img

Giá bán của vắc-xin Pfizer-BioTech là 19,5 USD/ liều, Moderna là 25-37 USD/ liều, Johnson & Johnson và Sputnik V của Nga là 10 USD/liều thì vắc-xin Astrazeneca chỉ có giá từ 2-5 USD/liều tùy vùng lãnh thổ.

img

Gần 2 năm kể từ khi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) chính thức tuyên bố sự bùng phát của dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi-rút SARS-CoV-2 gây ra là “đại dịch toàn cầu”, nhiều quốc gia trên thế giới trong đó có Việt Nam hiện vẫn căng mình trong cuộc chiến ứng phó với diễn biến phức tạp của dịch bệnh. Những diễn biến phức tạp của đại dịch đã thách thức và làm chao đảo ngay cả những quốc gia có tiềm lực kinh tế hàng đầu thế giới như Mỹ hay các nước châu Âu.

img

Số ca mắc mới tăng nhanh, đột ngột gây quá tải các bệnh viện, trong khi hệ thống y tế tại nhiều nước rơi vào bị động và trở tay không kịp do thiếu hụt trang thiết bị cũng như nguồn lực dự phóng. Thật khó có thể kể hết những tác động sâu sắc tại mọi khía cạnh của cuộc sống mà đại dịch Covid-19 đã và đang gây ra trên hành tinh chúng ta. Sự xuất hiện những biến chủng mới như Lambda, Delta hay gần đây nhất là biến thể “đáng quan ngại” Omicron đã làm cuộc chiến ấy càng thêm cam go và thử thách.

Cùng với những biện pháp như xét nghiệm diện rộng, thực hiện đeo khẩu trang, sát khuẩn thường xuyên, giãn cách xã hội, phong tỏa toàn quốc thậm chí tái phong tỏa nhiều lần, thì vắc-xin là một trong những “vũ khí” tối quan trọng cho nhân loại trong cuộc chiến kiểm soát đại dịch Covid-19 ấy.

img

Hàng trăm triệu liều “vũ khí” vắc-xin Astrazeneca đã được sử dụng trên nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới để bảo vệ sự sống cho hàng ngàn sinh mạng. Và trong khi các loại vắc-xin khác đang được định giá cao hơn đáng kể, cụ thể như Pfizer-BioTech là 19,5 USD/ liều, Moderna là 25-37 USD/ liều, Johnson & Johnson và Sputnik V của Nga là 10 USD/liều, Novavax là 16 USD/liều thì vắc-xin Astrazeneca chỉ có giá từ 2-5 USD/liều tùy vùng lãnh thổ (theo thống kê Biospace.com).

Vậy tại sao một trong những loại vắc-xin hiệu quả và được phân phối rộng khắp toàn cầu lại có giá thành thấp như vậy? Câu trả lời đến từ câu chuyện của nhà khoa học đã phát minh loại vắc-xin ấy- nữ Giáo sư Sarah Gilbert.

img

Bà Sarah Gilbert sinh năm 1962, tại hạt Northamptonshire, nước Anh. Cha bà làm việc trong lĩnh vực kinh doanh giày và mẹ là giáo viên tiếng Anh. Bà Gilbert tốt nghiệp bằng cử nhân ngành Sinh học tại Đại học East Anglia (UEA) vào năm 1983. Khi theo học tại đây, bà đã bắt đầu chơi saxophone và thường luyện tập nhạc say mê trong cánh rừng bên cạnh trường để tránh làm phiền mọi người xung quanh. Bà tiếp tục hoàn thành chương trình Tiến sĩ hóa sinh chuyên ngành di truyền học Đại học Hull vào năm 1986. Bà Sarah Gilbert chia sẻ đã rất khó khăn trong con đường nghiên cứu khi sinh con vào năm 1998 (một ca sinh ba). Bà thổ lộ: “ Không dễ dàng để cân bằng giữa cuộc sống và công việc, và thậm chí là không thể nếu không được sự hỗ trợ tốt. Tiền gửi ba đứa con đi nhà trẻ còn nhiều hơn cả lương của tôi thời điểm đó. Chồng tôi (nhà khoa học Rob Blundell) đã hi sinh sự nghiệp, ở nhà trông con để tôi có thể trở lại nghiên cứu”. Những nỗ lực ấy đã được đền đáp xứng đáng khi bà trở thành giảng viên Đại học Oxford vào năm 1999 và sau đó là phó giáo sư năm 2004. Bà được bổ nhiệm là giáo sư nghiên cứu tại Viện Jenner kể từ năm 2010, thuộc Đại học Oxford- một trong những ngôi trường danh giá hàng đầu vương quốc Anh.

img

Giáo sư Sarah Gilbert. Ảnh: BBC.

