img
THU HUYỀN

Theo TS. Lê Anh Sơn, các hãng công nghệ với những lợi thế sẵn có luôn muốn chinh phục thị trường xe công nghệ như ô tô điện vì đây là cuộc chơi đầy tiềm năng.

Xe điện đang là từ khóa gây sốt trên thị trường ô tô. Đặc biệt, trong năm 2020 khi dịch bệnh bùng phát, xe chạy xăng giảm doanh số, xe điện lại bứt phá tại nhiều nước. Trong thời gian tới, xe điện không chỉ được xem là xu hướng tiêu dùng mà còn được đánh giá sẽ là tương lai tất yếu của ngành ô tô toàn cầu. Năm 2020 vừa qua có thể xem là một bước ngoặt của xe điện khi lượng xe bán ra đạt khoảng 3,1 triệu chiếc trên toàn cầu, tăng trưởng đến 40% so với năm 2019.


xe điện

Trò chuyện với Người Đưa Tin Pháp Luật, TS. Lê Anh Sơn - Giám đốc công ty CP PhenikaaX - trưởng nhóm nghiên cứu dòng xe tự hành cấp độ 4 đầu tiên tại Việt Nam - đã chia sẻ về những sức hút của dòng xe điện, xe tự hành khiến các hãng công nghệ, ô tô lớn nhất thế giới như Tesla, Google hay các hãng xe hơi như Volkswagen, GM, Toyota, Honda… không ngần ngại chi hàng tỷ USD để tham gia, cùng cam kết sẽ đưa ra thị trường nhiều sản phẩm xe điện và định hướng sẽ trở thành một hãng xe điện.


xe điện

TS. Lê Anh Sơn tốt nghiệp đại học chuyên ngành cơ khí ô tô, được học bổng Thạc sĩ toàn phần của Nhật Bản chuyên ngành các hệ thống thông minh trong giao thông từ năm 2010 – 2012. Tiếp tục nhận học bổng Tiến sĩ toàn phần tại Nhật Bản chuyên ngành Cơ điện tử vào năm 2014.

Ông từng tham gia các dự án lớn của Toyota, Denson, MEXT về xây dựng các hệ thống phụ trợ cho người lái. Chuyên sâu về các công nghệ AI, IoT, Robotic, … trong nhiều lĩnh vực như giao thông, ô tô.

Ông là trưởng nhóm nghiên cứu dòng xe tự hành cấp độ 4 (gần như tự lái hoàn toàn, tài xế không cần can thiệp, nhưng vẫn phải để ý) thành công đầu tiên tại Việt Nam.


Thưa ông, vì sao các hãng công nghệ lớn đều muốn tham gia sân chơi làm xe ô tô điện, xe tự hành?

TS. Lê Anh Sơn: Trước hết, về xe ô tô điện được đánh giá là tốt hơn xe truyền thống. Cái tốt hơn này được thể hiện ở việc xe điện được coi là chìa khóa để giải quyết ô nhiễm không khí, ô nhiễm tiếng ồn, làm giảm nhiệt độ (không còn nhiệt toả ra ở động cơ như xe truyền thống) ở các thành phố rộng lớn.

Tại các nước châu Âu, họ đang xây dựng các hành lang pháp luật để chuẩn bị cấm các phương tiện truyền thống gây ra tác hại môi trường và ưu tiên sử dụng các dòng xe điện.


xe điện

Lý do tiếp theo là thị trường xe điện thực sự rất lớn nên rất nhiều công ty muốn nhảy vào. Thị trường này có vô số cơ hội, thu hút nhiều nhà đầu tư, nhất là những công ty lớn về công nghệ. Hay các công ty làm về điện thoại thông minh như Apple, Xiaomi khi đã có nền tảng về pin, thêm nền tảng về động cơ là họ có thể nhảy vào. Sự liên quan giữa ô tô và điện tử sẽ làm tiền đề, tạo đà cho các công ty công nghệ tiếp cận thị trường này.

Hơn nữa, xe điện là dòng xe có nhiều tính ưu việt, những thông số phức tạp đã được giảm thiểu, đơn giản nhất có thể trước khi đến tay người tiêu dùng. Trong tương lai, xe điện sẽ là phương tiện thông minh được đẩy mạnh để phát triển, quy mô thị trường cũng tăng lên gấp nhiều lần.


xe điện

Về dòng xe tự hành, đây là dòng xe cũng đang được đẩy mạnh để đầu tư nghiên cứu tại các nước. Xe tự hành sẽ giải quyết tất cả các vấn đề về giao thông vận tải. Nó sẽ tự động tìm điểm đến ở trong thành phố, tự động để cho người sử dụng lên xuống, tự động tìm bãi đỗ xe, tự động đến đón...

