img img

Nhận lời phỏng vấn với Người Đưa Tin vào một ngày giữa tháng Tám, chính xác là 5 ngày sau khi Thủ tướng Phạm Minh Chính có chuyến thị sát tại Nhà máy Đạm Hà Bắc và Nhà máy Đạm Ninh Bình – 2 nhà máy thuộc 12 dự án yếu kém của ngành công thương - Chủ tịch Tập đoàn Hoá chất Việt Nam (Vinachem) Nguyễn Phú Cường khi đó nói rằng, có nhiều chuyện để chia sẻ.

Với phong cách làm việc nhanh, dứt khoát, thời điểm được giao đảm nhận vị trí Chủ tịch Tập đoàn, ông Cường quyết tâm cơ cấu lại toàn bộ hệ thống bộ máy nhân sự, quyết tâm hồi sinh sự sống cho các nhà máy vốn đắp chiếu lâu nay. Ông quan niệm: “Đã gọi là nhà máy thì phải có người ra, người vào, ống khói phải trắng. Nhà máy mà đóng cửa im lìm như nghĩa địa thì không ai gọi là nhà máy”.

img

Là doanh nhân, ông nói làm việc gì cũng sẽ có áp lực, có khó khăn, nhưng đó lại là điều hạnh phúc. Bởi khi còn cảm thấy áp lực tức là khi đó, bản thân còn giá trị với tập thể, cơ quan và công việc vẫn đang cần mình.

img

NĐT: Để xử lý các dự án yếu kém ngành Công Thương, Bộ Chính trị đã có 2 lần nghe báo cáo, Chính phủ đã họp tới hơn 20 cuộc để chỉ đạo xử lý các dự án. Là người đứng đầu một Tập đoàn Nhà nước đang có 4 dự án nằm trong diện này, ông đánh giá thế nào về quyết tâm xử lý các dự án yếu kém của Chính phủ và ông nhìn nhận ra sao với kết quả 5/12 dự án được đưa ra khỏi “danh sách đen” sau 3 năm triển khai Đề án 1468?

Chủ tịch Nguyễn Phú Cường: Sau hơn 3 năm triển khai Quyết định số 1468 của Thủ tướng phê duyệt Đề án xử lý các tồn tại yếu kém của một số dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ kém hiệu quả thuộc ngành công thương, ngày 4/11/2021, Ban chỉ đạo xử lý các tồn tại, yếu kém của các dự án trên thống nhất đưa 5 dự án ra khỏi danh sách đen 12 dự án chậm tiến độ, kém hiệu quả.

img

Trong số 5 dự án thì được đưa ra khỏi danh sách thì Vinachem có 1 dự án là Nhà máy sản xuất phân bón DAP-1 Hải Phòng.

Sự quyết tâm, nỗ lực của Chính phủ và cả hệ thống các bộ ngành là điều mà ai cũng sẽ nhìn thấy bởi các giải pháp được đưa ra rất cụ thể. Thời gian qua, Chính phủ giao một loạt các nhiệm vụ để thực hiện như tinh giảm đội máy, sắp xếp lại đội ngũ, quản trị sản xuất, đảm bảo số giờ vận hành máy tối ưu, giảm bớt vấn đề dừng máy do vấn đề quản trị…

Ngoài ra, có những tính toán phù hợp trong việc giải quyết hàng tồn kho, trước kia theo kế hoạch, giờ theo thị trường. DAP-1 Hải Phòng thực hiện các giải pháp như trên thì bắt đầu có lãi từ năm 2017 đến nay. Thực tế, trong bài toán kinh doanh, dù chính sách tốt đến mấy mà không quyết tâm làm làm, bộ máy cồng kềnh thì sẽ không hiệu quả.