Theo mô tả của bạn bè và đồng nghiệp, bà là một người tận tâm, trầm lặng, và cương quyết, một người "gan góc thực sự". Một sinh viên của bà Gilbert cho biết: “Đôi khi bà ấy có thể hơi dè dặt và ngại ngùng với mọi người”, “Nhưng khi có nhiều thời gian tiếp xúc và hiểu rõ hơn, thì bà ấy là người hoàn toàn khác”. Tiến sĩ Anne Moore kể về người bạn của mình: “Bà Gilbert là tuýp người thuộc về phòng thí nghiệm, không muốn bị đưa ra ánh đèn sân khấu”.

Năm 2020, Khuôn khổ LHQ về Ứng phó Kinh tế - Xã hội mô tả rằng “Đại dịch Covid-19 không chỉ là một cuộc khủng hoảng sức khỏe: nó đang ảnh hưởng đến các giá trị cốt lõi của xã hội và nền kinh tế. Mặc dù tác động của đại dịch sẽ khác nhau đối với các quốc gia, nhưng nó có thể gia tăng đói nghèo và bất bình đẳng ở quy mô toàn cầu, khiến việc đạt được các mục tiêu toàn cầu (SDGs) càng trở nên cấp thiết hơn”.

img

Đứng trước cuộc khủng hoảng sức khỏe mang quy mô toàn cầu ấy, Giáo sư Gilbert cùng nhóm nghiên cứu của mình đã nhanh chóng tiến hành công việc và bào chế vắc-xin. Trước đó, bà đã nghiên cứu vắc-xin loại vi-rút gây hội chứng hô hấp cấp Trung Đông (MERS-Cov) và đang trong quá trình thử nghiệm.

img

Sự cấp bách khi bắt tay vào chế tạo vắc-xin trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 được thể hiện qua sự nỗ lực không mệt mỏi của Giáo sư Sarah Gilbert. Theo lời kể của Giáo sư Teresa Lambe, một cộng sự trong nhóm khoa học, bà Sarah Gilbert đã làm việc từ sáng sớm cho đến tận tối muộn, đôi khi nhận được email công việc của bà ấy từ khi 4 giờ sáng.

img

Giáo sư Teresa Lambe. Ảnh: BBC.

Bà Sarah Gilbert chia sẻ trên tờ Independent: “Tôi đã được huấn luyện để làm điều đó- từ việc là mẹ của những đứa trẻ sinh ba. Nếu bạn trải qua những đêm ngủ chỉ có bốn tiếng ngủ để chăm sóc các con thì đồng nghĩa rằng bạn đã làm quá tốt rồi. Đó là điều tôi từng trải qua". Các con của Giáo sư Sarah Gilbert hiện đều theo học ngành hóa sinh và tích cực ủng hộ việc nghiên cứu mẹ bằng cách tham gia thử nghiệm vắc -xin.

Thành quả của những hy sinh nghiên cứu ấy là chỉ sau một tuần kể từ khi các nhà khoa học Trung Quốc công bố cấu trúc di truyền của loại vi-rút gây dịch viêm phổi bắt nguồn từ tỉnh Vũ Hán, Giáo sư Teresa Lambe cho biết “vắc-xin đã được hình thành khá nhiều. Chúng tôi đã đi khá nhanh”. Các thử nghiệm vắc - xin được bắt đầu tiến hành tại Anh kể từ tháng 4/2020.

img

Elisa Granato là một trong những tình nguyện viên được tiêm vắc- xin Astrazeneca - Oxford. Ảnh: BBC.

Theo hãng tin BBC, vào ngày 23/11/2020, nhóm nghiên cứu Đại học Oxford và đối tác là hãng dược AstraZeneca (Vương quốc Anh) đã công bố thông tin quan trọng với thế giới rằng vắc-xin AstraZeneca cho thấy hiệu quả bảo vệ con người trước tác nhân gây bệnh Covid-19 lên tới 70-90%. Đến ngày 30/12/ 2020, vắc - xin Covid-19 do Đại học Oxford cùng đối tác là Tập đoàn Dược phẩm AstraZeneca đã chính thức được Cơ quan quản lý Dược phẩm và Sản phẩm y tế Anh (MHRA) thông báo phê duyệt việc sử dụng rộng rãi. Chính phủ Anh cho biết sẽ tăng tốc chiến dịch tiêm chủng lớn nhất trong lịch sử đất nước với loại vắc - xin này kể từ ngày 4/1/2021.

img

Tin vui về tiêm chủng đến trước thềm năm mới 2021, trong những ngày “làn sóng” Covid-19 vẫn đang liên tiếp tấn công và gây sức ép không chỉ lên “thành trì” y tế mà còn trên nhiều phương diện tại khắp nơi trên thế giới. Thủ tướng Anh Boris Johnson đã thốt lên đây là "tin cực kỳ thú vị", "đây là những kết quả tuyệt vời". Đến ngày 3/1/2021, Ấn Độ, thời điểm ấy là tâm dịch Covid-19 lớn thứ hai thế giới, cũng chính thức trở thành quốc gia thứ hai phê duyệt tiêm chủng vắc - xin này sau nước Anh.