Xe tự hành từ cấp độ 4 đến cấp độ 5 là tổng hợp của tất cả nền tảng công nghệ hiện có, bao gồm trí tuệ nhân tạo AI, IoT, Big Data, 5G, điện toán đám mây… Nếu một công ty đạt đến trình độ làm ra xe tự hành cấp độ 4, 5 thì gần như họ có thể làm được tất cả sản phẩm khác, kể cả dòng xe điện. Chính vì vậy, các ông lớn công nghệ rất muốn chiếm lĩnh mảng này. Xe tự hành cũng được đánh giá là phương tiện của tương lai.

Những yếu tố nói trên đã đẩy xe điện và xe tự hành có sức hút, phát triển rất mạnh mẽ trong thời gian vừa qua.


img

Vậy lợi thế của các hãng công nghệ lớn khi tham gia cuộc chơi này là gì?

TS. Lê Anh Sơn: Lợi thế lớn nhất đó là nguồn lực. Trước hết, những công ty này đã có sẵn một nguồn vốn rất lớn. Thứ hai là họ có sẵn nền tảng công nghệ (pin và các công nghệ chất bán dẫn sẽ là yếu tố lợi thế của các công ty công nghệ). Thứ ba là nguồn khách hàng tiềm năng sẵn có.

Tất cả những yếu tố này cộng lại sẽ khiến các công ty công nghệ có lợi thế to lớn khi bước chân vào cuộc chơi xe điện hay xe tự hành.


xe điện

Theo ông, ngoài những lợi thế nói trên thì yếu tố cốt lõi khiến các ông lớn công nghệ có thể cạnh tranh trên thị trường là gì?

TS. Lê Anh Sơn: Điều này còn tuỳ thuộc vào thị trường họ muốn vào. Hiện Trung Quốc vẫn đang là thị trường dẫn đầu thu hút nhà đầu tư.

Tuy nhiên, khi nói về xe ô tô điện thì động cơ, pin và hệ thống điều khiển là ba yếu tố gần như là quyết định. Những công ty nào nắm được những phần này sẽ có lợi thế rất lớn khi tham dự thị trường xe điện.


xe điện

Quan sát toàn bộ ngành thì ông nhận thấy các hãng công nghệ đang sản xuất xe điện theo mô hình như thế nào?

TS. Lê Anh Sơn: Sản xuất ô tô thì có thể chia thành 3 mô hình chính là sản xuất độc lập, hợp tác sản xuất qua các nhà cung cấp và hợp tác chuyên sâu với các hãng xe truyền thống.

Không giống như các sản phẩm điện tử tiêu dùng, chuỗi công nghiệp ô tô rất phức tạp và nhiều công đoạn. Trong lĩnh vực công nghệ ô tô thì việc sản xuất độc lập sẽ không được áp dụng vì nó đòi hỏi sự đầu tư lớn, thay vào đó, các công ty sẽ thông qua mô hình dựa trên hợp tác sâu rộng.


img

Bởi trên xe có rất nhiều công nghệ, một công ty không thể nắm được hết tất cả công nghệ đó. Chính vì vậy, họ phải làm chủ được công nghệ lõi của riêng mình. Pin cũng là một công nghệ lõi. Chỉ khi sở hữu được công nghệ lõi thì mới có thể làm chủ được công nghệ.

Nhìn vào thị trường Việt Nam hiện tại, ông đánh giá thị trường xe điện đang diễn ra như thế nào?

TS. Lê Anh Sơn: Tại Việt Nam thì thị trường xe điện đã bắt đầu sôi động và được người dân để ý đến nhiều hơn. Họ quan tâm đến các tính năng mới, giá cả, khả năng tăng tốc, các chi phí bảo dưỡng, mức độ an toàn, mức độ ảnh hưởng đến môi trường...

Ngoài ra, đối các doanh nghiệp thì Nhà nước cũng đang có những chính sách thúc đẩy, được hỗ trợ để thúc đẩy phát triển công nghệ, tạo ra những sản phẩm made in Vietnam.

Xin cảm ơn ông!
xedien

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan - nguyên Phó Chủ tịch phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhìn nhận: Doanh nghiệp khi tham gia vào thị trường sản xuất xe điện thì yếu tố tiên quyết là phải có một nguồn lực mạnh. Hiện nay, cạnh tranh giữa các nước chính là cạnh tranh công nghệ.

Theo bà Lan, một nền kinh tế muốn phát triển thì phải có ngành công nghiệp ô tô. Đây được xem là đầu tàu, kéo theo hàng loạt các ngành công nghiệp phụ trợ phát triển. Việc phát triển xe điện chính là đòn bẩy để đưa công nghệ Việt lên một tầm cao mới.


T.H

img

Bài 1: Tương lai của ô tô điện - trông người lại ngẫm đến ta

Bài 2: Big Data sẽ là "nguyên liệu" cho cuộc cách mạng xe điện?

Bài 3: Gian nan xe điện: Khởi nghiệp thất bại, "ông lớn" hụt hơi

Bài 4: Thúc đẩy thị trường xe điện - các lựa chọn chính sách

Bài 5: Nhập cuộc chơi xe điện,các hãng công nghệ có lợi như thế nào?