NĐT: Với 3 dự án còn lại cũng có những khởi sắc nhất định. Như dự án Đạm Hà Bắc lần đầu tiên sau 5 năm đi vào vận hành và đã có lãi. Dự án Đạm Ninh Bình và dự án DAP số 2 Lào Cai cũng đã cắt lỗ hàng nghìn tỷ. Vừa qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng có chuyến thị sát và làm việc với lãnh đạo của Đạm Ninh Bình và Đạm Hà Bắc, Thủ tướng chốt phương án và yêu cầu xây dựng đề án xử lý theo hướng tái cơ cấu ngay trong tháng 8/2022. Về thời gian Thủ tướng đề ra có gấp không, thưa ông?

img

Chủ tịch Nguyễn Văn Quyền: Nói thật tâm là tôi không thấy gấp. Thực tế, tôi muốn tiến trình đó diễn ra sớm hơn vì những đề án này chúng tôi đã viết, đã xây dựng và cũng đã trình các cấp có thẩm quyền rất nhiều lần. Buổi làm việc với Thủ tướng cũng là cơ hội để các bộ ngành, ngân hàng có ý kiến thêm, từ đó, chúng tôi tiếp tục hoàn thiện đề án.

Thực tế, Vinachem đã gửi đi đề án hoàn thiện Dự án Nhà máy Đạm Hà Bắc, Nhà máy Đạm Ninh Bình, DAP Hải Phòng lên các cấp từ rất lâu. Thú thực, tôi cũng không còn nhớ đây là phiên bản đề án thứ bao nhiêu nữa vì gửi trình đã quá nhiều.

Thậm chí, ngay hôm làm việc với Thủ tướng Phạm Minh Chính, chúng tôi cũng có thể nộp luôn, vấn đề là ý kiến của các cấp. Chúng tôi luôn luôn sẵn sàng và muốn tiến trình xử lý diễn ra nhanh hơn, bởi càng để lâu, cơ hội càng trôi đi. Thời điểm này chính là cơ hội vàng của ngành hoá chất, tất nhiên có các yếu tố về địa chính trị, kể cả về sản xuất cung - cầu ở phạm vi toàn cầu.

img

img

NĐT: Ông có thể chia sẻ rõ hơn về phương án tái cơ cấu mà Tập đoàn kiến nghị với Thủ tướng về hai dự án Đạm Hà Bắc và Đạm Ninh Bình?

Chủ tịch Nguyễn Phú Cường: Sau khi thực hiện một loạt các giải pháp từ quản trị, tổ chức sản xuất, nội vi ngoại vi, thì với khối tài sản còn lại, chúng tôi xác định phải khôi phục sản xuất để phục vụ đất nước, không thể bỏ đi một cách lãng phí. Vì đó là tài sản Nhà nước bỏ ra.

Thủ tướng có nói rằng làm sao để tổ chức sản xuất, để phát huy nâng cao hiệu quả tài sản Nhà nước đã bỏ ra. Do đó, Tập đoàn kiến nghị 2 đề xuất.

Tái cơ cấu hiện nay, trước tiên là tái cơ cấu về các khoản vay. Tập đoàn chỉ xin là doanh nghiệp đảm bảo trả lãi của các khoản nợ đó, nhưng đề nghị được xóa khoản “lãi con, lãi cháu” - khoản lãi phạt do không hoàn thành nghĩa vụ trả nợ từ trước tới nay. Bình thường, doanh nghiệp vay với lãi suất 8%/năm, nhưng nếu không trả được nợ, thì phải chịu lãi phạt 12%, thậm chí, có khoản vay phải trả lãi tới 16%. Nhưng thực tế, những khoản lãi phạt đó từ trước tới nay, doanh nghiệp cũng không trả được.

img

Thứ hai là kéo dài thời gian trả nợ gốc cho dự án. Do những năm trước đây, sản xuất, kinh doanh kém, Nhà máy mới xây dựng xong, nên lỗ lũy kế tăng do không trả được nợ vay đầu tư, đề nghị được giãn khoản nợ vay đầu tư cho doanh nghiệp. Theo kỳ hạn, đến tháng 8/2023, doanh nghiệp phải hoàn thành nghĩa vụ trả nợ, chúng tôi đề nghị Chính phủ, ngân hàng đồng ý kéo dài sang năm 2033. Nếu được như vậy, doanh nghiệp đảm bảo hạch toán có lãi.

Còn với những phần cơ cấu bộ máy, tinh giảm bộ máy, con người, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, tiết giảm chi phí, định mức vật tư nguyên phụ liệu phụ tùng, chúng tôi đã làm từ năm 2018.

