img Người thầy “thắp sáng ước mơ” nơi vùng đặc biệt khó khăn

Người thầy “thắp sáng ước mơ” nơi vùng đặc biệt khó khăn

Vượt hàng trăm ki-lô-mét tìm đến xã đặc biệt khó khăn Đắk Ngo, huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông, chúng tôi được lắng nghe không ít câu chuyện về thầy giáo trẻ hết lòng với sự nghiệp trồng người và thắp sáng ước mơ học tập của học sinh.

Đó là thầy giáo Nguyễn Quang Lý, giáo viên Trường THCS và THPT Lê Hữu Trác, thuộc xã Đắk Ngo.

Nói về mối nhân duyên với sự nghiệp giáo dục tại xã vùng sâu Đắk Ngo, anh Lý cho hay năm 2012, sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Hà Tĩnh, anh rời quê hương Hà Tĩnh vào xã Đắk Ngo lập nghiệp và thực hiện ước mơ được đứng trên bục giảng mà bao nhiêu năm theo đuổi.

Người thầy “thắp sáng ước mơ” nơi vùng đặc biệt khó khăn

Trên vùng đất cao nguyên đầy nắng gió, anh Lý được phân công giảng dạy tại Trường Tiểu học và THCS Trần Phú (từ năm 2022 là Trường THCS và THPT Lê Hữu Trác, xã Đắk Ngo). Quá trình công tác tại đây, anh đã tận mắt chứng kiến hàng loạt khó khăn, thiếu thốn mà người dân và học sinh phải đối diện.

Trò chuyện với chúng tôi, anh Lý cho biết: “Xã Đắk Ngo nằm lọt thỏm giữa những cánh rừng, cách trung tâm huyện Tuy Đức hơn 60km. Người dân trên địa bàn chủ yếu là người đồng bào dân tộc thiểu số ở các tỉnh phía Bắc di cư vào. Đáng nói, vào những ngày mùa mưa, các con đường đất vô cùng lầy lội, trơn trượt nên việc đi lại của người dân rất khó khăn. Nhiều học sinh nhà cách xa trường, phải lội bộ gần chục ki-lô-mét để đi học. Do đó, không ít ngày, các em đến trường với bộ quần áo lấm lem bùn đất, thậm chí đi học trễ 1-2 tiết”.

Không chỉ khó khăn về điều kiện đi lại, nơi các em học sinh ở đôi khi chỉ là những túp lều bằng tre nứa xiêu vẹo. Bữa ăn hàng ngày cũng chỉ có những hạt cơm trắng với rau và muối. Cuộc sống mưu sinh còn nhiều khốn khó nên cái mặc của học sinh nơi đây cũng không đảm bảo. Có những ngày trời đông lạnh giá nhưng học sinh chỉ đến trường với bộ quần áo mỏng manh...

Người thầy “thắp sáng ước mơ” nơi vùng đặc biệt khó khăn

“Do hoàn cảnh kinh tế quá khó khăn nên rất nhiều gia đình không sắm nổi cho con mình một bộ đồng phục, chiếc cặp hay đôi dép. Thậm chí, nhiều em phải nhịn bữa ăn sáng để đến lớp nên khi học đến tiết 5 thì lăn ra ngất xỉu”, thầy Lý kể.

Do học sinh của trường có hơn 80% là con em người đồng bào dân tộc thiểu số nên sự quan tâm của gia đình đối với việc học tập của các em còn nhiều hạn chế, ý thức học tập của học sinh chưa cao dẫn đến chất lượng học tập không đồng đều.

Đặc biệt, tình trạng học sinh bỏ học giữa chừng diễn ra thường xuyên. Nhiều em bỏ dở ước mơ đến trường để ở nhà đi làm nương rẫy, mót sắn, điều... mưu sinh. Thậm chí, có nhiều em bỏ học để lập gia đình khi chỉ mới 14-15 tuổi.

img
Người thầy “thắp sáng ước mơ” nơi vùng đặc biệt khó khăn

Trước tình hình trên, cô Châu Thị Hồng Nhạn, Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Ban Giám hiệu nhà trường đã chỉ đạo các giáo viên chủ nhiệm đến tận nhà tìm hiểu hoàn cảnh và nguyên nhân khiến các học sinh bỏ học. Đồng thời, tìm cách động viên, tuyên truyền để đưa học sinh trở lại trường. Thế nhưng, vì cuộc sống quá khó khăn nên cách đây 3-4 năm, có phụ huynh cương quyết không cho con em mình đi học trở lại”.

Với vai trò là Tổng phụ trách Đội thiếu niên Tiền Phong Hồ Chí Minh của trường, thầy Lý cũng không cho phép mình khoanh tay đứng nhìn các em dở dang việc học chỉ vì hoàn cảnh.

Thầy Lý kể: “Ngay từ đầu năm học, tôi đã xây dựng kế hoạch cụ thể nêu rõ đặc điểm tình hình thực tế của trường, lớp hiện tại. Đồng thời, phối hợp với giáo viên chủ nhiệm lớp, các ban ngành đoàn thể trên địa bàn để tìm hiểu về hoàn cảnh gia đình, bản thân của các em học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn”.

Người thầy “thắp sáng ước mơ” nơi vùng đặc biệt khó khăn

Bên cạnh đó, thầy cũng thường xuyên tham mưu cho nhà trường nêu gương điển hình, những gương học sinh vượt khó vươn lên trong cuộc sống và có những kết quả cao trong học tập, rèn luyện... Để từ đó, tạo động lực cho học sinh trong trường học hỏi, noi theo.

