nguyễn Đức Tuyên đem treo, xóa tên trong sổ làm quan, để lại cho nó cái đầu, khiến nó suốt đời hối hận”.

Cũng theo Đại Nam thực lục, năm 1822, Quảng Đức và Quảng Trị bị thiên tai nên gạo đắt, triều đình cho phát 25.000 hộc để bán cho dân. Người lính quản lý kho thóc ở kinh là Đặng Văn Khuê phụ trách phát thóc, nhưng mỗi hộc thóc lại thiếu một ít. Vụ việc bị phát giác, vua Minh Mạng giao bộ Hình tra xét. Án xong tâu lên, vua Minh Mạng liền ra lệnh chém.

img

Sách về Hoàng Việt luật lệ (bộ luật Gia Long). Ảnh: Lịch sử Pháp luật Việt Nam.

Năm 1821, Phó tổng trấn Gia Định là Huỳnh Công Lý (cha vợ Minh Mạng) cũng bị xử tử vì tham nhũng tới 30.000 quan tiền.

Trong vụ án vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí xảy ra tại UBND TP.Hà Nội và các đơn vị liên quan, sai phạm của ông Chung và một số bị can khiến nhà nước thiệt hại hơn 41 tỷ đồng. Chỉ tính riêng hậu quả của vụ án này, nếu bị xét xử theo luật Gia Long, hành vi của ông Chung phải đối diện với hình phạt vô cùng nghiêm khắc như đi đày viễn xứ, bị treo cổ hoặc bị xử trảm trước dân chúng nhằm thị uy…

Về hình phạt bổ sung, nếu như luật hiện hành chỉ quy định phạt tiền từ 10.000.000 đến 100.000.000 đồng thì theo pháp luật thời nhà Nguyễn, các quan tham nhũng của dân đều bị tịch thu tài sản.

Các hành vi tham nhũng trong khu vực nhà nước do người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị khu vực nhà nước thực hiện bao gồm: Tham ô tài sản; Nhận hối lộ; Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành nhiệm vụ, công vụ vì vụ lợi; Lạm quyền trong khi thi hành nhiệm vụ, công vụ vì vụ lợi; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi; Giả mạo trong công tác vì vụ lợi; Đưa hối lộ, môi giới hối lộ để giải quyết công việc của cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc địa phương vì vụ lợi; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn sử dụng trái phép tài sản công vì vụ lợi; Nhũng nhiễu vì vụ lợi; Không thực hiện, thực hiện không đúng hoặc không đầy đủ nhiệm vụ, công vụ vì vụ lợi; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để bao che cho người có hành vi vi phạm pháp luật vì vụ lợi; cản trở, can thiệp trái pháp luật vào việc giám sát, kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án vì vụ lợi.

Các hành vi tham nhũng trong khu vực ngoài Nhà nước do người có chức vụ, quyền hạn trong doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài Nhà nước thực hiện bao gồm:Tham ô tài sản; Nhận hối lộ; Đưa hối lộ, môi giới hối lộ để giải quyết công việc của doanh nghiệp, tổ chức mình vì vụ lợi.

A.D

img