Phóng viên (PV): Xin chào nhà văn Y Ban. Chúng ta đang phải đối diện với làn sóng Covid thứ 2 xâm nhập cộng đồng. Hẳn chị vẫn chưa quên những ngày cả nước thực hiện giãn cách xã hội vừa qua.
Nhà văn Y Ban (Y Ban):Làm sao quên được. Đó là lần đầu tiên và tôi mong không bao giờ có lần tiếp theo. Những ngày cả nước thực hiện giãn cách xã hội đó, tôi đã trồng một cái cây trên sân thượng để cảm thấy cuộc sống bình an hơn. Tôi cũng nói với bạn bè tôi rằng tại sao chúng ta không trồng một cái cây đi.
Hằng ngày chúng ta chăm sóc cho nó, nói chuyện với nó, thấy nó cao dần lên và chúng ta cảm nhận một niềm hy vọng lớn hơn về cuộc sống trước mắt.
PV: Những ngày đó, có đêm nào chị mất ngủ không?
Y Ban: Tất nhiên rồi. Tôi là một nhà văn cho nên tôi hay dùng cái từ là tôi bị kích động, bị tăng động bởi tất cả những gì đang diễn ra trong bầu khí quyển xã hội. Tôi rất đau lòng vì những con số nhiễm Covid-19 tăng lên hàng ngày, hàng giờ. Những con số của đồng bào mình, những con số của cả một thế giới.
Thời điểm chúng ta nói chuyện với nhau đây, dịch đã bùng trở lại nước ta, sau 99 ngày trời êm bể lặng. Toàn thế giới, số người nhiễm đã tới gần 17 triệu, với những vùng dịch lớn như Mỹ, Brazil, Ấn Độ, Nga… Covid-19 đã lan tới hơn hai trăm quốc gia và vùng lãnh thổ. Những con số đó tác động đến tôi rất nhiều. Có lúc tôi phải thốt lên là mọi người ơi đừng đếm nữa, xin mọi người đừng đếm nữa! Không phải mình tôi. Rất nhiều người khi đọc khi nghe những con số đó thì quá đau lòng.
PV: Covid-19 tàn phá con người, tàn phá thế giới. Đã có những tiểu thuyết dự báo về dịch bệnh này ra đời từ nhiều năm trước. Nhà văn Y Ban nhìn nhận như thế nào về tính dự báo của văn chương nghệ thuật?
Y Ban: Thực ra thì tất cả những gì liên quan đến con người đều không xa lạ trong văn chương. Năm 2016, tôi đã viết một tác phẩm có tên “Công viên cứu hộ loài người”, nhân vật chính là cậu bé tên Minh 12 tuổi phải vượt một chặng đường rất dài để cứu em ruột bị bắt cóc.
Trên đường đi cậu gặp một con khỉ mồ côi, một con chó mất mõm, một con gấu mất tay và một con trâu bị mất sừng. Họ đã trở thành những người bạn, cùng nhau vượt rừng cứu em, nói được tiếng của nhau. Sau này, Minh trở thành kiến trúc sư, muốn xây dựng một công viên để cứu hộ tất cả những loài vật bị nạn. Họ đã bàn bạc, họ thấy rằng không phải những con vật mà chính là loài người đang đứng trên bờ vực của sự tuyệt chủng.
Vì thế công viên đã được xây dựng lên. Và theo dự báo là đến năm 2065, con người sẽ đứng trước nạn đại hồng thủy, công viên cứu hộ được xây dựng xong trước một năm và đã cứu được 1/3 dân số loài người. Đấy là câu chuyện trong tác phẩm của tôi. Tôi viết năm 2016, đến bây giờ chưa xuất bản. Có lẽ tôi phải dừng lại để viết thêm vài chương nữa.
Bởi vì sau dịch Covid này, niềm tin của tôi đang bị lung lay. Tôi không hiểu rằng con người có được cứu hộ hay không. Trong lịch sử phát triển của nhân loại, loài người cũng nhiều lần đứng trước nguy cơ diệt vong rồi và bao giờ mẹ thiên nhiên cũng cảnh báo trước. Đại dịch Covid-19 này cũng là một sự cảnh báo, để chúng ta cần phải sống khác đi, nếu loài người muốn tồn tại.
PV: Toàn cầu hóa là xu thế tất yếu của thế giới. Và khi công cuộc làm giàu ở các quốc gia vẫn tiếp diễn, chúng ta vẫn chưa thể ngưng tham vọng làm giàu thì số phận con người, đặc biệt là con người bé nhỏ tha hóa lại tiếp tục đặt ra cho văn học, cho ngòi bút của nhà văn Y Ban những suy tư mới như thế nào?
Y Ban: Chưa qua đại dịch Covid thì chúng ta thấy nước Mỹ xảy ra bạo động, nguyên nhân lúc đầu có thể chỉ vì sự quá tay của cảnh sát đối với một người da màu.
Nhưng về sau, ta thấy những cảnh cướp bóc, đập phá xảy ra. Trên Facebook cá nhân, tôi từng chia sẻ hình ảnh có thực về một bợm nhậu nhét đầy những chai rượu cướp được vào tất cả các túi quần túi áo của mình. Ngay ở nước ta cũng thế, cơ quan an ninh nhiều lần cảnh báo về tình trạng gia tăng tội phạm lừa đảo qua điện thoại, qua mạng xã hội.
Có cả những nhóm người bất chấp an nguy của cộng đồng, đưa người Trung Quốc vào nội địa trái phép. Mới đây thôi, ngay Hà Nội đã xảy ra vụ cướp nhà băng, với tình huống đơn giản vẫn thấy trong phim hành động. Covid-19 làm gia tăng nạn thất nghiệp, nghèo đói, tha hóa, trộm cắp. Và tôi nghĩ rằng, có thể là mẹ thiên nhiên đang để cho con người bộc lộ hết tất cả những thứ xấu xa tận cùng của các thứ xấu xa, giống như là thế giới đã từng trải qua. Tôi không muốn dùng cái từ là chúng ta phải đập đi để làm lại. Bởi vì như thế thì nó đau, đau khủng khiếp.
Bởi vì đập đi để làm lại, liệu chúng ta có đứng lên được không, chúng ta còn có kiếp sau để sống hay không? Cho nên, thực lòng tôi nghĩ rằng chúng ta phải thay đổi, phải thay đổi rất nhiều.
Chúng ta sống chậm vẫn là sống cơ mà. Tại sao chúng ta cứ phải phi ào ào như gió? Tại sao chúng ta cần phải đạt một sự tăng trưởng kinh tế chóng mặt đến như thế? Tại sao chúng ta cứ phải tàn phá thiên nhiên? Tại sao chúng ta phải đào hết khoáng sản như thế? Trong thời gian giãn cách, tôi thấy cuộc sống rất êm đềm, cuộc sống để cho chúng ta nhìn lại mình.
Chúng ta biết chúng ta đang cần gì, đang thiếu gì. Và thực sự chúng ta có cần ăn nhiều đến như thế hay không? Tại sao lại có chiếc khẩu trang? Bởi vì chính cái miệng của chúng ta đang cần phải che lại. Cái miệng này là sự ăn uống, phát ngôn, là tượng trưng cho rất nhiều thứ. Tại sao ở tất cả những nước tự do nhất về quyền con người, cuối cùng họ vẫn phải đeo khẩu trang ở nơi công cộng? Chỉ một hình ảnh là cái khẩu trang thôi để chúng ta biết chúng ta sẽ phải sống như thế nào!
PV: Xin cảm ơn nhà văn Y Ban về cuộc trò chuyện này.
A.T