Trước đó hai hãng dược phẩm Pfizer và Moderna đã công bố hiệu quả của loại vắc-xin họ đang phát triển lần lượt ở mức 95 % và 94,5 %. Tuy nhiên khác với các dòng vắc - xin dựa trên công nghệ mRNA đó phải được bảo quản trong tủ đông chuyên dụng, sản phẩm vắc - xin AstraZeneca vượt trội về tính dễ bảo quản hơn trong tủ lạnh thông thường từ 2-8 độ C và đặc biệt giá thành rẻ hơn nhiều. Trong quá trình phân phối vắc-xin, bảo quản là công đoạn đặc biệt quan trọng để đảm bảo chất lượng vắc-xin khi được đưa vào cơ thể người dùng.

img

So sánh hiệu quả bảo vệ và điều kiện bảo quản của các loại vắc-xin Covid-19. Ảnh: BBC

Giáo sư Sarah Gilbert chia sẻ trong một cuộc phỏng vấn: “Chúng tôi coi đây là một cuộc chạy đua với vi-rút chứ không phải là cuộc chạy đua với các hãng vắc-xin khác. Chúng tôi là trường Đại học và chúng tôi nghiên cứu không phải để kiếm tiền”.

Bà đã không ngần ngại bỏ qua cơ hội kiếm hàng triệu USD khi từ chối nhận bằng sáng chế vắc-xin đồng thời tặng trọn vẹn thành quả nghiên cứu ấy cho nhân loại qua một thỏa thuận với hãng dược phẩm danh tiếng Astrazeneca rằng vắc-xin này phải được phân phối “cam kết phi lợi nhuận”.

Giáo sư Sarah Gilbert cho biết: “Là người đã phát minh ra loại vắc-xin này, tôi có thể kiếm được một khoản lợi nhuận khổng lồ. Nhưng tôi từ chối nhận bằng sáng chế vắc-xin. Tôi không muốn độc quyền sáng chế vì tôi muốn chia sẻ công nghệ này để mọi người đều có thể sản xuất vắc-xin”.

img

img

Giáo sư Sarah Gilbert đã được tờ BBC vinh danh trong danh sách 100 Phụ nữ Tiêu biểu năm 2020 vì những đóng góp to lớn và tinh thần nhân văn tuyệt vời, góp phần giúp nhân loại có thêm công cụ để đẩy lùi đại dịch Covid-19.

Vào tháng 8 năm nay, giáo sư Sarah Gilbert còn được tôn vinh theo một cách độc đáo khi trở thành hình mẫu búp bê Barbie do công ty sản xuất đồ chơi đa quốc gia Mattel sản xuất. Bà Gilbert chia sẻ cảm thấy hơi lạ lùng về điều này nhưng hy vọng mẫu búp bê sẽ khơi dậy niềm cảm hứng theo đuổi các ngành STEM (khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán) của các bé gái trên toàn thế giới. Bà nói: "Tôi mong rằng hình búp bê của tôi sẽ giúp bọn trẻ nhận ra những nghề nghiệp mà chúng có thể chưa biết, chẳng hạn như một nhà khoa học tiêm chủng".

img

Trong bối cảnh “những làn sóng” Covid-19 vẫn tiếp tục càn quét và tấn công nhiều nơi trên thế giới, việc một loại vắc-xin hiệu quả và dễ bảo quản như Astrazeneca dược phân phối với giá thành rẻ có ý nghĩa rất quan trọng đem lại niềm hi vọng lớn lao chúng ta trong cuộc khủng hoảng sức khỏe toàn cầu chưa có hồi kết này. Đằng sau sự thành công của vắc - xin Astrazeneca là những đóng góp rất lớn từ vị nữ giáo sư Sarah Gilbert cùng nhóm nghiên cứu tại Đại học Oxford. Một điều ý nghĩa hơn cả là các nhà khoa học ấy đã quyết định gạt lợi ích kinh tế sang một bên để ưu tiên bảo vệ sức khỏe cho nhân loại

img

Các nhà khoa học tại Viện Jenner, Đại học Oxford nghiên cứu về vaccine. Ảnh: NY Times

NGUOIDUATIN.VN |