Ngay từ khi được giao đảm nhận vị trí Chủ tịch Tập đoàn, nhu cầu duy nhất của tôi với các dự án là làm cho nó tốt lên. Vì vậy, xác định nhiệm vụ là phải quyết tâm cơ cấu lại toàn bộ hệ thống bộ máy nhân sự, ai làm tốt thì tiếp tục trọng dụng, ai làm không tốt thì phải thay thế để người khác làm. Bản thân mình phải dứt khoát, kiên quyết thì cả bộ máy mới có thể đồng lòng để đi vào hoạt động lại một cách bài bản.

NĐT: Với Đạm Hà Bắc thì tôi muốn làm sâu hơn một chút vì đây là một thương hiệu lớn, có uy tín với bà con nông dân. Vậy, xin hỏi ông có kỳ vọng gì về khi Thủ tướng Chính phủ thống nhất được phương án tháo gỡ khó khăn cho Đạm Hà Bắc, về một tương lai sáng hơn cho doanh nghiệp này? Bởi đến thời điểm hiện tại, tất cả các chỉ số sản xuất, kinh doanh của Đạm Hà Bắc đều tốt, trừ chỉ số tài chính là còn khoản lỗ lũy kế lớn hơn 3.400 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu âm 685 tỷ đồng – tại thời điểm quý II/2022.

img

Chủ tịch Nguyễn Phú Cường: Nếu thực hiện tái cơ cấu, trong vòng vài năm nữa Đạm Hà Bắc sẽ hết lỗ luỹ kế, thậm chí sẽ có thể chia cổ tức. Còn riêng nguồn vốn, nếu bỏ được bỏ lãi phạt, không phải chịu lãi mẹ đẻ lãi con thì chỉ trong giai đoạn 2023-2024, tôi tin là sẽ trả hết.

Khoản nợ lớn nhất của Đạm Hà Bắc là các khoản vay trên 4.125 tỷ đồng, lãi suất 10,78%/năm từ năm 2008 và đến hạn năm 2023 tại Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB). Đối với khoản vay tại VDB, chúng tôi đã trả được 3.970 tỷ đồng (trong đó, riêng tiền lãi đã trả 1.300 tỷ đồng, trả gốc hơn 2.800 tỷ đồng, vẫn còn nợ 1.443 tỷ đồng), nhưng hiện vẫn còn khoản nợ hơn 5.100 tỷ đồng tại ngân hàng này do bị tính lãi phạt. Khoản nợ này lớn hơn cả khoản vay gốc suốt 7 năm qua. Doanh nghiệp đã có đề nghị cơ cấu lại nợ theo cách đưa lãi suất về măt bằng chung, gia hạn thời gian trả nợ thêm 8 năm và xóa “lãi con, lãi cháu” cho doanh nghiệp.

NĐT: Còn phương án cho dự án DAP số 2 Lào Cai thì sao, thưa ông?

Chủ tịch Nguyễn Phú Cường: Tương tự như Đạm Hà Bắc và Đạm Ninh Bình, Dự án DAP số 2 Lào Cai cũng vướng về cơ chế tài chính, đều vay ở thời điểm lãi suất rất cao, hợp đồng vay khắt khe lại không được điều chỉnh linh hoạt.

Với dự án này, Tập đoàn đã chọn phương án tái cơ cấu theo phương án tái cơ cấu tài chính. Theo đó, kiến nghị phía các ngân hàng cần có sự hỗ trợ giảm lãi suất, kéo dài thời gian cho vay và hủy lãi phạt do chậm nộp tiền trả cho ngân hàng để doanh nghiệp từng bước hồi phục sản xuất kinh doanh và trả nợ.

img

NĐT: Vướng mắc lớn nhất với các dự án yếu kém của ngành công thương đó là vướng mắc Hợp đồng EPC - Hợp đồng nhà thầu trọn gói đối với các dự án. Vậy xin hỏi, việc “giải thoát” được Hợp đồng EPC với doanh nghiệp khó như thế nào?

Chủ tịch Nguyễn Phú Cường: Hợp đồng EPC ở tại dự án DAP số 2 Lào Cai về cơ bản đã xử lý, sẽ giải quyết xong trong năm nay. Còn hợp đồng EPC của Đạm Ninh Bình và Đạm Hà Bắc khó hơn vì thanh tra, kiểm toán đưa ra những kết luận - mà nếu thực hiện những kết luận này thì phía nhà thầu sẽ không chấp nhận.