Đặc biệt, thông qua sáng kiến kinh nghiệm “thắp sáng ước mơ”, thầy đã cùng nhà trường tổ chức nhiều hoạt động thu hút đông đảo các tổ chức, cá nhân và những nhà hảo tâm tham gia như: “Vì học sinh nghèo vượt khó”, “Giúp bạn đến trường”, “Heo đất vì bạn nghèo”, lao động gây quỹ “Nuôi dưỡng ước mơ”... Qua đó, mang lại cơ hội cho nhiều em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được tiếp tục đi học và vươn lên trong học tập.

Từ các hoạt động thiết thực nói trên, năm học 2016 - 2017, Liên đội trường đã trao tặng 35 suất học bổng, trị giá 800.000 đồng/suất cho các em học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, ý thức vươn lên trong học tập. Đồng thời, trích một phần kinh phí mua 500 quyển vở, tặng thưởng cho 50 em đạt thành tích cao trong đợt thi đua. Bên cạnh đó, nhiều em còn được tặng quần áo đồng phục, cặp sách, mũ bảo hiểm...

img

Không dừng lại ở đó, năm học 2018-2019, thầy Lý liên hệ với Tỉnh đoàn Đắk Nông hỗ trợ kinh phí xây dựng căn nhà tình thương, trị giá 50 triệu đồng cho một trường hợp học sinh mồ côi.

Theo lãnh đạo nhà trường, ngoài việc hỗ trợ về vật chất, thông qua các hoạt động nói trên đã góp phần giáo dục đức tính tiết kiệm, tấm lòng yêu thương con người của mỗi học sinh. Đồng thời, giúp các em từng bước hoàn thiện về nhân cách, phẩm chất đạo đức và biết đồng cảm trước những hoàn cảnh khó khăn, biết sẻ chia, giúp đỡ nhau trong cuộc sống hằng ngày.

Qua các hoạt động này, nhằm tạo ra sức mạnh của sự đoàn kết trong tập thể, để các em cảm nhận được mỗi việc làm tuy nhỏ nhưng lại tạo ra nhiều giá trị tốt đẹp. Đặc biệt, qua đó cũng lan tỏa mạnh mẽ đến các bậc phụ huynh, thay đổi nhận thức cho nhiều gia đình. Đặc biệt là các hộ đồng bào dân tộc thiểu số, trong việc tạo điều kiện để cho con em được cắp sách đến trường.

Người thầy “thắp sáng ước mơ” nơi vùng đặc biệt khó khăn

Hơn thế, thầy Lý còn tổ chức nhiều hoạt động để đánh thức những ưu điểm, năng khiếu bị che khuất đằng sau sự rụt rè của mỗi học sinh và tạo sân chơi cho các em. Hàng năm, thầy đều xây dựng kế hoạch, cùng với nhà trường tổ chức các cuộc thi thể dục thể thao, văn nghệ, rung chuông vàng, đường lên đỉnh Olympia... Để từ đó, mỗi ngày đến trường là một niềm vui của các em học sinh.

Là học sinh của thầy Lý nhiều năm nay, em Trần Dương Hải Lý, học sinh lớp 8C Trường THCS và THPT Lê Hữu Trác cho biết: “Trong mỗi tiết học, thầy giảng bài rất lôi cuốn và dễ hiểu. Theo đó, với mỗi bài học, thầy đều mô tả, giảng tổng quát để học sinh nắm được nội dung cơ bản, chủ đề chính của bài học. Ngoài lý thuyết trong sách giáo khoa, thầy mở rộng bài giảng, lấy ví dụ so sánh thực tế với những điểm nhấn để chúng em dễ nhớ và tiếp thu kiến thức tốt nhất. Sau những giờ lên lớp, thầy còn tổ chức nhiều hoạt động vui chơi, nhiều trò chơi bổ ích để tạo hững thú trong học tập, đến trường đều đặn hơn. Đồng thời, qua đó học sinh có điều kiện để rèn luyện sức khỏe và các kỹ năng sống”.

Cô Châu Thị Hồng Nhạn, Phó Hiệu trưởng Trường THCS và THPT Lê Hữu Trác nhấn mạnh: “Ngoài việc làm tốt công tác chuyên môn, thầy Lý còn có nhiều cống hiến cho sự nghiệp “trồng người” tại địa phương.

img

Đặc biệt, thầy đã tổ chức rất nhiều hoạt động lôi kéo, khơi dậy niềm đam mê đến trường của học sinh. Với những cống hiến trong quá trình công tác, nhiều năm qua thầy Nguyễn Quang Lý đã nhận được rất nhiều khen thưởng của các cấp, ngành, đơn vị”.

Ông Phạm Quốc Trọng, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào huyện Tuy Đức cho biết, thầy Nguyễn Quang Lý là giáo viên dạy giỏi cấp trường, cấp huyện và cấp tỉnh. Nhiều năm qua, thầy rất nỗ lực cố gắng vượt qua khó khăn, tìm tòi học hỏi trau dồi chuyên môn nghiệp vụ, sáng tạo, có nhiều giải pháp, sáng kiến góp phần phát triển giáo dục nhà trường. Đồng thời, giúp các em học sinh không những học giỏi mà còn có nhiều hoạt động trải nghiệm để phát triển toàn diện. Bên cạnh đó, thầy cũng kiêm nhiệm các hoạt động đoàn thể đoàn thanh niên, công đoàn cơ sở đạt nhiều kết quả xuất sắc.

img

NGUOIDUATIN.VN |