Cả hai dự án đều đang có sự tranh chấp giữa chủ đầu tư, nhà thầu về khối lượng, chủng loại thiết bị, áp dụng chính sách thuế… nhưng các bên liên quan vẫn chưa có sự thống nhất. Đây là những vấn đề đang còn dở dang trong hợp đồng với các nhà thầu, chưa giải quyết được. Hiện nay, các doanh nghiệp đang đàm phán và tiếp tục trao đổi với các nhà thầu.

Bản thân tôi cũng đang làm báo cáo theo hướng mà Phó Thủ tướng Lê Minh Khái chỉ đạo là vấn đề nào không vượt quá hợp đồng EPC thì sẽ cho quyết toán, còn phần lỗi của ai thì người đấy sẽ phải chịu, không để vấn đề kéo dài lâu thêm. Tôi nghĩ rằng nếu đi theo hướng đó sẽ giải quyết được vấn đề. Bởi thực tế nhà máy vẫn đang chạy ra sản phẩm, vẫn hoạt động thương mại chứ không phải là đống sắt vụn.

img

img

NĐT: Quay lại câu chuyện của các nhà máy mà ông nói rằng đó không phải là đống sắt vụn. Thủ tướng trong chuyến vi hành cũng có yêu cầu về việc đảm bảo môi trường cũng như cây xanh trong khuôn viên các nhà máy. Được biết, ông cũng mới có chuyến đi làm việc với các lãnh đạo nhà máy về vấn đề này. Ông có thể chia sẻ thêm về quan điểm chỉ đạo của Tập đoàn?

Chủ tịch Nguyễn Phú Cường: Với câu chuyện môi trường, quan điểm của tôi khi chỉ đạo các đơn vị là phải làm sao tiết giảm hết mức việc “rơi” trong quá trình sản suất. Đầu ra càng ít sản phẩm thì chắc chắn quá trình sản xuất đã để “rơi ở dọc đường” rất nhiều, mà “rơi ở dọc đường” chính là chất thải.

Như vậy có nghĩa rằng, càng ít chất thải thì sẽ càng ra nhiều sản phẩm, lợi nhuận sẽ tăng. Và đương nhiên càng nhiều chất thải thì sẽ càng ít sản phẩm, lợi nhuận sẽ giảm. Do đó, nếu nhiều chất thải trong quá trình sản xuất, thì tức doanh nghiệp đang “vứt” chính tiền của mình đi.

img

Tôi lấy đơn cử như việc sản xuất khí SO2. Khi doanh nghiệp để khí ra môi trường, khí bay lên trời, thì trước hết doanh nghiệp sẽ mất tiền thì khí ấy. Thứ hai là doanh nghiệp phải đền bù cho dân xung quanh vì ô nhiễm; tiếp đến là bị chính quyền xử phạt và cuối cùng là hình ảnh của doanh nghiệp bị ảnh hưởng.

Như vậy, nếu xả thải ra môi trường quá lớn doanh nghiệp sẽ mất 4 lần tiền chứ không phải là mất 1 lần tiền nữa. Thế nên, quan điểm của tôi trong việc làm giảm chất thải chính là bảo vệ chính doanh nghiệp đó. Bản chất công tác bảo vệ môi trường là vì chính doanh nghiệp.

NĐT: Vậy dưới góc độ là một người làm kinh doanh, ông có quan điểm thế nào về trách nhiệm của doanh nhân với xã hội, với pháp luật hiện nay?

Chủ tịch Nguyễn Phú Cường: Nói về trách nhiệm với pháp luật. Với pháp luật là phải tuân thủ. Đã là công dân thì phải chấp hành pháp luật.

Về trách nhiệm xã hội, tôi ví đây là một con thuyền lớn. Khi mình đi chung cùng một thuyền, thuyền mà đắm thì mình cũng chìm. Kinh tế sa sút, đất nước không phát triển, tiến bộ thì đương nhiên cũng chẳng có ai tốt lên.

Với ngành hoá chất, chúng tôi có sự liên kết, tương trợ với nhiều ngành khác. Đơn cử như ngành than - chúng tôi chỉ mong các doanh nghiệp khai thác than ổn định, cung cấp đủ than cho mình để yên tâm sản xuất. Mong các doanh nghiệp ngành điện, nhất là thuỷ điện có lượng nước dồi dào để bên điện lực cung cấp điện ổn định. Với người nông dân, chúng tôi hỗ trợ trong việc mua phân bón đúng chủng loại, sử dụng đúng cách hiệu quả… Cũng như trách nhiệm với môi trường, trách nhiệm với xã hội, trách nhiệm với pháp luật chính là trách nhiệm với chính doanh nghiệp.

img

img

NĐT: Như ông đã chia sẻ thì Tập đoàn Vinachem sở hữu 4 dự án yếu kém trong tổng số 12 dự án. Bản thân ông trong việc cùng Chính phủ, bộ ngành quyết tâm phục hồi một dự án dang dở gặp những khó khăn và áp lực như thế nào? Và có bao giờ ông từng nghĩ đến việc dẹp dự án yếu kém đi và xây dựng một nhà máy khác?

Chủ tịch Nguyễn Phú Cường: Chưa bao giờ tôi có ý định dẹp để kiến nghị xây một dự án khác, mà thực tế là không được phép làm điều đó. Các dự án yếu kém của ngành Công Thương đúng là đã kéo dài quá lâu, với những hậu quả nặng nề nhưng chúng ta đâu có từ bỏ.

Còn nhớ thời điểm năm 2017, trước khi tôi được giao nhiệm vụ thì Đạm Ninh Nình một năm hoạt động chỉ có 2 tháng, còn lại là đắp chiếu. Bản thân tôi cùng các anh em đều phải quyết tâm làm, dần dần nhà máy hoạt động lên công suất 80-90%. Đã gọi là nhà máy thì phải có người ra, người vào, ống khói phải trắng. Nhà máy mà đóng cửa im lìm như nghĩa địa thì không ai gọi là nhà máy.

Quá khứ mình không quên, nhưng mình khép lại, còn nhiệm vụ của mình là vận hành lại hệ thống cũng như bộ máy.

img

NĐT: Như vậy thì khó khăn và áp lực phải rất lớn?

Chủ tịch Nguyễn Phú Cường: (Cười). Làm gì mà chẳng có áp lực, làm gì mà chẳng có khó khăn. Quan trọng là cách mình đối mặt với nó thế nào, ứng xử với nó ra làm sao.

Công việc đột xuất, định kỳ có, áp lực có. Nhưng thử nghĩ, một ngày đi làm mà không còn áp lực thì tự ắt vai trò bản thân đi xuống. Áp lực là gì? Áp lực tức là công việc cần mình, hết áp lực là khi công việc không còn cần mình nữa. Còn áp lực là bản thân còn giá trị với tập thể, còn cảm thấy hạnh phúc. Và nếu quỹ thời gian không đủ để làm nhiều việc, tức là nhiều thứ, nhiều công việc cần đến mình.

NĐT: Xin cảm ơn ông đã dành thời gian để chia sẻ!

img

“Để đưa ra quyết định đưa 5 dự án yếu kém ra khỏi diện theo dõi của Ban Chỉ đạo, phải tính toán rất kỹ. Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, Bộ Công Thương, Chính phủ bàn đi bàn lại, xoay lên xoay xuống rất nhuyễn vấn đề, bám sát chỉ đạo của Bộ Chính trị.

Cả 5 dự án được đưa ra đều xử lý các vướng mắc cho doanh nghiệp theo hướng bám sát thị trường, tôn trọng pháp nhân doanh nghiệp chứ không can thiệp thô bạo.

Các dự án được xét trên, dưới, xuôi, ngược vẫn theo tôn chỉ hiệu quả thu về, phân loại từng dự án, nhóm dự án. Đặc biệt với những dự án có khả năng phục hồi, nhìn thấy triển vọng hiệu quả và ổn định, sẽ được tập trung xử lý sớm…”, ông Hồ Sỹ Hùng - Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp nhìn nhận.

img

NGUOIDUATIN.VN |